HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH BẮC GIANG 90 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Phụ nữ phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng là những chiến sỹ kiên cường chống giặc ngoại xâm; là người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; là người nghệ sĩ giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là những người bà, người mẹ, người vợ, người chị dịu hiền, đảm đang, trung hậu, người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH BẮC GIANG

90 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

-----

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Phụ nữ phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng là những chiến sỹ kiên cường chống giặc ngoại xâm; là người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; là người nghệ sĩ giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là những người bà, người mẹ, người vợ, người chị dịu hiền, đảm đang, trung hậu, người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức bóc lột, chịu nhiều bất công nên khao khát được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những năm đầu chống pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo trong phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du. Có nhiều chị tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng, như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Thập,... tên tuổi các chị đã đi vào lịch sử của dân tộc như những chiến công chói lọi.

Ngày 03/02/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã ghi “Nam nữ bình quyền”, Đảng đã sớm nhận rõ Phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ “Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải gắn liền với giải phóng phụ nữ”, đồng thời, đặt ra nhiệm vụ đối với phụ nữ “Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng như Công Hội, Nông Hội và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng”. Ngày 20/10/1930 - Tổ chức Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Hội đã nhiều lần đổi tên “Hội Phụ nữ giải phóng”, “Hội phụ nữ phản đế”, “Đoàn phụ nữ cứu quốc” và ngày nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý, Bác Hồ kính yêu đã khen tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.

Cùng với sự trưởng thành của Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Bắc Giang đã có những cống hiến to lớn làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước. Ngay khi Đảng bộ Bắc Giang được thành lập, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã có mặt dưới ngọn cờ tranh đấu của Đảng. Qua từng thời kỳ tổ chức Hội đã có thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau: Hội phụ nữ dân chủ, Tổ phụ nữ phản đế, Tổ phụ nữ kiên trung để phù hợp với sách lược cách mạng. Tháng 9/1945, Hội phụ nữ Cứu quốc Bắc Giang họp hội nghị ở làng Kế, xã Dĩnh Kế, Lạng Giang (nay thuộc thành phố Bắc Giang) đã bầu Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh. Cũng thời gian này ở các huyện cũng tiến hành thành lập các Ban chấp hành lâm thời Phụ nữ Cứu quốc huyện và chỉ định các đồng chí bí thư. Ngày 20/10/1947, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang được thành lập. Cùng với Hội phụ nữ Cứu quốc, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã vận động chị em phụ nữ tham gia kháng chiến, kiến quốc. Từ năm 1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang một giai đoạn mới. Để phù hợp với giai đoạn mới, Đảng có chủ trương thống nhất các lực lượng kháng chiến thành một khối. Từ ngày 14-19/4/1950, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, đã hợp nhất Đoàn Phụ nữ Cứu quốc vào Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Ở Bắc Giang, đến tháng 8/1950 việc hợp nhất Phụ nữ Cứu quốc vào Hội liên hiệp phụ nữ cơ bản làm xong trong toàn tỉnh. Từ đó đến nay, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã trải qua XV kỳ Đại hội. Suốt chặng đường lịch sử ấy, Hội đã tập hợp đoàn kết đông đảo các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, phấn đấu kiên cường đem tài năng- trí tuệ, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng, luôn xứng đáng là lực lượng hùng hậu của Đảng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền vận động phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua “Lọ gạo kháng chiến”, “Đống rơm bộ đội”, “chum tương bộ đội”, “Luống rau bộ đội”, “ao cá bộ đội”, “Phụ nữ Bắc Giang học cày bừa thay thế chồng con đi bộ đội”, “Tự túc ăn mặc”, “Phong trào diệt dốt, phong trào xây dựng nếp sống mới”, “sạch làng tốt ruộng”, “ăn uống chín sôi”, “bốn diệt” (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt chấy rận), “ba sạch” (ăn sạch, ở sạch, uống sạch)... đặc biệt các tổ chức “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội giúp thương binh”, phong trào đỡ đầu bộ đội đã thu hút hàng vạn bà mẹ ham gia. Những cống hiến to lớn của lực lượng phụ nữ góp phần xây dựng Bắc Giang là hậu phương vững chắc cùng dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước, Hội LHPN đã phát động phụ nữ toàn tỉnh hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua“5 tốt”[1], phong trào “Ba đảm đang”[2],Hội mẹ vá áo chiến sĩ”,... Trên các mặt trận sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật... ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào, bất kỳ ở một cơ sở sản xuất nào, các công trường, lâm trường, xí nghiệp, nhà máy, bệnh viện hay trường học nào cũng có vai trò đóng góp xứng đáng của phụ nữ, tiêu biểu như Nguyễn Thị Song ở hợp tác xã Trung Hòa (Hiệp Hòa) đã vượt qua khó khăn trở ngại, phấn đấu trở thành anh hùng lao động nông nghiệp để chị em học tập. Trên trận tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng nữ dân quân tự vệ ngày càng phát triển và trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng; chị em đã tham gia tuần tra canh gác, xây dựng và củng cố trận địa, tiếp đạn, tiếp phẩm, cứu chữa thương binh, phá bom gỡ mìn, giúp đỡ chăm sóc bộ đội hành quân qua làng; đã có hàng nghìn bà mẹ không quản tuổi cao sức yếu vẫn thức khuya, dậy sớm cặm cụi vá hàng vạn bộ quần áo cho bộ đội. Hình ảnh các bà mẹ vá áo cho bộ đội, đã được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý thể hiện qua bài hát nổi tiếng“Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”. Không chỉ đánh giặc giỏi, sản xuất giỏi, phụ nữ Bắc Giang còn đảm đang trong gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan và tích cực lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội. Nhiều hoạt động của Hội mẹ chiến sỹ nhận đỡ đầu gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình bộ đội neo đơn, chăm sóc phần mộ liệt sỹ,... đã được đông đảo các mẹ, các chị tích cực tham gia và đóng góp không nhỏ trong phong trào “toàn tỉnh ra quân, toàn dân ra trận” và thực hiện tốt khẩu hiệu “thóc đủ cân, quân đủ số”. Đảng và Nhà nước đã đánh giá cao sự hy sinh của các bà mẹ, đã phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.376 bà mẹ tỉnh Bắc Giang. Hội LHPN tỉnh vinh dự được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng cờ “Ba đảm đang” và Ban chỉ huy sư đoàn phòng không, không quân tặng bức trướng “Hội mẹ chiến sỹ vẻ vang”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bức trướng ghi 10 chữ vàng “Phụ nữ Hà Bắc anh hùng, trung hậu, đảm đang”.

Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Hội LHPN tỉnh đã phát động, triển khai rộng rãi trong các tầng lớp phụ nữ thực hiện Hai nhiệm vụ chiến lược là Thi đua lao động sản xuất và đẩy mạnh Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 1976-1986. Thực hiện kế hoạch trong từng giai đoạn, chị em phụ nữ đã sôi nổi thi đua lao động sản xuất giỏi, công tác tốt, như: phong trào cấy “Ba đảm bảo”, “Mỗi người nuôi 5 con gà, mỗi nhà nuôi 2-3 con lợn”, góp phần đưa sản lượng thóc từ 255.862 tấn (năm 1976) lên 269.003 tấn (năm 1980); tổng đàn lợn từ 370.000 con (năm 1976) lên 410.000 con (năm 1979); phong trào thi đua “Hai tốt” của phụ nữ ngành giáo dục, “Lương y như từ mẫu” của phụ nữ ngành y tế, phong trào “Bốn tốt” của phụ nữ ngành thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông,… đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người, chăm sóc sức khỏe và phục vụ nhân dân. Hưởng ứng phong trào tiết kiệm do tỉnh phát động với khẩu hiệu “Mỗi tổ phụ nữ là một tổ tiết kiệm”, chị em toàn tỉnh xây dựng 27.000 lọ gạo tiết kiệm trong gia đình, mua Công trái xây dựng Tổ quốc trên 11 triệu đồng, 28.950 kg thóc và 8 con trâu; vận động chị em đẩy mạnh phong trào trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa thu hút 6.089 chị em tham gia bán cho nhà nước 11 tấn tơ hoàn thành 100% kế hoạch năm 1983.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội bám sát nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gắn với thực hiện hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” và 5 chương trình trọng tâm của Hội đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 1988, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, toàn tỉnh, có 18 vạn chị em đạt tiêu chuẩn “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong đó có 320 chị đạt thành tích 10 năm liền; có 371 chị đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”; 121 cô nuôi dạy trẻ giỏi; 44 chị đạt danh hiệu “Người thầy thuốc giỏi”; 205 chị đạt danh hiệu “Người mậu dịch viên giỏi”; 328 chị có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho Nhà nước hàng triệu đồng, 108 chị đạt kiện tướng thợ giỏi, 381 chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đặc biệt có hai chị đạt liên tục từ 10-15 năm liền, 28 tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Năm 1996 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai cho phong trào phụ nữ tỉnh, hai Huân chương Lao động hạng Ba cho phong trào phụ nữ huyện Tân Yên và Việt Yên, một Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Trung ương Hội tặng 528 Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, 09 Bằng khen cho các chị Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh hội, 03 cờ cho phong trào phụ nữ tỉnh, 1 huyện và 1 xã; 77 Bằng khen cho huyện và xã. Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 01cờ, 20 Bằng khen cho phong trào phụ nữ tỉnh. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Cờ cho 03 tập thể, 77 Bằng khen cho 48 tập thể và 29 cá nhân.

