Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong tham gia giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có những quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để đảm bảo các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt trong hệ thống pháp luật về Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, hôn nhân và gia đình, trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ, trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Đó là cơ sở, căn cứ để các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo cho phụ nữ, trẻ em được an toàn, phát triển toàn diện.
Tại tỉnh Bắc Giang, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong đó có phụ nữ và trẻ em. Trên cơ sở đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã và đang chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Qua theo dõi, nắm bắt thực tiễn của các cấp Hội toàn tỉnh, từ năm 2016 – nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 343 vụ việc phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích... những vụ việc đó để lại hậu quả nặng nề cho gia đình, người thân và gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận xã hội. Trước thực trạng trên, với mục tiêu “Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời” theo tinh thần chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ chủ động tổ chức các hoạt động “phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp bảo vệ phụ nữ, trẻ em”. Cụ thể: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, con em và gia đình để chủ động phòng tránh các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích... cho cán bộ, hội viên phụ nữ; thường xuyên rà soát đối tượng phụ nữ, trẻ em nghèo, tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ, động viên thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ tết… quan tâm nắm bắt, báo cáo, phối hợp giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em xảy ra tại địa phương theo đúng quy trình hướng dẫn giải quyết vụ việc (tiếp nhận thông tin; phân tích vụ việc; trao đổi, phối hợp với cơ quan thẩm quyền; lên tiếng báo chí khi cần thiết, tư vấn, hỗ trợ trong từng vụ việc và theo dõi, giám sát giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng); duy và xây dựng mới các mô hình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em...
Đặc biệt từ năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ trì phối hợp triển khai thực hiện, các cấp Hội đã chủ động ký kết, triển khai nhiều hoạt động thực hiện đề án như: phối hợp với ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Giáo dục - Đào tạo về tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở, truyên truyền kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ em; phối hợp với ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân về quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội, và bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác chăm lo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Kết quả trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức gần 6 ngàn cuộc sinh hoạt, tập huấn, truyền thông, hội nghị tọa đàm, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... cho trên bốn trăm ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và học sinh tham dự tại cơ sở, trường học. Biên soạn, phát hành, chuyển trên 60 nghìn cuốn tài liệu xuống cơ sở phục vụ công tác tuyên truyền. Phối hợp với các cơ quan tông tấn, báo chí xây dựng hàng trăm phóng sự, tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Hội. Vận động ủng hộ 24,2 tỷ đồng hỗ trợ hàng ngàn gia đình phụ nữ, trẻ em nghèo, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức giám sát việc thực thi các chính sách pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em của chính quyền địa phương như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Luật Trẻ em, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em, qua đó kiến nghị các ý kiến có liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện văn bản, chính sách tại địa phương được tốt hơn. Chủ động đề xuất người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại, tiếp xúc cử tri chuyên đề với phụ nữ, trong đó đề xuất nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa phương để các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng chỉ đạo giải quyết kịp thời. Rà soát phát hiện, đề xuất Sở tư pháp chỉ đạo giải quyết đăng ký khai sinh cho 32/44 trẻ em được khai sinh theo quy định (do trẻ em có bố mẹ đang sinh sống ở nước ngoài, mẹ sinh con với người nước ngoài mà không có kết hôn, bố mẹ là người Việt Nam nhưng chưa đăng ký kết hôn...). Tiếp nhận, tư vấn và phối hợp giải quyết 145 đơn thư liên quan quyền lợi hội viên phụ nữ; phối hợp hoà giải 1.198 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm. Tham gia tích cực với tư cách là thành viên thuộc 234 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nắm bắt thông tin, thăm hỏi động viên chia sẻ, hỗ trợ 343/343 phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, trong đó có ý kiến kiến nghị với cơ quan chức năng và theo dõi giám sát kết quả giải quyết của 149 vụ việc để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em. Thông qua các hoạt động đó đã từng bước phát huy vai trò chủ động của các cấp Hội trong công tác hỗ trợ, tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ sẽ tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tăng cường tuyên truyền, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm và cùng nhau hành động vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Biên tập, phát hành tài liệu tuyên truyền những kiến thức về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, báo viên, tuyên truyền viên của Hội các kiến thức, kỹ năng tham gia giải quyết các vụ việc có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Kịp thời nắm bắt, phát hiện các vụ việc các hành vi xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em; tổ chức thăm hỏi, động viên và tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp cần thiết; có ý kiến kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.
Thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân và Hội LHPN tỉnh Bắc Giang trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2019 – 2022.
Đc Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Chủ tịch- Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam); Đc Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; đc Dương Thị Lợi - Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang thăm, tặng quà cho trẻ được bảo vệ quyền lợi tại huyện Yên Dũng
Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang