Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1927 - 2010

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1927 - 2010

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN NĂM 2000:

     1. Dương Thị Lợi: Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang- Trưởng ban

2.     Nguyễn Thị Bắc: Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

3.     Hoàng Thị Nguyễn: Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

4.     Nguyễn Thị Mến: Uỷ viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

5.     Nguyễn Thị Phú: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

6.     Vũ Thị Hương: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

BAN BIÊN SOẠN NĂM 2000

1. Trần Văn Đức: Trưởng phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

2. Phạm Nguyên Tần: Chuyên viên phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

3. Vũ Thị Hương: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

4. Nguyễn Thị Phú: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN, BIÊN TẬP NĂM 2010:

1.     Lâm Thị Hương Thành: Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang- Trưởng ban

2.     Nguyễn Thị Bắc: Nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

3.     Đỗ Thị Lệ: Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

4.     Nguyễn Thị Liên: Uỷ viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

5.     Nguyễn Thị Mến: Uỷ viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

6.     Vũ Thị Hương: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

7.     Vũ Thị An: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

8.     Lê Thị Xuân Vĩnh: Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

BAN BIÊN SOẠN NĂM 2010

1. Ngô Văn Cường: Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

2. Phạm Nguyên Tần: nguyên Chuyên viên phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

 

          “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ...

          Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”

          (Trích: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.1952).

 

Lời giới thiệu

      Phụ nữ Bắc Giang có truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất; kiên cường, dũng cảm, tài trí trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Truyền thống đó càng được phát huy rạng ngời và toả sáng kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

          Để phát huy truyền thống của phụ nữ Bắc Giang trong giai đọan mới, cùng thể theo nguyện vọng đông đảo cán bộ, hội viên, chị em phụ nữ trong tỉnh và bạn đọc. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2010) Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bắc Giang biên soạn, biên tập, tái bản bổ sung cuốn sách Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang (1927-2010).

Cuốn sách bao gồm 6 chương, với hơn … trang đã khái quát lịch sử các phong trào của Hội, qua đó biểu dương, ghi nhận những đóng góp của các thế hệ hội viên phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh. Cuốn sách là tài liệu để giáo dục các thế hệ phụ nữ ngày nay tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, phấn đấu, rèn luyện cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội, năm 2000, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã biên soạn và xuất bản cuốn Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang.

Quá trình biên soạn, bổ sung tái bản cuốn sách chúng tôi đã được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Hội các thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, các cơ quan có liên quan, các bác, các chị đã cung cấp nhiều  tư liệu quý báu, giúp đỡ chúng tôi  để hoàn thành cuốn sách.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang (1927-2010) đến bạn đọc. Trong quá trình biên soạn, biên tập, bổ sung tái bản, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm tài liệu song không tránh khỏi thiếu sót hạn chế; rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để lần tái bản sau cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn.

                                                            Bắc Giang ngày 20/10/2010

Ban Thường vụ Hội LHPN  tỉnh Bắc Gian

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN NĂM 2000

Dương Thị Lợi – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang – Trưởng ban

Nguyễn Thị Bắc – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

Hoàng Thị Nguyễn – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

Nguyễn Thị Mến – Uỷ viên BTV Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

Nguyễn Thị Phú – Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

Vũ Thị Hương – Uỷ viên BCH Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN NĂM 2010:

BAN BIÊN SOẠN NĂM 2000

Phạm Nguyên Tần

Trần Văn Đức

Vũ Thị Hương

Nguyễn Thị Phú

BAN BIÊN SOẠN, BIÊN TẬP NĂM 2010:

 

CHƯƠNG MỞ ĐẦU

KHÁI QUÁT VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ TRUYỀN THỐNG

Bắc Giang là một vùng đất cổ, được hình thành sớm, có truyền thống lịch sử gắn bó lâu đời với cả dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Trải qua thời gian, vùng đất Bắc Giang lần lượt có các tên gọi: bộ Vũ Ninh (thời Hùng Vương); lộ Bắc Giang (thời Lý, Trần); thừa tuyên Bắc Giang, trấn Kinh Bắc (thời Hậu Lê); trấn Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (thời Nguyễn).

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau một quá trình bình định xong, ngày 10 tháng 10 năm 1895, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang bao gồm hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang và 6 huyện là Kim Anh, Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Việt Yên, Hiệp Hoà, Yên Thế. Tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang đặt tại Phủ Lạng Thương. Ngày 8 tháng 1 năm 1896, thực dân Pháp cắt phủ Đa Phúc và huyện Kim Anh khỏi tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang từ khi thành lập đến nay đã tròn 115 năm.

Ngày 27-10-1962, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định  sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc.

Ngày 6-11-1996, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông – Bắc Tổ quốc, có diện tích 3.822 km2, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Nam và Tây- Nam giáp tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh.

Bắc Giang có vị trí địa lý khá độc đáo, nằm ở giữa vùng núi và đồng bằng, nên địa lý tự nhiên của Bắc Giang phong phú và đa dạng, chia thành 2 vùng: rừng núi và trung du. Bắc Giang có 3 con sông lớn chảy qua là sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương và hàng chục con ngòi, suối lớn nhỏ.

Giao thông Bắc Giang dưới thời Pháp thuộc đã tương đối phát triển. Quốc lộ 1A, đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan chạy qua Bắc Giang. Tỉnh lỵ Phủ Lạng Thương đã trở thành trung tâm buôn bán, một đầu mối giao thông thuỷ bộ nối Bắc Giang với các tỉnh miền núi, với thủ đô Hà Nội, với cảng Hải Phòng, với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và với cả nước. Hiện nay, Bắc Giang đã phát triển thêm nhiều đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã.

Nguồn tài nguyên Bắc Giang tương đối phong phú, đa dạng với hơn 20 loại khoáng sản gồm than, đồng, vàng, sắt, chì, kẽm, thuỷ ngân...

Khí hậu Bắc Giang cũng mang những đặc trưng chuyển tiếp, vừa có tính nhiệt đới nóng ẩm, vừa có tính chất á nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1500 – 1700 mm. Do địa hình chi phối, những đợt gió mùa Đông Bắc giá lạnh theo dọc các cánh núi tràn xuống, nên nhiệt độ xuống khá thấp vào các tháng 12 và tháng 1, còn mùa hạ nắng gắt, mưa nhiều, nhất là vào các tháng 6, 7, 8.

Thảm thực vật phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh có 82.226 ha rừng tập trung ở các huyện miền núi với 60 họ cây và gần 200 giống. Tuy nhiên, diện tích rừng hiện nay đã bị giảm sút nhiều do việc khai thác không hợp lý.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Bắc Giang đã được coi là “phên dậu” (lời Nguyễn Trãi), là một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước. Vị trí địa lý đó đã tạo nên những truyền thống quý báu, những nét độc đáo về kinh tế, xã hội cũng như tính cách, đặc điểm con người Bắc Giang trong đó có phụ nữ.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số tỉnh Bắc Giang có 1.555.720 người, gồm 26 dân tộc, trong đó có người Kinh đông nhất, khoảng 88,53%. Các dân tộc thiểu số có Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Hoa, Dao có số dân trên 1.000 người và 19 dân tộc khác có số dân dưới 1.000 người. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá và phong tục tập quán riêng, có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, không chịu khuất phục trước thiên tai, địch hoạ, bất công xã hội, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới.

Bắc Giang là một trong những nơi sinh tụ và phát triển của dân tộc Việt Nam. Ở nhiều địa điểm trong tỉnh, đã tìm thấy những công cụ của thời đại đá cũ, thời đá mới, thời đại kim khí thuộc các thời đại văn hoá Gò Mun, Phùng Nguyên, Đông Sơn.

Từ nền kinh tế hái lượm, săn bắt, người Việt cổ Bắc Giang đã dần dần định cư ven sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam lấy chăn nuôi và trồng lúa nước làm nguồn sống chính, họ đã góp phần xây dựng nên nền văn minh nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng rực rỡ.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ các dân tộc Bắc Giang từ thế hệ này đến thế hệ khác đã vun đắp cho mình truyền thống cao đẹp: cần cù, thông minh trong lao động sản xuất; anh dũng, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm; tần tảo, đảm đang, trụ cột trong gia đình.

Là lực lượng lao động chủ lực của xã hội, xưa cũng như nay, phụ nữ Bắc Giang bao giờ cũng là một lực lượng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Từ làm đất đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch... đều có mồ hôi, công sức, bàn tay của người phụ nữ. Những sản phẩm nổi tiếng:

“Hành Nga Trại, cải Tiếu Mai”

“Dứa Sàn, mật Chũ”

“Mít làng Nghè, chè Mai Sưu”(1)...

          Bên cạnh nghề nông là nghề thủ công với những làng nghề nổi tiếng lâu đời như rượu làng Vân, gốm Thổ Hà, bánh đa Kế, mì Chũ, bún Đa Mai... mà lực lượng chính sản xuất ra những sản phẩm này phần lớn là phụ nữ.

          Với vị trí quan trọng của người phụ nữ trong sản xuất thủ công, nên xưa kia đã có câu ca dao:

Trời mưa cho ướt lá cà

Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân(2)

   

(1), (2). Nga Trại, Tiếu Mai, Sàn, Chũ, Nghè, Mai Sưu, Vạn Vân là những địa danh thuộc các huyện Hiệp Hoà, Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên.

Nằm ở phía Bắc kinh đô Thăng Long trên trục đường thiên lý (Quốc lộ 1A ngày nay), Bắc Giang là phòng tuyến, là chiến trường của các trận quyết chiến chiến lược của quân dân nước ta chống lại những cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc. Trong các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, lớp lớp các thế hệ phụ nữ Bắc Giang luôn nêu cao truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Tháng 3 năm 40, Hai Bà Trưng chiêu mộ quân lính, phất cờ khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Hán. Trong số những tướng lĩnh dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có nữ tướng Thánh Thiên. Thánh Thiên xây dựng căn cứ ở Ngọc Lâm (xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng ngày nay) chống lại Thái thú Tô Định. Thần tích làng Ngọc Lâm cho biết: “Thánh Thiên chiêu quân kén tướng, ra sức thao luyện kinh luân, chẳng bao lâu danh tiếng một phương”.

Dưới cờ Hai Bà Trưng, nhân dân ta đã đánh đuổi bọn xâm lược nhà Hán ra khỏi bờ cõi, lập nên một nhà nước độc lập – nhà nước Mê Linh. Mùa hè năm 43, nhà Hán sai tướng Mã Viện mang quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng và kinh nghiệm chiến đấu nghiêng hẳn về quân địch, sau những trận thua liên tiếp, Hai Bà Trưng đã nhảy xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Thánh Thiên cũng trở về tuẫn tiết tại bến Ngọc (thuộc sông Như Thiết), làng Ngọc Lâm ngày nay. Người đời sau đã làm đôi câu đối ở đền thờ bà:

Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương gươm báu trăng lồng còn lấp lánh.

Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán, cành hoa bến ngọc, vòng tay thơm nức vẫn đâu đây”.

Ngoài Thánh Thiên, thần tích xã Lý Cốt (Tân Yên) còn ghi: năm 40, bà Dương Thị Giá người ở đây đã nổi lên tập hợp những người yêu nước phất cờ khởi nghĩa chống Tô Định. Đoàn nữ binh từ rừng núi tiến về Mê Linh nhập vào hàng ngũ nghĩa quân Hai Bà Trưng. Dương Thị Giá được phong làm tướng. Bà đã cầm quân đánh nhiều trận, lập nhiều chiến công. Trong một trận quyết chiến, bà đã bị thương nhưng vẫn một mình một ngựa phá vòng vây, về đến núi Đót, sát quê nhà mới chịu ngã xuống. Bà được nhân dân trong vùng tôn làm thần, lập đền thờ trên núi Đót. Bà Dương Thị Giá còn được truyền thuyết gọi là nàng Giã Đại Thần. Ngày giỗ nàng Giã Đại Thần là ngày 8 tháng 4 âm lịch được tổ chức rất uy nghiêm trọng thể, đặc biệt có tục cấm đồng, cấm lửa để tưởng niệm bà. Ngày ấy, người dân làng Trám, Luông, Lý Cốt, Phẩm, Giàng không ai ra đồng, không ai đốt lửa, mọi đồ lễ vật, đồ ăn đều sắm sửa, chuẩn bị từ hôm trước:

Trám, Luông, Lý Cốt, Phẩm, Giàng(1)

Tháng 4 mồng 8 giỗ nàng Giá Tiên

Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống thế kỷ XI, phụ nữ các làng ven sông Cầu đã góp công góp sức xây dựng phòng tuyến sông Cầu ngăn chặn địch, cung cấp lương thực cho quân đội triều đình, tham gia đánh giặc, góp phần cùng quân và dân cả nước phá tan âm mưu xâm lược nước ta của nhà Tống.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, hai cô gái Bảo Nương, Ngọc Nương đã dùng kế mỹ nhân nhử một toán quân Nguyên lên thuyền chở ra giữa sông Thương rồi đánh đắm thuyền, nhấn chìm cả lũ tướng giặc. Hai cô gái đã anh dũng hy sinh.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi – Nguyễn Trãi đã đánh bại quân Minh, một bộ phận còn lại phải rút vào cố thủ trong thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) và một số thành trì khác, trong đó có thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang ngày nay) chờ viện binh sang giải vây. Để hạ thành, tướng nghĩa quân Lam Sơn là Trần Nguyên Hãn đã dùng kế nghi binh. Một lực lượng lớn phụ nữ các làng xung quanh thành đã được huy động phục vụ cho trận đánh này. Phụ nữ các làng Hà Vị, Hoà Yên, Châu Xuyên chuẩn bị rơm rạ, phục vụ cơm nước cho nghĩa quân công phá thành; phụ nữ Đông Nham tập trung bên bờ sông Thương chẻ tre, chẻ nứa, đan phên, đan cót dựng một bức thành giả; phụ nữ Nam Xương dán giấy quét màu, vẽ hình gạch, đá lên bức tường giả.

(1). Các địa danh thuộc huyện Tân Yên.

Sáng hôm sau, quân giặc trong thành kinh sợ khi thấy một bức thành của quân Lê Lợi vừa mới dựng lên một cách nhanh chóng. Giặc còn đang hoang mang, quân ta ồ ạt tiến vào công phá thành Xương Giang. Chiến công này có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ các làng nói trên. Sau chiến thắng, cả 5 làng Đông Nham, Nam Xương, Hà Vị, Hoà Yên, Châu Xuyên đều được chia đất trong thành để cày cấy. Từ đó, làng Đông Nham được gọi là làng Thành, làng Nam Xương được gọi là làng Vẽ.

 Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Một lần nữa, phụ nữ và nhân dân Bắc Giang lại đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước. Bà Ba Cai Vàng (tên thật là Lê Thị Miên) cùng chồng là Nguyễn Văn Thịnh (thường gọi là Cai Vàng) người xã Vân Sơn, tổng Vân Đình, huyện Phượng Nhỡn (nay là xã Phương Sơn, huyện Lục Nam) phất cờ khởi nghĩa. Bà đã chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm phủ Lạng Giang, huyện Văn Giang, hạ thành Bắc Ninh. Sau khi chồng hy sinh (12-10-1863), bà đã thay chồng thống lĩnh nghĩa quân. Người đương thời đã ca ngợi bà:

Khen thay trí lực đàn bà

Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng[1]

Hoặc:

Ngẫm trong nữ sử nước nhà

Mấy ai sánh kịp vợ ba Cai Vàng

Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, bà Đặng Thị Nho (vợ ba Đề Thám) vừa là vợ hiền, mẹ của hai con, vừa là tướng giỏi, có uy tín trong nghĩa quân. Bà từng tham dự và chỉ huy nhiều trận chiến đấu với quân Pháp. Bà trực tiếp tổ chức và phụ trách đội nữ binh gồm hầu hết là vợ con các tướng sĩ và nghĩa quân. Bà đã luận bàn với chồng và đề xuất các mưu kế như cho người trá hàng, bắt cóc người Pháp đòi chuộc, hoà hoãn với Pháp để chờ thời cơ...

Vai trò của bà trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã được người đương thời ghi nhận:

Bà Ba Đề Thám truân chuyên

Non sông đã trải mấy phen thác ghềnh

Hồng quần nhẹ bước rừng xanh

Trận tiền giáp chiến đao binh vẫy vùng

Việc hoà việc chiến thong dong

Chính bà cũng dự quân trung luận bàn1

Vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, tại thị xã Phủ Lạng Thương có hai chị em Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang, những đảng viên tiêu biểu của Việt Nam quốc dân đảng. Nguyễn Thị Giang đã được giao giữ những trọng trách của tổ chức Việt Nam quốc dân đảng: tài chính, cổ động, tuyên truyền, giao thông liên lạc. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học bị bắt và bị kết án tử hình, Nguyễn Thị Giang (vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học) đã quyên sinh để giữ trọn khí tiết:

Treo gươm đất nghĩa trời kinh người đời

Dưới chế độ phong kiến, thân phận người phụ nữ bị coi thường, đày đoạ. Xã hội cũ đặt ra những lễ giáo “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nghĩa là ở nhà thì theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết thì theo con), những luân lý “phụ nhân nan hoá” (đàn bà khó dạy), “nam tôn nữ ty” (trọng nam khinh nữ)... Nhiều hư phong  hủ tục với những cuộc hành hình chỉ áp dụng riêng đối với phụ nữ như thả bè trôi sông, gọt tóc bôi vôi... Biết bao gánh nặng luật lệ, luân lý áp đặt lên thân phận người phụ nữ, mà thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên trong Truyện Kiều:

“Ðau đớn thay phận đàn bà”

 
 

 

 

(1). Vè

 

Chính từ trong đoạ đày, khinh rẻ ấy, người phụ nữ Bắc Giang đã vươn lên đấu tranh đạp đổ những lễ giáo phong kiến phản động, tạo dựng và bảo vệ địa vị chính đáng của mình trong xã hội.

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, bọn vua quan nhà Nguyễn ươn hèn dâng nước ta cho thực dân Pháp. Nước ta trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Chiếm được tỉnh Bắc Giang, thực dân Pháp ra sức cướp đất lập đồn điền. Tính đến trước cách mạng tháng Tám 1945, bọn địa chủ, tư bản Pháp đã chiếm 31.995 ha, bọn địa chủ người Việt cũng đã chiếm khoảng 6.083 ha đất của nông dân để lập đồn điền. Nông dân mất ruộng trở thành tá điền với gánh nặng tô tức oằn vai:

Thằng Pháp cướp ruộng dân cày

Sưu cao, thuế nặng đắng cay muôn phần

Những gia đình không bị cướp ruộng, không phải đóng tô thì lại phải đóng sưu cao, thuế nặng. Cái cảnh:

Nửa đêm thuế thúc trống dồn

Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy

thường xuyên xảy ra ở các làng xã nông thôn Bắc Giang mỗi khi đến kỳ thu thuế.

Ngoài thuế còn có phụ thu tạp dịch đã cướp đi không biết bao nhiêu công sức và tiền của của người nông dân, mà phụ nữ chủ yếu phải gánh vác, đã làm cho nhiều gia đình nông dân xơ xác, tiêu điều. Không đủ tiền nộp sưu thuế, người nông dân phải đi vay nợ. Nạn cho vay nặng lãi “lãi mẹ đẻ lãi con” làm cho nhiều gia đình phải đi ở mướn, ăn xin, nhiều gia đình phải bỏ làng đi tha phương cầu thực.

Không chỉ bị bóc lột, đày đoạ về mặt thể chất, chế độ thực dân còn ra sức duy trì hệ thống lễ giáo phong kiến và phong tục hủ bại đã tồn tại hàng nghìn năm để trói buộc người phụ nữ trong vòng tăm tối. Nạn tảo hôn, đa thê gây nên bao cảnh ai oán thương tâm. Người phụ nữ, nạn nhận của chế độ đa thê suốt đời chìm đắm trong những mối bất hoà, đau khổ trong gia đình.

Với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, ở Bắc Giang đã xuất hiện một đội ngũ công nhân, trong đó có một số là phụ nữ làm việc ở các công trường xây dựng đường giao thông, trong các xí nghiệp. Cũng như công nhân trong cả nước, công nhân nữ tỉnh Bắc Giang cũng bị bọn chủ bóc lột đến tận xương tuỷ: ngày làm việc 12 giờ, đồng lương rẻ mạt, luôn luôn bị đánh đập, cúp phạt... và tệ hơn là còn bị xúc phạm đến phẩm giá.

Giữa lúc phụ nữ Bắc Giang và cả dân tộc đang rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến và cả dân tộc đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, trong đó có phụ nữ Bắc Giang.

CHƯƠNG I

PHỤ NỮ BẮC GIANG TRONG CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1927 – 1945)

I- Phụ nữ Bắc Giang trong cao trào cách mạng (1928- 1935).

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước chân chính theo chủ nghĩa Mác – Lênin.  Thông qua sách báo, đồng chí đã phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin, giới thiệu những phương hướng cơ bản và phương pháp tổ chức lực lượng của cách mạng Việt Nam, vạch ra cho nhân dân ta con đường đi tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ánh sáng cách mạng mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc tìm thấy đã soi sáng tâm hồn và đốt nóng bầu nhiệt huyết của những người Việt Nam yêu nước, nhất là tầng lớp thanh niên, học sinh có lòng tự tôn dân tộc.

Tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1927, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bắt mối vào tầng lớp thanh niên học sinh Bắc Giang. Một số thanh niên học sinh yêu nước đã gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đầu năm 1928, ở phố Thùng Đấu (thị xã Phủ Lạng Thương) đã thành lập chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, trong đó có hai chị em Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thị Uyển.

Được giác ngộ lý tưởng cách mạng, các chị đã lao ngay vào hoạt động không ngại gian nguy, bỏ qua những lời dị nghị của xã hội. Các chị đã đến trường nữ sinh thị xã Phủ Lạng Thương, làng Dền, làng Vĩnh Ninh và nhiều làng khác trong tỉnh tuyên truyền cách mạng, hô hào quần chúng đứng lên đánh đổ đế quốc Pháp. Hàng trăm quần chúng, trong đó có một bộ phận là chị em phụ nữ được các chị tuyên truyền đã có cảm tình với cách mạng, sẵn sàng giúp đỡ cách mạng. Các chị đã xuống nhiều nơi của tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền, huấn luyện cho hội viên mới được kết nạp.

Nhiều bà mẹ, người chị, người vợ được tuyền truyền cách mạng đã trở thành những cơ sở nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, là trạm giao thông liên lạc của cách mạng, tiêu biểu là bà Hoàng Thị Cần nhà ở phố Phủ, thị xã Phủ Lạng Thương (nay là phố Tiền Giang, thành phố Bắc Giang). Bà là cơ sở nuôi chứa, bảo vệ đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Tỉnh hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Giang – Bắc Ninh khi đồng chí hoạt động ở Bắc Giang những năm 1927, 1928.

Phong trào cách mạng trong tỉnh đang lên cao, đầu tháng 11-1929, do sự phản bội của Nguyễn Tuân (tức Kim Tôn), đế quốc Pháp khủng bố ác liệt phong trào cách mạng trong tỉnh. Trong cuộc khủng bố này, hầu hết cán bộ, hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bị bắt, cơ sở cách mạng bị phá vỡ, một số cán bộ, đảng viên còn lại bị mất liên lạc với tổ chức. Cuộc khủng bố lần này của kẻ thù đã gây tổn thất rất nặng cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng đã đánh giá cao vai trò, khả năng cách mạng của phụ nữ trong lao động và trong cách mạng. Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10-1930 về phụ nữ vận động đã nhận định: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”.[2]

Đảng cũng đề ra những khẩu hiệu nhằm đáp ứng nguyện vọng sâu xa của phụ nữ:

- Bỏ hết pháp luật và tục lệ đồi bại làm cho phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.

- Đàn bà được hoàn toàn bình đẳng về chính trị, kinh tế và luật pháp với đàn ông.

- Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau.

- Cấm bắt đàn bà làm việc ở những chỗ nguy hiểm.

Trong lịch sử đấu tranh của mình, chưa bao giờ phụ nữ Việt Nam lại được một đảng hay một đoàn thể chính trị nào thấu hiểu tình cảnh và đề ra được những chủ trương mạnh dạn, triệt để đối với vấn đề giải phóng phụ nữ như Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Dưới ngọn cờ của Đảng, chị em phụ nữ Bắc Giang đã tập hợp trong đội ngũ đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và tự giải phóng mình.

II- Phụ nữ Bắc Giang thời kỳ vận động dân chủ (1936- 1939).

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản (1929 – 1933), thế giới đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh do chủ nghĩa phát xít gây ra.

Trước nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh thế giới, các lực lượng hoà bình dân chủ đã tập hợp lại. Ở Pháp, Mặt trận nhân dân được thành lập có Đảng Cộng sản tham gia. Tháng 6-1936, chính phủ phái “tả” được Mặt trận nhân dân Pháp ủng hộ lên cầm quyền, đã ảnh hưởng mạnh đến phong trào cách mạng Việt Nam. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, Đảng Cộng sản và nhân dân tiến bộ Pháp, Chính phủ Pháp buộc bọn thực dân ở Đông Dương phải ân xá tù chính trị.

Từ cuối năm 1936, các đồng chí đảng viên cộng sản của tỉnh Bắc Giang từ các nhà tù đế quốc lần lượt trở về tập hợp lại ở thị xã Phủ Lạng Thương. Phong trào cách mạng Bắc Giang được tiếp thêm sức mạnh.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3-1936, trong cao trào chung của toàn quốc, ở Bắc Giang, các tổ chức quần chúng công khai, hợp pháp dưới nhiều hình thức lần lượt được thành lập ở các địa phương như: Hội ái hữu, Hội hiếu, Hội hỷ, Hội tập võ, Hội thợ cấy, Hội thợ cày, Hội đọc sách báo... Trong các hội này, lực lượng phụ nữ chiếm một số lượng đáng kể. Từ những tổ chức này, Đảng đã huy động được đông đảo quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức thích hợp.

Mở đầu cho phong trào đấu tranh trong thời kỳ này là đầu năm 1937, thực hiện chủ trương của Đảng, Bắc Giang cử một đoàn đại biểu về Hà Nội tham gia cuộc mít tinh đón Gô đa, đại sứ lao công của Mặt trận nhân dân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương. Khí thế của quần chúng trong cuộc mít tinh đã tác động mạnh đến phong trào cách mạng Bắc Giang.

Cuối tháng 4-1938, Bắc Giang lại cử một đoàn đại biểu trong đó có một phụ nữ về dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1-5) do Đảng ta tổ chức tại nhà Đấu Xảo, Hà Nội.

Trong những năm 1937, 1938, ở Bắc Giang còn tổ chức các cuộc quyên góp ủng hộ cuộc đình công của công nhân nhà máy sợi Nam Định, nhà máy chai Hải Phòng, các báo chí tiến bộ như Dân Chúng, Tin Tức, Lao Động... rất sôi nổi từ thành thị đến nông thôn đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trong đó lực lượng phụ nữ đóng một vai trò quan trọng.

Trong cuộc tranh cử vào Viện dân biểu Bắc Kỳ tháng 7-1938, luật pháp của đế quốc không cho phụ nữ có quyền bầu cử và ứng cử, chị em phụ nữ trong các tổ chức dân chủ ở các địa phương tỉnh Bắc Giang không chịu khoanh tay ngồi yên, đã ra sức tuyên truyền, cổ động cho ông Nguyễn Trung Tẩy, một quần chúng có cảm tình với Đảng, ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Sự tham gia vận động của chị em đã góp phần to lớn hướng cử tri bỏ phiếu cho Nguyễn Trung Tẩy và ông đã thắng phiếu tên tư sản mại bản Ngô Tiến Cảnh ở huyện Hiệp Hoà. Ở các phủ huyện khác, Nguyễn Trung Tẩy cũng giành được số phiếu khá cao. Trong cuộc vận động này, bà Dung (vợ ông Nguyễn Trung Tẩy), một quần chúng cảm tình của Đảng đã ủng hộ hàng nghìn đồng (tiền Đông Dương) cho cuộc vận động tranh cử của chồng. Bà cũng đã nhường cả hiệu ảnh Vĩnh Thịnh ở phố Tân Ninh, thị xã Phủ Lạng Thương (nay là phố Quang Trung, thành phố Bắc Giang) cho Đảng làm cơ quan liên lạc của phong trào dân chủ tỉnh Bắc Giang.

Thông qua đấu tranh, phong trào phụ nữ trong tỉnh có bước phát triển mới, nhiều chị em đã tham gia các tổ chức Nghiệp đoàn, Ái hữu, Tương tế, Hội phụ nữ dân chủ, Hội đọc sách báo, Hội truyền bá quốc ngữ... Phong trào mạnh nhất là thị xã Phủ Lạng Thương, huyện Hiệp Hoà.

 Ảnh hưởng của trào lưu văn hoá cách mạng theo ý thức hệ vô sản, một số nhà giáo, nhà thơ chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ đã có những hoạt động phục vụ cho cách mạng. Các giáo viên trường Tinh Hoa, thị xã Phủ Lạng Thương, lập ra câu lạc bộ Văn chương, tập hợp được gần hai mươi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, tổ chức các đêm ngâm thơ, bình văn, đã có tác dụng tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng trong nhân dân. Trong câu lạc bộ Văn chương có nữ thi sĩ Anh Thơ (tức Vương Kiều Ân)[3]. Tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ đã được giải ba của Tự lực văn đoàn năm 1939.

Từ cuối năm 1937, theo chủ trương của Đảng, tỉnh Bắc Giang thành lập chi nhánh Hội truyền bá quốc  ngữ nhằm động viên nhân dân học chữ quốc ngữ. Phong trào này đã được đông đảo nhân dân từ thành thị tới nông thôn nhiệt liệt hưởng ứng. Riêng thị xã Phủ Lạng Thương mở được 9 lớp học, thu hút hàng trăm chị em tiểu thương và người lao động tới học. Từ thị xã Phủ Lạng Thương, phong trào đã lan tới Chũ (Lục Ngạn), Nhã Nam (Yên Thế) và cả trong nhà lao Bắc Giang.

Phong trào truyền bá quốc ngữ vừa có tác dụng nâng cao dân trí, vừa có tác dụng nâng cao lòng yêu nước cho nhân dân ta.

Thông qua phong trào dân chủ, cơ sở Đảng trong tỉnh dần dần được khôi phục. Cuối năm 1938, chi bộ Phủ Lạng Thương được thành lập gồm những đồng chí bị đứt liên lạc với Đảng trong thời kỳ địch khủng bố trắng, trong đó có đồng chí Mai Ngọc Thuyết (tức Mai Thị Vũ Trang). Từ khi bắt được liên lạc với Đảng, đồng chí Mai Ngọc Thuyết được phân công xây dựng cơ sở thị xã Phủ Lạng Thương và một số vùng xung quanh. Gia đình đồng chí là nơi ăn, ở, đi lại của nhiều đồng chí cán bộ Trung ương, Xứ uỷ.

Giữa lúc phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương đang phát triển mạnh ở Bắc Giang thì bóng đen chiến tranh thế giới lần thứ hai bao phủ bầu trời thế giới. Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp nghiêng hẳn sang phái hữu. Bọn thống trị Pháp ở Đông Dương bắt đầu thi hành những chính sách phát xít trên mọi mặt đời sống xã hội.

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta đã chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ. Là một địa bàn trọng yếu lại có cơ sở chính trị vững, Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ đã chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang chuyển từ hình thức hoạt động công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp vào hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

Tháng 6-1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ cử đồng chí Lê Hoàng về phụ trách hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhằm củng cố cơ sở cách mạng của Đảng, để rút vào hoạt động bí mật và xây dựng hệ thống cơ sở cách mạng làm đường dây liên lạc bí mật cho Đảng từ Hà Nội qua tỉnh Bắc Giang lên biên giới phía Bắc. Hệ thống các cơ sở bí mật dọc theo đường số 1 từ Bắc Ninh lên thị xã Phủ Lạng Thương và theo đường 13B (nay là quốc lộ 31) lên Lục Ngạn là đường dây bí mật của Đảng từ Hà Nội lên biên giới Việt – Trung rất an toàn. Để phục vụ cho công tác giao thông liên lạc, đồng chí Lê Hoàng đã củng cố, xây dựng được những cơ sở tin cậy làm nhiệm vụ nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc ở thị xã Phủ Lạng Thương, Hiệp Hoà, Lục Ngạn... tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Cẩn ở 47 phố Đạo Đường thị xã Phủ Lạng Thương (gần ngã tư nhà thờ). Bà Cẩn mở cửa hàng bán rượu, bán vải để che mắt địch. Chồng bà (đồng chí Ngô Văn Hiệp- tức Ngô Tuấn Tùng) đã được giác ngộ cách mạng. Gia đình bà đã trở thành cơ sở tin cậy của Đảng. Các đồng chí Lê Hoàng, Trần Xuân Doanh (Hồ Công Lạng), Hoàng Quốc Việt... thường xuyên qua lại ăn, nghỉ và được bà bảo vệ chu đáo. Ngoài nhiệm vụ nuôi, bảo vệ cán bộ, bà còn làm giao thông liên lạc, đưa đón cán bộ... Nhiều cuộc họp của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh đã tổ chức ở nhà bà.

Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, bọn thống trị đã hoàn toàn lộ rõ bộ mặt phát xít của chúng. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ Đảng lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền.

III- Phụ nữ Bắc Giang thời kỳ vận động giải phóng dân tộc (1939- 1945).

Do kịp thời rút vào hoạt động bí mật của các tổ chức cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng, nên khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (9-1939), bọn phản động Pháp ở Đông Dương trở mặt khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, các cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng trong tỉnh vẫn tiếp tục được giữ vững và phát triển, là địa bàn thuận lợi cho các cơ quan của Trung ương và Xứ uỷ đứng chân.

Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, tháng 11-1939, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ sáu để phân tích tình hình, đề ra nhiệm vụ cho phong trào cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Để phục vụ cho nhiệm vụ trên, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, thuế nặng, nhằm đoàn kết các dân tộc Đông Dương, chĩa mũi nhọn của cách mạng vào chủ nghĩa đế quốc, phát xít.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, các tổ chức Đảng, cách mạng trong tỉnh đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động với hình thức, nội dung phù hợp. Tổ chức Hội phụ nữ phản đế đã được thành lập ở một số địa phương như Hoàng Vân (Hiệp Hoà), thị xã Phủ Lạng Thương, An Tràng, Đào Tràng (Yên Dũng), Đại Từ, Thép Thượng (Lục Ngạn, nay thuộc Lục Nam)... Tổ phụ nữ làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà có các chị Ngô Thị Cưu, Ngô Thị Đảng, Ngô Thị Diệp ( tức Ngô Thị Liên), Ngô Thị Phát, do chị Ngô Thị Liên phục trách; tổ phụ nữ phản đế thị xã gồm 3 hội viên do chị Nguyễn Thị Cẩn phụ trách. Tuy số lượng phụ nữ tham gia tổ chức phụ nữ phản đế chưa đông, chưa có hệ thống tổ chức, nhưng các hội viên đã có những đóng góp đáng kể trong việc nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc, vận động chị em phụ nữ tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng.

Đầu năm 1940, phong trào cách mạng Bắc Giang phát triển khá mạnh, hình thành trên 3 khu vực:

- Khu vực Hiệp Hoà và một phần Phổ Yên, Phú Bình (Thuộc tỉnh Thái Nguyên).

- Khu vực thị xã Phủ Lạng Thương và một số làng xung quanh.

- Khu vực phố Lục Nam và các làng Đại Từ, Thép Thượng.

Ở mỗi khu vực đều có một chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo phong trào.

Cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng ngày càng mở rộng đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, tập trung. Tháng 8-1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Xứ uỷ viên về tăng cường cho phong trào cách mạng Bắc Giang. Ban cán sự Bắc Giang được thành lập do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Trưởng ban. Sau khi thành lập, Ban cán sự đã chỉ đạo các cở sở Đảng và các tổ chức phản đế mở rộng cơ sở và địa bàn hoạt động, thực hiện chủ trương của Đảng đề ra trong Hội nghị Trung ương lần thứ sáu.

Ngày 22-9-1940, quân Nhật từ Trung Quốc tràn sang đánh Lạng Sơn. Quân Pháp thua trận bỏ chạy.

Ngày 27-9-1940, nhân dân Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền và tiến hành chiến tranh du kích. Đảng đã phát động nhân dân cả nước ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban cán sự tỉnh Bắc Giang đã phát động trong toàn tỉnh phong trào ủng hộ du kích Bắc Sơn. Các tổ chức Phụ nữ phản đế đã tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về cuộc khởi nghĩa của nhân dân Bắc Sơn, vận động nhân dân ủng hộ quần áo, thuốc men, lương thực... cho du kích và nhân dân Bắc Sơn.

Sau khi đầu hàng, thực dân Pháp đã cấu kết với phát xít Nhật để đàn áp phong trào cách mạng. Cuối năm 1940, phong trào cách mạng Bắc Giang bị địch khủng bố khốc liệt, nhiều cán bộ đảng viên ở thị xã Phủ Lạng Thương, Đại Từ (Lục Ngạn), Hương Gián (Lạng Giang, nay thuộc Yên Dũng), Hoàng Vân (Hiệp Hoà) bị bắt, nhiều cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ.

Đợt khủng bố lần này của địch làm cho phong trào cách mạng của tỉnh bị tổn thất nặng.

Tuy bị địch thường xuyên tra hỏi, theo dõi, chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Cẩn vẫn không nao núng, sợ hãi, gia đình bà vẫn thường xuyên có cán bộ qua lại ăn nghỉ, bà vừa làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, vừa làm giao thông liên lạc. Bà đưa thư từ, tài liệu của Đảng cho các đồng chí đang bị giam giữ trong nhà lao Bắc Giang như Trần Quốc Hoàn, Trần Quý Kiên. Đồng chí Ngô Thế Sơn, Trưởng ban cán sự tỉnh Bắc Giang bị bệnh kiết lỵ, bà đã nhận đồng chí là người nhà làm thợ mộc, chạy giấy tờ, đưa đồng chí vào bệnh viện chữa chạy. Bà bỏ tiền ra trả viện phí, may quần áo cho đồng chí, chăm sóc đồng chí cho đến khi khỏi bệnh.

Đầu năm 1942, ở thị xã Phủ Lạng Thương thành lập tổ phụ nữ trung kiên gồm 3 người: Nguyễn Thị Cẩn, Nguyễn Thị Thuần, Nguyễn Thị Đào do bà Nguyễn Thị Cẩn làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là xây dựng cơ sở ở thị xã làm đầu mối giao thông liên lạc, lấy nhà bà Cẩn làm trụ sở. Bà Cẩn đã trực tiếp đưa thư từ, tài liệu của Đảng đi Dĩnh Kế, Hương Gián (Lạng Giang, nay thuộc Yên Dũng), Yên Thế, Hiệp Hoà, Phú Bình (Thái Nguyên)... Các chị trong tổ trung kiên đã đưa đón nhiều đồng chí cán bộ Trung ương, Xứ uỷ an toàn.

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp ở Pắc Bó (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là cứu nước, giải phóng dân tộc. Để phục vụ cho nhiệm vụ trên, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương.

Tháng 9-1941, Xứ uỷ Bắc Kỳ mở hội nghị cán bộ tại Dương Húc (Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng chủ trì, để phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám.

Sau hội nghị cán bộ Xứ uỷ, Ban cán sự Bắc Giang đề ra nhiệm vụ cho Đảng bộ lúc này là:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với việc ổn định tinh thần quần chúng.

- Phục hồi và củng cố các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng. Chuyển các tổ chức phản đế thành cứu quốc, lập Mặt trận Việt Minh.

- Bảo vệ đường giao thông liên lạc của Xứ uỷ Bắc Kỳ từ Hiệp Hoà đi Võ Nhai (Thái Nguyên).

- Chống địch khủng bố.

Thực hiện Nghị quyết của Ban cán sự Bắc Giang, các tổ phụ nữ phản đế trong tỉnh được chuyển thành phụ nữ cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh.

Từ đầu năm 1942, cơ sở cách mạng đã được củng cố và mở rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh: ấp Đồng Điều (Yên Thế), Hương Gián (Yên Dũng), ấp Ba Huyện (Hiệp Hoà)... Ở những nơi này, song song với tuyên truyền, thành lập Mặt trận Việt Minh, Hội phụ nữ cứu quốc cũng được thành lập, có nơi tổ chức Hội đã thống nhất đến tổng như Hoàng Vân (Hiệp Hoà). Tổng Hoàng Vân là nơi có phong trào cách mạng mạnh, có tổ chức Phụ nữ cứu quốc đến tổng. Tháng 1-1941, Trung ương mở hai lớp huấn luyện quân sự tại soi Thanh Vân và ấp Đồng Hang do đồng chí Lương Văn Chi (tức Huy Còm) phụ trách. Bà con tá điền và nông dân nghèo Hoàng Vân đã chắt chiu, gom góp mớ rau, bơ gạo, củ khoai để nuôi cán bộ. Chị Giá, chị Em, con của già Dần tần tảo sớm khuya cơm nước phục vụ lớp học. Từ năm 1941, nhiều gia đình ở tổng Hoàng Vân đã trở thành cơ sở cách mạng. Xóm Đá có 37 gia đình thì 33 gia đình có cán bộ thường xuyên ăn, ở, đi lại. Những gia đình còn lại cũng tham gia góp tiền, gạo ủng hộ cách mạng. Xóm Đá (làng Vân Xuyên) được mệnh danh là “Xóm Đỏ”. Đầu năm 1941, cơ quan in của Xứ uỷ Bắc Kỳ chuyển về xóm Đá (tổng Hoàng Vân) ở nhà ông Quýnh, năm 1942 chuyển lên Thanh Vân ở nhà ông Nhã.

Tháng 11-1942, Trung ương mở lớp huấn luyện chính trị cho các tỉnh tại nhà ông Chế (xóm Đá) do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Gần đến ngày kết thúc  lớp học thì bị lộ, mật thám đã bao vây bắt được 4 đồng chí học viên và 2 thanh niên cứu quốc phục vụ lớp học là anh Quýnh và anh Duy. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng những người trong gia đình ông Chế không một ai chịu khai nửa lời. Đồng chí Trường Chinh chạy thoát ra ngoài. Đến bờ sông Cầu, đồng chí Trường Chinh được cụ Hương Lịnh, một ngư dân nghèo làm nghề chài lưới trên sông cùng với cô con gái đã đón đồng chí Trường Chinh xuống thuyền chở sang Tiên Phù (Phổ Yên, Thái Nguyên) thoát khỏi sự truy đuổi của địch.

Nhiều bà, chị ở Hoàng Vân đã hết lòng với Đảng, với cách mạng, tiêu biểu là cụ Tạ Thị Sắc (tức Cước), bà Thể (Miên), bà Nhỡ (Khoa), bà Bâng (Mùi)... ở làng Vân Xuyên. Đồng chí Ngô Thế Sơn bị ốm, gia đình bà Cước đã tận tuỵ chăm sóc. Chị Cưu, chị Diệp (tức Liên), chị Đảng và hàng chục các chị của Hoàng Vân không sợ khó khăn, hiểm nguy đã nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, bảo vệ hội nghị, làm giao thông liên lạc... một lòng một dạ vì cách mạng.

Ở ấp Đồng Điều (Yên Thế, nay thuộc Tân Yên) có cụ Chưởng, cụ Phấn, chị Nết... là những cơ sở tin cậy, đã nuôi dưỡng các đồng chí Ngô Thế Sơn, Hà Thị Quế... Ở đây còn có một số chị em trong tổ phụ nữ Cứu quốc được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn ở chợ Mỏ Trạng, Cầu Gồ, một số chị em đi chợ giả làm vợ lính đưa thư vào trong đồn Bố Hạ, Mỏ Trạng.

Ở ấp Ba Huyện (Hiệp Hoà) có chị Chính, chị Chuyên, chị Cớt là những cơ sở tin cậy của Đảng. Gia đình các chị là cơ sở nuôi chứa, bảo vệ các đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Ngô Thế Sơn...

Ở Hương Gián có chị Nguyễn Thị Nhi (tức Mùi), một cơ sở tin cậy của Đảng. Chị được giao nhiệm vụ chăm lo chỗ ăn, chỗ ở cho nhiều đồng chí cán bộ của Đảng đi lại và hoạt động. Chị còn làm giao thông liên lạc với chị Cẩn (thị xã Phủ Lạng Thương), chị Trà (trại Guột, Dĩnh Kế), chị đã 3 lần rải truyền đơn ở chợ Rào, vận động chị em phụ nữ ủng hộ lương thực, thuốc men, quần áo... cho du kích Bắc Sơn. Mặc dù chồng chị (đồng chí Nguyễn Ngọc Tân) bị địch bắt (cuối tháng 11-1942, ở xóm Đá, Hiệp Hoà), chị không nao núng, vẫn vừa nuôi con, vừa hoạt động cách mạng. Cuối năm 1941, tổ phụ nữ Cứu quốc Hương Gián được thành lập gồm chị Mùi, chị Xuân, chị Quý, do chị Mùi làm tổ trưởng, sau đó phát triển sang các xóm khác, thu hút 15 chị tham gia.  Các tổ phụ nữ Cứu quốc làm nhiệm vụ bảo vệ, đưa đón cán bộ, vận động nhân dân không mua vé xem tuồng do địch tổ chức lấy tiền gây quỹ chiến tranh, vận động nhân dân kéo đến nhà lý trưởng đấu tranh với bọn Nhật bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay...

Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự tỉnh và các chi bộ Đảng, nhiều cuộc đấu tranh về kinh tế, chính trị đã nổ ra.

Tháng 6-1942, Lê Thuận Quế, quản lý đồn điền Cọ[4] bắt tá điền nộp tô bằng thóc thay cho nộp bằng tiền giữa lúc giá thóc gạo đang lên cao. Đây là một thủ đoạn tăng tô rất thâm độc của tên Lê Thuận Quế. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí cán bộ ở đây, gần 200 hộ tá điền ở các ấp đã đấu tranh kiên quyết không nộp tô bằng thóc. Bất lực trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tên Quế phải dẫn lính đồn Trị Cụ về bắt một số trưởng ấp đồng thời bọn tay chân xông vào các ấp cướp thóc của tá điền, chúng bị quần chúng đánh trả quyết liệt. Trước tình hình đó, Lê Thuận Quế phải cầu cứu đồn Bố Hạ (Yên Thế). Tên trưởng đồn Bố Hạ dẫn lính và phu đến ấp Trầm Dương định gặt lúa của tá điền. Tá điền ấp Trầm Dương và các ấp lân cận lập tức nổi trống, chiêng, đàn bà, đàn ông tay cầm giáo mác, liềm hái, đòn càn... ùa ra đồng đánh đuổi bọn lính. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng, bọn lính phải bỏ chạy thục mạng. Tên đồn trưởng người Pháp không kịp chạy, rớt lại. Bà Huỳ xông đến lấy liềm kề vào cổ tên đồn trưởng. Nó sợ hãi, quỳ xuống vái lia lịa rồi giơ tay xin hàng.

Trong cuộc đấu tranh này, chị em phụ nữ đóng một vai trò quan trọng, người hăng hái đi đầu là chị Chính (xã Hoàng Lương).

 

 

Ngoài cuộc đấu tranh trên đây, trong những năm 1942, 1943, ở nhiều nơi trong tỉnh đã liên tiếp nổ ra các cuộc đấu tranh của nhân dân như: làng Đồng Áng (Hiệp Hoà) đòi chia lại bãi sa bồi; làng Dĩnh Kế (Lạng Giang, nay thuộc thành phố Bắc Giang), Hương Gián (Lạng Giang, nay thuộc huyện Yên Dũng), chống Nhật bắt nhổ lúa trồng đay; nhân dân các làng xung quanh sân bay Kép (Lạng Giang) và khu quân sự Cầu Lồ (Lục Ngạn, nay thuộc Lục Nam) chống Nhật cướp đất mở rộng sân bay và khu quân sự. Trong các cuộc đấu tranh này, Hội phụ nữ Cứu quốc làm nhiệm vụ vận động, tổ chức chị em tham gia đấu tranh.

Tháng 3-1943, từ một cơ sở giao thông liên lạc của Xứ uỷ ở Phú Thọ bị vỡ, địch lần theo đường dây phá tiếp đến cơ sở của Bắc Giang. So với các đợt khủng bố trước, đợt khủng bố này của địch mạnh hơn, xảo quyệt hơn, thời gian dài hơn. Có nơi chúng cho mật thám nằm lỳ ngay ở địa phương, cho lính sục sạo suốt ngày đêm, nhưng cơ sở cách mạng vẫn không bị phá vỡ, cán bộ vẫn bám sát địa phương.

Những đợt khủng bố của địch có gây cho ta những tổn thất nhất định, nhưng cán bộ và quần chúng cách mạng càng được rèn luyện, dày dạn thêm, tạo điều kiện để đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiếp tục phát triển.

Giữa năm 1943, Ban cán sự Bắc Giang đề ra chủ trương:

Tiếp tục giữ vững đường dây liên lạc giữa Bắc Giang với các cơ sở của Xứ uỷ ở Thái Nguyên.

Củng cố và mở rộng cơ sở phía Nam huyện Hiệp Hoà, dọc các trục đường giao thông 13B, 1A.

Kết hợp việc mở rộng cơ sở với công tác tuyên truyền vạch trần các thủ đoạn áp bức, bóc lột của địch như mua thóc tạ, nhổ lúa trồng đay.

Mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ, nhân dân.

Ban cán sự rất coi trọng công tác tuyên truyền, cổ động và chỉ thị cho các chi bộ trong Đảng bộ phải làm tốt công tác này.

Thực hiện chủ trương của Ban cán sự, ngoài hình thức rải truyền đơn, dán áp phích, căng khẩu hiệu nhằm thức tỉnh lòng yêu nước của quần chúng, Đảng bộ đã chỉ đạo các chi bộ tổ chức mít tinh, hội họp nhằm ôn lại truyền thống của dân tộc, phổ biến chủ trương cứu nước của Mặt trận Việt Minh, vận động quần chúng đấu tranh chống thu thóc tạ, chống nhổ lúa và hoa màu trồng đay, hô hào quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa võ trang.

Cuộc đấu tranh có quy mô lớn, có số lượng người tham gia đông là cuộc tuyên truyền xung phong tại đền Kiếp Bạc vào rằm tháng 8 năm Giáp Thân (6-10-1944).  Ban cán sự tỉnh đã huy động lực lượng quần chúng, chủ yếu là phụ nữ Cứu quốc các huyện Hiệp Hoà, Yên Thế, Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, cải trang thành khách đi dự hội, xuôi thuyền về Kiếp Bạc. Dưới đáy thuyền có truyền đơn, áp phích. Chủ trương của Ban cán sự tỉnh là tổ chức diễn thuyết công khai ở đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu và đền Chính, đồng thời rải truyền đơn và dán áp phích, nhưng một tình huống đột xuất xảy ra: hôm đó, lính Nhật và lính khố xanh kéo đến rất đông. Việc diễn thuyết không được thực hiện, ta chỉ rải truyền đơn và dán áp phích. Truyền đơn được rải ở khu vực đền, trao tay cho khách thập phương đi trẩy hội, gài vào khay đồ tế lễ, vào túi áo, túi quần của một số lính khố xanh. Truyền đơn và áp phích làm cả hội náo động, bính lính địch nhớn nhác, quần chúng vui mừng, bàn tán xôn xao. Câu chuyện Việt Minh dán áp phích, rải truyền đơn ở đền Kiếp Bạc được lan truyền khắp nơi, gây ảnh hưởng rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cách mạng của ta.

Từ cuối năm 1943, việc củng cố và mở rộng cơ sở được Đảng bộ tiến hành khẩn trương. Ở Hiệp Hoà, cơ sở được mở rộng xuống Quế Sơn, Trung Định, Xuân Biều. Ở Yên Thế, phát triển ra Nhã Nam, Cầu Gồ, Cầu Sa. Ở Lạng Giang cơ sở phát triển lên khu vực phía Bắc.

Sang năm 1944, một khu vực cách mạng nữa được hình thành là khu vực phố Lục Nam – Rùm – Quỷnh. Từ những cơ sở này, phong trào phát triển sang Đông Triều (thuộc tỉnh Quảng Ninh) và ngược lên Chũ, Biển Động.

Ở những địa phương này, Hội phụ nữ Cứu quốc đều được thành lập.

Đầu năm 1944, Ban Thường vụ Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ chủ trương xây dựng An toàn khu thứ hai (ATKII) ở 3 huyện Hiệp Hoà, Phú Bình, Phổ Yên. Giữa năm 1944, Trung ương công nhận 3 huyện trên là An toàn khu của Trung ương. Trong An toàn khu có cơ quan in, trạm giao thông liên lạc, nơi làm việc của các đồng chí cán bộ Trung ương, Xứ uỷ, nơi hội họp, nơi mở lớp huấn luyện... Đồng chí Hà Thị Quế đã được Trung ương chỉ định tham gia Ban công tác đội của Khu an toàn.

Việc chọn Hiệp Hoà, Phú Bình, Phổ Yên[5] để xây dựng Khu an toàn, chứng tỏ phong trào cách mạng ở khu vực này khá mạnh, quần chúng được giác ngộ và sẵn sàng đi theo Đảng. Các bà, các chị Hội phụ nữ Cứu quốc trong An toàn khu được giao nhiệm vụ ngày càng nặng nề trong việc bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan.

Tháng 11-1944, cuộc khởi nghĩa võ trang đã nổ ra ở Bắc Sơn (Thái Nguyên). Do nổ ra không đúng lúc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển cuộc khởi nghĩa võ trang thành cuộc đấu tranh chống khủng bố để phá vỡ kế hoạch đàn áp của địch và bảo toàn lực lượng của ta. Lực lượng võ trang Võ Nhai được chia làm hai bộ phận: một bộ phận nhỏ ở lại bám sát địa phương, một bộ phận rút sang Bắc Giang, tiếp tục chấn chỉnh, xây dựng và chờ đợi thời cơ. Đảng bộ Bắc Giang được Trung ương giao nhiệm vụ tiếp đón và nuôi dưỡng lực lượng Cứu quốc quân và gia đình họ.

Tháng 1-1945, trên 100 người gồm Cứu quốc quân và gia đình họ đã vượt vòng vây của địch từ Võ Nhai rút xuống Yên Thế. Việc tiếp đón, nuôi dưỡng, bảo vệ các đồng chí Cứu quốc quân, đồng bào Võ Nhai được Ban cán sự tỉnh chăm lo chu đáo. Đồng chí Hà Thị Quế Uỷ viên Ban cán sự tỉnh được phân công lo ăn, ở cho Cứu quốc quân và đồng bào Võ Nhai. Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, quần chúng nhân dân lại túng thiếu, việc lo ăn ở cho hàng trăm người quả là một việc khó khăn. Lúc này lại đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, ngoài việc lo ăn, ở các đồng chí còn phải lo Tết cho  anh em Cứu quốc quân và gia đình họ. Đồng chí Hà Thị Quế cùng các đồng chí khác ngày đêm đi tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ. Được nhân dân thông cảm cưu mang, Tết Ất Dậu năm đó, Cứu quốc quân và đồng bào Võ Nhai cũng có bánh chưng, có thịt... Phụ nữ Hiệp Hoà, Việt Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn... đã quyên góp tiền, gạo, thịt, muối, quần áo, bánh trái gửi giúp Cứu quốc quân và đồng bào Võ Nhai.

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ có lợi cho cách mạng nước ta.

Đêm 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương.

Bắt mạch được diễn biến của tình hình này, từ ngày 9 đến hết ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Sau khi phân tích tình hình, Ban Thường vụ Trung ương đã ra bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vạch rõ nguyên nhân Nhật đảo chính Pháp, xác định phát xít Nhật là “kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt” của cách mạng nước ta và quyết định “thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho kịp thời với thời kỳ tiền khởi nghĩa, động viên mau chóng quần chúng nhân dân lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng tiến lên tổng khởi nghĩa”.

Chủ trương mới của Đảng đã nhanh chóng đến với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Cùng với toàn dân, phong trào phụ nữ trong tỉnh vô cùng sôi nổi. Chị em tham gia mít tinh, biểu tình, phá kho thóc của Nhật, lấy thóc chia cho dân nghèo. Số lượng phụ nữ trong lực lượng tự vệ tăng lên không ngừng. Các đơn vị tự vệ của tổng Hoàng Vân (Hiệp Hoà), phủ Yên Thế, phủ Lục Ngạn có trên 20% là phụ nữ.

Tối 12-3-1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị, đặc phái viên của Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng ban cán sự tỉnh Bắc Giang, quần chúng làng Xuân Biều (Xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hoà) đứng lên thủ tiêu chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày hôm sau, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh, quần chúng tiến vào đồn điền Vát phá kho thóc chia cho dân.

Sau ngày ta phá kho thóc trên đồn điền Vát (Xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà), chính quyền địch ở nhiều xã hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng lần lượt được thành lập ở Vân Xuyên, Lạc Yên, Hoàng Liên, Trung Định (Hiệp Hoà), Ca Sơn (Phú Bình). Ở những địa phương này, chính quyền cách mạng đã lãnh đạo nhân dân rào làng, canh gác, diệt trừ trộm cướp và những tên phản cách mạng... làm cho an ninh trật tự trong thôn xóm nhanh chóng được ổn định.

Để tiếp tục động viên khí thế cách mạng của quần chúng, ngày 15-3-1945, một cuộc biểu tình có vũ trang gồm khoảng một nghìn người ở hai tổng Hoàng Vân, Ngọc Thành và khu ấp Ba Huyện được tổ chức. Đoàn người biểu tình đi ngang qua đồn Trị Cụ đến thẳng đồn Cọ phá kho thóc của địch. Bọn lính ở đồn Cọ hoảng hốt bỏ chạy. Đoàn người biểu tình cùng với nhân dân địa phương xung quanh lên tới hàng nghìn người vào đồn gánh thóc suốt đêm.

Trước khí thế cách mạng, tên trưởng đồn Trị Cụ hoảng sợ dẫn binh lính chạy về huyện lỵ huyện Hiệp Hoà để tìm đường về Thái Nguyên.

Nhận được tin địch rút chạy, các đồng chí lãnh đạo đã bố trí lực lượng chặn địch ở cánh đồng Hoàng Lại. Địch đến, tự vệ Kha Sơn Hạ nổ súng. Lực lượng tự vệ Hoàng Vân cũng kịp thời ra phối hợp cùng tự vệ Kha Sơn Hạ đánh địch. Nhân dân các làng gần trận địa nổi trống chiêng liên hồi. Hàng trăm đàn ông, đàn bà các làng Hoàng Lại, Đồng Áng, Thanh Vân, Hoàng Liên (Hiệp Hoà), Kha Sơn (Phú Bình) mang theo giáo mác đổ ra đồng đánh địch. Binh lính địch hốt hoảng vừa chạy, vừa bắn trả rất dữ dội, phía ta hy sinh 13 người. Địch chạy thoát về đồn Hà Châu (Thái Nguyên).

Sau một thời gian, địch lại điều lính về chiếm lại đồn Trị Cụ. Lực lượng của ta đã bao vây, tiến đánh đồn Trị Cụ. Một tự vệ của ta là đồng chí Thắng hy sinh. Chị Cớt dũng cảm xông vào cạnh đồn địch cõng đồng chí Thắng ra ngoài.

Ngày 17-3-1945, Ban cán sự tỉnh đã họp tại Đồng Điều (Yên Thế) phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn tỉnh và đề ra những nhiệm vụ cấp bách:

- Mở rộng cơ sở cách mạng vào các huyện Việt Yên, Lạng Giang, dọc đường 13B và khu vực giáp Đông Triều (Quảng Ninh).

- Khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, tiến tới thành lập các đội du kích thoát ly, phát động phong trào mua sắm vũ khí, mở các lớp huấn luyện quân sự cho tự vệ và cán bộ địa phương, nghiên cứu và đánh úp các đồn địch, tiếp tục khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương.

- Đẩy mạnh việc huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ.

Sau hội nghị Ban cán sự tỉnh, phong trào cách mạng trong tỉnh bước sang một giai đoạn mới: cao trào kháng Nhật cứu nước và khởi nghĩa giành chính quyền.

Ở Hiệp Hoà, ngày 8-5-1945, Hội Nghị đại biểu toàn huyện Hiệp Hoà họp tại thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn, Uỷ ban dân tộc giải phóng huyện được thành lập và quyết định chia ruộng đất hai đồn điền Cọ và Vát cho tá điền và nông dân thiếu ruộng. Chị em phụ nữ cũng được chia như nam giới.

Tối 1-6-1945, lực lượng tự vệ chiến đấu ở một số làng thuộc tổng Hoàng Vân dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh đã tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền, bao vây huyện lỵ Hiệp Hoà. Tri huyện Thái Vĩnh Thịnh được tuyên truyền giác ngộ từ trước đã mở cổng cho quân ta tiến vào. Toàn bộ binh lính trong huyện đầu hàng, ta thu 30 súng, toàn bộ sổ sách giấy tờ. Chính quyền địch ở Hiệp Hoà đã hoàn toàn bị thủ tiêu.

Ở Việt Yên, cơ sở cách mạng được xây dựng ở các tổng Tự Lạn, Hoàng Mai, Dĩnh Sơn, Mật Ninh, Thiết Sơn và khu vực xung quanh nhà máy đúc gang Mai Trung Tâm. Đến giữa tháng 6, Việt Yên đã có 20 làng có tổ chức Việt Minh và tổ chức phụ nữ Cứu quốc. Chị em đã tham gia tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh xóm làng, trấn áp bọn phản động, hướng dẫn quần chúng phá các kho thóc của Nhật và tay sai ở Khả Lý Hạ, của Mai Trung Tâm ở Lát chia cho dân đang bị đói.

Trước khí thế phong trào cách mạng, tri huyện Phạm Khắc Dậu ban đêm không dám ngủ ở huyện đường. Thấy địch hoang mang, rệu rã, tối 26-6-1945, du kích các làng Thuý Cầu và Ngọc Nham (Yên Thế, nay thuộc Tân Yên) kéo xuống huyện lỵ Việt Yên tước vũ khí của binh lính. Thấy lực lượng tự vệ tiến vào, binh lính trong huyện bỏ chạy, ta thu 7 khẩu súng. Hôm sau (27-6-1945), tri huyện Dậu bỏ đi hẳn, trong huyện lỵ chỉ còn một số lính và tên thừa phái, tổng lý các địa phương đều nằm im hoặc ngả theo cách mạng.

Ở Yên Thế, song song với việc xây dựng lực lượng chính trị, đồng chí Hà Thị Quế rất chú trọng lực lượng võ trang. Từ cuối năm 1944 và nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp, bên cạnh Mặt Trận Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc, đồng chí Hà Thị Quế đã xây dựng các đội tự vệ. Lực lượng tự vệ Yên Thế đã cùng với Cứu quốc quân liên tiếp tấn công vào quân địch.

Ngày 18-3-1945, đánh đồn Bố Hạ.

Ngày 20-3-1945, tự vệ Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Hưu tiến sang Võ Nhai (Thái Nguyên) phối hợp với lực lượng tự vệ ở đây đánh đồn Đình Cả.

Cuối tháng 3-1945, tự vệ khu vực kè Lữ Vân dưới sự chỉ huy của đồng chí Hà Thị Quế chặn đánh thuyền chở dầu và thóc của Nhật, lấy thóc chia cho dân, còn dầu đốt tại chỗ.

Ngày 15-7-1945, tri phủ Tưởng Văn Trang dẫn lính đi Bố Hạ đốc thuế. Đồng chí Hà Thị Quế liền cử một đội tự vệ đến mai phục tại dốc Đanh. Khi bọn địch đi tới, tự vệ xông ra bắn chết một tên lính, bắn bị thương Tưởng Văn Trang, bọn còn lại vội vã đầu hàng. Ngay tối hôm đó ta đem Tưởng Văn Trang và tên thừa phái ra xử. Bọn lính trong phủ vô cùng hoang mang, tên đội chỉ huy lính bảo an trong phủ đã đi theo cách mạng.

Ngày 17-7-1945, viên đội dẫn một tiểu đội lính giả vờ đi tuần để cho tự vệ ta tước vũ khí, sau đó y dẫn tự vệ quay lại phủ tước súng của bọn địch còn lại. Ta thu 20 súng, đốt toàn bộ giấy tờ, sổ sách. Phủ Yên Thế hoàn toàn giải phóng.

Ở Lục Ngạn, từ giữa tháng 3 năm 1945, Ban cán sự tỉnh đã cử các đồng chí Chu Đốc, cán bộ quân sự, Hồ Công Lạng, Nguyễn Đức Quỳ,  cán bộ chính trị về mở các lớp huấn luyện quân sự và chính trị ở nhiều địa phương. Cơ sở cách mạng đã được mở rộng ra nhiều làng, bản trong phủ, đặc biệt ta đã gây được cơ sở trong làng Thanh Rã, xã Tam Rị, một làng công giáo toàn tòng.

Mặc dù bị tên cha cố phản động tìm mọi cách chống phá, nhưng cán bộ đã dựa vào những giáo dân tốt, có cảm tình với cách mạng để tuyên truyền, vận động, thành lập được các đoàn thể cứu cuốc trong đó có Hội phụ nữ.

Thấy điều kiện khởi nghĩa địa phương đã chín muồi, đêm 17-7-1945, các đồng chí lãnh đạo phủ Lục Ngạn đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Lục Ngạn vào ngày 18-7-1945. Đêm hôm đó ta đã huy động lực lượng tự vệ địa phương về bao vây phủ, dán áp phích ở cổng huyện và các dãy hè trong phố. Mờ sáng ngày 18-7-1945, một bộ phận tự vệ tiến vào cổng phủ, lính gác hoảng sợ bỏ chạy. Khi quân ta tiến vào phủ, cai Ân ra lệnh cho binh lính không được chống cự và nộp vũ khí cho Việt Minh. Tri phủ Vũ Phạm Phổ đã ngả theo cách mạng, khăn áo chỉnh tề cùng gia quyến ra hàng, nộp ấn tín, sổ sách cho Việt Minh.

Ngày 20-7-1945, ta tổ chức mít tinh chào mừng phủ Lục Ngạn được giải phóng và ra mắt Uỷ ban dân tộc giải phóng phủ. Hội phụ nữ các địa phương trong phủ đã huy động chị em phụ nữ về dự mít tinh khá đông.

Tại Yên Dũng, ngày 20-7-1945, tự vệ Song Khê do đồng chí Ninh Văn Phan chỉ huy phối hợp với tự vệ  An Tràng, Đào Tràng tiến đánh đồn Đức La thu 7 khẩu súng, phá kho thóc chia cho dân. Ngay đêm hôm đó, tự vệ Song Khê phối hợp với tự vệ Cảnh Thuỵ bao vây huyện lỵ Yên Dũng. Tri huyện Phùng Trọng Mưu hoảng sợ bỏ chạy bị tự vệ bắt được dẫn quay trở lại công đường bắt nộp vũ khí, giấy tờ, sổ sách, bằng triện.

Ở thị xã Phủ Lạng Thương, cơ sở cách mạng đã được xây dựng ở xưởng sửa chữa xe lửa, nhà máy nước, trong công chức, binh lính, học sinh và chị em tiểu thương, ở một số nơi chị em tham gia tổ tập võ để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Giữa tháng 7-1945, tổ phụ nữ trung kiên thị xã Phủ Lạng Thương đã góp phần giải thoát đồng chí Hoàng Hà Châu (tức Hoàng Quốc Thịnh) khỏi nhà lao Bắc Giang.

Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (14-8-1945), quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu, hoang mang, rối loạn. Chính quyền bù nhìn đang tan rã, thời cơ ngàn năm có một cho nhân dân ta giành chính quyền đã đến.

Lúc này lệnh Tổng khởi nghĩa chưa về đến địa phương, nhưng căn cứ vào Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương, các đồng chí cán bộ lãnh đạo căn cứ vào diễn biến tình hình ở địa phương đã không chần chừ, do dự, chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh.

Được tin Nhật sẽ giao chính quyền tỉnh Bắc Giang cho bọn Đại Việt vào sáng ngày 18-8-1945, các đồng chí cán bộ phụ trách huyện Việt Yên và Yên Dũng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hồ Công Dự đã cấp tốc họp tại Song Khê (Yên Dũng) quyết định phải chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh trước khi phát xít Nhật và bọn Đại Việt hành động.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 18-8-1945, hai đồng chí Hồ Công Dự và Ninh Văn Phan cùng 6, 7 tự vệ trang bị dao găm, súng ngắn xuất phát từ Song Khê vượt cầu sông Thương vào tỉnh lỵ, đột nhập vào dinh tỉnh trưởng lúc 6 giờ sáng. Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh sợ hãi phải đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí và ra lệnh cho tên chánh Bảo an giao trại Bảo an binh cho Việt Minh. Lực lượng tự vệ chiếm trại Bảo an binh thu gần 200 súng. 7 giờ sáng, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng và trại Bảo an binh. Khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Bắc Giang thắng lợi. lực lượng tự vệ thị xã Phủ Lạng Thương và các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng cùng với quần chúng nhân dân tuần hành thị uy. Cờ, biểu ngữ tràn ngập các ngả đường.

Chiều ngày 21-8-1945, tại sân vận động thị xã Phủ Lạng Thương, một cuộc mít tinh với hàng nghìn người đã được tổ chức để chào mừng chính quyền cách mạng. Tại cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời các cấp, giới thiệu Chương trình của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi mọi người hăng hái tham gia vào Mặt trận Việt Minh, các tổ chức cứu quốc, nâng cao cảnh giác, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng. Sau đó, cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Giang thắng lợi có công đóng góp rất to lớn của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Cách mạng tháng Tám đổi đời cho các dân tộc, cho người phụ nữ, giải phóng họ thoát khỏi xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến. Với địa vị của người làm chủ, phụ nữ Bắc Giang nguyện đem hết trí tuệ, tài năng để cùng với nam giới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

CHƯƠNG II

PHỤ NỮ BẮC GIANG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

I-Phụ nữ Bắc Giang tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng (8/ 1945- 12/1946).

Nhân dân Việt Nam vừa giành được chính quyền trong cả nước thì bao nhiêu khó khăn dồn dập ập tới.

Sau gần một thế kỷ thống trị, thực dân Pháp đã để lại cho ta một gia tài khánh kiệt: Nền kinh tế tài chính thiếu hụt, kho tàng trống rỗng, nạn đói làm chết hơn 2 triệu người do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra tại miền Bắc, miền Bắc lại bị lụt lớn.

Chúng ta đang đứng trước những khó khăn về kinh tế, tài chính thì bọn đế quốc tràn vào âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta.

Ở miền Nam, ngày 23-9-1945, núp sau quân đội Anh đến giải giáp quân đội Nhật, thực dân Pháp lại nổ súng xâm lược nước ta.

Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào nước ta tước vũ khí quân đội Nhật, kéo theo cả một lũ tay sai phản động với mục tiêu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt gian đánh đổ chính quyền nhân dân, để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng.

Ngày 10-9-1945, quân Tưởng Giới Thạch kéo qua Bắc Giang và ở lại 2000 tên. Núp dưới bóng quân Tưởng, bọn thổ phỉ, phản động trong tỉnh ngóc đầu dậy, ra sức chống phá cách mạng. Suốt đường hành quân qua Hữu Lũng, bọn thổ phỉ ở đây dựa vào quân Tưởng đi cướp bóc, bắt nhân dân cung cấp gạo, thịt. Bọn thủ hạ của Vòng Tài tự xưng là huyện trưởng, bọn Hoàng Văn Sinh mạo nhận là chính quyền địa phương đứng ra bắt tay với quân Tưởng.

Lực lượng thổ phỉ ở Sơn Động, Lục Ngạn, một phần Hữu Lũng gồm các tên Váy Thình, Ba Bồ ở Kép Ba, Biển Động; tổng đoàn Long ở An Châu; Cao Kỳ Nam, Mai Triền Nam ở Hữu Lũng... với khoảng 2000 tên được quân Tưởng trang bị vũ khí, bọn chúng cướp bóc, chém giết lẫn nhau, gây thù hằn giữa các dân tộc.

Dựa vào quân Tưởng, bọn Quốc dân đảng ở Hoàng Mai, Mật Ninh, Đạo Ngạn (Việt Yên) cũng ngóc đầu dậy tập hợp lực lượng chống phá cách mạng.

Giặc ngoài, thù trong, nền kinh tế nghèo nàn kiệt quệ cùng với những tệ nạn xã hội lạc hậu là trở lực lớn đối với công cuộc bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân ta nói chung, Bắc Giang nói riêng.

Trước tình hình trên đây, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ba nhiệm vụ cần kíp “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp là Tỉnh uỷ Bắc Giang, Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh giữ một vai trò quan trọng trong việc động viên, tổ chức chị em phụ nữ thực hiện những nhiệm vụ của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Từ sau cách mạng tháng Tám thành công, tổ chức Phụ nữ Cứu quốc đã được thành lập ở nhiều nơi. Hệ thống tổ chức đã được hình thành từ cơ sở đến huyện, tỉnh.

Mở đầu cho những hoạt động của phụ nữ trong thời kỳ này là phong trào tăng gia sản xuất cứu đói do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Người nói:

“Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc” thì “Binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “Tấc đất tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó.

Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!(1)

Hưởng ứng  lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức những đoàn vận động lạc quyên cứu đói. Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, bản chất nhân hậu “Thương người như thể thương thân”, phụ nữ là lực lượng tham gia đông đảo, hăng hái.

________

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.114- 115.

 

 Ở nhiều thôn, xóm, các bà, các chị là người đi đầu, nòng cốt trong các ban cứu đói đi tuyên truyền vận động nhân dân tăng gia sản xuất, nhường cơm, sẻ áo cứu giúp những người quá khó khăn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “... cứ mười ngày nhịn ăn một bữa dành gạo cứu đói”, nhà nhà lập “Hũ gạo cứu đói”. Người phụ nữ với chức năng nội chợ “Tay hòm chìa khoá” của mỗi gia đình là người chủ trì đích thực đối với “Hũ gạo cứu đói” đầy tình nghĩa, nhân ái. Chỉ riêng xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) có 545 hũ gạo, số gạo tiết kiệm được trên một tấn; huyện Việt Yên tiết kiệm được 1800kg để cứu tế và ủng hộ bộ đội; Hội phụ nữ làng Vân (Việt Yên) có phong trào không nấu rượu, mỗi ngày tiết kiệm được 250kg gạo.

Thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, “Không một tấc đất bỏ hoang”, phụ nữ đã ra sức khai hoang, tận dụng bờ bãi trồng rau màu ngắn ngày để chống đói. Chị em phụ nữ thị xã Phủ Lạng Thương tổ chức thành từng đoàn, từng đội đi về nông thôn giúp bà con nông dân đắp đê, khai hoang, phục hoá.

Câu ca dao:

“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang.

 Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”, được kẻ ở nhiều nơi trong thôn xóm, trên các bờ tường, đã động viên nhắc nhở dân làng hăng hái tăng gia sản xuất.

Nhờ tinh thần lao động cần cù và nhiệt tình cách mạng của toàn dân, trong đó phụ nữ đóng vai trò quan trọng, chúng ta không những chỉ chống được nạn đói mà còn thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo tiền đề để tiêu diệt các loại giặc khác.

Nhằm khắc phục những khó khăn về tài chính, ngày 4-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh xây dựng “Quỹ độc lập” và tổ chức “Tuần lễ vàng” quyên góp vàng, bạc, tiền của trong nhân dân để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Mặt trận Việt Minh và của Chính phủ, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh quyên góp vào “Quỹ độc lập” với tất cả tấm lòng tha thiết và tích cực nhất. Chị em đã sáng tác ra những câu ca dao:

 

Người còn thì của cũng còn

Nhà tan nước mất vàng son làm gì

Hoặc:

Đeo hoa chỉ tổ nặng tai

Đeo vòng nặng cổ hỡi ai có vàng

Làm dân một nước vẻ vang

Mang vàng phụng sự giàu sang nào tày

Đem vàng đổi súng cối xay

Bắn tan giặc Pháp dựng ngày vinh quang.

Những câu ca dao trên đã kích động chị em phụ nữ hăng hái đóng góp vào “Quỹ độc lập”“Tuần lễ vàng”. Nhiều người đã góp cả những chiếc vòng, khuyên tai, nhẫn vàng, là những vật kỷ niệm quý nhất của đời mình cho cách mạng. Toàn huyện Việt Yên quyên góp được 12 lạng vàng, điển hình là làng Vân, Thổ Hà, Sen Hồ... Nhân dân xã Song Vân (Yên Thế, nay thuộc Tân Yên) góp 5 đồng cân vàng, 20 kg bạc trắng; nhân dân xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) góp 4,5 lạng vàng; nhân dân xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) ủng hộ 30 đồng cân vàng; 45 chiếc mâm thau; nhân dân xã Hoàng An (Hiệp Hoà) góp một số khuyên vàng, xà tích và một mâm thau bạc trắng. Ngoài ra, nhân dân còn góp mâm thau, đỉnh đồng, tượng đồng đen... Ở một số nơi, nhân dân dùng kiệu rước vàng bạc đến trụ sở Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời để ủng hộ Chính phủ.

Song song với việc tham gia giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính, phụ nữ tỉnh đã tiến quân vào trận địa diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Muốn giữ vững nền độc lập

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...[6]

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ Bắc Giang. Dưới thời thực dân phong kiến, phụ nữ là những con người bị kìm hãm, thiệt thòi nhất về học hành. Do vậy, dù bận rộn với bao công việc sản xuất, nội trợ gia đình, nhiều bà, nhiều chị vẫn dẫn cháu, con đến lớp học. Nhiều chị biết chữ xung phong làm chiến sĩ diệt dốt. Các lớp học bình dân được mở ra khắp nơi: ở trong nhà, ở đầu chợ và ngay cả trên bờ ruộng... Phong trào bình dân học vụ đã lôi cuốn từ những em nhỏ đến các cụ già. Có những cụ đã 50, 60 tuổi vẫn cắp sách tới học. Từ những bản làng hẻo lánh miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế đến những xóm làng đông đúc miền xuôi, ở đâu cũng vang lên tiếng học đánh vần:

i, tờ có móc cả hai

i ngắn có chấm, tờ dài có ngang

Để khuyến khích, cổ vũ phong trào, các địa phương đã tổ chức mạng lưới thông tin tuyên truyền, các đoàn thể thiếu nhi, thanh niên thường xuyên đi cổ động, phát thanh tin tức, kẻ khẩu hiệu, dán áp phích, làm thơ, ca, hò, vè, phát động trong thanh niên không lấy vợ, không lấy chồng mù chữ, tổ chức những ngày hỏi chữ ở đường cái lớn, ở cổng chợ, ai đọc được chữ thì được đi cổng chính, ai không đọc được chữ thì phải chui cổng phụ. Với các hình thức trên, phong trào bình dân học vụ ở các địa phương lên rất cao, cả tỉnh đã có trên 1000 lớp và đã có 42.000 người thoát nạn mù chữ, trong số này phần lớn là phụ nữ. Không ít chị em, phong trào bình dân học vụ là những bước đi đầu tiên trên con đường hoạt động cách mạng, sau này trở thành những cán bộ của phong trào phụ nữ, phong trào cách mạng của địa phương.

Cuộc sinh hoạt chính trị có ý nghĩa nhất đối với toàn dân, trong đó có phụ nữ tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ này là cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (ngày 6-1-1946) và bầu Hội đồng nhân dân tỉnh, xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ từ 18 tuổi trở lên không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, giai cấp, được cầm lá phiếu đi bầu cử để lựa chọn người thay mặt cho mình, cho giới mình vào cơ quan quyền lực của Nhà nước. Cử tri của tỉnh đã lựa chọn bầu bốn đại biểu vào Quốc hội.[7] Dưới chế độ phong kiến, thực dân, phụ nữ luôn bị coi rẻ, chưa bao giờ được bình đẳng với nam giới, nay chị em được hưởng quyền tự do dân chủ, tự tay cầm lá phiếu để bầu cử.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Quốc hội khoá I thông qua đã ghi rõ vị trí của người phụ nữ trong xã hội mới: Tất cả quyền bình đẳng trong cả nước là của nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai, gái, giàu, nghèo, giai cấp, tôn giáo. Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện.

Lần đầu tiên ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta, quyền bình đẳng của phụ nữ được công nhận trong Hiến pháp.

Ngày 5-7-1946, phụ nữ tỉnh Bắc Giang lại đi bầu cử Hội đồng nhân dân xã, Hội đồng nhân dân tỉnh[8]. Nhiều chị đã trúng cử vào Hội đồng nhân dân xã. Đồng chí Mai Thị Ngọc Thuyết (Mai Thị Vũ Trang) trúng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh. Đó là điều chưa từng có trước đây.

Đất nước ta độc lập chưa được bao lâu thì ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược Nam Bộ. Toàn dân ta sôi sục căm thù, tỏ rõ quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược, kiên quyết bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc. Hướng về miền Nam ruột thịt đang anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã tích cực ủng hộ “Tuần lễ ủng hộ Nam Bộ kháng chiến” và động viên chồng con xung phong vào đoàn quân “Nam tiến” sát cánh cùng quân và dân miền Nam giết giặc. Lực lượng “Nam tiến” của Bắc Giang và Bắc Ninh, quân số khoảng 600 đội viên, biên chế thành một chi đội, trong đó có bảy phụ nữ trong số hàng trăm phụ nữ ghi tên xung phong. Có những bà mẹ, những người vợ đến gặp Ban chỉ huy xin cho chồng con đi bằng được. Tại thị trấn Lục Nam vào trung tuần tháng 1-1946, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh cùng nhân dân địa phương đã tổ chức mít tinh tiễn đưa đoàn quân “Nam tiến” của tỉnh lên đường giết giặc cứu nước:

Tiễn đưa ấm cả khúc sông

Một người đi, vạn tấm lòng đi theo

Tiễn chồng con ra mặt trận, người phụ nữ ở nhà khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Đông đảo chị em phụ nữ đã tham gia dân quân tự vệ, có nơi đã tổ chức những đơn vị dân quân tự vệ gồm toàn nữ. Chị em ở trong lực lượng võ trang hăng hái luyện tập. Các bà, các chị không tham gia luyện tập làm nhiệm vụ nấu cơm, nấu nước phục vụ dân quân tự vệ luyện tập. Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong phong trào mua sắm vũ khí trang bị cho dân quân tự vệ. Ở nhiều địa phương, Hội phụ nữ Cứu quốc đứng ra quyên tiền mua sắm vũ khí trang bị cho dân quân tự vệ. Phụ nữ xã Tân Trung (Tân Yên), Nghĩa Hưng (Lạng Giang)... vận động dân làng ủng hộ cả đồ cúng tế ở đình, chùa để đúc đạn. Ở một số địa phương chị em có phong trào thách cưới bằng súng hay lựu đạn, thậm chí còn cả “...cái đầu thằng Tây”.

Người ta thách lợn, thách trâu,

Em nay chỉ thách cái đầu thằng Tây.

Việc cấp dưỡng, trang bị cho lực lượng vũ trang địa phương chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của nhân dân. Phụ nữ giữ một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, quyên góp lập quỹ nuôi quân, quỹ mua sắm vũ khí. Các tổ chức “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội mùa đông binh sĩ”... được thành lập ở hầu khắp các địa phương, giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ bộ đội, dân quân tự vệ... Ở một số nơi chính quyền đã trích một phần ruộng công giao cho dân quân tự về sản xuất tự túc. Hội phụ nữ Cứu quốc đã tổ chức cày cấy, chăm bón, thu hoạch... giúp dân quân, tự vệ.

Qua hoạt động thực tiễn, sự giác ngộ của chị  em phụ nữ được nâng lên, đội ngũ cán bộ từ cơ sở đến tỉnh cũng đông đảo thêm, trình độ, kinh nghiệm công tác được nâng lên. Nhiều chị trở thành cán bộ chuyên trách, một số chị trở thành cán bộ chuyên trách của các huyện, thị. Tỉnh uỷ đã có chủ trương, kế hoạch cụ thể về củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội phụ nữ Cứu quốc từ tỉnh xuống đến cơ sở như: Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, điều động cán bộ nữ về những huyện, những vùng còn thiếu cán bộ nữ...

Tháng 9-1945, Hội phụ nữ Cứu quốc Bắc Giang họp hội nghị ở làng Kế, xã Dĩnh Kế (Lạng Giang, nay thuộc thành phố Bắc Giang). Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (tức Cúc) được chỉ định làm Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh. Tháng 12-1945, chị Nguyễn Thị Minh Tâm được Tỉnh uỷ chuyển sang nhận công tác khác, chị Lê Thị Nhã (tức Ngân Sơn) được phân công làm Bí thư thay chị Tâm. Cũng thời gian này ở các huyện cũng tiến hành thành lập các Ban chấp hành lâm thời Phụ nữ Cứu quốc huyện và chỉ định các đồng chí bí thư.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ vận, tháng 9-1947, Tỉnh uỷ chỉ định Tiểu ban phụ vận tỉnh gồm bốn đồng chí: Hà Thị Phương Dung, Lê Minh Hải, Nguyễn Thị Thọ, Nguyễn Thị Hảo. Đồng chí Lê Minh Hải làm Trưởng tiểu ban phụ vận đồng thời là Bí thư Phụ nữ Cứu quốc tỉnh.

Ngày 20-10-1946, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập. Ở Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập ngày 20-10-1947 do bà Trần Thị Thọ làm Hội trưởng, chị Nguyễn Thị Thọ, Uỷ viên Tiểu ban phụ vận tỉnh làm Phó Hội trưởng. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ các ngành, các giới, các tầng lớp, các lứa tuổi tham gia cùng với Hội phụ nữ Cứu quốc vận động chị em phụ nữ tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Tuy nhiên, do số lượng cán bộ làm công tác phụ vận còn ít, nên Ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc tỉnh thời gian đầu chỉ vài người, thậm chí có huyện chỉ có một đồng chí. Số lượng quá ít, chị em lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác của địa phương. Trình độ và kinh nghiệm công tác của số đông cán bộ nữ còn rất bỡ ngỡ, điều kiện công tác và sinh hoạt rất khó khăn vì không có phụ cấp, nên chủ yếu phải dựa vào sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân. Mặc dù vậy,  với nhiệt tình và ý thức trách nhiệm cao, được Đảng, Mặt trận Việt Minh, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ, Ban chấp hành phụ nữ Cứu quốc các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác xây dựng hội, đẩy mạnh phong trào phụ nữ tham gia các mặt công tác của địa phương.

Những ngày tháng cuối năm 1946, trước những hành động khiêu khích trắng trợn của thực dân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang, việc chuẩn bị kháng chiến càng trở nên khẩn trương, cấp bách. Mọi hoạt động của đoàn thể  phụ nữ đều tập trung vào nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của địa phương.

Ở các làng, xã, phường phố, đã thành lập các đội cứu thương do phụ nữ đảm nhận. Các đội viên cứu thương khẩn trương học tập cách sơ cứu, băng bó, vận chuyển người bị thương, chuẩn bị bông băng, cáng võng... Các ban đón tiếp đồng bào tản cư được thành lập, trong đó có  đại điện tổ chức phụ nữ tham gia. Phụ nữ Bắc Giang còn tham gia vào công tác bảo vệ và phục vụ các cơ quan của Đảng, Chính phủ từ Thủ đô Hà Nội trên đường lên chiến khu Việt Bắc qua Bắc Giang, có những cơ quan đã ở lại huyện Yên Thế một thời gian dài.

Trong hơn một năm củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng, phong trào phụ nữ Bắc Giang đã từng bước được củng cố và phát triển. Hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố, thu hút đông đảo lực lượng phụ nữ đứng trong tổ chức, đội ngũ cán bộ nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng, được bồi dưỡng về phương pháp công tác. Cùng với các tổ chức khác trong Mặt trận Việt Minh do Đảng lãnh đạo, đoàn thể phụ nữ là chỗ dựa vững chắc của chính quyền cách mạng.

Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, phụ nữ Bắc Giang đã tỏ rõ truyền thống yêu nước và cách mạng của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản chất đó được nhân lên gấp bội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

II-Phụ nữ Bắc Giang tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp

(12/ 1946- 7/ 1954).

Sau khi vào miền Bắc thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch, thực dân Pháp liên tiếp khiêu khích, gây chiến với ta ở nhiều nơi. Chúng ta đã kiềm chế, nhân nhượng, nhưng thực dân Pháp càng lấn tới.

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ kêu gọi đồng bào cả nước:

“Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”.[9]

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ tỉnh Bắc Giang bước vào cuộc kháng chiến của dân tộc với tất cả sức mạnh của lòng yêu nước, chí hy sinh dũng cảm, tinh thần đoàn kết và lòng căm thù giặc.

1. Phục vụ chiến đấu

Phối hợp với tiếng súng kháng chiến của Thủ đô Hà Nội, đêm 19-12-1946, quân dân Bắc Giang đã nổ súng đánh địch ở câu lạc bộ Phủ Lạng Thương. Ta tổ chức nhiều đợt tấn công, bao vây chặt quân địch. Hội phụ nữ Cứu quốc lập Ban tiếp tế cho bộ đội và tự vệ, vận động gia đình chị em ủng hộ thịt, gạo, hoa quả... Các tổ phụ nữ ngày ngày hai bữa chuẩn bị cơm nắm tiếp tế cho bộ đội đang bao vây địch. Đến sáng ngày 24-12-1946, địch điều quân từ Hà Nội lên giải vây, quân Pháp vội vã rút khỏi câu lạc bộ Phủ Lạng Thương. Đầu tháng 3 năm 1947, quân Pháp từ Tiên Yên, Đình Lập (Tỉnh Lạng Sơn) đánh vào Sơn Động. Hàng trăm chị em phụ nữ các dân tộc đã được huy động lên tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu nhằm cản bước tiến của quân địch.

Chấp hành chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phá cho rộng, phá cho sâu, phá cho bọn Pháp không lợi dụng được.

Phụ nữ Bắc Giang cùng quân và dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia phong trào tiêu thổ kháng chiến. Thị xã Phủ Lạng Thương được lệnh phá hoại triệt để. Chị em phụ nữ thị xã Phủ Lạng Thương đã tự tay phá những ngôi nhà của mình, đem giường, tủ ra làm chướng ngại vật. Trên dọc đường quốc lộ 1A, 13B... đều được đắp ụ, cắm cọc, xẻ rãnh... Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn qua Bắc Giang, cũng bị phá huỷ hoàn toàn; cầu Đáp Cầu, cầu sông Thương, cầu Lường bị đánh sập. Trên các sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thương, đều cắm cọc, đắp kè, ngăn cản tàu thuyền, ca nô của địch. Những quả đồi trọc được đóng cọc vót nhọn chống địch nhảy dù.

Hình ảnh người phụ nữ Bắc Giang làm nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến đã được phản ánh một cách sinh động trong bài thơ Phá đường của Tố Hữu:

Em là con gái Bắc Giang

Rét thì mặc rét nước làng em lo

Nhà em phơi lúa chưa khô

Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong

Nhà em con bế con bồng

Em vẫn theo chồng đi phá đường quan

Ngoài nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến, phụ nữ Bắc Giang cùng với toàn dân xây dựng làng chiến đấu (rào làng, đào hầm, hào giao thông...), cất giấu thóc lúa, chuẩn bị phương án tản cư, thực hiện “Vườn không nhà trống” khi địch đến. Tháng 7 năm 1949, quân Pháp mở chiến dịch đánh chiếm các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên. Hầu hết huyện Việt Yên, một phần huyện Yên Dũng, Lạng Giang bị địch tạm chiếm.

Hàng vạn chị em phụ nữ các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Sơn Động, Lục Ngạn... theo tiếng gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tản cư cũng là kháng chiến” đã bỏ lại tài sản, nhà cửa không chịu hợp tác với giặc, đưa gia đình ra vùng tự do. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nhân dân các huyện Yên Thế, Hiệp Hoà với tình thương yêu “Lá lành đùm lá rách” đã thành lập các ban đón tiếp đồng bào tản cư, tìm cách sắp đặt cho đồng bào tản cư có nơi ăn, chốn ở.

Địch dựa vào một số phần tử phản động lập các làng tề có vũ trang, tăng cường lùng sục, càn quét phá cơ sở kháng chiến, phá hoại mùa màng, làm suy yếu lực lượng kháng chiến của ta. Chúng ra sức thực hiện chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, thi hành lệnh tổng động viên, ráo riết bắt lính, cướp thóc gạo. Từ đầu năm 1951, địch tiến hành xây dựng phòng tuyến “boong ke” từ Hòn Gai, Đông Triều chạy qua Bắc Giang. Cùng với việc xây dựng phòng tuyến, địch tiến hành dồn làng, đuổi dân để lập vành đai trắng rộng từ ba đến năm km kéo dài từ Mỹ An (Lục Ngạn) qua Lục Nam, Lạng Giang, Phủ Lạng Thương, Việt Yên, Hiệp Hoà làm cho gần 60 nghìn mẫu ruộng bị bỏ hoang và gần 50 nghìn người phải rời bỏ làng mạc đi nơi khác. Thực dân Pháp còn thường xuyên cho máy bay ném bom, bắn phá dã man vùng tự do tỉnh Bắc Giang. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (từ 24-10 đến 20-11-1950), máy bay địch đã oanh tạc 25 lần làm 882 ngôi nhà bị phá huỷ, 145 người chết và bị thương. Những nơi bị địch chiếm đóng, nhân dân tản cư bất hợp tác với giặc, một lòng một dạ hướng về kháng chiến.

Đầu năm 1951, Tỉnh hội Phụ nữ đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ: tất cả cán bộ, đảng viên ở những địa phương bị địch chiếm đóng phải trở về bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng đón thời cơ vùng dậy giải phóng quê hương. Tất cả các cấp hội đều tổ chức học tập, quán triệt chủ trương trên, có kế hoạch đưa cán bộ phụ nữ trở về vùng tạm bị chiếm do cấp uỷ các cấp trực tiếp tổ chức và chỉ đạo, trừ một số ít chị em không có điều kiện hoạt động trong vùng địch chiếm đóng được bố trí ở lại vùng tự do. Nhiều cán bộ, đảng viên nữ được bố trí cùng nhân dân hồi cư để lãnh đạo nhân dân xây dựng, củng cố phong trào kháng chiến ngay trong lòng địch.

Tháng 10-1951, Huyện uỷ Việt Yên đã đưa 14 đảng viên và ba chi uỷ viên về cơ sở để củng cố và tập hợp lực lượng trong vùng tạm chiếm. Được tăng cường cán bộ và đảng viên, toàn huyện đã củng cố và phát triển thêm được 35 tổ thanh niên gồm 148 người, 18 tổ phụ nữ gồm 54 hội viên.

Ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Việt Yên... thời gian đầu khi địch mới chiếm đóng, tổ chức phụ nữ Cứu quốc có bị xáo động, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã kịp thời chấn chỉnh lại tổ chức, bố trí cán bộ xây dựng lại cơ sở, cán bộ phụ nữ đã cùng chị em bám thôn xóm, ruộng đồng để duy trì sản xuất, đánh giặc giữ làng, thi hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Ở những nơi này, mặc dù địch xây đồn bốt, lập tề, tổ chức hương dũng, đánh phá cơ sở ta triền miên, có những cán bộ nữ hy sinh, nhưng ngay sau đó cơ sở phụ nữ vẫn được phục hồi, phát triển.

Nhìn chung, những năm 1947 – 1949, trong điều kiện cuộc kháng chiến ngày càng gay go quyết liệt, phong trào phụ nữ Bắc Giang vẫn được củng cố và phát triển. Đến cuối năm 1949, Hội phụ nữ Cứu quốc Bắc Giang có 17.708 hội viên, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh có 34.473 hội viên.

Hệ thống tổ chức của Hội phụ nữ Cứu quốc được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Từ đầu năm 1946 đến cuối năm 1949, có ba đồng chí lần lượt làm Bí thư phụ nữ Cứu quốc tỉnh: đồng chí Lê Thị Nhã, từ tháng 1-1946 đến tháng 8-1947, đồng chí Lê Minh Hải, từ tháng 9-1947 đến tháng 8-1948; đồng chí Tuyết Minh từ tháng 9-1948 đến tháng 9-1949.

Tháng 9 năm 1947, trước tình hình thực tế, Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 197 chấp thuận giải tán tổ chức Lão bà và phật giáo, đưa các lão bà phật giáo và tổ chức Tương tế, Phụ mẫu  giao cho cán bộ phụ nữ phụ trách. Như vậy, tổ chức của Hội liên hiệp phụ nữ đã phát triển rộng hơn.

 Ban Phụ vận của tỉnh có 4 đồng chí. Ban Phụ vận có 1 Ban Tuyên huấn có 3 người. Tổng số phụ nữ cứu quốc trong tỉnh tính đến tháng 5 năm 1948 có 9.281 người. Đến Đầu năm 1949 phát triển lên 12.708 người.

Cuối năm 1948, Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bắc Giang họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất. Đại hội đã kiểm điểm công tác mọi mặt của Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh từ sau Cách mạng tháng Tám và đề ra phương hướng công tác trong thời gian tới là: củng cố và phát triển phụ nữ Cứu quốc, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ về chính trị, phương hướng công tác, vận động mọi tầng lớp phụ nữ tham gia kháng chiến. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội  phụ nữ Cứu quốc tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Minh làm Bí thư.

Đầu năm 1949, Hội liên hiệp phụ nữ của tỉnh có 47.181 thành viên. Trong đó Hội Phụ nữ cứu quốc có 12.708 hội viên; Hội Phụ mẫu có 17.288 hội viên; Hội Tương tế có 16.277 hội viên, còn lại là cá nhân gia nhập: 908 hội viên. Tại các xã, Hội phụ nữ cứu quốc điều hành mọi công việc. Các công việc của Liên hiệp phụ nữ và Hội phụ nữ cứu quốc có sự phối hợp. Hội phụ nữ cứu quốc có 1 đại biểu chính thức trong Ban Chấp hành Liên hiệp phụ nữ. Hội phụ nữ cứu quốc tiến hành huấn luyện chuyên môn, Hội liên hiệp phụ nữ huấn luyện văn hoá, nữ công và viết sách báo.

Ngày 11 tháng 9 năm 1949, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Quyết nghị các đồng chí trong Đảng đoàn phụ nữ: Đồng chí Thìn, Thu Thanh, Tuyết Minh, Thu Thuỷ, Phương Dung. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Minh là Bí thư Đảng đoàn.

Tháng 10-1949, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Minh được trên điều đi nhận công tác khác. Đồng chí Lê Thu Thuỷ là Uỷ viên Ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc  tỉnh phụ trách.

Trải qua những năm tháng rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, nhiều chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, số đảng viên nữ còn rất ít ỏi có thể đếm trên đầu ngón tay. Đến đầu năm 1949, số đảng viên nữ cả tỉnh có 343 đồng chí, bằng 7,6% tổng số đảng viên trong toàn tỉnh, đông nhất là các huyện Yên Thế (74 đồng chí), Lạng Giang (74 đồng chí), Hiệp Hoà (67 đồng chí). Tuy vậy, số đảng viên, cán bộ nữ vẫn còn rất mỏng so với yêu cầu và nhiệm vụ kháng chiến.

Với sự lớn mạnh như vậy, phong trào phụ nữ đã góp phần to lớn trên nhiều lĩnh vực trong công cuộc kháng chiến của địa phương.

Ở vùng địch kiểm soát, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Cán bộ phụ nữ đi vào quần chúng, thông qua những chị em cốt cán và cảm tình với kháng chiến, vạch rõ âm mưu của địch, lãnh đạo chị em đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính, chống vơ vét thóc lúa, chống hãm hiếp phụ nữ... Tháng 10-1951, hàng trăm phụ nữ các xã Quảng Minh, Bích Sơn, Hồng Thái (Việt Yên) đấu tranh với địch đòi lại trâu bò bị địch bắt vì thiếu thuế.

Một trong những công tác quan trọng của phụ nữ trong vùng địch hậu là bảo vệ, nuôi cán bộ, bộ đội, du kích. Hàng trăm các bà, các chị đã không ngại khó khăn nguy hiểm, không quản hy sinh, hết lòng giúp đỡ, che giấu cán bộ. Khi địch lùng sục tìm bắt cán bộ, biết bao các bà, các chị bị địch bắt, bị tra tấn rất dã man, nhưng thà chết chứ nhất định không khai báo làm tổn hại phong trào cách mạng. Xã Quảng Minh (Việt Yên) nằm sát đường số 1A, trong xã có bốt quận Việt Yên, có bọn tề phản động, các làng trong xã luôn luôn bị địch càn quét, lùng sục, nhưng vẫn có hàng trăm gia đình đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích. Ở thôn Long Trì, xã Tân An (Yên Dũng), phụ nữ cùng nhân dân đã đào địa đạo chạy dọc làng phục vụ chiến đấu. Ở xã Song Khê (Yên Dũng), phụ nữ tham gia đào 400 hầm bí mật cất giấu của cải, cán bộ, bộ đội và đào 2000 m giao thông hào, 5000 m hầm ngầm địa đạo từ xóm nọ chạy sang xóm kia.

Ngoài việc đấu tranh chống địch ở vùng tạm chiếm, còn một mặt hoạt động rất quan trọng nữa của phụ nữ là đấu tranh kinh tế với địch kết hợp đấu tranh bảo vệ quyền lợi thiết thực của phụ nữ và nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp Hội, chị em đã tích cực thực hiện chủ trương của Đảng bao vây và phá hoại kinh tế địch, phát triển kinh tế của ta. Hội phụ nữ đã vận động chị em không dùng hàng xa xỉ phẩm của địch, không mang hàng hoá từ vùng tự do vào vùng tạm chiếm. Ở các vùng nông thôn địch tạm kiểm soát, phụ nữ tham gia đấu tranh chống địch phá hoại mùa màng, cất giấu thóc lúa, không để lọt vào tay địch, không nộp thuế cho địch, không đóng đảm phụ quốc phòng...

Một trong những cuộc đấu tranh quyết liệt nhất của nhân dân Bắc Giang kéo dài suốt từ năm 1951 đến ngày kết thúc chiến tranh là cuộc đấu tranh lấn chiếm vành đai trắng. Nhiều đồng bào và chiến sĩ đã đổ máu hy sinh để giành giật với địch từng tấc đất. Cuộc đấu tranh diễn ra gay go, phức tạp nhưng rất phong phú. Ở nhiều nơi, địch cho quân đến phá làng, ép dân đi, ta đã vận động nhân dân cương quyết đấu tranh không bỏ quê hương đi nơi khác. Có nơi ta lợi dụng sự không thống nhất giữa quân ứng chiến và bọn nguỵ quyền để vận động quần chúng đấu tranh đòi về quê cũ làm ăn, buộc địch phải nhượng bộ. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo mỗi xã ở vùng sát địch và vùng “Vành đai trắng” thành lập một uỷ ban lấn đai. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, phong trào lấn đai phát triển mạnh mẽ, trở thành cuộc đấu tranh gay go quyết liệt giữa ta và địch về các phương diện quân sự, kinh tế, chính trị. Tính đến trước ngày đình chiến, cả tỉnh đã lấn đai được 4.139 mẫu, trong đó huyện Việt Yên lấn được nhiều nhất (trên 1000 mẫu).

Thi hành chỉ thị số 1 của Liên khu uỷ Việt Bắc “Về việc vận động thanh niên tòng quân và giúp đỡ gia đình thương binh tử sĩ”, Đảng đoàn phụ nữ đã đặt nhiệm vụ vận động thanh niên tòng quân vào trong chương trình công tác và ngay trong ngày 8 tháng 3 kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ cũng nhắc tới vấn đề vận động tòng quân. Các hình thức vận động được thực hiện bằng cách tố khổ nêu rõ tội ác của giặc để nuôi chí căm thù trong nhân dân. Các xã đã viết thư gửi các gia đình có thanh niên hoặc trực tiếp vận động không đi lính cho địch. Phụ nữ các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng đã gắn cuộc vận động tòng quân với chống bắt phu, bắt lính. Nhiều gia đình có người thân đi bộ đội được Hội phụ nữ phân công giúp công việc làm cỏ lúa, chuyển thóc, thăm hỏi lúc ốm đau. Kết quả trong thời gian ngắn số thanh niên xung phong gia nhập bộ đội là 279 người trong đó huyện Lạng Giang có 76; Yên Thế có 9; Hiệp Hoà có 65; Hữu Lũng có 19; Yên Dũng có 32.

Để chống lại âm mưu và thủ đoạn thâm độc của thực dân xâm lược “Dùng người Việt đánh người Việt” bắt thanh niên làm bia đỡ đạn cho chúng, phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ chồng con, chống địch bắt lính. Các mẹ, các chị cam kết giữ chồng con không cho đi lính nguỵ. Chị em đã lăn ra đường cản xe địch không cho địch đưa chồng con đi. Có chị bồng con lên vị trí địch kêu khóc đòi chồng, có bà mẹ đi tận Hà Nội đòi con. Phụ nữ thị xã Phủ Lạng Thương vận động các bà lấy chồng Âu, Phi lên vị trí đòi chồng về...

Song song với công tác chống bắt lính, phụ nữ tỉnh Bắc Giang còn tuyên truyền, vận động, thuyết phục binh lính địch bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân, góp phần làm tan rã hàng ngũ binh lính địch. Nhiều phụ nữ được điều động tham gia vào ban địch vận các cấp. Hệ thống tổ chức phụ nữ cũng được huy động tham gia công tác địch vận và được đánh giá là lực lượng có thế mạnh góp phần tích cực vào thành công của mặt trận này. Chỉ tính từ tháng 12-1953 đến tháng 7-1954, toàn tỉnh đã vận động được 2607 lính nguỵ trở về với nhân dân, 250 lính Âu, Phi đòi hồi hương. Phụ nữ xã Song Khê (Yên Dũng) đã hàng chục lần gọi loa, rải truyền đơn vào đồn địch, kêu gọi 63 lính nguỵ bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân.

Công tác phục vụ chiến đấu quan trọng nhất trong kháng chiến chống Pháp là đi dân công vận tải lương thực, vận tải vũ khí, tải thương, làm đường. Nói đến dân công là nói đến phụ nữ, “Hai phần ba dân công là phụ nữ”. Dấu chân người phụ nữ Bắc Giang in khắp các ngả đường trên chiến dịch Biên Giới, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám, tỉnh Bắc Giang đã huy động 33.000 dân công đi phục vụ, cung cấp 1.500 tấn gạo, 1.800 tấn thóc, được Bộ tổng tư lệnh tuyên dương: “Cung cấp đầy đủ nhiên liệu, vật liệu cho chiến dịch đạt thắng lợi”. Thương binh trong chiến dịch được chị em dân công chuyển về các trạm sau mặt trận. Chị em phụ nữ huyện Lục Ngạn (đại bộ phận là dân tộc thiểu số) đã thay nhau chăm sóc thương binh, chị em còn ủng hộ hàng nghìn phên đường,  hàng trăm hộp sữa... để bồi dưỡng cho thương binh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ” suốt một tháng ở Đèo Cà (Yên Thế), hơn hai vạn dân công tỉnh Bắc Giang lăn lộn ngày đêm trong mưa rét đã mở được ba con đường xuyên rừng dài 25 cây số và lấp 8.000m3  đất vào hố bom, bảo đảm đường vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài nhiệm vụ làm đường, Bắc Giang còn huy động 11.000 dân công đi phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ, được tặng thưởng cờ luân lưu “Bảo đảm giao thông” của Bộ giao thông công chính.

Làm nên những thành tích này, lực lượng phụ nữ tỉnh Bắc Giang đóng vai trò quan trọng.

Với đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng đề ra, phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã góp phần xây dựng hậu cần tại chỗ. Phụ nữ là người chủ động đề ra và thực hiện có kết quả các hình thức vận động “Lọ gạo kháng chiến”, “Đống rơm bộ đội”, “Chum tương bộ đội”, “Luống rau bộ đội”, “Ao cá bộ đội”... Bộ đội hành quân đến đâu đã có đầy đủ lương thực, thực phẩm do bàn tay của các bà, các chị chuẩn bị. Bước sang năm 1950, khi cuộc kháng chiến của ta có những chuyển biến mạnh, chúng ta chuẩn bị mở nhiều chiến dịch lớn thì công tác chuẩn bị vật chất cho chiến trường càng trở nên quan trọng. Năm 1950, Bắc Giang đã chuẩn bị 1107 tấn thóc, 842 tấn gạo, 4000 chiếc bánh dầy làm lương khô, 1353 con bò, 2416 con lợn, 191 thuyền, bè vượt sông, 10 trạm cứu thương, 10 y tá, 30 cứu thương, 1500 người tải thương... Trong những công việc này, phụ nữ đóng vai trò chủ yếu.

2. Trực tiếp chiến đấu

Với truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hàng nghìn chị em phụ nữ Bắc Giang đã tham gia lực lượng vũ trang cầm súng giết giặc. Ngoài những chị em đứng trong hàng ngũ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, đông đảo chị em tham gia chiến đấu trong các đơn vị dân quân du kích. Từ các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn đến các huyện trung du Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, có hàng chục đơn vị nữ dân quân, du kích. Chị em làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm, vừa bám quê hương sản xuất, gây cơ sở, vừa phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương. Đến năm 1949, Bắc Giang có 1.872 nữ du kích. Có những đơn vị nữ du kích tiêu biểu như đội nữ du kích do Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh thành lập giữa năm 1947 làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương kháng chiến, kiến quốc của Đảng. Đội đã phối hợp với các đơn vị du kích nam 2 lần quấy rối vị trí địch đóng ở núi Con Phượng (Lục Ngạn nay thuộc Lục Nam).

Để trấn áp bọn Việt gian, tề nguỵ phản động, năm 1948 Ty Công an Bắc Giang đã thành lập đội Chi Lăng. Trong đội Chi Lăng có một đơn vị nữ chuyên làm nhiệm vụ trinh sát. Các chiến sĩ trinh sát nữ đã thâm nhập vào vị trí Đồi Ngô (Lục Ngạn, nay thuộc Lục Nam) để điều tra tình hình địch.

Du kích xã Thái Sơn (Lạng Giang, nay thuộc Yên Dũng), trong đó có nhiều người là phụ nữ, ngày 2-5-1952, đã đánh bại một tiểu đoàn đến càn quét. Thành tích và kinh nghiệm chống càn của du kích Thái Sơn đã được đi báo cáo điển hình tại Hội nghị địch hậu toàn Bắc Bộ cuối năm 1952. Nhiều nữ du kích đã lập được thành tích xuất sắc như chị Sai (Thái Sơn), chị Hồ (Long Trì)...

Đơn vị du kích người Sán Dìu xã Kiên Lao (Lục Ngạn) trong đó có nhiều chị em phụ nữ đã chiến đấu hàng chục trận chống lại các vụ cướp bóc của bọn thổ phỉ, các cuộc càn quét của quân Pháp. Trong suốt những năm kháng chiến, địch không chiếm được Kiên Lao, không lập được tề, không một người dân nào theo địch. Chiến công của du kích Kiên Lao đã được nhân dân ca ngợi:

Cấm Sơn có núi Ba Hòn

Có đoàn du kích đỉnh non diệt thù

Hàng trăm chị em giao thông viên ngày đêm vận chuyển công văn, tài liệu, báo chí, đưa đón cán bộ, bộ đội, từ vùng tự do vào vùng tạm chiếm. Các chị phải nằm hầm, lội sông, lội suối, ngâm mình dưới nước, bị bắt, bị tra tấn dã man đủ mọi cực hình... nhưng vẫn không làm lộ bí mật của Đảng.

Anh hùng liệt sĩ Cao Kỳ Vân, người xã Cao Thượng (Yên Thế, nay thuộc Tân Yên), là chiến sĩ trinh sát của Ty Công an Bắc Giang, được phân công điều tra nắm tình hình vị trí Mỏ Thổ (Việt Yên). Chị sa vào tay địch. Bọn địch tra tấn chị rất dã man, cho cả chó béc giê cắn xé chị. Chị nghiến răng chịu đựng, không hề khai báo nửa lời. Chị đã anh dũng hy sinh ngày 1-5-1950.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Quất, người xã Dĩnh Kế (Lạng Giang, nay thuộc thành phố Bắc Giang), nhiều lần ngâm mình trong lòng mương để quan sát, nắm vững quy luật hoạt động của địch cung cấp tình hình cho du kích Dĩnh Kế tiêu diệt một trung đội lính địch đi dò mìn.

Tổ giao thông của chị Thái xã Dĩnh Kế, đã vận chuyển công văn, đưa đón cán bộ, bộ đội hàng trăm lần vượt qua các vị trí, lướt qua những con mắt soi mói của địch tới địa điểm an toàn.

Chị Nguyễn Thị Chúc, xã Song Mai (Việt Yên, nay thuộc thành phố Bắc Giang), là nữ du kích đã dũng cảm làm nhiệm vụ trinh sát, viễn tiêu, hướng dẫn cho bộ đội tiêu diệt địch trong trận càn vào căn cứ du kích Thái Đào ngày 2-5-1951.

Chị Giáp Thị Kim (xã Song Khê, Yên Dũng) một chiến sĩ liên lạc, bị địch phục kích bắt được, đã nhanh chóng nuốt tài liệu, địch bóp cổ, móc họng chị song vẫn không lấy được tài liệu của chị. Tổ trinh sát của du kích xã Song Khê gồm ba chị: Đào Thị Sắt, Đào Thị Chanh, Nguyễn Thị Chung hàng ngày vào thị xã Phủ Lạng Thương nắm tình hình địch, quan sát cầu sông Thương, các vị trí và sự bố phòng của địch giúp cho bộ đội đánh đổ cầu và phá kho xăng Mỹ Độ.

Không thể kể hết những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Bắc Giang đã hy sinh một phần, có người đã hy sinh cả tính mạng và tài sản cho kháng chiến mà cho đến nay không hề có một đòi hỏi đãi ngộ. Các bà, các chị rất xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những chiến sĩ kiểu mẫu của dân tộc, những người con xứng đáng của Đảng.

3. Đảm nhận công tác hậu phương

Trên mặt trận sản xuất, xây dựng hậu phương, phụ nữ đóng vai trò là chủ gia đình, gánh vác mọi công việc từ đồng áng đến chăm nom việc nhà, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ để chồng con yên tâm tòng quân, tham gia du kích, đi công tác thoát ly...

Đảm bảo sản xuất để có lương thực ăn, quần áo mặc cho gia đình và cung cấp cho nhu cầu kháng chiến là mặt trận quan trọng nhất của công tác hậu phương.

Thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện kháng chiến, chị em phụ nữ Bắc Giang gặp không ít khó khăn do thiên tai, địch hoạ liên tiếp xảy ra.

Trong suốt 9 năm kháng chiến, năm nào cũng xảy ra hạn hán, lụt lội, trong khi đó địch liên tục mở những trận càn quét phá hoại sản xuất, cướp thóc lúa, trâu, bò...

Từ giữa năm 1951, địch xây dựng phòng tuyến boong ke, lập khu trắng không người làm cho gần 60.000 mẫu ruộng phải bỏ hoang. Tháng 6-1952, địch thả bom phá đập Thác Huống (Thái Nguyên) làm gần 30.000 mẫu ruộng của 3 huyện Hiệp Hoà, Yên Thế, Việt Yên không có nước cày cấy.

Vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, phụ nữ Bắc Giang đã nỗ lực vượt bậc, góp phần đảm bảo sản xuất ổn định. Hàng vạn chị em phụ nữ trong tỉnh từ vùng tự do đến vùng địch hậu, từ miền núi đến miền xuôi, ngày đêm sản xuất quên mình, góp phần cung cấp cho bộ đội “Ăn no đánh thắng”.

Ở các xã thuộc khu du kích nam Lạng Giang- Yên Dũng, địch bắn giết trâu bò, chị em phụ nữ cuốc ruộng, kéo cày thay trâu. Những xã gần đồn bốt địch, trong vành đai trắng, địch thường xuyên bắn phi pháo, không cho nhân dân sản xuất, không được làm vào ban ngày, chị em làm  ban đêm. Làm ra được hạt thóc, củ khoai không chỉ có đổ mồ hôi, mà còn có khi phải đổi cả bằng xương máu.

Phong trào phụ nữ Bắc Giang học cày bừa thay thế chồng con đi bộ đội đã xuất hiện từ những ngày đầu kháng chiến. Phong trào lan rộng từ miền xuôi lên miền núi, đã thu hút hàng nghìn chị em tham gia. Ở nhiều địa phương, lực lượng sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phụ nữ. Phụ nữ không chỉ cày bừa, cấy gặt mà còn đắp đê, đào mương, đắp đập,....

Trong khói lửa chiến tranh, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, từ sức kéo, sức lao động cho đến giống vốn và khó khăn nhất là địch tàn phá, song nhân dân Bắc Giang vẫn hăng hái sản xuất theo lời dạy của Bác Hồ: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”. Năm 1949, năm địch mở cuộc tấn công chiếm đóng huyện Việt Yên, Lạng Giang, là  năm chiến sự xảy ra ác liệt nhất, cũng là năm sôi nổi thi đua thực hiện đề án “Tự túc ăn mặc” của tỉnh đề ra. Bắc Giang đã sản xuất được 108.403 tấn thóc vượt 10% so với năm 1948, riêng huyên Hiệp Hoà vượt 25%. Nông dân tích cực đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Năm 1949, Bắc Giang nộp thuế điền thổ được 4 nghìn tấn thóc và hàng triệu đồng. Hàng nghìn tấn thóc được chị em phụ nữ chuyển từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do. Chỉ riêng năm 1951, Bắc Giang đã huy động 4.000 nhân công, chuyển 650 tấn thóc từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do. Nhiều chị em đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Hạt gạo đến với anh bộ đội ở chiến trường không chỉ thấm mồ hôi mà còn thấm cả máu.

Phong trào thi đua sản xuất đã xuất hiện những gương tiêu biểu, điển hình là chị Nguyễn Thị Ngoan, chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc của tỉnh Bắc Giang, đã bám sát địch, cày bừa ban đêm, vận động nhân dân vỡ hoang, áp dụng biện pháp kỹ thuật gieo mạ thưa, cấy nhỏ dảnh, chăm bón đúng kỹ thuật để tăng năng suất.

Tự túc được cái ăn, phụ nữ Bắc Giang còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cái mặc.

Với phương châm tự lực cánh sinh do Đảng đề ra, Tỉnh uỷ đã nêu khẩu hiệu: tự túc một phần ba về vải mặc cho nhân dân và bộ đội địa phương. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, phụ nữ Bắc Giang đã phát động phong trào trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm rầm rộ khắp nơi. Khẩu hiệu: mỗi gia đình trồng 10 gốc dâu, được chị em nhiệt liệt hưởng ứng. Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh đã tổ chức mít tinh ở chùa Mỹ Thái (Lạng Giang) có hàng trăm chị em phụ nữ các địa phương tham dự để phát động chị em phụ nữ trong tỉnh thực hiện khẩu hiệu tự cấp tự túc để kháng chiến của Đảng. Sau cuộc mít tinh, tất cả mọi người toả đi các nơi cuốc đất trồng dâu, thực hiện khẩu hiệu tự túc về vải mặc của tỉnh. Phụ nữ huyện Việt Yên mít tinh kỷ niệm ngày khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Mít tinh xong, tổ chức hội thi dệt vải, dệt sồi, dệt lụa, thu hút đông đảo chị em phụ nữ các nơi tham gia. Phụ nữ Mật Ninh, Sen Hồ... là những địa phương dệt giỏi. Năm 1949, cả tỉnh trồng 376 ha bông, 550 ha dâu. Các huyện Việt Yên, Hiệp  Hoà, Lục Ngạn, Sơn Động trồng nhiều hơn cả. Xã Song Khê (Yên Dũng), phụ nữ đã trồng 50 ha bông. Bà Nông Thị Phán xã An Lạc (Sơn Động) mỗi năm dệt được  500m lụa các loại.

Một số nghề thủ công như thuộc da, ép dầu, cang gốm... có bị gián đoạn do chiến tranh nhưng vẫn cố gắng sản xuất để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng và cho nhu cầu kháng chiến.

Ngày 12 tháng 9 năm 1952, Tỉnh uỷ có Thông tri số 54-TTBG “Vận động sản xuất quân trang cho bộ đội”. Thông tri nêu rõ nhu cầu quân trang ngày càng nhiều. Trước tình hình như vậy, Tỉnh uỷ đã ra thông tri nhằm đề ra một cuộc vận động sản xuất quân trang. Nhiệm vụ được Thông tri nêu ra là: Huy động hết lực lượng máy khâu trong tỉnh, vận động các máy khâu may cho bộ đội, hưởng ứng may tối thiểu 3 bộ quần áo một ngày, các máy chưa may cho bộ đội gia nhập các tổ chức phân đoàn may quân trang,  các máy được chỉ định buổi tối để may ngoài, ban ngày tuyệt đối dành may cho bộ đội. Vận động chị em phụ nữ tổ chức nhau thành từng nhóm khâu tay những loại quân trang không cần may như may màn, quần đùi...Hội Liên hiệp phụ nữ có nhiệm vụ cụ thể là: Giúp đỡ huyện, xã tổ chức các nhóm khâu tay để động viên chị em khâu nhanh, bền, đẹp, các hội viên thi đua từ tháng 9 năm 1952 đến tháng 12 năm 1952.

Các tổ chức “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội giúp thương binh bị thương”, phong trào đỡ đầu bộ đội đã thu hút hàng vạn bà mẹ trong tỉnh tuy tuổi già sức yếu nhưng đầy tình yêu đất nước, giống nòi, giành phần sức lực cuối cùng của mình để chăm lo cho chiến sĩ. Những buổi thăm hỏi động viên, phong trào ủng hội quà bánh ngày Tết, may áo ấm cho bộ đội... được phát động rầm rộ khắp các địa phương. Phụ nữ tỉnh và các huyện tổ chức các đoàn đến các trạm chăm sóc thương binh từ việc may vá quần áo đến việc vận động đón thương binh về nuôi và phát động phong trào lấy thương binh, nhất là thương binh nặng. Chỉ trong hai năm 1950, 1951, phụ nữ Bắc Giang đã vá hàng vạn bộ quần áo cho bộ đội, đóng góp 200 tấn gạo, 1.189.000 đồng cho bộ đội địa phương, ủng hộ thương binh trong dịp Tết Tân Mão (1951) 1.478 bánh chưng, 12 tạ gạo nếp, 56.500 đồng, hai con bò... Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đỡ đầu tiểu đoàn Lũng Vài[10], Hội phụ nữ huyện Yên Dũng nhận đỡ đầu cho trung đội Minh Khai bằng cách động viên chị em lên núi Neo cắt cỏ bán lấy tiền ủng hộ anh em. Phụ nữ huyện Lạng Giang tổ chức những buổi thi nấu cơm, thi khâu vá quần áo cho bộ đội, vỡ hàng chục mẫu đất hoang trồng vừng làm thức ăn khô cho bộ đội...

Có những bà mẹ nhận đỡ đầu cả tiểu đoàn như mẹ Xe, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) hoặc cả trung đội như mẹ Chuyên xã Việt Tiến (Việt Yên). Mỗi khi có đơn vị bộ đội trú quân tại làng, phụ nữ đã giúp đỡ việc ăn ở, các thương bệnh binh được thăm hỏi, chăm sóc chu đáo. Bộ đội hành quân qua làng được các mẹ mời những bát nước chè xanh còn bốc hơi nghi ngút.

Tình cảm thắm thiết, đậm tình đối với những chiến sĩ xả thân vì đất nước, phản ánh sâu sắc lòng nhiệt tình yêu nước, lòng đôn hậu của phụ nữ, thể hiện sâu sắc mối quan hệ quân dân, một trong những nhân tố cơ bản quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng lãnh đạo.

Trong khói lửa chiến tranh, phong trào diệt dốt, phong trào xây dựng nếp sống mới vẫn được duy trì mà phụ nữ là lực lượng tham gia đông đảo và hăng hái. Đến cuối năm 1949, cả tỉnh đã có 71% số người thoát nạn mù chữ, huyện Yên Dũng đã thanh toán xong nạn mù chữ. Đông đảo chị em phụ nữ thoát nạn mù chữ là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện nâng cao trình độ chính trị, văn hoá cho phụ nữ nói riêng, xã hội nói chung, phục vụ công cuộc kháng chiến kiến cuốc thuận lợi và kết quả hơn.

Phong trào xây dựng nếp sống mới tiếp tục được đẩy mạnh nhất là ở vùng tự do.  Hội phụ nữ tích cực đấu tranh chống các hủ tục, thành kiến, ràng buộc, coi thường phụ nữ. Nhiều tục lệ mê tín dị đoan bị đẩy lùi, tệ bói toán, đồng bóng, vàng mã về cơ bản đã chấm dứt. Quyền bình đẳng nam nữ ngoài xã hội ngày càng được tôn trọng. Đám cưới tổ chức theo đời sống mới, không có cỗ bàn ăn uống, dành tiền ủng hộ quỹ nuôi quân.

Công tác bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh cho nhân dân, phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Phần lớn y tá, hộ lý, các đội cứu thương, tải thương đều là phụ nữ. Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với ngành y tế mở các lớp đào tạo nữ hộ sinh nông thôn được hơn 40 người. Chị em toả về các xã vừa phục vụ những chị em sinh đẻ vừa làm công tác vận động quần chúng. Phong trào “Sạch làng tốt ruộng”, “Ăn chín uống sôi”, “Bốn diệt” (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt chấy rận), “Ba sạch” (ăn sạch, ở sạch, uống sạch)... chị em phụ nữ là những người đi đầu, tham gia đông đảo.

Công tác vận động chồng con, người thân lên đường chiến đấu là một nhiệm vụ quan trọng của Hội phụ nữ các cấp. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, năm 1950, đã có 12.700 người ghi tên tòng quân trong đó có 4.000 người đã nhập ngũ. Để vận động chồng con tòng quân, chị em đã làm bài ca dao:

Hôm qua em nằm nhà ngang

Mành thưa gió lọt dạ càng xót xa

Mọi người qua lại hát ca

Thấy người mà lại xót xa cho chồng

Bảo vào du kích cũng không

Bảo đi bộ đội trong lòng không ư

Ngoài nhiệm vụ sản xuất, phụ nữ tỉnh còn đảm nhiệm công tác chính quyền, thay thế nam giới đi chiến đấu. Trong bộ máy chính quyền, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều. Trong Hội đồng nhân dân và Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp, đều có nữ đại biểu, nữ uỷ viên. Đặc biệt ở một số xã thuộc các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, đã có những phụ nữ là đại biểu Hội đồng nhân dân xã,  Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện, xã. Một số địa phương, phụ nữ đã giữ những cương vị chủ chốt trong chính quyền, trong dân quân du kích. Đó là biểu hiện quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Từ năm 1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang một giai đoạn mới. Để phù hợp với tình hình, Đảng có chủ trương thống nhất các lực lượng kháng chiến thành một khối. Tháng 5-1950, trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc đã hợp nhất vào Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Ở Bắc Giang, việc hợp nhất Phụ nữ Cứu quốc vào Hội liên hiệp phụ nữ đến tháng 8-1950 đã cơ bản làm xong từ tỉnh đến cơ sở.

Tháng 6-1950, đồng chí Nguyễn Thị Hưng được cấp trên điều về làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Giang. Tháng 10-1951, đồng chí Nguyễn Thị Hưng được điều đi nhận công tác khác. Đồng chí Lê Thu Thuỷ làm quyền Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Tháng 12-1952, đồng chí Hoàng Thu được trên điều về làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang.

Hệ thống tổ chức hội được kiện toàn, đội ngũ cán bộ được tăng cường là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển của phong trào phụ nữ Bắc Giang. Mặc dù việc đào tạo cán bộ được chú ý, lại được cấp trên bổ sung, song đội ngũ cán bộ chuyên trách đoàn thể phụ nữ vẫn còn rất ít so với nhu cầu công tác.

Cùng với sự phát triển của phong trào kháng chiến địa phương, phong trào phụ nữ cũng không ngừng lớn mạnh. Đến cuối năm 1950, số hội viên đã lên đến 48.500 người.

Vượt qua những khó khăn, thử thách, xây dựng phong trào và có những đóng góp tích cực vào công cuộc kháng chiến của địa phương là một nỗ lực lớn lao của Hội phụ nữ Bắc Giang. Tỉnh uỷ đã khẳng định vai trò tích cực của phong trào và đoàn thể phụ nữ. Báo cáo của Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ đọc trước Đại hội Đảng bộ lần thứ ba (4-1951) khẳng định: “Phụ nữ... tiến bộ nhanh hơn cả”. “Chị em phụ nữ đã xung phong rất nhiều trong việc phục vụ tiền tuyến. Mùa đông qua, phụ nữ đứng ra đảm nhiệm việc mùa đông binh sĩ cho bộ đội và nhiều việc quyên góp khác”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến anh hùng đó, quân và dân tỉnh Bắc Giang đã đánh địch 1.700 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương 15.569 tên, tịch thu và phá huỷ 1.619 khẩu súng các loại... Trong thành tích đó có công lao rất lớn của chị em phụ nữ.

Ngày 4-8-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị xã Phủ Lạng Thương. Tỉnh Bắc Giang được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng nhân dân miền Bắc bước sang một thời kỳ cách mạng mới.

Từ đỉnh cao của thời đại hôm nay nhìn về quá khứ vẻ vang xưa, chúng ta vô cùng trân trọng những phẩm chất và lòng hy sinh cùng những cống hiến vô cùng to lớn về nhân tài, vật lực của các tầng lớp phụ nữ tỉnh nhà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ những công việc có phần bình thường, lặng lẽ ở hậu phương đến những hành động chiến đấu với quân thù ở tiền tuyến, phụ nữ Bắc Giang đã thể hiện rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với những truyền thống cao đẹp: Anh hùng bất khuất trước kẻ thù xâm lược, tình yêu thương đồng bào, đồng chí, trung thành vô hạn với Tổ quốc với Đảng. Đó là nét son tô bằng máu của bao bà mẹ, bao người chị đã ngã xuống trên mảnh đất này, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Bắc Giang.

CHƯƠNG III

PHỤ NỮ BẮC GIANG TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954- 1975).

I. Phụ nữ Bắc Giang trong thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (8/ 1954- 1957)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng hậu quả để lại còn rất nặng nề về kinh tế, văn hoá xã hội... Sản xuất nông nghiệp có tới 34.682 mẫu ruộng bị bỏ hoang. Đập Thác Huống (Thái Nguyên) tưới nước cho 3 vạn héc ta ruộng đất của Bắc Giang bị địch ném bom phá hỏng.Công trình thuỷ nông Cầu Sơn cũng bị phá hỏng. Hàng vạn người trong kháng chiến phải tản cư lên vùng tự do, nay trở về quê hương không còn nhà cửa, ruộng vườn hoang hoá, thiếu lương thực, giống vốn, sức kéo và công cụ sản xuất. Đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đến tháng 4-1955, cả tỉnh đã có tới 52.000 người bị đói, tập trung ở các vùng mới giải phóng.

Trong lúc chúng ta đang khó khăn, trước khi rút quân, thực dân Pháp còn cài cắm gián điệp ở lại để phá hoại ta về nhiều mặt. Chúng giăng dây thép gai, gài mìn ở nhiều vùng đất canh tác gây trở ngại cho ta trong việc phục hồi sản xuất. Tại các xí nghiệp, công sở, chúng phá hoại hoặc đem theo nhiều máy móc, tài sản. Đối với đồng bào ở vùng địch tạm chiếm, nhất là những người theo đạo Thiên chúa, địch ra sức dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào Nam.

Tình hình an ninh trật tự và những tàn dư, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại cũng rất nặng nề, phức tạp. Ở vùng mới giải phóng, bọn tề nguỵ, các phần tử đảng phái phản động, lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút thuốc phiện, đĩ điếm, mê tín dị đoan, v.v..., cũng là những trở ngại lớn cần được giải quyết. Bên cạnh đó còn hàng nghìn người không có việc làm, nhiều người không biết chữ, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Trước tình hình trên, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể quần chúng cùng nhân dân từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân.

Tỉnh hội phụ nữ Bắc Giang tuy còn thiếu cán bộ, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của Trung ương hội, đã tổ chức cho các huyện, thị xã và cơ sở tiến hành học tập về tình hình nhiệm vụ mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Bộ chính trị (tháng 9-1954) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 8-1955). Mục đích của đợt học tập là làm cho các chị em hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đoàn kết lực lượng phụ nữ, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống gia đình, tích cực tham gia đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, đồng thời cùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện công cuộc khôi phục kinh tế, văn hoá xã hội.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, ngay từ khi địch chuẩn bị rút khỏi Bắc Giang, nhiều cán bộ, trong đó có phụ nữ, đã đi sâu vào các địa phương có đồng bào theo đạo Thiên chúa và các vùng tạm chiếm để nắm tình hình, tổ chức quần chúng đấu tranh chống lại những luận điệu phản tuyên truyền của địch. Nhiều chị em đã kiên trì vận động cha mẹ, chồng con không đi theo địch. Ở những nơi có đồng bào Thiên chúa giáo bỏ đi, chính quyền tổ chức bảo vệ nhà cửa, tài sản, phụ nữ vận động nhân dân đã mua đồ đạc của những người bỏ đi sẵn sàng cho chuộc lại khi họ trở về. Tỉnh hội tổ chức Hội nghị phụ nữ Thiên chúa giáo chống địch cưỡng ép di cư vào Nam nhằm vạch trần âm mưu thâm độc của chúng. Một số chị em đã di cư vào Nam trốn được đã nói lên sự thật tình cảnh khổ cực của đồng bào bị cưỡng bức di cư vào Nam  lúc bấy giờ tại hội nghị. Sau hội nghị này, chị em càng tích cực vận động gia đình, họ hàng không di cư vào Nam, đồng thời giúp đỡ các gia đình đã vào Nam, nay trở về quê hương nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cùng với việc tham gia đấu tranh chống địch cưỡng ép, dụ dỗ đông bào di cư vào Nam, tỉnh hội còn tổ chức các cuộc họp ở một số huyện, xã để tuyên truyền, phổ biến chính sách tự do tín ngưỡng, giải thích cho chị em ở vùng mới giải phóng hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Đối với nguỵ quân, nguỵ quyền, hội phụ nữ đã tích cực tuyên truyền chính sách khoan hồng của Chính phủ, làm cho họ yên tâm lao động sản xuất. Ở những vùng mới giải phóng, phụ nữ đã phát huy tinh thần đoàn kết “Lá lành đùm lá rách” giúp nhau lương ăn, giống vốn, công cụ để sản xuất và ổn định đời sống. Năm 1956, chị em đã đóng góp được 76.400 đồng và 69 nồi gạo để giúp đỡ các gia đình bị thiếu ăn. Do đó tình hình mọi mặt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được ổn định.

Thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh và nhanh chóng khôi phục sản xuất, hàng vạn phụ nữ nông thôn trong tỉnh đã hăng hái tham gia san lấp hố bom, gỡ dây thép gai, gỡ mìn do địch gài lại để lấy ruộng đất canh tác. Phụ nữ cũng là lực lượng chủ yếu tiến hành phục hoá nhiều vùng ruộng đất bị bỏ hoang. Vùng “Vành đai trắng” và xung quanh đồn bốt địch trong kháng chiến hoang vắng, khô cằn, đã dần dần được phủ xanh bằng lúa, ngô, khoai, sắn... Chỉ trong vòng 10 ngày thi đua lập thành tích kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10) do tỉnh hội phát động, chị em trong tỉnh đã trồng được 669 mẫu và 1.968 tấn khoai lang, 52 mẫu rau xanh và gần 1.000 mẫu sắn.

Trên các công trường khôi phục hệ thống nông giang sông Cầu, Cầu Sơn và tu bổ đê điều, đặc biệt là đê Ba Tổng (Yên Dũng), phụ nữ đã ngày đêm cùng nam giới thi đua đào đắp, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao. Các huyện Việt Yên, Yên Thế, Hiệp Hoà có tới gần 6.000 chị em tham gia đắp đê chống lụt. Do những cố gắng trên, hàng nghìn mẫu ruộng đã có đủ nước để cấy được cả hai vụ lúa trong năm.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân tiến hành đánh đổ giai cấp địa chủ, phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân.

Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã xoá bỏ quyền sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến, giải phóng cho giai cấp nông dân và phụ nữ khỏi ách áp bức bóc lột, khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến lạc hậu. Quyền bình đẳng về sở hữu ruộng đất đối với phụ nữ đã được thực hiện. Thông qua cuộc cách mạng phản phong, phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã được nâng cao thêm một bước nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, hăng hái tham gia công tác xã hội.

Từ ngày 26 đến 30-5-1956, Đại hội Đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác hội cho phụ nữ cả nước trong nhiệm kỳ mới. Đồng chí Nguyễn Thị Thập, được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc, Tỉnh hội phụ nữ Bắc Giang đã đề ra phương hướng hoạt động và những nhiệm vụ cụ thể, phân công cán bộ phụ trách các huyện để củng cố tổ chức hội, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất ở cơ sở. Đến tháng 7-1956, cơ quan Tỉnh hội có tám đồng chí (trong đó có ba đảng viên), mỗi huyện có ba cán bộ chuyên trách (trừ Sơn Động, Lục Ngạn). Ban Chấp hành phụ nữ các xã được kiện toàn theo hướng tăng cường thành phần cốt cán. Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã hoạt động khá hơn trong các phong trào thi đua lao động sản xuất. Nhiều chị em được kết nạp vào Đảng hoặc tham gia làm cán bộ trong các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng.

Bên cạnh những thắng lợi là cơ bản, trong cải cách ruộng đất cũng còn những sai lầm. Trung ương Đảng và Bác Hồ đã kịp thời đề ra chủ trương kiên quyết sửa chữa. Căn cứ vào Nghị quyết Trung ương lần thứ 10 (9-1956) và Kế hoạch sửa sai của Tỉnh uỷ, Tỉnh hội phụ nữ đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức Hội nghị quán triệt cho chị em ở cơ sở nhận thức đúng đắn về chủ trương kiên quyết sửa sai và tiến lên của Đảng. Tỉnh hội đã đề ra nhiệm vụ cho phụ nữ gương mẫu thực hiện là góp phần ổn định tư tưởng nhân dân, xoá bỏ mâu thuẫn cá nhân, đoàn kết nông dân, đoàn kết nội bộ phụ nữ các dân tộc, đoàn kết cán bộ cũ và cán bộ mới được phục hồi chức vụ, v.v...