Thời kỳ tái lập tỉnh, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 1997- 2010): Ngày 01/01/1997, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang được tái lập (tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) và chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới (với 09 huyện, 01 thị Hội, 220 cơ sở Hội, 3.520 tổ phụ nữ, 248.017 hội viên phụ nữ (chiếm tỷ lệ 57,8% tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên). Thực hiện chủ trương “Kỷ cương, nề nếp, chất lượng, hiệu quả” và phương châm “Hướng về cơ sở”, nhiều phong trào, mô hình mới được triển khai, huy động đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng tích cực như Phong trào“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”,“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Xây dựng gia đình 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “3 xây, 3 chống”, “Sạch làng, tốt ruộng”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng cánh đồng có thu nhập cao, phối hợp chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi,… tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2000, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua trong thời kỳ đổi mới 1989-2000, phong trào phụ nữ tỉnh được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua, 18 cá nhân và 09 tập thể được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, 95 tập thể và cá nhân được Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen. Đây là Đại hội thi đua lần đầu tiên ở cấp tỉnh, đánh dấu một bước trưởng thành của phong trào phụ nữ. 5 năm liền từ 2001-2006, phong trào phụ nữ tỉnh liên tục được Trung ương Hội đánh giá là phong trào loại 1 và được tặng Cờ thi đua xuất sắc; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2009. Từ 2001- 2011, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng 37 Cờ thi đua xuất sắc, 573 Bằng khen cho tập thể và cá nhân; có 1.624 đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền và cán bộ hội phụ nữ các cấp được Trung ương Hội tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ” và Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam”.

Đặc biệt từ năm 2011- nay, kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong chặng đường 80 năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh nhà đã và đang tích cực đẩy mạnh Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” lên một tầm cao mới, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hai cuộc vận động Rèn luyện phẩm chất đạo đức Phụ nữ “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”, Xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”, "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", "Hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em", các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện được chú trọng, trong đó quan tâm giáo dục truyền thống, các kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con, bình đẳng giới, phòng chống TNXH, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" gắn với thực hiện 5 Chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên phụ nữ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền luôn được đổi mới theo hướng đa dạng, hấp dẫn thông qua tập huấn, truyền thông, sinh hoạt chuyên đề sâu đến 100% chi hội, tổ phụ nữ, phát hành tài liệu, tuyên truyền trên trang Web, loa truyền thanh cơ sở, các cơ quan thông tin đại chúng, mạng xã hội zalo, facebook… góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Nhiều phong trào, hoạt động, việc làm tử tế, thiết thực vì phụ nữ, trẻ em được phát động, triển khai đồng loạt, tạo sức lan tỏa lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân như: “Biến rác thành bò”, “Sách mới cho em”, “Chăn ấm mùa đông”, “Quạt mát mùa hè”, “Tặng lợn nái sinh sản”, “hũ gạo tiết kiệm”, “lợn nhựa tiết kiệm”, “vườn rau sạch tiết kiệm”, “thu gom bán rác thải tái chế tiết kiệm”, xây dựng “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ, trẻ em nghèo”, Tuần lễ vàng, tấm lòng vàng, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhà mái ấm tình thương, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện… trung bình mỗi năm thu được hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, tàn tật, động viên, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, gia đình chính sách...