Sau học tập và thực hiện chính sách sửa sai, phong trào phụ nữ tỉnh lại tiếp tục được củng cố. Số cán bộ nữ được phục hồi chức vụ có 58 chị, số được đề bạt trong sửa sai là 298 chị. Tỉnh hội phối hợp với các huyện hội chỉ đạo tổ chức thành lập Ban cán sự phụ nữ xã thay Ban Chấp hành ở những nơi trong cải cách ruộng đất bị đội tuyên bố giải tán. Phần lớn các Ban cán sự đều được bổ sung thêm cán bộ có năng lực và kinh nghiệm công tác hội. Các thôn xóm cũng tổ chức bầu ra được phân chi trưởng, phân chi phó để duy trì sự hoạt động phụ nữ ở cơ sở. Ban Chấp hành Tỉnh hội đến năm 1957 có 9 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Thị Hạnh làm Hội trưởng. Nhằm nâng cao năng lực cán bộ, Tỉnh hội tổ chức mở ba lớp học tập chính trị cho cán bộ xã của sáu huyện miền xuôi và hai lớp cho cán bộ miền núi gồm 244 chị tham dự. Nội dung học tập gồm các chuyên đề: công tác vận động phụ nữ làm cách mạng; xây dựng tổ chức hội phụ nữ ở nông thôn; nhiệm vụ và lề lối làm việc của Ban Chấp hành phụ nữ. Năm đồng chí cán bộ chủ chốt Huyện hội cũng được cử đi học tập chính trị và văn hoá. Do những cố gắng trên và được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, hoạt động của Hội phụ nữ trong tỉnh đã có những bước tiến bộ đáng kể. Qua nhận xét đánh giá của Tỉnh hội về tình hình tổ chức và công tác của Hội phụ nữ cơ sở đã có 33 xã khá, 125 xã trung bình và 50 xã còn yếu. Số phân chi hội hoạt động tích cực có 172, hoạt động trung bình là 414 và hoạt động yếu còn 253. Gần 200 uỷ viên Ban Chấp hành phụ nữ xã hoạt động tích cực góp phần củng cố và đẩy mạnh phong trào phụ nữ ở cơ sở.

Phong trào phụ nữ Bắc Giang từng bước được củng cố và phát triển đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (tháng 8-1955).

Trong những năm 1955-1957 tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do bão lụt, nắng hạn gây ra. Các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vận động chị em hăng hái tham gia phong trào chống hạn, chống úng, thực hiện khẩu hiệu: “Thay trời làm mưa”, “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Ngay trong dịp Tết Bính Thân, từ mồng 1 đến mồng 8-1-1956, đã có hàng nghìn chị em ra đồng tát nước, đào đắp mương máng. Ở 11 xã của ba huyện: Yên Thế, Hiệp Hoà, Yên Dũng, trong hai ngày 3 và 4-1-1956 đã có 2.992 phụ nữ tham gia gánh nước, đào mương, đào giếng, v.v... cứu được 378 mẫu lúa đang bị khô hạn. Năm 1957, phụ nữ trong tỉnh đã tham gia chống hạn cứu được gần 16.000 mẫu lúa và hoa màu. Trong phong trào đắp bờ giữ nước, đã có trên 11.000 chị em tham gia đắp được 17.019 m3. Để lập thành tích chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) chị em dân công trên công trường đắp đê Ba Tổng (Yên Dũng) chỉ trong ba ngày thi đua đã đào đắp vượt mức kế hoạch 263 m3 đất.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Tỉnh hội đã tích cực chỉ đạo, vận động phụ nữ cơ sở hăng hái tham gia xây dựng và củng cố tổ đổi công. Trong quá trình vận động các bà, các chị vào tổ đổi công đã gặp không ít khó khăn về tư tưởng. Ở các huyện miền núi Lục Ngạn, Sơn Động tuy có tập quán làm đổi công giúp nhau từ lâu đời, nhưng vẫn còn một số chị em hiểu sai và cho rằng: vào tổ đổi công, hợp tác xã là tập trung của cải, chia nhau từng bơ gạo, người già, trẻ em không làm không được ăn. Con đẻ ra không được bế mà phải nhốt vào cũi, v.v...

Trước tình hình diễn biến tư tưởng như trên, được sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, phụ nữ ở nhiều xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em vào tổ đổi công. Ban Chấp hành phụ nữ các xã Tân Hưng, Yên Sơn (Lạng Giang) đã giải thích cho chị em hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và quyền lợi của phụ nữ trong tổ đổi công. Kết quả là hầu hết các chị em ở 108 tổ đổi công đã yên tâm lao động sản xuất. Hàng nghìn chị em ở các thôn xóm đã hăng hái tình nguyện vào tổ đổi công. Đến năm 1957, trong tỉnh đã có 1.952 tổ đổi công đều có phụ nữ tham gia.

Phong trào tổ đổi công phát triển tạo điều kiện cho chị em tích cực tham gia cuộc vận động cải tiến nông cụ, cày bừa kỹ, ngâm mạ ba sôi hai lạnh, làm cỏ sục bùn, bón phân, bắt sâu cắn lúa, v.v... nhằm tăng năng suất cây trồng. Trong đợt thi đua lập thành tích kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1956) chị em ở các huyện (trừ Sơn Động và Lục Ngạn) đã làm cỏ thêm một lượt được 1.302 mẫu, cắt lá ủ phân xanh và vận động phụ nữ miền núi ủ phân chuồng được 36.210 gánh để bón cho gần 2.000 mẫu lúa. Năm 1956, Tỉnh hội phát động phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, làm cỏ, bón phân cho lúa và hoa màu để lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ hai. Trong phong trào này, chị em ở nhiều nơi đã thực hiện ngâm mạ ba sôi hai lạnh, cày bừa kỹ, cấy nhỏ dảnh, bón thêm phân xanh và sử dụng bừa cỏ Nghệ An.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phụ nữ các dân tộc Bắc Giang đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp khôi phục và bước đầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Năng suất lúa  năm 1957 đạt gần 17 tạ/ha, tăng 151% so với năm 1939. Các loại cây hoa màu, lương thực, cây công nghiệp đều tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Phong trào chăn nuôi cũng có bước phát triển đáng kể. Số lượng trâu, bò, lợn, gà... năm 1957 tăng hơn năm 1955. Do sản xuất nông nghiệp được phục hồi và bước đầu phát triển, đời sống nhân dân từng bước được ổn định. Từ năm 1955 đến 1957 nhân dân trong tỉnh đã bán cho nhà nước 46.363 tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm và nộp thuế 27.727 tấn thóc.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như nuôi tằm, dệt vải, đan lát, gốm... đã được khôi phục, phát triển, giải quyết cho hàng nghìn chị em có việc làm. Những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tuy chưa nhiều, nhưng cũng góp phần đáp ứng nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh.

Trên các công trường cầu đường trong ngành giao thông, bưu điện..., mặc dù công việc nặng nhọc, nhưng chị em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chỉ trong hai năm 1956, 1957, chị em đã góp phần khôi phục xong những trục đường giao thông chính trong tỉnh, phục vụ sản xuất và đời sống. Một số cơ sở hội còn vận động chị em tham gia xây dựng hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng và phát động phong trào gửi tiền tiết kiệm. Năm 1957, riêng phụ nữ thị xã Phủ Lạng Thương đã gửi được 4.367.000 đồng tiền tiết kiệm, đóng thuế công thương nghiệp đủ và đúng thời gian quy định.

Các cấp Hội cũng thường xuyên quan tâm chăm lo bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, trẻ em. Tỉnh hội đã chỉ đạo cơ sở thành lập các tổ trợ sản, nhóm giữ trẻ, tổ chức khám và chữa bệnh hoa liễu cho phụ nữ, được chị em nhiệt liệt hưởng ứng. Ngay từ năm 1955, nhiều xã đã tổ chức được từ hai đến tám nhóm giữ trẻ. Năm 1956, các huyện Hiệp Hoà, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn thành lập được 241 nhóm giữ trẻ. Đến năm 1957, hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh đã xây dựng được các nhóm giữ trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em có con nhỏ yên tâm lao động sản xuất công tác và học tập. Ở Yên Dũng đã tổ chức khám bệnh cho gần 400 người, trong đó phát hiện 273 chị mắc bệnh hoa liễu và đã chữa khỏi được cho 233 chị. Tại cơ sở y tế Việt Yên, số phụ nữ đến khám phụ khoa có 741 người, phát hiện 159 người mắc bệnh hoa liễu và đã chữa khỏi được 132 người. Năm 1956, 1957, ngành y tế tổ chức một số hội nghị chuyên đề để phổ biến kế hoạch về công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh và tổ chức thực hiện ở cơ sở. Các huyện, thị xã cũng tổ chức họp với các nữ hộ sinh các xã và bà đỡ để bồi dưỡng nghiệp vụ. Huyện hội Lạng Giang phối hợp với y tế mở hai lớp đào tạo nữ hộ sinh chuyên đỡ đẻ. Ban cán sự hội phụ nữ ở nhiều nơi phối hợp với cán bộ y tế xây dựng các tổ trợ sản ở cơ sở, giúp đỡ lẫn nhau lúc sinh đẻ, đau ốm, đã có tác dụng tốt. Cùng với việc xây dựng tổ trợ sản, các cấp hội còn tích cực vận động phụ nữ đi khám thai và đến phòng hộ sinh để đẻ. Ở 28 xã thuộc các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hoà đã có 1.102 chị đi khám thai và 337 chị đến trạm y tế sinh con được an toàn. Năm 1957, tỉnh hội bắt đầu phong trào “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”. Trong phong trào này ở 23 xã đã có trên 1000 bà mẹ cho con ăn bột. Hàng năm ngành y tế tổ chức khám bệnh, điều trị và chủng đậu cho hàng nghìn trẻ em. Các cấp hội tiếp tục vận động chị em góp tiền xây dựng được nhiều  tủ thuốc chữa bệnh trị giá hàng chục nghìn đồng.

Sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em từng bước được đảm bảo là tiền đề thuận lợi để chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, công tác và học tập đươc tốt hơn.

Phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ, nhằm nâng cao trình độ văn hoá, mở rộng tầm hiểu biết cho phụ nữ đã được thực hiện từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào này tạm thời lắng xuống. Ngay sau ngày hoà bình lập lại, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục vận động chị em học văn hoá. Các lớp bình dân học vụ được mở, thu hút nhiều phụ nữ tham gia học tập như Tân Dĩnh (Lạng Giang), Nội Hoàng, Dũng Tiến (Yên Dũng), Liên Sơn (Yên Thế, nay thuộc Tân Yên), v.v... Để đáp ứng nhu cầu về giáo viên, nhiều huyện được Ty giáo dục giúp đỡ đã mở lớp đào tạo hàng trăm cán bộ bình dân học vụ cho xã như Hiệp Hoà, Yên Dũng, Lạng Giang. Năm 1957, các cấp hội phụ nữ đã vận động được 2.830 hội viên đi học. Nhiều chị em có con nhỏ, gia đình khó khăn vẫn tranh thủ buổi trưa, buổi tối để đến lớp học văn hoá.

Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng tủ sách, thư viện ở cơ sở, phụ nữ đều hăng hái tham gia. Chị em ở nhiều xã, thôn đã giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội văn nghệ, tổ chức các đêm diễn kịch, tuồng, chèo, hát quan họ, thu hút nhiều người xem, góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm tươi vui, lành mạnh. Những phong tục tập quán lạc hậu và một số tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút thuốc phiện, mê tín dị đoan, ... đang từng bước bị đẩy lùi.

Trong hôn nhân và gia đình, đã có những biến đổi quan trọng. Tư tưởng phong kiến lạc hậu “Trọng nam khinh nữ”, “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” và tình trạng cưới tảo hôn, mẹ chồng đánh chửi nàng dâu, ... đang từng bước được khắc phục. Quyền bình đẳng nam nữ và tự do luyến ái theo pháp luật được các cấp hội tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Hội phụ nữ các cấp đã làm tốt công tác hoà giải.  Qua giáo dục thuyết  phục đã có nhiều đôi vợ chồng trở lại đoàn tụ như ở Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hoà, ... Năm 1957, hội phụ nữ phối hợp với chính quyền giải quyết cho gần 100 đôi vợ chồng được đoàn tụ. Các cấp Hội cơ sở tích cực đấu tranh phê phán những tệ nạn không lành mạnh trong xã hội như quan hệ nam nữ bất chính, cưới tảo hôn, lấy vợ lẽ, đánh vợ, v.v...

Trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội và Hội mẹ chiến sĩ tích cực tham gia động viên, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn. Phụ nữ ở các xã còn tổ chức, vận động chị em tham gia cất bốc, quy tụ mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang và tận tình giúp đỡ cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết đóng tại địa phương. Các cấp Hội cũng tiến hành vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi đế quốc Mỹ và tay sai phải hiệp thương chính trị, thực hiện tổng tuyển cử, thống nhất Tổ quốc.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, phong trào phụ nữ các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội.

Tổ chức Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở bước đầu được củng cố và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em, đẩy mạnh phong trào thi đua trong thời kỳ mới – cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

II-Phụ nữ Bắc Giang trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội (1958- 1960).

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (11-1958) nêu rõ nhiệm vụ trung tâm của miền Bắc trong ba năm 1958-1960 là: đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công. Khâu chính trong cải tạo là đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đồng thời tích cực củng cố và phát triển thành phần kinh tế quốc doanh.

 Thực hiện Nghị quyết trên, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang đã kịp thời đề ra những chủ trương và biện pháp tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá.

Thường trực Tỉnh hội phụ nữ tổ chức Hội nghị cán bộ, triển khai nhiệm vụ vận động chị em các dân tộc trong tỉnh tham gia cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất. Được tỉnh chỉ đạo làm thí điểm, đầu năm 1958, hợp tác xã Ấp Sậu, xã Quang Tiến (Tân Yên) được xây dựng, trong đó hầu hết phụ nữ đều hăng hái tham gia. Từ cuối năm 1958, phong trào xây dựng hợp tác xã đã được mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Trong quá trình xây dựng hợp tác xã, các nguyên tắc: tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ đều được chị em xã viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc. Đến hết năm 1958, toàn tỉnh xây dựng được 125 hợp tác xã và chỉ tính trong 75 hợp tác xã đã có 2437 chị em tham gia, trong đó có 59 chị được xã viên tín nhiệm bầu vào ban quản trị. Số lao động nữ bình quân trong các hợp tác xã đã chiếm trên 60%. Năm 1959, tỉnh hội tổ chức chỉ đạo các cấp Hội cơ sở vận động phụ nữ tham gia học tập điều lệ hợp tác xã. Qua học tập, chị em đã nhận thức  rõ hơn lợi ích của lao động tập thể và hăng hái làm đơn xin vào hợp tác. Nhiều xã đã có tới 90% số chị em vào hợp tác xã như Song Mai (Việt Yên nay thuộc thành phố Bắc Giang), Ninh Sơn (Việt Yên), Tân Hưng (Lạng Giang), Phương Sơn (Lục Nam), v.v.. Đến tháng 5-1959, trong số 596 hợp tác xã đã có 43.607 chị em tham gia.

Đến năm 1960, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được 1.362 hợp tác xã trong đó có 24,4% là hợp tác xã bậc cao và căn bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp. Phần lớn nông dân tin tưởng vào chủ trương xây dựng hợp tác xã của Đảng. Trên 90% phụ nữ nông dân trong tỉnh vào hợp tác xã.

Thực hiện Chỉ thị 156 ngày 25-9-1959 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ vận động hợp tác hoá nông nghiệp  kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, tỉnh Bắc Giang tổ chức triển khai cuộc vận động cải cách dân chủ ở 75 xã thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam. Tỉnh hội, Huyên hội đã chỉ đạo các xã tổ chức mở hội nghị phụ nữ để tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với nhân dân các dân tộc miền núi. Trong cuộc vận động này, phụ nữ các dân tộc đã đóng góp phần quan trọng trong việc đem lại cho nông dân lao động gần 11.000 mẫu ruộng, 194 vườn bãi, 2.199 con trâu, bò.

Trong lao động sản xuất ở các hợp tác xã, lực lượng phụ nữ giữ vai trò chủ yếu trên những lĩnh vực như làm cỏ, bón phân, cấy, gặt, chăn nuôi, v.v.. Nhằm khuyến khích phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật canh tác, hội phụ nữ đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cấy dày (10x20cm, 20x20cm) cho chị em và tổ chức hội thi cấy. Năm 1958, Tỉnh hội chỉ đạo xã Dĩnh Kế tổ chức thi cấy thí điểm, sau đó phát triển rộng rãi trong toàn tỉnh với diện tích 33.156 mẫu. Các cấp hội phụ nữ ở cơ sở còn tổ chức phát động phong trào bón nhiều phân cho lúa, làm cỏ sục bùn từ một đến ba lần, ngâm mạ ba sôi hai lạnh và gieo mạ luống được đông đảo chị em tham gia. Năm 1959, chị em miền núi đã mạnh dạn sử dụng phân chuồng để bón cho lúa và hoa màu. Phụ nữ ở nhiều nơi đã có phong trào cắt lá cây ủ phân xanh, làm nhà chứa phân... đạt kết quả khá: phân chuồng 2.470 tấn, phân xanh 66.400 gánh, bùn ao 60.741 gánh. Qua tổng kết phong trào thi đua lập thành tích chào mừng những ngày kỷ niệm lớn trong năm 1960 do tỉnh hội phát động, chị em ở các hợp tác xã đã đảm bảo cấy vụ chiêm được 99% diện tích, trong đó có 65% cấy kỹ thuật; vụ mùa cấy hết diện tích, trong đó cấy kỹ thuật được 75%; làm phân bùn được 52 tấn, phân chuồng các loại 39 tấn, phân xanh 47 tấn và làm cỏ sục bùn được từ một đến ba lần. Chị em các dân tộc ở nhiều xã miền núi đã xoá bỏ tập quán cấy chay và bắt đầu thực hiện bón phân cho lúa. Phong trào trồng thêm rau mầu, cây lương thực và chăn nuôi cũng có bước phát triển mới. Diện tích khoai lang năm 1960 tăng hơn năm 1959. Trong đợt thi đua mang tên “Chiến dịch đường 13” tháng 12-1960, phụ nữ các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà, Tân Yên, Lục Nam đã trồng được 430 mẫu khoai lang, 160.000 cây sắn, 27 mẫu ngô và 131 mẫu rau xanh. Để khuyến khích phong trào chăn nuôi ở cơ sở, Tỉnh hội đã đề ra kế hoạch thi đua: mỗi gia đình nuôi hai con lợn bột và sáu gia đình nuôi một con lợn nái. Thực hiện chỉ tiêu trên, tuy gặp nhiều khó khăn về giống, vốn, thức ăn cho gia súc, nhưng chị  em ở các cơ sở vẫn cố gắng giúp đỡ lẫn nhau để khắc phục và phấn đấu đạt 97% kế hoạch, riêng Việt Yên đạt 102% kế hoạch, trong đó xã Song Mai (Việt Yên, nay thuộc thành phố Bắc Giang) nuôi được 2.403 con lợn bột và 280 con lợn nái. Các biện pháp làm cho  lợn tăng cân nhanh được tổ chức thực hiện như luôn giữ vệ sinh chuồng trại, làm chuồng lợn hai bậc, cho lợn ăn có chất chua và phòng ngừa dịch bệnh.

Phong trào thi đua trồng cây gây rừng cũng được phát động mạnh mẽ trong phụ nữ toàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, chị em trong tỉnh không những tích cực tham gia trồng cây cùng nhân dân, mà còn tổ chức trồng các đường cây xanh mang tên ngày kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 8-3. Chị em ở Song Mai đã trồng được tám vườn cây 8-3, chị em ở Tân An trồng được đường cây 8-3. Năm 1960, phụ nữ Yên Dũng đã trồng được 1.446 cây các loại và 778 cây chuối.

Trên mặt trận thuỷ lợi, bảo vệ đê điều, chống hạn, chống úng, phụ nữ cũng có những đóng góp quan trọng. Tỉnh hội tổ chức tuyên truyền giáo dục phụ nữ về mục đích, ý nghĩa của việc đắp đê, phòng lụt, chống úng, chống hạn và động viên chị em tích cực tham gia. Trên công trường đắp đê Ba Tổng (Yên Dũng) năm 1958, số phụ nữ tham gia đã chiếm tới 60%. Ở các công  trường đắp đê trong tỉnh, đã có 63.196 lượt chị em tham gia. Riêng huyện Yên Dũng có 8.133 chị em tham gia chống lụt và 3.133 lượt chị em tham gia đắp đê. Trong năm 1960 chị em đã góp phần xây dựng xong 27 công trình thuỷ nông và chống úng, chống hạn cho lúa được hàng nghìn mẫu. Trên công trường đào kênh Nham Biền, có ngày số phụ nữ tham gia tới 70% gồm 1.700 chị em. Tiêu biểu trong chiến dịch chống lụt là hàng trăm chị em ở Tân Tiến (Yên Dũng) đã khắc phục khó khăn, ngày đêm tích cực tham gia chống lụt, dũng cảm nắm tay nhau dàn hàng ngang chắn sóng để bảo vệ đê.

Các phong trào thi đua của phụ nữ Bắc Giang đã góp phần quan trọng giành thắng lợi lớn trong cuộc vận động xây dựng hợp tác xã và bước đầu phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ năm 1958 đến năm 1960, tổng sản lượng lương thực (quy thóc) bình quân hàng năm đạt gần 170 nghìn tấn và bình quân lương thực đầu người hàng năm đạt trên 400kg. Các loại hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi cũng có bước phát triển khá. Đời sống nhân dân các dân tộc, trong đó có phụ nữ đã được cải thiện rõ rệt.

Cùng với phong trào phụ nữ nông dân, chị em cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh cũng luôn nêu cao tinh thần thi đua  trở thành người lao động tiên tiến, thế hiện được vai trò làm chủ ở hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, công – nông trường. Trong các ngành tiểu thủ công, thương nghiệp, y tế, giáo dục, ngân hàng, bưu điện, v.v., đều có phong trào thi đua của phụ nữ với nội dung phấn đấu đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Phong trào thi đua tiết kiệm để lấy tiền mua tín phiếu góp phần xây dựng Nhà máy dệt 8-3 đã được đông đảo phụ nữ hăng hái tham gia với kết quả thu được trong năm 1960 là 59.121 đồng. Qua kiểm điểm bình xét hàng năm, nhiều chị em đạt tiêu chuẩn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua trên khắp các lĩnh vực lao động sản xuất, công tác và học tập.

Sau khi được học tập chính sách quản lý thị trường, cải tạo tiểu thương và tiểu thủ công nghiệp, đã có trên 95% số chị em trong ngành tự nguyện xin vào hợp tác xã. Đến năm 1960, toàn tỉnh đã xây dựng được 646 hợp tác xã mua bán và 428 hợp tác xã tín dụng. Trong số chị em làm nghề buôn bán nhỏ, đã có tới trên 90% chuyển sang lao động sản xuất. Thời gian đầu mới chuyển sang lao động, làm việc trong tập thể có tổ chức tuy gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ , nhưng chị em vẫn cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở nhiều hợp tác xã thủ công, phụ nữ đã hăng hái thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động, góp phần làm tăng thu nhập cho hợp tác xã và cải thiện đời sống xã viên.

Trên lĩnh vực phát triển văn hoá – xã hội, phụ nữ cũng đã có những đóng góp đáng kể. Thực hiện kế hoạch thanh toán nạn mù chữ do tỉnh đề ra, tỉnh hội  đã tổ chức phát động phong trào vận động chị em đi học văn hoá và động viên những chị em có trình độ văn hoá khá làm giáo viên. Hội phụ nữ tỉnh còn chủ động phối hợp với Ty giáo dục thường xuyên kiểm tra, động viên phong trào học văn hoá ở cơ sở. Nhiều nơi, chị em đã khắc phục khó khăn, không ngần ngại tuổi cao sức yếu, vẫn hăng hái tham gia ban diệt dốt, tham gia học văn hoá hoặc làm giáo viên như Nội Hoàng (Yên Dũng), Ngọc Vân (Tân Yên). Ở Tân Cầu (Tân Yên) có cụ 75 tuổi vẫn xung phong làm giáo viên. Đến tháng 9-1958, trong 32 xã đã có 5.431 phụ nữ đi học văn hoá, 59 nữ giáo viên bình dân học vụ và 119 chị hoạt động trong ban diệt dốt. Do những cố gắng trên, đến hết năm 1958 ở các huyện, thị xã trong tỉnh (trừ Sơn Động, Lục Ngạn) đã thanh toán xong nạn mù chữ cho 20.584 người. Năm 1960, phong trào thi đua học văn hoá trong giới phụ nữ tiếp tục phát triển mạnh, lôi cuốn cả một số bà trên 50 tuổi cũng hăng hái đi học bình dân. Nhiều xã, chị em tổ chức thành các trường hội mang tên Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Ngân, 8-3. Huyện hội Lục Nam đặt tên cho phong trào thi đua học văn hoá là ba tự (tự vận động, tự tư vấn và tự động học lẫn nhau). Kết quả toàn tỉnh có 537 trường hội, với trên 6.000 người học, trong đó có 1.500 người đã thoát nạn mù chữ. Đó là thắng lợi lớn của phong trào và cũng là những biểu hiện sinh động trong quá trình giải phóng phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tình hình văn hoá xã hội trong tỉnh tuy đã có những bước tiến bộ đáng kể, song một số phong tục tập quán lạc hậu đối với phụ nữ ở các huyện miền núi vẫn còn tồn tại: trọng nam khinh nữ, sinh đẻ ở chuồng trâu, ở sau nhà, v.v.. Tình trạng các bà mẹ đi làm nương rẫy địu con trên lưng bị ngạt thở hoặc treo trên cây bị kiến cắn vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Trước tình hình trên, Tỉnh hội đã tổ chức cho chị em học tập chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sự đổi mới trong lĩnh vực văn hoá – xã hội. Sau khi học tập và vận động thực  hiện nếp sống văn hoá mới, các phong tục, tập quán lạc hậu từng bước bị xoá bỏ.

Tỉnh hội phụ nữ kết hợp với ngành y tế, giáo dục tổ chức tuyên truyền và phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh, nuôi dạy con theo phương pháp mới. Hàng trăm nhóm trẻ thường xuyên và từng vụ, hàng chục lớp mẫu giáo được xây dựng, nhằm góp phần giải quyết khó khăn để chị em yên tâm lao động sản xuất, công tác và học tập. Đến năm 1960, toàn tỉnh đã thành lập được trên 100 lớp mẫu giáo và 217 nhóm trẻ gồm 1.027 cháu. Các huyện Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam đã chỉ đạo thực hiện tốt phong trào xây dựng nhóm trẻ ở cơ sở. Trong phong trào vệ sinh phòng bệnh, chị em đã tích cực tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, với khẩu hiệu “Sạch làng tốt lúa” và gương mẫu thực hiện “Ba sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch). Nhiều xã tổ chức tốt phong trào vệ sinh công cộng như Quang Tiến, Liên Sơn, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên). Hội phụ nữ ở các xã miền núi Thanh Sơn, Hồng Giang (Lục Ngạn); Hương Vĩ, Tân Tiến (Yên Thế) đã vận động nhân dân làm chuồng lợn, chuồng trâu xa nhà. Phụ nữ ở nhiều nơi tổ chức quyên góp tiền để xây dựng trạm y tế. Nhiều chị em được đào tạo trở thành y sĩ, y tá, nữ hộ sinh. Số chị em đi khám thai và đến trạm y tế đẻ đã chiếm tới 90%. Tình trạng gia đình có người ốm đau  chỉ cúng tế, bói toán, bắt ma mà không điều trị bằng thuốc đã giảm hẳn.

Luật Hôn nhân và gia đình ra đời là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi thiết thực của phụ nữ đã được Tỉnh hội tổ chức quán triệt tới toàn thể hội viên trong tỉnh. Các huyện Lạng Giang, Việt Yên, Lục Ngạn và thị xã Bắc Giang đã có tới gần 5.000 chị em tham gia học tập. Qua học tập, chị em đã thấy rõ được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Nhằm thắt chặt tình đoàn kết Bắc – Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, ngày 27-12-1960, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành tổ chức kết nghĩa với tỉnh Sóc Trăng. Nhân dịp này, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ phát động đợt thi đua lao động sản xuất với tinh thần vì miền Nam, vì Sóc Trăng ruột thịt.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh không những đã trở thành lực lượng quan trọng trong xã hội mà nhiều  chị em còn trở thành những cán bộ lãnh đạo có uy tín. Số phụ nữ tham gia lãnh đạo trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, hợp tác xã và các ngành ngày càng đông. Trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1959, toàn tỉnh đã có 621 chị trúng cử. Hội đồng nhân dân các cấp cũng đã bầu 175 chị tham gia Uỷ ban hành chính các cấp.

Sự trưởng thành của phong trào phụ nữ luôn gắn liền với công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh hội, năm 1959 các huyện và xã đều kết hợp củng cố và bổ sung thêm cán bộ vào Ban chấp hành phụ nữ. Đồng thời chấn chỉnh các phân chi ở cơ sở. Chị em ở các cơ quan, xí nghiệp, công – nông – lâm trường phối hợp với công đoàn cơ sở thành lập các tổ nữ công.

Thực hiện chủ trương của Trung ương hội, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tiến hành tổ chức đại hội để quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Trung ương Hội và bầu Ban Chấp hành mới. Ban Chấp hành Phụ nữ các huyện, thị xã đã được bầu với số lượng uỷ viên ở mỗi nơi từ 17 – 21 người và Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã cũng được bầu từ 11 – 13 người.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo của Trung ương Hội, tháng 3-1960, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn tỉnh lần thứ hai được triệu tập tại thị xã Bắc Giang. Đại hội đã quán triệt các nghị quyết của Đảng, đề ra phương hướng nhiệm kỳ tới và bầu Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh gồm 23 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Thị Yên làm Hội trưởng. Đại hội cũng đã vạch ra kế hoạch và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất lập thành tích chào mừng ngày bầu cử Quốc hội khoá II và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ tư trong toàn thể hội viên.

Phong trào phụ nữ ngày càng củng cố, phát triển, đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đó là những thuận lợi lớn để bước vào thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)

III-Phụ nữ Bắc Giang trong phong trào thi đua 5 tốt thực hiện tham gia kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965).

Tháng 9-1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội, đề ra đường lối đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đường lối cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đối với vai trò của phụ nữ trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, Đại hội xác định: phụ nữ là lực lượng quan trọng trong cách mạng sản xuất, Đảng ta có trách nhiệm lớn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ để xây dựng xã hội mới. Cần bồi dưỡng tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá của phụ nữ, giúp phụ nữ giảm nhẹ gánh nặng gia đình để tham gia sản xuất và hoạt động xã hội...

1.Vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp

Quán triệt đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và sự quan tâm của Đảng, tháng 2-1961, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề nhiệm vụ vận động phụ nữ trong giai đoạn cách mạng mới.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và sự  chỉ đạo của Trung ương Hội, đầu năm 1961, Thường trực Tỉnh hội Phụ nữ Bắc Giang tổ chức đợt học tập chính trị trong toàn thể hội viên. Nội dung học tập gồm Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ ba (tháng 3-1961) và bài phát biểu huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội này, đồng thời kết hợp quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ tư, quán triệt nội dung nhiệm vụ vận động phụ nữ trong giai đoạn cách mạng mới. Ngày 6-4-1961, tỉnh Bắc Giang vinh dự được đón Bác Hồ về thăm thị xã Bắc Giang và hợp tác xã Tân An (Yên Dũng). Tỉnh hội đã kịp thời chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tổ chức học tập lời huấn thị của Người với 37.140 chị em tham dự.

Để rèn luyện phấn đấu trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa, tháng 5-1961, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào thi đua 5 tốt với nội dung chính là: đoàn kết và tiết kiệm tốt; học tập chính trị, văn hoá, khoa học và lao động sản xuất tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; xây dựng gia đình và nuôi dạy con tốt.

Tỉnh hội đã kịp thời triển khai học tập và đề ra kế hoạch cụ thể, hướng dẫn các cấp hội phụ nữ ở cơ sở tổ chức thực hiện. Sau các đợt học tập chính trị, Tỉnh hội chỉ đạo các cấp Hội tổ chức phát động phong trào thi đua lao động sản xuất và thi đua 5 tốt, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Trong những năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, phong trào thi đua 5 tốt của phụ nữ còn được kết hợp với các phong trào: “Gió Đại Phong” (Quảng Bình) trong sản xuất nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” (Hải Phòng) trong công nghiệp, học tập hợp tác xã “Định Công” (Thanh Hoá) trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và phong trào thi đua “Hai tốt” của trường Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) trong ngành giáo dục.

Hưởng ứng các phong trào thi đua trên, lực lượng phụ nữ giữ vai trò quan trọng và đã có những đóng góp không nhỏ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Lực lượng lao động nữ so với tổng số lao động nông nghiệp ở từng vùng hàng năm đều tăng: năm 1962, ở vùng lúa chiếm 59,1%, sang đầu năm 1964 tăng lên tới 60,4 %; vùng trồng hoa màu và cây công nghiệp tăng từ 59% lên 61% và vùng núi tăng từ 55% lên 55,5%. Trong sản xuất, phần lớn các khâu gieo mạ, cấy, làm cỏ, bón phân, thu hoạch..., đều do lực lượng lao động nữ đảm nhiệm. Xác định được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sản xuất nông nghiệp, chị em đã luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn  nhau, thi đua cải tiến kỹ thuật canh tác như ngâm mạ ba sôi hai lạnh, cấy đúng kỹ thuật, làm cỏ sục bùn, bón nhiều phân, v.v nhằm tăng năng suất cây trồng. Năm 1961, diện tích cấy kỹ thuật (20x20cm) do chị em phụ trách đạt 68%, năm 1962 tăng lên 70% và đảm bảo cấy đúng thời vụ đạt 98% diện tích. Phong trào ủ phân bón lúa được chị em ở các hợp tác xã hăng hái tham gia với khẩu hiệu “Đi không, về có”, “Sạch làng tốt lúa”, đã đạt kết quả khá cao: năm 1961, ủ phân các loại được 1.409 tấn, năm 1962 chị em đã thu nhặt các nguồn phân bón đủ cho mỗi mẫu lúa 72 gánh. Trong phong trào trồng cây hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi, phần lớn đều do lực lượng lao động nữ thực hiện. Năm 1961, chị em đã trồng 277 mẫu khoai lang, 321 mẫu khoai sọ, 538 mẫu ngô, 94 mẫu lạc, 235 mẫu đỗ các loại và 367 mẫu sắn. Chăn nuôi lợn của các huyện Hiệp Hoà, Sơn Động, Lục Nam năm 1962 đã tăng hơn năm 1961. Một số hợp tác xã phát triển đàn lợn mạnh như Tân An (Yên Dũng), năm 1962 bình quân đầu người mới nuôi được 1,5 con đến năm 1963 đã tăng lên tới 3 con.