Thiết thực góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các cấp Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và “Chống rác thải nhựa”. Chỉ đạo 100% cơ sở Hội lựa chọn, đăng ký thực hiện hiệu quả 883 công trình/hoạt động/phần việc thiết thực, phù hợp góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới như trồng và chăm sóc con đường hoa, con đường phụ nữ tự quản, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động phụ nữ hiến hàng ngàn m2 đất làm đường giao thông nông thôn; vận động 99,5% hội viên phụ nữ tham gia BHYT, 79% hộ gia đình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; hằng năm trên 80% gia đình hội viên phụ nữ đạt “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với gia đình văn hóa. Năm 2020, thực hiện Đợt thi đua đặc biệt "90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em", các cấp Hội đã đăng ký và tập trung các nguồn lực hoàn thành 745/745 hành động thiết thực, trong đó xây dựng 182 con đường "Sáng - Xanh - Sạch, đẹp - An toàn", tổ chức nhiều hoạt động thiết thực "Chung tay phòng, chống dịch Covid - 19" với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo được đẩy mạnh thông qua tăng cường kết nối với các ngân hàng tín chấp, nhận ủy thác vay vốn từ 1.500 - 2.500 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh; vận động phụ nữ phát huy nội lực, đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau trong sản xuất - đời sống, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, xây dựng các mô hình phụ nữ phát triển tham gia kinh tế như HTX, tổ liên kết…. Trung bình mỗi năm có 80% hội viên nghèo được Hội giúp đỡ về giống, vốn, kiến thức...; trên 30.000 lao động nữ nông thôn được tham dự các lớp bồi dưỡng nghề; từ 1.000 - 1.400 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, trong đó từ 600 đến 1.000 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững; 610 phụ nữ nghèo được Hội hỗ trợ xây nhà Mái ấm tình thương. Từ năm 2017 đến nay đã vận động các nguồn lực hỗ trợ 838 phụ nữ khởi nghiệp thành công. Các hoạt động trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 19,6% năm 2010 xuống còn 5,01% năm 2019.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai thực hiện rõ nét thông qua việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đời sống, việc làm của hội viên phụ nữ để phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ kịp thời; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay đã đề xuất, phối hợp tổ chức 261 diễn đàn đối thoại giữa phụ nữ với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; phản biện, góp ý đối với gần 3.000 dự thảo văn bản; tổ chức giám sát sâu 10 chính sách và đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành 26 cơ chế/chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em; nắm bắt nhanh, theo dõi, vào cuộc can thiệp, động viên thăm hỏi, hỗ trợ 299/299 vụ việc phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, rủi ro.... Qua đó, phát huy được vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được quan tâm đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Với phương châm Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội đã phân công cán bộ sâu sát, hướng dẫn cơ sở, thường xuyên nắm bắt nhu cầu và xây dựng nhiều loại hình tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt, hưởng ứng hoạt động của Hội; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động Hội; phát huy sự chủ động, sáng tạo của cán bộ, hội viên phụ nữ; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động và đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, xây dựng cơ sở/chi hội vững mạnh toàn diện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết hoạt động và biểu dương, tuyên truyền, nhân diện các điển hình tiên tiến. Đến nay, toàn tỉnh có 233 cơ sở Hội, 2.132 chi hội phụ nữ; tập hợp 79,6% phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội; 100% cán bộ hội chủ chốt cấp tỉnh, huyện, 99% chủ tịch, 81% phó chủ tịch Hội LHPN xã/phường/thị trấn đạt chuẩn chức danh theo quy định, trong đó 86% chủ tịch có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 100% cơ sở có máy tính riêng làm việc. Hằng năm, 10/10 huyện, thành Hội, 02 đơn vị đều đạt xuất sắc; 100% cơ sở xếp loại vững mạnh, khá (trong đó 20 cơ sở, 534 chi hội đạt vững mạnh toàn diện); Hội LHPN tỉnh 7 năm liền được Trung ương Hội tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Quan tâm làm tốt công tác tham mưu, đề xuất; chủ động tổ chức rà soát, tham mưu, giới thiệu nhân sự nữ vào quy hoạch, tham gia cơ cấu cấp ủy, HĐND, UBND, cán bộ chủ chốt các cấp; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp. Đến nay, đã có 4.431 hội viên nữ nông nghiệp - đường phố được kết nạp Đảng; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XIV của tỉnh đạt 62,5% (tăng 37,5% so với khóa XIII); tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 18,88% (tăng 2,35% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020). Toàn tỉnh có trên 40 cán bộ nữ là lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, trong đó 03 đồng chí là ủy viên BTV, lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Lực lượng cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo và quản lý, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của phụ nữ trong quản lý xã hội.

Những cống hiến to lớn của phụ nữ Bắc Giang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng, nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương lao động hạng Nhất, nhì, ba; 2 Huân chương độc lập hạng nhì, ba; nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Những phần thưởng cao quy đó đã khẳng định những cống hiến to lớn của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh trong công cuộc đổi mới.

Phát huy truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển, với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang sẽ quyết tâm đổi mới, ra sức thi đua, đồng sức, đồng lòng, thực hiện tốt công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng phát triển bền vững; xứng đáng với niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”./.

 

[1] Đoàn kết và tiết kiệm tốt; học tập chính trị, văn hóa, khoa học và lao động sản xuất tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; xây dựng gia đình và nuôi dạy con tốt

[2] Đảm đang sản xuất và công tác; Đảm đang gia đình; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu

Ngụy Thị Tuyến Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

 

User Online: 19,191
Total visited in day: 789
Total visited in Week: 788
Total visited in month: 87,090
Total visited in year: 456,549
Total visited: 1,427,621