Trong khí thế toàn quân, toàn dân trong tỉnh đang hăng hái tiến quân vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tháng 4-1962, Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Bắc Giang lần thứ ba được tổ chức tại thị xã Bắc Giang. Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ hai, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho phong trào phụ nữ tỉnh trong nhiệm kỳ mới, trọng tâm là động viên mọi tầng lớp phụ nữ hăng hái lao động, học tập, công tác để hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành phụ nữ tỉnh. Đồng chí Lê Thu Thuỷ được bầu làm Hội trưởng. Đồng chí Dương Thị Ngọc được bầu làm Hội phó.

Trong ba năm đầu (1961-1963) thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã góp phần giành thắng lợi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội và an ninh –quốc phòng, trong đó kết quả rõ nhất là sản xuất nông nghiệp. Năm 1962 so với năm 1961, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực tăng 6,6%, năng suất lúa tăng 8,2% và tổng sản lượng tăng 11,7%. Tổng diện tích gieo trồng năm 1963 tăng 9% so với năm 1960 và giá trị tổng sản lượng nông nghiệp đạt 124,17 triệu đồng, tăng 20% so với năm 1960. Đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ và nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình làm được nhà ngói, sân gạch.

Theo Nghị quyết của Quốc hội ngày 27-10-1962, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 1-4-1963, tỉnh Hà Bắc bắt đầu hoạt động theo đơn vị hành chính mới gồm có 2 thị xã và 14 huyện (theo Quyết định của Trung ương Hội, Tỉnh hội phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất thành Tỉnh hội phụ nữ Hà Bắc do đồng chí Vũ Thị Năm là Hội trưởng). Đồng chí Lê Thu Thuỷ làm Hội phó. Từ đây, những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Bắc Ninh và Bắc Giang lại được hoà quyện làm một, tạo nên sức mạnh của phong trào phụ nữ Hà Bắc.

Hà Bắc là một tỉnh nông nghiệp, phụ nữ vẫn luôn giữ vai trò chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh hội phụ nữ Hà Bắc, chị em ở các hợp tác xã đã liên tục đẩy mạnh phong trào thi đua quyết tâm cấy đúng kỹ thuật, kịp thời vụ. Trong năm 1964, vụ chiêm đã cấy được 96,7% diện tích trước ngày 25 tháng chạp và 85% diện tích lúa mùa trước ngày lập thu. Tuy phải cố gắng cấy kịp thời vụ, nhưng chị em vẫn đảm bảo cấy đúng kỹ thuật như Ty Nông nghiệp đã hướng dẫn: thẳng hàng, đứng cây và đúng khoảng cách (20x22cm). Trong việc làm cỏ, bón phân cho lúa và hoa màu, phụ nữ cũng là lực lượng lao động chủ yếu nhất. Hàng năm, Tỉnh hội đều chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tổ chức vận động chị em gương mẫu làm cỏ, bón phân cho lúa đúng thời vụ, đúng kỹ thuật và từng bước cải tiến công cụ sản xuất. Năm 1964 và 1965, toàn tỉnh đã có trên 90% diện tích lúa được làm cỏ hai lượt. Chị em ở nhiều nơi đã sử dụng bừa cỏ cải tiến như Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hoà, v.v đạt năng suất lao động cao. Trong phong trào làm phân ở các hợp tác xã, chị em đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp, nhằm tăng lượng phân bón cho cây trồng. Tỉnh hội luôn động viên chị em vừa tích cực phát triển chăn nuôi để có nhiều phân chuồng, vừa đẩy  mạnh phong trào làm bèo hoa dâu, làm phân bùn, phân xanh v.v..., mỗi năm được hàng trăm ngàn tấn phân và bèo hoa dâu, góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng.

Phong trào chăn nuôi ở các hợp tác xã và trong các gia đình cũng có bước tiến bộ, các cấp hội đã tích cực vận động chị em đẩy mạnh trồng thêm rau màu để tăng nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Phong trào chăn nuôi của chị em ở các cơ quan, xí nghiệp, công – nông – lâm trường, hợp tác xã thủ công và tiểu thương từng bước được mở rộng và phát triển. Nhiều nơi đã xuất hiện những phụ nữ điển hình về thành tích chăn nuôi giỏi như thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang), Hiệp Hoà, Yên Dũng, v.v...

Cùng với việc tham gia lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, chăn nuôi giỏi, chị em còn hăng hái tham gia phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Qua năm đợt thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã (1962-1965), Tỉnh hội đều tích cực chỉ đạo các cấp hội phụ nữ động viên chị em hăng hái tham gia xây dựng, củng cố hợp tác xã, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị trong việc quản lý kinh tế, điều hành sản xuất, chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm và phân  phối sản phẩm công bằng. Qua cải tiến quản lý, hợp tác xã được củng cố thêm một bước, nhiều hộ xã viên trước đây ra làm ăn riêng lẻ, nay lại tự nguyện xin vào hợp tác xã. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, vai trò và uy tín của phụ nữ được nâng lên một bước mới. Nhiều chị em được bà con xã viên tin tưởng bầu vào Ban quản lý hợp tác xã, số cán bộ lãnh đạo hợp tác xã là nữ ngày càng đông. Đến năm 1965, toàn tỉnh có 8 chủ nhiệm, 19 phó chủ nhiệm, 783 uỷ viên quản trị, 302 uỷ viên kiểm soát và 121 đội trưởng sản xuất là nữ.

Tỉnh hội đã thường xuyên tổ chức vận động chị em tham gia phong trào làm thuỷ lợi, cải tạo đất, đắp đê chống lụt, chống hạn cho lúa và hoa màu. Trên các công trường thuỷ lợi, chị em không những tham gia với số lượng  đông, mà còn hăng hái thi đua phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, nhằm nâng cao năng suất lao động. Trong phong trào thi đua thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, hàng vạn phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái tham gia đào, đắp mương máng, bờ vùng, bờ thửa và cải tạo đất bạc màu. Tại các công trường đại thuỷ nông đập Khuôn Thần (Lục Ngạn), đê Thống Nhất (Lục Nam), v.v... đã có hàng vạn chị em tham gia lao động, trên 400 chị được Ban chỉ huy công trường và Uỷ ban hành chính các cấp khen thưởng.

2. Phong trào phụ nữ trong cán bộ công nhân viên chức và các ngành nghề thủ công

Phụ nữ các ngành tiểu thủ công nghiệp, công nhân viên chức các cơ quan, xí nghiệp, công – nông – lâm trường, tiểu thương cũng thi đua đẩy mạnh sản xuất, góp phần hoàn thành kế hoạch Nhà nước hàng năm. Lực lượng phụ nữ là cán bộ công nhân viên chức trong tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 1963 toàn tỉnh mới có 3.250 chị em, đến năm 1965 đã tăng lên tới 4.870 chị em. Phong trào thi đua 5 tốt do Trung ương hội phát động đã được phụ nữ công nhân viên chức vận dụng kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua giành ba điểm cao (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều), “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, chống đi muộn về sớm... Chị em cán bộ, công nhân viên chức đã thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Tổ Vi Sơn (nông trường cam Bố Hạ) hầu hết là nữ, nhiều chị em có con nhỏ, nhưng đã khắc phục khó khăn, liên tục phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch trên giao trong ba năm liền, năm 1963, tổ đã được công nhận là tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Tổ bê tông 2 của nhà máy phân đạm Hà Bắc đưa năng suất trộn bê tông bình quân của một người trong ngày từ 0,65m3  lên 1,3m3, đột xuất có chị đạt được 1,5m3, đã được công nhận là tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

Trong phong trào thi đua với hợp tác xã Định Công (Thanh Hoá), chị em trong ngành tiểu thủ công nghiệp đã tích cực lao động sản xuất, nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, tiết kiệm nguyên vật liệu, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo chất lượng tốt và hạ giá thành sản phẩm. Chị em ở hợp tác xã làm khuy trai (thị xã Bắc Giang, nay là thành phố Bắc Giang), đã phấn đấu hạ giá thành sản phẩm mỗi vỉ khuy trai từ 7 xu xuống còn 5 xu. Vai trò và khả năng của phụ nữ trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ngày càng được tập thể xã viên tin tưởng. Đến năm 1965, trong ngành tiểu thủ công nghiệp đã có 14 chị được bầu làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã.

Phong trào phụ nữ trong ngành thương nghiệp cũng có những bước tiến bộ đáng kể. Trong hoàn cảnh hàng hoá khan hiếm, chị em đã thi đua khắc phục khó khăn, tích cực khai thác các nguồn hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị bộ đội và nhân dân trong tỉnh. Những chị em đảm nhận việc bán hàng luôn vui vẻ, hoà nhã, lịch sự văn minh, với khẩu hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Để phục vụ khách hàng được liên tục, nhiều chị em đã sẵn sàng tạm gác việc riêng, tự nguyện làm cả ngày lễ, ngày chủ nhật. Trong phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, chị em ở nhiều nơi đã hăng hái thi đua nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác như cửa hàng ăn số I (thị xã Bắc Giang, nay là thành phố Bắc Giang). Phần lớn cán bộ nhân viên cửa hàng ăn số I là nữ, nhưng chị em đã có nhiều cố gắng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, sắp xếp công việc và thời gian hợp lý, đảm bảo vừa phục vụ tốt khách hàng, vừa tham gia học tập văn hoá, chính trị đều đặn. Cửa hàng được công nhận là lá cờ đầu của ngành ăn uống trong tỉnh.

Phụ nữ trong ngành giáo dục đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Hai tốt”, không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy để đuổi kịp và vượt trường cấp 2 Bắc Lý. Trong phong trào này, nhiều trường đã có tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp và lên lớp ngày càng cao. Nhiều cô giáo đã khắc phục khó khăn, tự rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn, xứng đáng là tấm gương sáng để các em noi theo. Năm học 1963-1964, toàn tỉnh có 120 cô giáo của các trường phổ thông được bầu là lao động tiên tiến và có 3 cô giáo dạy mẫu giáo được bầu là chiến sĩ thi đua. Cô giáo Tuấn được điều động lên dạy lớp 2 ở xã Tân Quang (Lục Ngạn). Lúc đầu mới đến, tuy gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, học sinh lại bỏ học nhiều, nhưng cô vẫn kiên trì trèo đèo lội suối đến từng bản làng để vừa học tiếng nói và tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương, vừa vận động bà con cho con em đi học. Chị đã được bà con các dân tộc ở đây tin yêu và học sinh của chị đến lớp học cũng ngày càng đông. Chất lượng học tập của học sinh do chị dạy được nâng lên rõ rệt. Trong kỳ thi cuối năm học 1963-1964 đã có 95% số học sinh đạt điểm 10 và 98% học sinh lên lớp. Phong trào học bổ túc văn hoá trong giới phụ nữ vẫn được giữ vững và có bước phát triển. Số chị em đi học năm 1963-1964 so với năm học 1962-1963 tăng 13,5%.

Chị em trong ngành y tế thi đua phục vụ tốt bệnh nhân với khẩu hiệu “Lương y phải như từ mẫu”. Nhiều nữ bác sĩ, y tá, y sĩ ở các bệnh viện, trạm xá luôn tận tình cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân như người thân trong gia đình. Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ sức khoẻ nhân dân, mạng lưới y tế ngày càng được mở rộng. Đến năm 1963 đã xây dựng thêm được 54 trạm y tế dân lập, đưa số trạm y tế trong tỉnh lên tới 335 trạm. Số nữ hộ sinh ở cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cũng ngày càng tăng: năm 1962 mới có 406 chị, đến năm 1964 đã tăng lên tới 919 chị. Số nữ bác sĩ, y sĩ, dược sĩ và y tá đến năm 1965 có 148 chị, chiếm 40,5% tổng số cán bộ, nhân viên chuyên  môn trong ngành y tế. Phong trào xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, tổ trợ sản của phụ nữ ở cơ sở vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển.

Trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phụ nữ đã có những đóng góp đáng kể. Chị em trong các đoàn văn công, các phòng chuyên môn của Ty Văn hoá – thông tin đã tổ chức nhiều đợt trèo đèo, lội suối đến những vùng xa xôi, hẻo lánh để biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc và chuyển hàng vạn cuốn sách về cơ sở phục vụ nhân dân. Tại các địa phương, chị em đều hăng hái tham gia xây dựng đội văn nghệ quần chúng. Đến năm 1964, toàn tỉnh có trên 500 đội văn nghệ. Từ trong phong trào văn nghệ quần chúng, nhiều chị em đã thể hiện rõ năng khiếu của mình, được các cơ quan chuyên môn đưa đi đào tạo trở thành những diễn viên giỏi trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, Nhiều nơi, phụ nữ còn tích cực tham gia phong trào tập thể dục buổi sáng, rèn luyện thể thao sau giờ làm buổi chiều, nhất là số chị em các cơ quan, xí nghiệp, công – nông trường. Phong trào thể dục thể thao đã góp phần nâng cao sức khoẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, công tác và học tập đạt hiệu quả tốt.

IV-Tổ chức hội phụ nữ ngày càng củng cố và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, tổ chức Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở luôn được củng cố và ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến năm 1963, số cán bộ hội có 3.578 chị, trong đó gồm 15 cán bộ Tỉnh hội, 46 cán bộ Huyện hội, còn lại là cán bộ trong Ban chấp hành phụ nữ xã. Từ năm 1960 đến 1963 có 19 chị được đề bạt cán bộ lãnh đạo cấp huyện và tỉnh. Nhiều cán bộ hội được nhân dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tỉnh hội chỉ đạo các cấp hội tiến hành củng cố các phân chi và tổ phụ nữ theo đơn vị sản xuất, trong củng cố tổ chức hội ở cơ sở đã có sự kết hợp với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã. Qua 4 đợt củng cố chấn chỉnh được 500 phân chi theo đơn vị hợp tác xã và đội sản xuất. Ngoài việc kiện toàn, củng cố tổ chức, Tỉnh hội còn tiến hành mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 1.486 cán bộ cơ sở và cán bộ miền núi. Năng lực hoạt động của cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên.

Sau một thời gian chuẩn bị và ổn định về tổ chức, tháng 8-1964, Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất được tiến hành tại Suối Hoa (thị xã Bắc Ninh, nay là thành phố Bắc Ninh). Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới là: tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1964-1965. Tích cực tham gia các cuộc vận động phát triển sự nghiệp phúc lợi tập thể, nâng cao giác ngộ chính trị, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, tham gia đấu tranh thống  nhất nước nhà, tiếp tục phát huy tác dụng của phong trào thi đua “5 tốt”, v.v... Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đồng chí Vũ Thị Năm được bầu làm Hội trưởng. Đồng chí Lê Thu Thuỷ và Nguyễn Thị Mùi được bầu làm phó Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất, phong trào thi đua “5 tốt” trong lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm ngày càng được đẩy mạnh ở nhiều cơ sở từ miền núi đến miền xuôi. Các xã Bảo Đài (Lục Nam, Nghĩa Trung (Việt Yên), Tân Trung (Tân Yên), v.v... là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua “5 tốt”. Cùng với phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào thi đua thực hành tiết kiệm cũng có những chuyển biến mới. Thực hiện khẩu hiệu: “Cần kiệm để xây dựng Tổ quốc, cần kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, trong lao động sản xuất, sinh hoạt gia đình..., chị em nông dân đã tiết kiệm lương thực, thực phẩm để bán cho Nhà nước. Năm 1963, chị em đã bán theo giá khuyến khích cho Nhà nước được 400 tấn thóc và hàng nghìn cân đỗ, lạc, thuốc lá. Chị em làm nghề thủ công và tiểu thương đã có nhiều hình thức tiết kiệm như: “Ống tiền, hũ gạo tiết kiệm” v.v... Ở thị xã Bắc Giang, chị em đã gửi được hàng vạn đồng vào quỹ tiết kiệm.

Ngày 24-5-1963, Hà Bắc tổ chức kết nghĩa với Chợ Lớn – Sóc Trăng và đến đầu năm 1964, đã có chín huyện của tỉnh kết nghĩa với tám huyện của Chợ Lớn – Sóc Trăng. Trong phong trào Hà Bắc kết nghĩa với Chợ Lớn – Sóc Trăng, Tỉnh hội luôn quan tâm chỉ đạo các cấp hội tổ chức phát động nhiều đợt thi đua lao động sản xuất vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh hội, ngay trong năm 1964, các phong trào thi đua: “Vì miền Nam ruột thịt”, “Vì hoà bình thống nhất Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai...” đã được phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Chị em ở khắp nơi từ miền xuôi đến các xã miền núi hẻo lánh đều hăng hái tham gia lao động dưới nhiều hình thức như vườn cây, con mương, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, v.v... đều mang tên Sóc Trăng – Chợ Lớn. Trong phong trào ủng hộ đồng bào miền Nam, có bà mẹ ủng hộ cả một lứa tằm (bảy nong) và có bà tuy  đã mờ cả hai mắt ở nhà trông cháu, vẫn tranh thủ vót tăm bán lấy tiền ủng hộ đồng bào hai tỉnh kết nghĩa. Đó là những việc làm tuy nhỏ, nhưng đã chứa đựng một ý nghĩa lớn lao. Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ còn tham gia viết hàng nghìn khẩu hiệu, gửi hàng trăm kiến nghị tố cáo tội ác của Mỹ - nguỵ đối với đồng bào ta ở miền Nam, yêu cầu Uỷ ban quốc tế có biện pháp kiên quyết ngăn chặn kịp thời bàn tay đẫm máu và âm mưu thâm độc của chúng. Trong phong trào nhận đỡ đầu các huyện kết nghĩa, Hội phụ nữ Tân Yên, thị xã Bắc Giang, đã tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa để lấy tiền đóng góp xây dựng quỹ hài nhi viện, nhằm thắt chặt tình nghĩa Hà Bắc – Chợ Lớn – Sóc Trăng.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, phong trào phụ nữ có những bước phát triển vững chắc. Tổ chức từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó là những điều kiện thuận lợi để phụ nữ các dân tộc trong tỉnh vững bước tiến vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

V. Phụ nữ Bắc Giang trong phong trào: “Ba đảm đang” chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1965- 1975).

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc đến cuối năm 1964, đầu năm 1965 đã giành được những thắng lợi lớn. Cùng thời gian này, quân dân miền Nam cũng liên tiếp giáng cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai những đòn trí mạng. Nhằm cứu vãn nguy cơ bị thất bại hoàn toàn trong chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3- 1965) nhận định: trước những âm mưu và hoạt động mới của đế quốc Mỹ, tình hình một nửa nước có chiến tranh đã biến thành cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền. Miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng vừa trực tiếp chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngày 19-3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết định phát động phong trào “Ba đảm đang” (đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang công việc gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu), nhằm động viên phụ nữ tích cực sản xuất và công tác, đảm đang trong gia đình để chồng, con lê đường chiến đấu, phụ nữ tại các địa phương đã thực hiện: “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng” trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quyết tâm hoà thành xuất sắc kế hoạch nhà nước.

Chấp hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 27-3-1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị về công tác động viên thời chiến. Ngày 19-4-1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về công tác phòng không nhân dân.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo của Trung ương hội, tỉnh hội phụ nữ Hà Bắc đã kịp thời phát động phong trào “Ba đảm đang” trong toàn thể hội viên. Tỉnh hội đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục cho chị em các dân tộc trong tỉnh hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội phát động. Sau các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, toàn tỉnh đã có trên 13 vạn chị em các dân tộc hăng hái đăng ký phấn đấu trở thành phụ nữ “Ba đảm đang”.

Ngày 8-6-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 99 về phương hướng nhiệm vụ công tác vận động phụ nữ trước tình hình mới. Bản Chỉ thị nêu rõ mục đích của công tác vận động phụ nữ nhằm:

- Sử dụng hợp lý mọi khả năng lao động của các tầng lớp phụ nữ trên mặt trận sản xuất.

- Động viên tinh thần cách mạng triệt để của phụ nữ trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

          - Phát huy cao độ mọi khả năng của phụ nữ tham gia quản lý các mặt của đời sống xã hội làm cho phụ nữ có vai trò chủ động tích cực trong việc bảo vệ và giáo dục thiếu niên nhi đồng, động viên tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và tinh thần dũng cảm của phụ nữ trong phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu và tích cực tham gia các phong trào “Bảo mật, phòng gian”, “Bảo vệ an ninh”.

Chấp hành Chỉ thị 99 của Ban Bí thư và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức học tập, gắn nội dung chỉ thị của Trung ương Đảng với nội dung phong trào “Ba đảm đang” ở cơ sở. Sau khi được học tập mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và nội dung cơ bản chỉ thị, đồng thời liên hệ thực tế với nội dung “Ba đảm đang”, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh rất phấn khởi, tin tưởng vào khả năng của mình trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang”.

1. Đảm đang sản xuất và công tác, thay nam giới đi chiến đấu.

Từ khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược nước ta, hàng vạn thanh niên trai tráng của tỉnh đã hăng hái lên đường đi chiến đấu. Mọi nhiệm vụ ở hậu phương phần lớn đều do lực lượng phụ nữ đảm nhận.

Nhằm khích lệ động viên phong trào “Ba đảm đang” ở hậu phương, ngày 8-3-1966, Trung ương Hội quyết định phát động phụ nữ miền Bắc học tập và thi đua với phụ nữ miền Nam. Tỉnh hội Phụ nữ đã phối hợp với Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể hội viên về những gương chiến đấu kiên cường, bất khuất của các nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch), người mẹ đã năm con vẫn kiên quyết đánh Mỹ đến cùng với quyết tâm như chị nói “Còn cái lai quần cũng đánh”; Lê Thị Hồng Gấm, đội trưởng du kích liên xã đã gan dạ bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ đồng đội khỏi bị sa vào tay giặc. Ban Chấp hành Tỉnh hội phụ nữ còn tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách Gái đảm Hà Bắc, trong đó nêu gương những phụ nữ tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Song ở hợp tác xã Trung Hòa (Hiệp Hòa) đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, phấn đấu trở thành Anh hùng lao động nông nghiệp để chị em toàn tỉnh học tập.

Thông qua những đợt tuyên truyền, giáo dục học tập và thi đua với phụ nữ miền Nam, đã có tác dụng lớn trong việc động viên chị em các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước và đức tính cần cù lao động, không ngừng vươn lên thực hiện tốt các phong trào “Ba đảm đang”.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, lao động nữ trong các hợp tác xã chiếm 60% có nơi trên 70%. Phần lớn các khâu trong sản xuất, từ cày bừa, cấy trồng chăm bón, thu hoạch đến làm thủy lợi… đều do phụ nữ đảm nhận. Tuy gặp nhiều khó khăn trở ngại do máy bay địch ngày đêm đánh phá ác liệt, cùng với thiên tai hạn hán bão lụt liên tiếp xảy ra, nhưng chị em vẫn dũng cảm lao động quên mình trên đồng ruộng để hoàn thành kế hoạch sản xuất hàng năm. Chị em ở nhiều địa phương trong các đợt chống úng, chống hạn đã nêu quyết tâm “Nghiêng đồng đổ nước ra sông” và tát nước “Thay trời làm mưa” như Yên Dũng, Lục Nam, Hiệp Hòa… Từ năm 1965 đến 1972, phụ nữ Hà Bắc đã tham gia đào đắp được 144 triệu mét khối đất trên các công trường trung và đại thủy nông. Riêng năm 1966, chị em đã đào được 30 triệu mét khối đất thủy lợi đạt 137% kế hoạch và đến năm 1967, toàn tỉnh đã có 50.000 ha ruộng được cải tạo bờ vùng, bờ thửa. Khẩu hiệu: “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” đã được chị em ở nhiều nơi tổ chức thực hiện. Năm 1967 là năm máy bay địch đánh phá ác liệt nhất, phụ nữ các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Việt Yên và thị xã Bắc Giang đã phải sản xuất vào ban đêm để bảo đảm kịp thời vụ. Riêng Lục Nam đã có trên 25.000 lượt chị em làm đêm. Những nơi trọng điểm địch đánh phá  rất ác liệt, chị em vẫn dũng cảm giành giật với địch từng thửa ruộng để giữ vững sản xuất. Ở nhiều nơi địch ném bom xuống đồng ruộng, vườn bãi, chị em đã nhanh chóng san lấp ngay để cấy trồng, quyết không bỏ ruộng hoang như Đa Mai, Nam Hồng (thị xã Bắc Giang), Quang Thịnh, Yên Vinh (Lạng Giang), Vĩnh Ninh (Lạng Giang, sau thuộc thành phố Bắc Giang)… Nhằm tránh thương vong trong sản xuất, ngoài việc đào hầm hố, chị em nhiều nơi còn có sáng kiến làm công sự bằng rơm để tiện di động trên đồng ruộng. Tiêu biểu cho vừa sản xuất và đặc biệt là trực tiếp chiến đấu, có phụ nữ Hợp tác xã nông nghiệp Nam Hồng. Đây là hợp tác xã lớn của thị xã Bắc Giang gồm các làng Hoà Yên, Hà Vị, Cung Nhượng, Vẽ, Hướng. Hợp tác xã có Trung đội nữ dân quân gồm 62 chị em, biên chế thành 5 tiểu đội, được trang bị 2 khẩu đại liên, 2 khẩu tiểu liên và 20 khẩu K44. Từ khi địch tiến hành chiến tranh phá hoại, trung đội đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu 123 trận, băng bó vận chuyển 82 thương binh, cùng tổ chức mai táng 43 liệt sĩ, 30 dân thường, cứu 23 người khỏi chết ngạt, chữa cháy vận chuyển 210 tấn lương thực, 45 tấn hàng quân sự, đào 2.250 hầm hố, 2.300 mét giao thông hào, 2000 ngày công đào đắp công sự. 3.500 công đào và gác bom chưa nổ, nhặt 3.501 quả bom các loại, lấy 12 tấn là nguỵ trang, ủng hộ bộ đội 1.600 kg rau... Đơn vị đã được Hội đồng Chính phủ tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng 7 năm liền, Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3 và được nhiều tặng thưởng khác của tỉnh, thị xã...

Phụ nữ các hợp tác xã trong tỉnh đã tích cực học tập và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất như: chọn lọc các loại giống cây trồng có năng suất cao, nuôi thả bèo hoa dâu, làm phân bón lúa, cấy thẳng hàng… Nhiều hợp tác xã ở miền núi như Việt Hoa (Lục Ngạn), Trại Chùa, Nhân Định (Sơn Động)…chị em các dân tộc cũng học tập và thực hiện cấy kỹ thuật.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp do tỉnh đề ra, phụ nữ ở các hợp tác xã đã đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện ba mục tiêu: Một lao động làm một hec ta gieo trồng; 5 tấn thóc, 10 tấn khoai và hai con lợn trên một héc ta gieo trồng. Trong phong trào này, chị em đã hăng hái tham gia xây dựng cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ, tham gia làm thủy lợi cải tạo đất, nhận ruộng xa, ruộng xấu để chăm bón. Điển hình là các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng. Do quyết tâm cao, phụ nữ nhiều nơi đã góp phần quan trọng cùng hợp tác xã giành thắng lợi lớn trong sản xuất, được ghi vào “Bảng vàng 5 tấn” như Trung Hòa (Hiệp Hòa) đạt 5,4 tấn thóc/ha, Nội Hoàng (Yên Dũng) đạt 5 tấn thóc/ha, trại Chùa (Sơn Động) cũng đạt 24 tạ/ha trong một vụ lúa… Hai vụ lúa xuân năm 1971 và 1972 trong toàn tỉnh đều tăng cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Đến 1975, phụ nữ đã cùng với nông dân tập thể trong tỉnh phấn đấu đạt được những thành tích đáng kể trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng thóc của cả tỉnh năm 1973 đạt 180.338 tấn, đến năm 1975 tăng lên 197.130 tấn. Do sản xuất phát triển, hằng năm chị em ở các hợp tác xã đều thực hiện tốt nghĩa vụ lương thực với Nhà nước, nhiều nơi vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Cùng với cấy lúa, chị em ở các hợp tác xã còn tích cực trồng mầu, nhất  là cây khoai lang. Diện tích khoai lang năm 1967 tăng gấp hai lần so với năm 1965. Kỹ thuật trồng khoai lang của hợp tác xã Trung Hòa đã được phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh. Do trồng đúng kỹ thuật nên năng suất khoai lang tăng từ 5,6 tấn/ha năm 1965 lên 7,3 tấn/ha năm 1967. Riêng hợp tác xã Trung Hòa, đạt năng suất bình quân 11,6 tấn/ha, trở thành lá cờ đầu về thâm canh cây khoai lang.

Trồng trọt được đẩy mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Đàn lợn của hợp tác xã và gia đình tăng nhanh: năm 1968, toàn tỉnh có 365.222 con, trong đó ở khu vực gia đình nuôi được 214.699 con. Đến năm 1972, tổng đàn lợn của tỉnh đã tăng lên tới 405.567 con, trong đó đàn lợn gia đình có 362.109 con. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XX (4-1972) và được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về chăn nuôi, cùng với các chính sách khuyến khích chăn nuôi gia công của Nhà nước, năm 1973 đàn lợn ở khu vực gia đình trong tỉnh tăng 9.470 con so với 1972. Hàng năm các hợp tác xã đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thực phẩm với Nhà nước. Năm 1973, nhân dân trong tỉnh đã bán thực phẩm cho Nhà nước theo giá thỏa thuận đạt 102,2% kế hoạch. Riêng chị em các dân tộc huyện Lục Ngạn, chỉ trong 10 ngày thi đua đã bán cho Nhà nước được 2.107kg gà, 9.019kg thịt lợn.

Trong củng cố  quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, lực lượng phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng. Số nữ thanh niên trong các hợp tác xã chiếm từ 60 đến 70% tổng số thanh niên, chị em hăng hái đi đầu trong việc tiếp thu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Phong trào hợp tác xã có lúc gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng chị em vẫn vững vàng gắn bó với tập thể. Phụ nữ ở nhiều huyện đã tiến hành học tập và tổ chức thực hiện chỉ thị của tỉnh hội về việc góp  phần củng cố hợp tác xã. Đến 1972, toàn tỉnh đã củng cố được 784 hợp tác xã. Sau củng cố, nhiều hợp tác xã đã ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực, giữ vững sản xuất và chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở các huyện miền núi, nhiều gia đình và bà con các dân tộc đã vào hợp tác xã, xuống núi định canh, định cư. Chị em ở nhiều hợp tác xã tích cực tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, học cày bừa, cấy lúa, trồng khoai lang theo các biện pháp kỹ thuật mới như Na Lang (Lục Ngạn), Chí Minh (Sơn Động), Vũ Bá (Lục Nam)…

Trong quá trình tham gia củng cố hợp tác xã, số chị em được xã viên tín nhiệm, bầu vào ban quản trị, đội trưởng, đội phó sản xuất ngày càng tăng. Năm 1967 toàn tỉnh có 48 chị em làm chủ nhiệm hợp tác xã, 768 chị làm đội trưởng sản xuất và 2.380 chị em trong ban quản trị. So với năm 1971 số nữ chủ nhiệm tăng 3,2%, đội trưởng sản xuất tăng 8,6%. Phần lớn phụ nữ được giao những trọng trách trên đã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt nhiều thành tích trong sản xuất. Xã Hương Sơn (Lạng Giang) có năm hợp tác xã thì bốn hợp tác xã do nữ làm chủ nhiệm. Mặc dù nơi đây thường xuyên bị máy bay địch đánh phá dữ dội, nhưng các chị vẫn dũng cảm đi đầu trong lao động, luôn gần gũi xã viên, động viên bà con bám sát đồng ruộng để sản xuất.

Cùng với phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” trong sản xuất nông nghiệp, phong trào “Ba đảm đang” của chị em cán bộ công nhân viên chức tiểu thủ công và các ngành khác cũng được phát động. Do nam giới phải lên đường đi chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nên tỷ lệ nữ trong cán bộ công nhân viên chức của tỉnh ngày càng tăng: năm 1966 tỷ lệ này chiếm 29%, đến 1967 đã tăng lên 32%. Năm 1971, tổng số cán bộ công nhân viên chức có 34.589 người trong đó phụ nữ chiếm 15.586 người. Đến  năm 1975 số nữ cán bộ công nhân viên chức trong tỉnh đã tăng lên 20.525 người. Chị em đã không ngừng vươn lên phấn đấu từng bước đảm nhận những công việc nặng, việc khó, đòi hỏi phải có năng lực, tay nghề vững vàng. Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt năng suất cao, chất lượng tốt trong các cơ quan xí nghiệp, công- nông trường… đã được chị em hăng hái tham gia. Chị em công nhân quyết tâm thực hiện khẩu hiệu: “Tim có thể ngừng đập, nhưng máy không thể ngừng chạy” và tích cực tham gia các phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng nhiều chị em vẫn dũng cảm vươn lên đạt nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Phân xưởng nhiệt điện, cơ khí, thuộc nhà máy phân đạm Hà Bắc  luôn là mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Nhiều lần chúng ném bom, bắn đạn rốc két xuống ngay nơi làm việc, nhưng chị em vẫn kiên cường bám xưởng, bám máy, để giữ vững sản xuất như chị Liên luôn dẫn đầu về năng suất lao động, chị Minh lái xe cẩu trong lúc máy bay địch ập đến đánh phá, vẫn bình tĩnh lái xe đến nơi cất giấu an toàn. Chị em ở xí nghiệp ép dầu đã phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất hằng năm. Năm 1969, xí nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất trước thời hạn 59 ngày. Phụ nữ ở xí nghiệp văn phòng phẩm Hà Bắc, xưởng chế biến cần câu, xí nghiệp bát sông Thương đã phấn đấu đưa năng suất lao động tăng trong ngày từ 30% đến 35% so với kế hoạch và mỗi tháng làm thêm hai ngày chủ nhật vì miền Nam ruột thịt.

Phụ nữ trong ngành bưu điện của tỉnh cũng ngày càng tăng: năm 1965 mới có 49 chị em, chiếm 12% tổng số cán bộ nhân viên, đến năm 1968 đã tăng lên tới 239 chị em trong tổng số 702 cán bộ nhân viên. Qua thực tế phục vụ chỉ đạo sản xuất, phục vụ các cơ quan đảng, nhà nước và phục vụ nhân dân, chị em đã có nhiều cố gắng trong việc giữ vững mạch máu thông tin thông suốt, đảm bảo lưu thoát khối lượng bưu cũng như điện. Phòng phát hành báo chí đã thường xuyên làm tốt công tác điều hòa, phân phối các loại ấn phẩm tới tận cơ sở phục vụ nhân dân.

Trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, phụ nữ chiếm từ 70 đến 80% tổng số xã viên, nhưng sản xuất vẫn được giữ vững và có mặt phát triển. Trong chiến tranh phá hoại, nhiều hợp tác xã phải sơ tán đã gặp không ít khó khăn, nhưng chị em vẫn luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, cải tiến kỹ thuật, tích cực tìm nguồn nguyên liệu để đảm bảo sản xuất và cải thiện đời sống xã viên. Hợp tác xã Khuy trai (thị xã Bắc Giang) do chị Hiền làm chủ nhiệm, khi sơ tán không những thiếu nguyên nhiên liệu, mà còn dùng máy nổ phát điện sản xuất, nên gặp nhiều khó khăn; một số chị em đã xin ra hợp tác xã. Trước tình hình trên, chị Hiền đã kiên trì, động viên mọi người phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, chủ động đi các nơi tìm nguồn nguyên liệu, phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nên hợp tác xã từng bước được củng cố và đời sống xã viên cũng ngày càng được cải thiện.

Do điều kiện thời chiến phải phân tán, nên ngành thương nghiệp, ngân hàng, tài chính gặp nhiều khó khăn trong phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của tỉnh hội, chị em đã tích cực tham gia đề xuất nhiều biện pháp công tác có hiệu quả và tổ chức thực hiện tốt như ngân hàng Tân Yên, Ty Tài chính, cửa hàng bán lẻ Nghĩa Trung (Việt Yên)… Chị em cửa hàng bách hóa Bắc Giang, do tổ chức phân công hợp lý cho từng người, từng việc cụ thể, nên chẳng những tiết kiệm được nhân lực mà còn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm, cửa hàng đã phấn đấu đạt tiêu chuẩn đơn vị tiên tiến, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Cửa hàng cũng đã được vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng cờ “Ba đảm đang”. Chị em ở xưởng sản xuất bánh kẹo Bắc Giang  (80% là nữ), đã mạnh dạn cải tiến một số khâu trong dây chuyền sản xuất, như sử dụng xe cải tiến vào vận chuyển nguyên vật liệu, nhằm giảm sức lao động và đưa năng suất lao động lên cao. Số chị em trong ngành thương nghiệp đạt danh hiệu ba đảm đang năm 1966 có 280, đến năm 1968 tăng lên tới 780 chị em.

Do chiến tranh ác liệt, nhiều trường, lớp phải sơ tán, đã gặp không ít khó khăn trong giảng dạy và học tập, nhưng sự nghiệp giáo dục của tỉnh vẫn không ngừng phát triển. Trong phong trào thi đua “Hai tốt” đã xuất hiện nhiều cô giáo ưu tú. Thực hiện khẩu hiệu “Cô giáo như mẹ hiền”, nhiều chị em thực sự yêu nghề, mến trẻ, tận tình dạy giỗ học sinh như con em mình. Trường cấp I Phương Sơn (Lục Nam) đã nhiều năm phấn đấu đạt danh hiệu tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Cô giáo Đinh Thị Việt Hoa, người dân tộc Tày ở xã Hữu Sản (Sơn Động) tuy bị tàn tật từ thuở nhỏ, nhưng xuất phát từ lòng yêu nghề và nghĩ đến tương lai của con em các dân tộc, chị đã kiên trì chống nạng đi hết đồi này sang đồi khác, đến từng gia đình vận động bà con cho con em đi học. Với quyết tâm trên, lớp học của chị ngày càng đông  học sinh và chất lượng học tập cũng ngày càng được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra chị còn tranh thủ tham gia dạy bổ túc văn  hóa cho nhân dân trong xã. Chị đã vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Học tập trường cấp I Phương Sơn, chị em ở các trường phổ thông trong tỉnh đã có cố gắng vươn lên trong phong trào thi đua “Hai tốt”. Đến năm 1968- 1969, toàn ngành giáo dục đã có 874 chị em được bầu là lao động tiên tiến và phụ nữ ba đảm đang.

Phụ nữ trong ngành y tế, luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào. Chị em ở bệnh viện huyện Lục Ngạn, khoa sản, khoa nhi bệnh viện Bắc Giang… đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu” và khẩu hiệu “Vì bệnh nhân mà phục vụ”. Mặc dù còn thiếu thốn về cơ sở vật chất khám chữa bệnh do điều kiện phải sơ tán, nhưng chị em đã khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, xếp sắp công việc hợp lý để phục vụ người bệnh được tốt hơn. Chị em ở xí nghiệp dược phẩm Hà Bắc và nhiều khoa thuộc bệnh viện Hà Bắc đã phấn đấu nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và phụ nữ ba đảm đang.

Nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, các cấp hội và ban nữ công của công đoàn các cấp phối hợp tổ chức nhiều nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi sơ tán, đồng thời tiếp tục duy trì phát triển các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ở nông thôn. Đến năm 1969 toàn tỉnh xây dựng được 2.658 nhóm trẻ gồm 37.943 cháu và 573 lớp mẫu giáo gồm 21.291 cháu. Chị em các dân tộc miền núi cũng góp phần trong việc đưa tỷ lệ các cháu được vào nhà trẻ từ 28% lên 39%. Các nhà trẻ, lớp mẫu giáo luôn được củng cố, phát triển nâng cao chất lượng nuôi dạy, đảm bảo an toàn, đã gây được lòng tin cho các bà mẹ yên tâm sản xuất.

Chấp hành Quyết định 94 ngày 13-5-1970 của Chính phủ về sinh đẻ có kế hoạch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với ngành Y tế, Tỉnh đoàn Thanh niên, Liên hiệp Công đoàn tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện thí điểm ở xã Dĩnh Kế, nhà máy phân đạm Hà Bắc để rút kinh nghiệm phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh. Đến năm 1971 đã có 32 xã và 5 khu phố tổ chức học tập, thảo luận Quyết định về công tác sinh đẻ có kế hoạch của Chính phủ, gồm 71.215 người dự. Thị xã Bắc Giang và huyện Tân Yên đã tổ chức triển lãm sinh đẻ có kế hoạch cho trên ba vạn lượt người xem. Ban bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh đã in và phát hành 6 vạn tài liệu hướng dẫn phương pháp thực hiện sinh đẻ có kế hoạch đến các xã, cơ quan, xí nghiệp, công- nông- lâm trường. Năm 1971 tỉnh và huyện đã tổ chức nhiều đội công tác lưu động đến tận cơ sở để đặt vòng tránh thai cho chị em. Do những cố gắng trên, đến hết năm 1971, toàn tỉnh đã có 672 chị tự nguyện đặt vòng tránh thai, tăng gấp 8 lần so với năm 1970. Tuy nhiên tỷ lệ sinh trong toàn tỉnh vẫn chưa giảm (năm 1970 là 3,56%, năm 1971 là 3,79%).

2. Đảm đang công việc gia đình, động viên người thân lên đường chiến đấu.

Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ trong tỉnh đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, vừa đảm đang việc nhà, vừa tham gia công tác xã hội, thay thế nam giới lên đường đi chiến đấu.

Trong suốt những năm chống Mỹ cứu nước, hàng vạn bà mẹ, người vợ trên quê hương Hà Bắc đã hăng hái tiễn đưa người thân lên đường đánh giặc giữ nước. Hàng trăm bà mẹ đã tiễn đưa người con thứ 4, hàng chục bà mẹ tiễn đưa đến người con thứ 5, thứ 6 lên đường nhập ngũ như bà Tiếp ở Ngọc Thiện (Tân Yên), bà Quảng (Việt Yên), bà Bình, bà Nhuần (Lục Nam)… Mẹ Hoàng Thị Dinh, dân tộc Tày ở xã Dương Hưu (Sơn Động) có năm con, hai con đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, đến kháng chiến chống Mỹ, mẹ lại động viên hai con và bốn cháu nội, ngoại tiếp tục lên đường đi chiến đấu. Mẹ Nguyễn Thị Dụt (Ninh Sơn, Việt Yên) đã liên tục động viên các con lên đường nhập ngũ. Để động viên các con ngoài mặt trận, mẹ đã hăng hái ngày đêm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình và đóng góp nhiều ngày công trong hợp tác xã. Bà Thìn (Bố Hạ, Yên Thế) vừa là mẹ, vừa là vợ liệt sĩ vẫn luôn tỏ ra vững vàng trong công việc gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội. Đó là những minh chứng cho sự hy sinh cao cả và sự đóng góp to lớn của phụ nữ tòan tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở lại hậu phương, các mẹ không quản tuổi già, sức yếu vẫn ngày đêm lo toan việc nhà, tham gia lao động sản xuất với hợp tác xã. Nhiều mẹ, nhiều chị, nhất là chị em gia đình thương binh liệt sĩ, vợ bộ đội đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, vừa khéo sắp xếp công việc gia đình, vừa tham gia lao động hằng năm từ 200 đến 300 ngày công. Ngoài ra, các mẹ còn thường xuyên giúp đỡ, động viên con dâu có chồng đi chiến đấu hăng hái tham gia công tác xã hội. Phong trào hội mẹ chiến sĩ nhận đỡ đầu gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội neo đơn từ hợp tác xã Tiền Phong xã Ngọc Thiện (Tân Yên) đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh. Đến 1969 đã có 19.939 mẹ nhận đỡ đầu cho 20.538 gia đình neo đơn thuộc diện chính sách để giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Những năm 1972- 1975, phong trào Hội mẹ chiến sĩ ở nhiều nơi hoạt động mạnh, đã có tác dụng tốt trong công tác tuyển quân như Đại Hóa, Quang Tiến (Tân Yên), An Hà, Tân Hưng (Lạng Giang), Xuân Phú, Tân Tiến (Yên Dũng)… Đến những năm 1970, số hội viên mẹ chiến sĩ đã lên 78.378 người.

Phong trào Hội mẹ chiến sĩ nhận chăm sóc phần mộ liệt sĩ hình thành từ hợp tác xã Đề Thám, xã Phồn Xương (Yên Thế) và được phát triển ra nhiều địa phương trong tỉnh. Hàng trăm phần mộ liệt sĩ tại các trận địa đã được Hội mẹ chiến sĩ nhận chăm sóc. Hội mẹ chiến sĩ ở một số nơi nhận chăm sóc phần mộ liệt sĩ như huyện Lạng Giang nhận chăm sóc gần 70 phần mộ, xã Thọ Xương (thị xã Bắc Giang) nhận chăm sóc 29 phần mộ… Hằng năm, nhân các ngày 27/7, ngày rằm, mồng một, ngày giỗ các liệt sĩ, các mẹ đều đến sửa sang phần mộ, nhổ cỏ hoa và thắp hương tưởng niệm.

Trong phong trào đảm đang gánh vác công việc gia đình và xã hội, nhiều chị đã rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến 1967, huyện Yên Dũng đã có trên 30% chị em có chồng đi chiến đấu được kết nạp vào Đảng. Hầu hết nữ đảng viên đều vừa lo toan chu đáo việc nhà, chăm sóc mẹ già, con nhỏ, và tham gia lao động sản xuất giỏi, vừa công tác học tốt để yên lòng người thân ngoài mặt trận. Nhiều chị em thường xuyên quan tâm giáo dục con làm theo năm điều Bác Hồ dạy, hướng dẫn con học tập tốt, lao động tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Do có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, đoàn thể về công tác giáo dục, nên đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thiếu niên nhi đồng. Toàn tỉnh có hàng nghìn học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Hàng vạn thiếu niên nhi đồng hăng hái tham gia các phong trào “Chăm sóc trâu bò béo khỏe”, “Làm nghìn việc tốt”, “Công tác Trần Quốc Toản”… Trong các phong trào trên đã có hàng chục chị em bắt được của rơi tự nguyện đem trả cho người mất. Hàng nghìn học sinh, hăng hái xung phong nhập ngũ.

Năm 1969, phụ nữ tỉnh Hà Bắc đã dấy lên phong trào “Trung hậu”. Chị em là vợ bộ đội, vợ liệt sĩ được tập hợp vào tổ “Trung hậu” để học tập, động viên và giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn trong đời sống tinh thần và vật chất. Nhờ sinh hoạt trong tổ “ Trung hậu”, chị em chẳng những thấy mình không cô đơn, trống trải, mà càng nhận rõ thêm trách nhiệm của mình trong việc thay chồng gánh vác công việc gia đình và xã hội. Phong trào này được phát triển rộng trong toàn tỉnh với 1.346 tổ “Trung hậu”, gồm 12.431 chị em vợ bộ đội tham gia.

Trong quá trình tham gia hoạt động xã hội, số chị em được bầu vào các cấp lãnh đạo trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, hợp tác xã ngày càng tăng. Năm 1965, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có 28 phụ nữ  chiếm 29,4%; hội đồng nhân dân huyện, thị xã có 188 chị chiếm 26,4%; hội đồng nhân dân xã và thị trấn có 1761 chị, chiếm 11,7%. Năm 1967-1968, các cấp huyện, thị xã có hai chị giữ chức chủ tịch, 16 chị giữ chức phó chủ tịch và 74 chị là chủ tịch xã. Đến 1973, Hội đồng nhân dân huyện, thị xã có 295 chị, chiếm 39,5% trong đó có 20% tham gia Ủy ban hành chính, gồm một chủ tịch, 11 phó chủ tịch, 3 ủy viên thư ký và 25 ủy viên ủy ban; Hội đồng nhân dân xã có 3712 chị, chiếm 35,8%, 621 chị tham gia ủy ban hành chính, trong đó có 27 chủ tịch xã.

Sự hy sinh cao cả và tinh thần khắc phục khó khăn, đảm đang việc nhà, việc nước của hàng vạn các bà mẹ, người vợ và chị em nữ thanh niên các dân tộc tỉnh Hà Bắc trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong tỉnh hoàn thành vượt mức kế hoạch tuyển quân hàng năm. Nhận rõ trách nhiệm của mình, phụ nữ đã có những đóng góp không nhỏ trong phong trào “Toàn tỉnh ra quân, toàn dân ra trận” và thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc đủ cân, quân đủ số”. Năm 1973, tỉnh được quân khu đánh giá là tỉnh tuyển quân đạt chất lượng cao. Năm 1974, toàn tỉnh đã hoàn thành việc giao quân cho các đơn vị bộ đội chỉ trong một ngày, được Chính phủ tặng bằng khen. Số lượng tuyển quân năm 1975 tăng gấp hai lần so với năm 1974, nhưng chỉ trong một đợt giao quân đầu năm, toàn tỉnh thực hiện đạt 103,59% kế hoạch cả năm. Từ năm 1965- 1975, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã tiễn đưa trên 70 nghìn người thân lên đường chiến đấu.

Cùng với tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng giỏi việc nước, đảm việc nhà của các bà mẹ, người vợ đầy nghị lực, còn có hàng nghìn nữ  thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng vươn lên phát huy bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, dám nghĩ, dám làm, đảm đang lao động sản xuất và công tác thay thế nam giới lên đường đi chiến đấu. Chị em quyết tâm vượt qua mọi ràng buộc của những tư tưởng lạc hậu “Trọng nam khinh nữ”, sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ ở hậu phương. Không những chỉ đảm đang những công việc nặng nhọc và khó khăn phức tạp, nhiều chị còn hết lòng chăm sóc, giúp đỡ cha mẹ của người yêu, người thân đang chiến đấu ở chiến trường. Những hành động, cử chỉ của chị em tuy nhỏ, nhưng đã tạo ra nguồn động viên lớn đối với các mẹ trong lúc con trai vắng nhà.

3. Dũng cảm trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế trận chiến tranh nhân dân ở Hà Bắc đã được phát huy tới đỉnh cao. Phụ nữ các dân tộc trong tỉnh luôn tỏ rõ tinh thần dũng cảm, đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Suốt những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân do đế quốc Mỹ gây ra, bất cứ ở đâu, máy bay địch đánh ngày hay đánh đêm, phụ nữ đều có mặt kịp thời.Chị em bất chấp nguy hiểm, lao vào tiếp đạn, tải thương, cứu hàng hóa của Nhà nước và tài sản của nhân dân. Sau mỗi trận máy may địch đánh phá, các chị lại cùng bộ đội, dân quân nhanh chóng củng cố lại trận địa, san lấp hố bom, quét sân bay, sửa đường…, góp phần đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Những năm giặc Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt, nhiều đơn vị bộ đội đến đóng quân và chiến đấu tại địa phương đã được hội phụ nữ tận tình giúp đỡ về mọi mặt. Nhiều chi hội tổ chức kết nghĩa với các đơn vị pháo cao xạ. Nhiều Tổ Hội mẹ chiến sĩ nhận đỡ đầu bộ đội. Đến năm 1972, Hội mẹ chiến sĩ trong tỉnh đã nhận đỡ đầu được gần 22 nghìn bộ đội và hàng nghìn con liệt sĩ. Trong phục vụ chiến đấu, Hội mẹ chiến sĩ luôn giữ vai trò quan trọng Ở bất cứ nơi đâu, sau mỗi trận chiến đấu đều có Hội mẹ chiến sĩ và chị em phụ nữ đến thăm hỏi, động viên các chiến sĩ. Từ bát nước chè xanh, bát cháo đỗ đến các loại hoa quả tươi đều được các mẹ, các chị và các em tự tay đưa đến cho từng chiến sĩ với những lời chào hỏi tình quân dân thắm thiết. Hội mẹ chiến sĩ các xã Đa Mai, Thọ Xương (thị xã Bắc Giang), Vĩnh Ninh (Lạng Giang, sau thuộc thành phố Bắc Giang)... còn nấu những món ăn đặc sản của quê hương như bún riêu cua, bún ốc, đem ra trận địa mời bộ đội.

Trong phục vụ chiến đấu, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp 170 nghìn ngày công giúp các đơn vị bộ đội xây dựng lán trại, đào đắp công sự, ụ pháo và lấy được trên 560 tấn lá ngụy trang, gánh hơn 33360 gánh nước lên trận địa phục vụ chiến sĩ. Riêng năm 1967, phụ nữ toàn tỉnh đã đóng góp 33 nghìn ngày công vào việc sửa sân bay, san lấp hố bom, sửa đường với khối lượng đào đắp lên tới 54.000 mét khối đất đá. Những trận máy bay địch đánh vào ga, kho hàng, trận địa pháo, chị em đã thức thâu đêm tham gia củng cố trận địa, làm đường kéo pháo và vận chuyển tài sản của Nhà nước đến nơi an toàn. Hội mẹ chiến sĩ cùng với các phân, chi hội phụ nữ ở cơ sở vận động, quyên góp được hàng chục tấn quần áo rách để ủng hộ bộ đội lau pháo.

Trong phục vụ chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, quên mình để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong một trận chiến đấu ác liệt ở xã Phồn Xương (Yên Thế), bà Trần Thị Mác cùng chồng và ba con đã dũng cảm lao vào cứu pháo, cứu đàn trâu của hợp tác xã và tham gia đào bới cứu thoát người bị sập hầm. Gia đình bà dã vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh khen "Cả nhà đánh Mỹ". Năm 1967, có lần máy bay địch đánh vào trận địa pháo thuộc khu vực xã Dĩnh Kế, làm hàng chục chiến sĩ bị thương. Lực lượng dân quân thôn Vĩnh Ninh, trong đó có sáu nữ (Nguyễn Thị Chức, Nguyễn Thị Nghê, Nguyễn Thị Mùa, Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Thị Châm, Nguyễn Thị Mười) đã dũng cảm vượt qua bom bi nổ chậm của địch tiến vào trận địa kịp thời cấp cứu. cáng thương và thay pháo thủ tiếp tục chiến đấu. Ngoài mục tiêu trận địa pháo, máy bay địch còn điên cuồng đánh phá thôn Vĩnh Ninh. Chúng ném bom xuống khu vực này nhiều bom phá, bom bi nổ chậm khiến nhiều ngôi nhà bị cháy, vườn bãi tan hoang. Mặc dù bom bi chưa nổ còn nằm rải rác dọc đường, kể cả trên nóc nhà, nhưng chị em dân quân vẫn không ngần ngại, dũng cảm tiến thẳng vào kho thóc giống của hợp tác xã và các ngôi nhà đang bị cháy để cứu chữa. Chị em đã cùng nhân dân cứu được 25.000 kg thóc giống cùng nhiều nhà cửa, tài sản của xã viên. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, bom bi của địch vẫn tiếp tục nổ. Đồng chí Nguyễn Thị Chức (Xã đội phó), Nguyễn Thị Mùa đã hy sinh anh dũng.

Trong phong trào "Vá áo chiến sĩ" đã có hàng ngàn bà mẹ không quản tuổi cao, sức yếu, vẫn thức khuya dạy sớm, cặm cụi vá hàng vạn bộ quần áo cho bộ đội. Các bà Nguyễn Thị Nãi, Nguyễn Thị Khôi, xã Đa Mai (thị xã Bắc Giang) đã cùng tổ Hội mẹ chiến sĩ đến các trận địa pháo của bộ đội đóng tại địa phương, nhận về hơn 1200 bộ quần áo rách để vá. Hình ảnh bà mẹ vá áo cho các anh bộ đội đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí sáng tác thành bài hát "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa". Các bà, các chị còn tranh thủ ngoài giờ lao động sản xuất, bện hàng nghìn áo giáp, mũ rơm cho bộ đội để tránh thương vong trong lúc chiến đấu với máy bay địch. Nhiều tổ Hội mẹ chiến sĩ và chi hội phụ nữ ở nhiều cơ sở đã tích cực vận động nhân dân ủng hộ bộ đội hàng vạn cây tre, hàng nghìn tấm  gianh để làm lán trại. Lực lượng nữ công nhân viên chức luôn nêu cao tinh thần dũng cảm trong công tác, phục vụ chiến đấu và đã giành được nhiều thành tích xuất sắc. Trong lực lượng đảm bảo giao thông vận tải như các phân đội 13, 14 đơn vị bến Phà Bắc Giang, có nhiều chị em phải thường xuyên lao động trên những cung đường, trọng điểm máy bay địch liên  tục bắn phá ác liệt. Tuy gặp không ít khó khăn, nguy hiểm nhưng chị em đã đoàn kết một lòng, giúp đỡ động viên lẫn nhau, coi việc "Gẫy cầu như gẫy xương", "Đứt đường như đứt ruột" dũng cảm vươn lên với quyết tâm đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Ngay sau mỗi trận máy bay địch bắn phá, chị em đã nhanh chóng san lấp hố bom, sửa đường, giải tỏa hàng hóa để đảm bảo giao thông  cho các đoàn xe ô tô qua lại an toàn. Năm 1967, phân đội 13 có bốn nữ công nhân được bầu là chiến sĩ thi đua và cả đơn vị được vinh dự Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng 2 và 3. Bến phà Bắc Giang luôn bị các loại máy bay địch, kể cả B52 đánh phá có tính chất hủy diệt, nhưng chị em vẫn kiên cường, dũng cảm bám bến, bám phà, phục vụ suốt ngày đêm để đảm bảo thông xe an toàn trong mọi tình huống. Chị em ở bến phà này đã  xứng đáng nhận cờ thưởng "Ba đảm đang" của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng. Những đơn vị thanh niên xung phong, dân quân, tự vệ phần lớn là nữ ở trọng điểm địch đánh phá ác liệt như Đa Mai, Nam Hồng (Thị xã Bắc Giang), Song Mai (Việt Yên, sau thuộc thành phố Bắc Giang), Quang Châu (Việt Yên)... đã dũng cảm vượt qua bom đạn, cứu hàng hóa và liên tục vận chuyển hàng ra tiền tuyến được an toàn.

Dưới làn bom đạn của giặc Mỹ, chị em ngành bưu điện vẫn kiên cường bám tổng đài, bám máy, giữ vững đường dây thông suốt từ trung ương đến địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn. Nhiều trận địch ném bom ngay sát tổng đài, nhưng chị em vẫn bình tĩnh, cắm phích nối mạng thông tin thông suốt phục vụ các cơ quan và bộ đội chiến đấu. Phòng bưu điện Lạng Giang đã dũng cảm phục vụ chiến đấu hàng chục trận. Điện thoại viên Nguyễn Thị Thuận, phòng bưu điện thị xã Bắc Giang, trong trận chiến đấu quyết liệt với máy bay địch ngày 23-8-1965, chị đã dũng cảm phục vụ năm giờ liền giữ  vững thông tin liên lạc với Ban chỉ huy đơn vị chiến đấu, góp phần tiêu diệt một máy bay Mỹ và bắt sống giặc lái.

Phụ nữ ngành Y tế là lực lượng chủ yếu trong phục vụ chiến đấu, chăm sóc thương binh… Bất kể ở đâu bị địch bắn phá là chị em nhanh chóng có mặt ngay để cấp cứu người bị thương. Phụ nữ bệnh viện Hà Bắc đã phục vụ chiến đấu hàng trăm trận đánh và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều chị em sẵn sàng hiến cả máu mình để cứu thương binh.

Chị em ngành Thương nghiệp đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, mang hàng hóa sát trận địa để phục vụ các chiến sĩ.

Chị em công tác ở trạm trung chuyển lương thực thị xã Bắc Giang đã vận chuyển hàng chục tấn bột mỳ từ bến sông Thương đến nơi an toàn trong lúc địch đang bắn phá. Chị em được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.

Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, phụ nữ các dân tộc tỉnh Bắc Giang còn tích cực tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dũng cảm chiến đấu đạt được những thành tích xuất sắc. Lực lượng nữ dân quân tự vệ ngày càng phát triển và trưởng thành về mặt số lượng và chất lượng. Số nữ dân quân chiếm tỷ lệ từ 31% năm 1966 lên 45% năm 1967. Toàn tỉnh có 1.756 chị em tham gia Ban chỉ huy xã đội, trong đó có 20% là chính trị viên, 38,5% là xã đội trưởng, 50% là xã đội phó. Chị em các dân tộc miền núi Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế cũng chiếm tới 43,6% tổng số cán bộ trong Ban chỉ huy xã đội. Nhiều đơn vị nữ dân quân vừa tích cực phục vụ chiến đấu vừa tranh thủ luyện tập đảm bảo đủ khả năng trực tiếp chiến đấu, được công nhận là đơn vị “Quyết thắng”, chiến sĩ “Quyết thắng” như các trung đội nữ dân quân Nam Hồng, Đa Mai (thị xã Bắc Giang), Vĩnh Ninh (Lạng Giang, nay thuộc thành phố Bắc Giang), An Hà, Hương Sơn (Lạng Giang), Dương Hưu (Sơn Động), Nghĩa Phương (Lục Nam), Phồn Xương (Yên Thế)… Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu gan dạ và trình độ tiếp thu khoa học kỹ - chiến thuật quân sự và tài chỉ huy của lực lượng nữ dân quân tỉnh Bắc Giang là trung đội nữ dân quân Nam Hồng. Trung đội gồm 72 chị em đã thường xuyên hợp đồng với 5 đơn vị pháo cao xạ, tham gia chiến đấu 125 trận trong đó có 2 trận bắn cháy máy bay Mỹ. Nhiều nữ dân quân các dân tộc miền núi đã dũng cảm cùng nam dân quân luồn rừng, lội suối truy bắt giặc lái máy bay nhảy dù xuống địa phương. Đó là nữ dân quân xã Dương Hưu (Sơn Động), Thống Nhất, Tân Lập, Tân Sơn (Lục Ngạn), Canh Nậu (Yên Thế)… chị Nông Thị Thu 19 tuổi, dân tộc Tày, xã đội phó dân quân Ninh Sơn (Lục Ngạn) đã bốn lần cùng đồng đội phi ngựa truy lùng và bắt gọn bảy tên giặc lái; 6 cô gái  xã Canh Nậu (Yên Thế) đã cùng nam dân quân băng qua gần 50km đường rừng núi cao đến vùng tiếp giáp giữa Bắc Giang và Thái Nguyên để bắt gọn hai tên giặc lái. Với tinh thần anh dũng, chị Nguyễn Thị Hồng Nụ, xã đội phó dân quân Song Mai (Việt Yên, sau thuộc thành phố Bắc Giang) đã dùng cặp tóc của mình để tháo bom nổ chậm thành công mở đầu cho phong trào tháo bom bổ chậm bằng công cụ thô sơ trong toàn tỉnh. Học tập và làm theo gương chị Nụ, nhiều nữ dân quân đã giải quyết hậu quả sau mỗi lần địch ném bom nổ chậm, bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân. Ba cô gái Đỗ Thị Lịch (dân tộc Sán Dìu), Đào Thị Năm và Đỗ Thị Minh (cùng 17 tuổi) là những chiến sĩ nổi tiếng của xã Huyền Sơn (Lục Nam) về tinh thần dũng cảm tháo bom nổ chậm đạt hiệu quả cao. Trong phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh (dân quân xã Dương Hưu, Sơn Động),  dân quân xã Nghĩa Phương, Cương Sơn (Lục Nam) đã góp phần cùng đồng đội bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Xã Dương Hưu và xã Nghĩa Phương đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Không chỉ tích cực tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm tại địa phương, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh còn hăng hái tham gia nhập ngũ để được trực tiếp chiến đấu với quân thù ngoài mặt trận. Qua các đợt tuyển quân hằng năm, số chị em lên đường nhập ngũ luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Năm 1971, tiểu đoàn bộ đội nữ của tỉnh được thành lập tại Trung Sơn (Việt Yên). Năm 1972 là năm tỉnh Hà Bắc  được giao chỉ tiêu tuyển bộ đội nữ cao nhất, nhưng chị em vẫn xung phong nhập ngũ vượt chỉ tiêu. Từ năm 1965 đến năm 1975, toàn tỉnh đã có 3623 chị em lên đường nhập ngũ và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, đế quốc Mỹ đã sử dụng 6.219 lần chiếc máy bay các loại, kể cả máy bay B52 và F111 để đánh phá tỉnh Hà Bắc với số lượng bom đạn khổng lồ trên 26 nghìn tấn.Giặc Mỹ không những chỉ gây ra những thiệt hại to lớn về vật chất mà còn gây ra biết bao đau thương, tang tóc trong nhân dân trong tỉnh. Riêng huyện Lục Nam trong năm 1972, đã có hàng trăm người chết và bị thương, trong đó có nhiều người già, phụ nữ, trẻ em; có gia đình chết và bị  thương tới 3-4 người. Chị Nga ở Chu Điện bị chết cả bốn mẹ con. Chị Đạm ở Tân Hưng bị bom Mỹ sát hại để lại 7 người con còn nhỏ. Ngày 15-9-1972 máy bay giặc Mỹ đã ném bom xuống thị xã Bắc Giang trên 200 quả bom phá, bom phát quang và rất nhiều bom xuyên, bom  nổ chậm làm cho nhà cửa, đường phố đổ nát, điêu tàn. Nhiều người chết và bị thương, trong đó có gia đình chị Tư chết cả 4 mẹ con.

Biến đau thương thành hành động, phụ nữ đã góp phần cùng quân dân trong tỉnh bắn rơi 162 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống 92 tên giặc lái. Ngoài nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu, phụ nữ còn góp phần đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Với những thành tích trên, Hà Bắc vinh dự được Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương quân công, Huân chương độc lập hạng nhì và cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đồng thời được Bác Hồ gửi thư khen ngợi về thành tích bắt sống nhiều giặc lái nhất miền Bắc. Riêng Hội liên hiệp phụ nữ Hà Bắc được vinh dự tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng cờ “Ba đảm đang” và Ban chỉ huy sư đoàn không quân tặng bức trướng “Hội mẹ chiến sĩ vẻ vang”. Tại Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng  bức trướng ghi chữ vàng “Phụ nữ Hà Bắc anh hùng- trung hậu- đảm đang”.

4-Tổ chức hội và công tác cán bộ phụ nữ

Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở là một trong những yếu tố quyết định góp phần đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang”. Năm 1965 cán bộ hội cấp tỉnh có 14 chị, cấp huyện có 56 chị. Phần lớn cán bộ từ tỉnh đến cơ sở trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị một cách có hệ thống. Tỉnh hội đã tiến hành củng cố Ban Chấp hành Huyện hội và mở 21 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 1500 hội trưởng và Ủy viên Ban Chấp hành hội phụ nữ xã. Năm 1969, cán bộ hội từ tỉnh đến huyện đều được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều cán bộ Tỉnh hội, Huyện hội được cử đi học lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ do trường phụ vận Trung ương tổ chức. Đối với cơ sở, Tỉnh hội đã chỉ đạo tổ chức kiện toàn Ban Chấp hành Hội phụ nữ ở 276 xã, củng cố 982 phân chi và 3.487 tổ hội phụ nữ.

Chấp hành Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc tiến hành Đại hội phụ nữ các cấp, Tỉnh hội đã tổ chức chỉ đạo hội phụ nữ các huyện thị xã và cơ sở triệu tập đại hội để thảo luận dự thảo các văn kiện sẽ trình Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ tư. Sau Đại hội các cấp hội ở cơ sở, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn tỉnh được triệu tập và đã đạt kết quả tốt. Đại hội đã có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, về các văn kiện do Ban chấp hành Trung ương Hội dự thảo như: Báo cáo công tác Hội nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới và điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đại hội đã bầu đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ tư.

Sau khi tổ chức chỉ đạo hội phụ nữ các huyện, thị xã và cơ sở tiến hành đại hội thành công, Tỉnh hội quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu Phụ nữ Hà Bắc lần thứ hai vào ngày 27-6-1975. Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động công tác nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đồng chí Lê Thu Thủy được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Mùi và Nguyễn Thị Xuất được bầu làm Phó Hội trưởng.

Sau Đại hội, Tỉnh hội đã chú ý củng cố tổ chức hội, cải tiến công tác chỉ đạo cơ sở và bước đầu xây dựng chức năng nhiệm vụ cho Ban Chấp hành Hội phụ nữ các cấp. Công tác bồi dưỡng cán bộ về mọi mặt, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Hội phụ nữ tỉnh từ cơ sở ngày càng được quan tâm đúng mức.

Đầu tháng 1-1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết 152, 153 về công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Ngày 8-3-1967 Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 31 về công tác cán bộ nữ. Ba nghị quyết trên thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Tỉnh ủy Hà Bắc triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt nội dung của các Nghị quyết trên, đồng thời đề ra các chỉ tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện. Sau hội nghị cán bộ toàn tỉnh, đến cuối 1967, các cấp ủy đảng, chính quyền, hội phụ nữ, các ngành đoàn thể tổ chức học xong nghị quyết của Đảng và Chính phủ về công tác phụ vận. Qua học tập, liên hệ thực tế, cán bộ, đảng viên và quần chúng đã nhận thức được vị trí, vai trò và khả năng cách mạng, năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ, đồng thời thấy rõ được những thuận lợi, khó khăn và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các ngành đối với công tác vận động phụ nữ. Trong lãnh đạo, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức được sự cấp thiết cần phải mở rộng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trên mọi lĩnh vực công tác.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, đội ngũ cán bội nữ của tỉnh ngày càng trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng. Số chị em tham gia lãnh đạo trong các cấp ủy đảng và chính quyền ngày càng đông. Năm 1965 toàn tỉnh mới có khoảng 400 cán bộ nữ tham gia chính quyền cấp xã và quản lý hợp tác xã nông nghiệp, đến năm 1968 tăng lên tới 14,5%; trong đó Chủ tịch, Phó Chủ tịch tăng 25 lần. Số nữ huyện ủy viên năm 1968 tăng 2,7 lần và nữ đảng ủy viên cấp xã tăng 5,5 lần so với năm 1965. Hầu hết các cán bộ mới đề bạt đều bảo đảm chất lượng tốt. Trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt và bão lũ lớn liên tiếp xảy ra, nhiều nữ cán bộ vẫn luôn giữ vai trò lãnh đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị em làm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thư ký ủy ban hành chính xã tới 2-3 khóa liền vẫn được nhân dân tin yêu như các chị Nguyễn Thị Nâng (Lạng Giang), chị Thìn (Yên Thế), chị Muôn (Yên Dũng), chị Quảng (Việt Yên)… Các chị Nguyễn Thị Song (Hiệp Hòa), chị Xuân (Tân Yên), chị Xuyến  (Lạng Giang), chị Thơm (Lục Nam)… là những chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, đội trưởng sản xuất giỏi từ bốn đến tám năm liền; chị Sáu, chị Thủy, chị Em (Lạng Giang), chị Giá, chị Sơn (Sơn Động), chị Tâm, chị Tựa, bà Vinh (Lục Nam), chị Sách, chị Xuyến, chị Ngát (Tân Yên), chị Hợi, chị Xây, bà Dậu (Lục Ngạn), chị Quảng, chị Sàm, chị Teo (Hiệp Hòa), chị Bình, chị Gái (Yên Thế), chị Si, chị Nhuận (thị xã Bắc Giang), chị Hương, chị Chúc (Việt Yên) là những cán bộ tận tụy, mẫu mực của các huyện. Ngoài ra còn hàng trăm chị em làm công tác khoa học kỹ thuật trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục… cũng đóng góp được nhiều công sức, trí tuệ tạo nên những thành tích lớn trong phong trào phụ nữ toàn tỉnh. Tiêu biểu cho đội ngũ cán bộ người dân tộc là chị Bế Thị Tâm, Vi Thị Út (dân tộc Tày). Từ một nữ hộ sinh ở trạm xá xã, trình độ văn hóa cấp 1, được cấp ủy đảng và ngành y tế quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đã khắc phục khó khăn về hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán… để phấn đấu trở thành bác sĩ, trở thành cán bộ lãnh đạo của bệnh viện Sơn Động và Lục Ngạn.

Quá trình hoạt động và phát triển của phong trào “Ba đảm đang” luôn gắn liền với  sự lãnh đạo của đảng bộ, sự chỉ đạo của Tỉnh hội và đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp. Nhiều chi hội trưởng, hội phó từ tỉnh đến cơ sở luôn nhiệt tình, năng động, tận tâm, tận lực vì phong trào phụ nữ như bà Dậu (Lục Ngạn), chị Vênh (Lục Nam), chị Lộc (Yên Dũng), chị Thử (Lạng Giang)…

Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về công tác phụ vận do Tỉnh ủy tổ chức cuối 1971 đã nhất trí đánh giá: dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của các đoàn thể các ngành có liên quan, phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ, phong phú và toàn diện. Thành tích của phong trào rất to lớn, thể hiện sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ nữ trong toàn tỉnh.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phong trào phụ nữ Hà Bắc phát triển toàn diện, phong phú và đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều tập thể và cá nhân đã vinh dự được Hội đồng Chính phủ và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen: phong trào phụ nữ các xã Đa Mai (thị xã Bắc Giang), Đại Hóa (Tân Yên); Hội mẹ chiến sĩ xã Ngọc Thiện (Tân Yên), bà Đỗ Thị Khách xã Ngọc Thiện (Tân Yên), Nguyễn Thị Nãi xã Đa Mai (thị xã Bắc Giang) được Chính phủ tặng Bằng khen. Phong trào Hội mẹ chiến sĩ xã Việt Ngọc (Tân Yên), xã Nghĩa Phương (Lục Nam) được Trung ương Hội tặng Bằng khen, Tỉnh hội phụ nữ cũng tặng Bằng khen cho 56 đơn vị và 69 bà trong Hội mẹ chiến sĩ. Ủy ban hành chính tỉnh tặng Bằng khen cho phong trào phụ nữ các huyện Lạng Giang, Tân Yên, các xã Tân Hưng (Lạng Giang), Ngọc Vân (Tân Yên), Nham Sơn (Yên Dũng), Bảo Đài (Lục Nam), phong trào Hội mẹ chiến sĩ các xã Phúc Sơn (Tân Yên), Hương Lạc (Lạng Giang), Phồn Xương (Yên Thế) và 53 cá nhân trong Hội mẹ chiến sĩ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào phụ nữ Hà Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, phụ nữ Hà Bắc tràn đầy niềm vui chiến thắng, hăng hái bước vào thời kỳ mới- thời kỳ cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

CHƯƠNG IV

PHỤ NỮ BẮC GIANG CÙNG NHÂN DÂN CẢ NƯỚC THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC; THỰC HIỆN PHONG TRÀO NGƯỜI PHỤ NỮ MỚI XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976- 1986)

I. Thi đua lao động sản xuất, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976- 1980).

Sau thắng lợi mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập thống nhất, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, cả nước tiến hành thực hiện nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ ngày 14 đến 20-12-1976, Đại  hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đại hội tổng kết toàn bộ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, đề ra đường lối phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lại đất nước. Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976- 1980) do Đại hội đề ra nhằm hai mục tiêu cơ bản: xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước; cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động.

Ngày 1-6-1976, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã họp chuẩn bị cho hội nghị hợp nhất hai tổ chức phụ nữ. Hội nghị đã quyết định lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để thống nhất sự chỉ đạo, lãnh đạo phong trào phụ nữ cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ ngày 25-5 đến 1-6-1976 Đảng bộ tỉnh Hà Bắc tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 3. Đại hội đã tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong 5 năm (1971-1975) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội, coi trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị giúp chị em phụ nữ các dân tộc trong tỉnh nhận rõ những thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn mới  nhằm động viên toàn thể các tầng lớp phụ nữ tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước, đồng thời giáo dục phụ nữ có ý thức tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình văn hoá mới.

Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, Hội phụ nữ các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đến đông đảo hội viên. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị của Đảng, của Hội, đã nâng cao nhận thức cho hội viên trước tình hình nhiệm vụ mới của đất nước, làm cho chị em thực sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hội, đồng thời giúp chị em xác định được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, từ đó đề ra kế hoạch cho từng thời gian cụ thể. Những cuộc sinh hoạt chính trị như tuyên truyền bầu cử quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân, triển khai nghị quyết thường có 80% số hội viên tham gia. Riêng đợt sinh hoạt “Báo công, lập công” năm 1976 đã có 182.200 hội viên tham gia.

Năm 1976, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và cũng là năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ ba. Việc sản xuất và chăn nuôi đã gặp phải khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương hội, các cấp hội đã vận động chị em khắc phục khó khăn bằng cách đổi thóc giống cho hợp tác xã, gieo mạ sân, gieo thẳng, cấy vùi, đảm bảo gieo đủ diện tích, đưa sản lượng thóc tăng hơn vụ trước 20 nghìn tấn.

Để đẩy mạnh chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trong hộ gia đình, Hội phụ nữ cùng với Ty nông nghiệp ra Nghị quyết liên tịch về phát triển chăn nuôi trong hộ gia đình. Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức các hội nghị toạ đàm trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi giỏi nhằm động viên phụ nữ phát triển chăn nuôi. Hội còn phát động chị em tương trợ giúp đỡ nhau giống vốn, kinh nghiệm chăn nuôi nhằm tăng số đàn lợn, xoá hộ trống chuồng.

Thưc hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ ngày 8 đến 11-7-1977, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Bắc lần thứ ba được tổ chức, Đại hội đã kiểm điểm đánh giá phong trào phụ nữ năm 1975-1976 và đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác trong 2 năm 1977-1978. Đại hội đã bầu 37 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội phụ nữ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Chuyên được bầu làm Hội trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Ấm và Nguyễn Thuỵ Bảo được bầu làm Phó hội trưởng. Nghị quyết Đại hội được các cấp hội quán triệt đến toàn thể chị em, đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, chuyển biến thành hành động cách mạng.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Trung ương hội, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần vào việc xây dựng nền nông nghiệp và nông thôn mới, đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, các cấp hội động viên chị em sôi nổi tham gia phong trào cấy “Ba đảm bảo” (đảm bảo diện tích, đảm bảo thời vụ, đảm bảo kỹ thuật). Nhiều huyện, thị đã tổ chức mở hội thi cấy giỏi, tập huấn kỹ thuật, lựa chọn, phân công chuyên môn hoá khâu cấy, tổ chức ngày “Hội xuống đồng”. Tỉnh hội, các huyện hội đã cử cán bộ theo dõi thi đua, động viên chị em phấn khởi tự giác làm thêm giờ, tát nước, nhổ mạ, chuyển phân dưới ánh trăng. Nhờ đó trong 2 năm 1977-1978 đã cấy vượt kế hoạch từ 0,6 – 2,6% diện tích lúa. Ngoài ra, chị em còn mở rộng thêm diện tích trồng màu, năm 1978 tăng hơn năm 1977 là 31%. Hội phụ nữ các huyện  Lục Nam, Lạng Giang, Lục Ngạn, Yên Thế, Sơn Động đã có nhiều cố gắng trong việc khai hoang với khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”. Hưởng ứng phong trào trồng 10.000 ha sắn do Tỉnh uỷ phát động, hàng trăm quả đồi thấp, đồi trọc đã trở thành đồi sắn xanh tươi. Toàn tỉnh đã trồng được 11.000 ha sắn, riêng xã Trù Hựu (Lục Ngạn) trong 2 ngày thi đua đã trồng được 46 ha sắn. Hội phụ nữ còn vận động chị em tham gia phong trào thâm canh tăng vụ, tăng 1 vụ thành 2, 3 vụ thậm chí 4 vụ 1 năm. Trong chiến dịch cải tạo đất, 2 năm 1977-1978, chị em tham gia 4 đợt, đóng góp 19,6 triệu ngày công làm thuỷ lợi, làm phân bón. Hàng vạn chị em còn nhận ruộng xa, ruộng xấu “Làm thêm lượt cỏ, bỏ thêm lượt phân”, nhận ruộng tăng sản, đưa năng suất lúa lên cao. Nhờ sự đóng góp của các cấp Hội phụ nữ tỉnh, đã góp phần đưa sản lượng thóc từ 255.862 tấn (1976) lên 269.003 tấn (1980). Bình quân đầu người từ 261,05 kg (1976) lên 279,02 kg (1980). Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, số hộ có nhà ngói từ 45,8% (1976) lên 68% (1979).

Nhằm góp phần tăng nhanh nguồn thực phẩm, tăng nguồn phân bón phục vụ thâm canh cây trồng, đồng thời hưởng ứng phong trào của Trung ương hội phát động: “Mỗi người nuôi 5 con gà, mỗi nhà nuôi 2-3 con lợn”. Bằng quyết tâm cao với nhiều biện pháp tích cực, các cấp Hội đã khắc phục khó khăn về thức ăn, vốn giống, phối hợp với các ngành nông nghiệp, công ty thực phẩm tươi sống động viên nữ nông dân đăng ký chăn nuôi, giúp nhau giống vốn, xoá hộ trống chuồng, sử dụng tốt đất 5%, tận dụng đất đai bờ vùng, bờ thửa, ven đê để trồng thêm rau màu phát triển chăn nuôi. Các huyện, thị còn mở hội nghị liên tịch, hội nghị điển hình “Những người chăn nuôi giỏi” trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Với khẩu hiệu “Chăn nuôi ích nước lợi nhà”, chị em phụ nữ đã vận động giúp nhau giống vốn đưa tổng đàn lợn từ 370.000 con (1976) lên 410.000 con (1979). Các huyện Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam tăng từ 2.000 đến 3.000 con và cũng là những huyện thường xuyên hoàn thành nghĩa vụ thực phẩm với Nhà nước sớm nhất trong tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị 208 của Ban bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước công tác quản lý, đẩy mạnh sản xuất, củng cố hợp tác xã vững mạnh trên quy mô lớn, 1051 hợp tác xã nhỏ trong toàn tỉnh đã hợp nhất thành 562 hợp tác xã lớn. Chị em tham gia đóng góp xây dựng kế hoạch sản xuất, tham gia đội chuyên, thực hiện định mức lao động...

Năm 1978 tỉnh Hà Bắc đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương lao động hạng hai về thành tích sản xuất nông nghiệp, hoàn thành nghĩa vụ lương thực, thực phẩm; tặng hai Bằng khen về thành tích khắc phục khó khăn sản xuất vụ đông xuân năm 1979. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của phong trào phụ nữ trong tỉnh.

Thi đua với nữ nông dân tập thể, chị em nữ công nhân viên chức đã hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm. Chị em bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị, ra sức phấn đấu góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Nhiều chị khắc phục khó khăn trong công tác, đời sống, quyết tâm học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp cách mạng. Ý thức làm chủ tập thể được nâng lên, chị em phấn đấu đảm bảo ngày công, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, bảo vệ của công. Năm 1976 chị em nữ công nhân viên chức trong cả tỉnh có 6.000 sáng kiến lớn, nhỏ đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Nữ công nhân trong ngành lâm nghiệp mặc dù phải lao động nặng nhọc, sống trên địa bàn rừng núi xã xôi hẻo lánh, nhưng chị em đã cùng với lâm trường tìm biện pháp khắc phục khó khăn, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng. Năm 1976-1977 đạt 106% đến 110% kế hoạch. Tổ Chìa thuộc lâm trường Mai Sưu 100% là nữ nhưng năng suất thường đạt và vượt 7 – 16% kế hoạch, sáu năm liền là tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Lâm trường Lục Ngạn đa số chị em từ miền xuôi lên. Chị em cùng với lâm trường trồng được 6.456 ha rừng. Năm 1978 lâm trường được vinh dự đón nhận lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng.

Để góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của nhân dân, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, chị em ngành y tế không ngừng học tập nâng cao nghiệp vụ tay nghề, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”. Chị em đã thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho nhân dân và còn tích cực tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các ngành liên quan vận động nhân dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Chị em ở bệnh viện đông y đã góp phần tích cực trong việc nghiên cứu thuốc nam chữa bệnh cho phụ nữ và điều chế thuốc tẩy giun cho trẻ em có kết quả. Chị em ở khoa nhi bệnh viện tỉnh có nhiều cố gắng chữa bệnh cho các cháu, đã cứu chữa nhiều trường hợp bệnh nặng. Nhiều năm chị em chiếm tới 70% tổng số lao động tiên tiến của ngành.

Ngành giáo dục, phụ nữ chiếm 70% lao động. Chị em không ngừng phấn đấu tu dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua “Hai tốt”. Chị em đã góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh: Số học sinh phổ thông năm 1978 tăng 17% so với năm 1977, số lớp mẫu giáo thu nhận số cháu từ  37% (1977) lên 54% (1978). Trong toàn ngành giáo dục có 35 tổ lao động xã hội chủ nghĩa, trong đó có 23 tổ 100% là giáo viên nữ, có 57 chị là chiến sĩ thi đua từ ba đến chín năm liền. Toàn ngành có 166 chị là hiệu trưởng, hiệu phó từ cấp I đến cấp III. Trường cấp III Ngô Sĩ Liên (thị xã Bắc Giang) từ trường yếu đã vươn lên đạt danh hiệu trường tiên tiến của tỉnh.

 Chị em công tác trong lĩnh vực lưu thông phân phối, thương nghiệp đã hăng hái tham gia phong trào thi đua “Bốn tốt”, là những người nội trợ giỏi của gia đình và xã hội. Chị em xác định trách nhiệm, thái độ của người mậu dịch viên “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhiều cửa hàng cải tiến phương thức phân phối, đem hàng đến tận tay người tiêu dùng. Cửa hàng rau quả thị xã Bắc Giang có 91,6% là nữ, các chị đã bảo quản rất tốt rau xanh, hạ tỷ lệ rau kém phẩm chất từ 6,5% xuống còn 3%, tiết kiệm hàng chục tấn rau góp phần cùng toàn ngành hoàn thành kế hoạch hàng năm, được nhận Bằng khen của Bộ Nội thương và Cờ thi đua của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Nữ xã viên ngành tiểu thủ công nghiệp cũng có những chuyển biến mới. Mặc dù thiếu nguyên nhiên vật liệu, mặt hàng sản xuất không ổn định nhưng với quyết tâm cao, tiết kiệm trong sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm như vôi Trung Thành, ngói Phương Đông, thêu Hoa Mai, thảm Quyết Thắng... tạo ra nhiều mặt hàng mới có chất lượng và thẩm mỹ cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phụ nữ ở các ngành giao thông, bưu điện, xây dựng, lương thực, ngân hàng, tài chính... không ngừng phấn đấu vươn lên trau dồi nghiệp vụ, thi đua lao động sản xuất học tập góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, lưu thông phân phối phục vụ đời sống nhân dân.

Khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng” đã từng bước được quán triệt trong đội ngũ cán bộ, hội viên, đã tạo niềm tin và sức mạnh thúc đẩy chị em phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ hội được rèn luyện trưởng thành thêm một bước. Trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều chị tỏ ra vững vàng kiên định trước những thử thách mới. Chị em xác định cần phải phấn đấu vươn lên học tập, nâng cao trình độ mọi mặt để xứng đáng với sự quan tâm bồi dưỡng của Đảng, sự tin cậy của nhân dân. Những chị được giao nhiệm vụ lãnh đạo công tác Đảng, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, công tác đoàn thể đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những đóng góp tích cực của tầng lớp phụ nữ trong tỉnh xứng đáng được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng 2 bức trướng: “Phụ nữ Hà Bắc giỏi việc nước,đảm việc nhà, phấn đấu vươn lên đoàn kết, lao động tốt, thực hiện nam nữ bình đẳng”, “Phát huy quyền làm chủ tập thể, thực hiện nam nữ bình đẳng; phụ nữ Hà Bắc hăng hái thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980)”.

Cuối năm 1978 đầu 1979, các thế lực thù địch nước ngoài cho quân xâm lược nước ta. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa ổn định đời sống, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 10-2-1978 Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra Nghị quyết số 17 phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng Tổ quốc” với 2 yêu cầu và 3 nội dung. Ngày 8-8-1978, Trung ương Hội ra Nghị quyết số 18 về những nhiệm vụ của Hội phụ nữ trong giai đoạn cách mạng mới, bổ sung thêm nội dung “Phục vụ chiến đấu” và đổi tên thành phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gồm 4 nội dung:

1-Lao động sản xuất, tiết kiệm và chấp hành chính sách.

2- Tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, làm tốt công tác hậu phương quân đội, tham gia giữ gìn trật tự an ninh xã hội.

3- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan.

4- Đoàn kết học tập tiến bộ.

Thực hiện Nghị quyết 17, 18 của Trung ương Hội, Tỉnh hội tổ chức hội nghị quán triệt sâu sắc đến toàn thể hội viên, cán bộ. Tại Hội nghị báo cáo viên của tỉnh, đồng chí Hội trưởng đã quán triệt mục đích, ý nghĩa và yêu cầu nội dung của phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đến 120 đồng chí là Ttrưởng, Phó Ban tuyên huấn của các huyện, thị và các ngành trong tỉnh. Ngoài ra phụ nữ còn phối hợp với đài, báo địa phương tuyên truyền những tấm gương điển hình trong phong trào “Người phụ nữ mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nội dung của phong trào đã đáp ứng kịp thời tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của chị em. Nội dung phong trào đã nhanh chóng chuyển thành hành động cách mạng của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Chị em đã xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, sẵn sàng động viên chồng con, người thân lên đường bảo vệ Tổ quốc, làm tốt công tác hậu phương quân đội, củng cố kiện toàn tổ chức hội, quan tâm hơn đến các cơ sở miền núi giáp với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lệnh tổng động viên của Nhà nước, tháng 2-1979 các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã làm tốt công tác vận động thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Năm 1978, tỉnh tiến hành ba đợt tuyển quân và hai đợt tuyển thanh niên đi xây dựng kinh tế bảo vệ biên giới. Các đợt tuyển quân đều hoàn thành chỉ tiêu, bảo đảm cả số lượng và chất lượng, rút ngắn thời gian sớm hơn kế hoạch 18 ngày. Riêng  chỉ tiêu tuyển quân nữ hoàn thành xuất sắc. Với ý chí “Quyết thắng quân xâm lược”, các bà mẹ, người vợ đã động viên chồng, con ra tiền tuyến. Chỉ tính năm 1979, tỉnh ta có 100 bà mẹ tiễn đưa người con thứ 5; 600 bà mẹ tiễn đưa người con thứ 4; 2.000 bà mẹ tiễn đưa người con thứ 3; 600 bà mẹ tiễn đưa cả hai người con nhập ngũ cùng một đợt trong một ngày.

Không chỉ làm tốt công tác vận động tuyển quân, các cấp hội còn làm tốt công tác hậu phương quân đội, giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng chính sách khác “Ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần”. Hàng năm các cấp Hội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách hậu phương quân đội, trao đổi kinh nghiệm, bàn về nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình bộ đội có khó khăn, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các trạm trại thương binh. Toàn tỉnh đã củng cố 1.484 tổ Hội mẹ chiến sĩ, tổ trung hậu đảm đang đi vào hoạt động có nền nếp.

Kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/1978), các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ V bằng những hành động cụ thể như thi đua trồng rau màu, đẩy mạnh chăn nuôi, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Nữ công nhân viên chức thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với khẩu hiệu “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi công nhân một sáng kiến”. Tham gia lao động tự túc lương thực và rau xanh, ổn định đời sống gia đình, chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Từ ngày 23 đến ngày 26-11-1979, Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Hà Bắc lần thứ tư được tổ chức. Đại hội đánh giá thành tích của phong trào phụ nữ và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Hội trong năm 1978-1979 và đề ra phương hướng nhiệm vụ của năm 1980-1981. Đại hội đã bầu 37 đồng chí vào Ban Chấp hành Tỉnh hội. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Chuyên được bầu làm Hội trưởng, các đồng chí Nguyễn Thị Giang, Dương Thị Hoà được bầu làm Phó hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

Sau hơn một năm thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các cơ sở Hội đã tổ chức sơ kết phong trào nhằm đánh giá, biểu dương những kết quả bước đầu đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm để chỉ đạo trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn. Qua bình xét từ cơ sở trở lên có 45% chị em đạt 4 nội dung, 30% chị em đạt 3 nội dung, 15% chị em đạt từ một đến hai nội dung.

Kết quả của phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm của chị em thêm một bước. Thấy rõ được tác dụng của phong trào, do đó Tỉnh uỷ, các Huyện uỷ, Thị uỷ đã có thông tri yêu cầu các cơ sở đảng chỉ đạo phong trào cụ thể hơn, sâu hơn nên kết quả ngày càng khả quan hơn.

Hưởng ứng phong trào học tập gương chiến đấu dũng cảm của liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Chiêm, các cấp Hội sôi nổi thi đua lao động sản xuất và công tác. Trong sản xuất nông nghiệp, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã làm 143 công trình thuỷ lợi, 534 mẫu ruộng tăng sản và hàng trăm con đường mang tên Hồng Chiêm. Đặc biệt chị em ngành thương nghiệp đã có sáng kiến tổ chức các quầy hàng mang tên Hồng Chiêm, kết nạp Hồng Chiêm là đoàn viên danh dự của ngành.

Hưởng ứng phong trào tiết kiệm do tỉnh phát động, chị em toàn tỉnh xây dựng được 27.000 lọ gạo tiết kiệm trong gia đình, riêng phụ nữ huyện Yên Thế tiết kiệm được ba tấn thóc, gạo, 15 tấn khoai sắn giúp cho hàng nghìn đồng bào tỉnh Lạng Sơn sơ tán về tỉnh nhà. Năm 1978-1979, chị em hăng hái tham gia phong trào tiết kiệm 780 tấn lương thực do Tỉnh uỷ phát động để ủng hộ đồng bào Nghệ Tĩnh bị bão lụt.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội, Chỉ thị số 35 của Tỉnh uỷ về chỉ đạo và phát động phong trào trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, các cấp hội đã tuyên truyền phổ biến đến 99.720 cán bộ hội viên. Hội Phụ nữ Lục Nam, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, Lạng Giang đã tổ chức Hội nghị liên tịch với ngành nông nghiệp bàn về phát triển trồng dâu nuôi tằm. Chị em ở cơ sở đã tích cực tham gia phong trào “Phá hàng rào gai, trồng hàng rào dâu”. Chỉ trong một thời gian ngắn chị em trong tỉnh cùng gia đình đã trồng được 500.000 gốc dâu và 45 ha dâu. Toàn tỉnh có 177 xã với 3.418 hộ nuôi tằm, trong đó huyện Việt Yên có 694 hộ ở năm xã Tiên Sơn, Quang Châu, Hồng Thái, Vân Hà, Quảng Minh trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ.

Nhận rõ phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng của chị em, phù hợp với tình hình cách mạng trong giai đoạn mới nên Ban Thường vụ Trung ương Hội có Nghị quyết số 20 ngày 12-10-1979 quyết định tiếp tục đẩy mạnh phong trào này và phát động đợt thi đua mới trong cả nước.

Hưởng ứng phong trào thi đua Trung ương Hội phát động, trên mặt trận nông nghiệp mặc dù thời tiết năm 1980 không được thuận lợi, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, nhưng chị em các dân tộc trong tỉnh vẫn quyết tâm chống úng, chống hạn, chống bão lụt, có nhiều nơi phải cấy đi cấy lại tới 2-3 lần, nhưng với tinh thần quyết tâm, chị em vẫn bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, cấy hết diện tích. Vụ đông xuân 1980-1981 có 1.708 tổ phụ nữ nhận 6.074 mẫu lúa tăng sản, chị em đã đầu tư thêm công làm cỏ, bón thêm phân, kết quả sản lượng tăng bình quân 10kg thóc/sào.

Chăn nuôi gia đình vẫn được duy trì và đẩy mạnh. Các cơ sở Hội đã bình chọn được hàng trăm gia đình chăn nuôi giỏi dự hội nghị điển hình cấp huyện, thị, tỉnh. Hội phụ nữ cơ sở động viên chị em tận dụng đất đai bờ mương, ven đê trồng thêm rau, bí, đồng thời giúp nhau giống, vốn xoá được 4.790 hộ trống chuồng, nuôi thêm 45.270 con lợn, 126.000 con gà, vịt, đưa tổng đàn lợn năm 1980 lên 431.819 con tăng 36% so với năm 1979, bán nghĩa vụ cho Nhà nước 5.995 tấn.

Các cơ sở Hội còn vận động chị em tiết kiệm chi tiêu trong đám ma, đám cưới... Năm 1980, toàn tỉnh có 52.454 gia đình có lọ gạo tiết kiệm và 3.462 tổ phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ tham gia gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

Thi đua với nữ nông dân, chị em cán bộ công nhân viên Nhà nước đã phát động phong trào thi đua đăng ký ngày công, giờ công có ích, năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn quy định. Trong phong trào này, chị em đã có 19.500 sáng kiến làm lợi cho Nhà nước 576.000 đồng.

Hội phụ nữ còn phối hợp với các ngành giáo dục, y tế, bảo vệ bà mẹ trẻ em, thương nghiệp, toà án, viện kiểm sát, nhằm chăm lo bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em. Hội phụ nữ cơ sở vận động các bà mẹ đưa con ra nhà trẻ. Năm 1977, toàn tỉnh có 2.770 nhà trẻ nuôi dạy 55.745 cháu, 8.357 cô giáo; năm 1980 tăng lên 3.256 nhà trẻ, 89.716 cháu, 12.047 cô giáo. Các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Yên Dũng, số cháu vào nhà trẻ đạt 60-73%. Toàn tỉnh có 2.315 nhà trẻ tổ chức cho các cháu ăn tập trung theo ba chế độ. Các bà mẹ và các cô nuôi dạy trẻ đều tích cực thực hiện phong trào “Trồng một cây, nuôi một con” để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, Hội phụ nữ cùng với ngành y tế tổ chức tuyên truyền khám chữa bệnh phụ khoa, sử dụng các biện pháp tránh thai. Năm 1978, 1979 đạt 102% kế hoạch do Bộ Y tế giao.

Công tác xây dựng củng cố cơ sở Hội và cải tiến lề lối làm việc các ban chuyên môn ở cơ quan Tỉnh hội luôn được kiện toàn. Toàn tỉnh có 365 cơ sở Hội ở 16 huyện thị. Năm 1980 có 42 cơ sở yếu kém đã được giúp đỡ kiện toàn trở thành khá; bổ sung, thay đổi 82 đồng chí Hội trưởng mới ở 82 cơ sở. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội được cấp uỷ Đảng, các cấp hội luôn quan tâm. Năm 1979-1980, có 34% cán bộ Hội được đi học các trường tập trung của Đảng, của Hội; 55% cán bộ Hội học bổ túc văn hoá, chính trị tại chức.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự ủng hộ giúp đỡ của các ngành, các đoàn thể trong 5 năm (1976-1980) phong trào phụ nữ Hà Bắc đã có những tiến bộ mới góp phần cùng với nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc và đánh thắng cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Để đánh giá sự trưởng thành và công lao đóng góp của phong trào phụ nữ tỉnh, ngày 16-1-1976, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong việc chấp hành chính sách hậu phương quân đội, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng cờ đơn vị xuất sắc (1975-1979), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng cờ về thực hiện tốt phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1980), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Bắc đã tặng bức trướng thêu dòng chữ “50 năm dũng cảm đảm đang xây dựng và bảo vệ đất nước”.

II. Đẩy mạnh phong trào “Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc” góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981- 1986).

Bước vào thời kỳ mới, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta ta gặp không ít khó khăn: các thế lực phản động vẫn liên tiếp câu kết với nhau để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực, sản xuất luôn gặp thiên tai khắc nghiệt, đời sống của nhân dân chậm cải thiện, giá cả thị trường tăng vọt, hiện tượng tiêu cực có chiều hướng gia tăng. Tình hình trên đây đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư, tình cảm chị em. Trước những khó khăn thử thách mới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, cải tiến công tác phân phối, lưu thông, thực hành tiết kiệm, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được các cấp Hội tập trung vào động viên các tầng lớp phụ nữ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm, đồng thời tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác cách mạng, vận động chồng, con, người thân trong gia đình lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm tốt nghĩa vụ hậu phương quân đội.

Song song với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, các cấp Hội còn tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, đặc biệt quan tâm đến nuôi dạy con và giáo dục trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Thực hiện dạy con theo 5 điều Bác Hồ dạy cũng là một trong 4 nội dung của phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Các cấp Hội phụ nữ phối hợp với Ty Giáo dục, Ủy ban thiếu niên nhi đồng và các giảng viên tâm lý học ở trường Đại học Sư phạm I Hà Nội tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh về kiến thức nuôi dạy con  theo khoa học. Năm 1980, các cấp Hội phụ nữ  đã tổ chức bồi dưỡng cho 220.000 bà mẹ được học tập 5 bài khoa học giáo dục con em trong gia đình và pháp lệnh bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Tháng 10- 1981, Tỉnh hội tổ chức hội nghị những bà mẹ xuất sắc nuôi dạy con lần thứ nhất. 200 bà mẹ xuất sắc được lựa chọn từ cơ sở về dự Hội nghị đại diện cho 29.000 các bà mẹ, các chị trong tỉnh đạt danh hiệu xuất sắc trong phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Với kết quả trên đã chứng tỏ phụ nữ Hà Bắc vừa làm tròn nghĩa vụ của người công dân, vừa làm tốt chức năng cao quý của người mẹ đối với con cái và người vợ trong gia đình.

Ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Từ năm 1981, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh tiến hành giao đất, giao rừng, giao sức kéo cho xã viên, tập thể chịu trách nhiệm 5 khâu (làm đất, thủy lợi, bảo vệ, giống, phòng trừ sâu bệnh), xã viên lo 3 khâu (gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch). Từ khi có chỉ thị 100, sức sản xuất được giải phóng, tư liệu sản xuất được sử dụng có hiệu quả hơn, chị em phụ nữ rất phấn khởi tham gia nhận khoán. Chủ trương mới của Đảng đã khơi dậy khí thế lao động của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, chị em đã phát huy tinh thần làm chủ, tận dụng sức lao động tự giác tiếp thu áp dụng khoa học kỹ thuật, khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Năm đầu tiên thực hiện cơ chế khoán, tổng diện tích gieo trồng đạt 246.555 ha, tăng 9,4% so với năm 1980, tổng sản lượng lương thực đạt 533.155 tấn, bằng 104,4% kế hoạch, tăng 164,799 tấn so với năm 1980, là năm có tổng sản lượng lương thực cao nhất từ trước tới nay. Bình quân lương thực đầu người 324,9 kg. Sản xuất được mùa đã kích thích chăn nuôi phát triển, Hội phụ nữ cơ sở đã vận động chị em nuôi ít nhất mỗi hộ từ 1 đến 2 con lợn, nhờ đó năm 1981 đã vượt kế hoạch 9% về chăn nuôi.

Nhằm góp phần tự túc vải mặc, toàn tỉnh có 3.715 gia đình hội viên nuôi tằm, ươm được 7.819 kg tơ, bán cho ngoại thương 2.000 kg tơ.

Từ ngày 27 đến 30 -4-1982, Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Hà Bắc lần thứ năm được tổ chức. Nghị quyết Đại hội năm đề ra nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, động viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh phát huy quyền làm chủ tập thể, cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh phong trào  "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc" lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ V. Đại hội đã bầu 37 đồng chí vào Ban chấp hành, đồng chí Nguyễn Thị Minh Chuyên được bầu làm Hội trưởng, đồng chí Dương Thị Hòa, Nguyễn Thị Giang làm Phó Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh.

Từ ngày 19 đến 20-5-1982, Đại hội Đại biểu Phụ nữ Việt Nam  lần thứ V được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Đại hội đã tổng kết công tác Hội nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ lần thứ V.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ VI được tiến hành từ ngày 24 đến 29-1-1983, Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ, biện pháp cụ thể nhằm lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế- xã hội 5 năm (1981- 1985) chủ yếu là 3 năm 1983, 1984, 1985. Để thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Hội, Ban Thường vụ Tỉnh hội phụ nữ chỉ đạo cơ sở thay đổi các hình thức tuyên truyền, cải tiến nội dung và biện pháp tổ chức sinh hoạt. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, giáo dục truyền thống phụ nữ, chị em đã hiểu và thông cảm trước những khó khăn của Đảng và Nhà nước, từ đó ra sức học tập, công tác, lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Cùng với vận động chị em thi đua lao động sản xuất, chăn nuôi, các cấp hội còn quan tâm vận động chị em thực hành tiết kiệm. Ban Thường vụ phụ nữ tỉnh phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập xã Tân Mộc (Lục Ngạn) là xã có số dư tiết kiệm cao nhất tỉnh năm 1983 có 181 triệu đồng. Với khẩu hiệu "Mỗi tổ phụ nữ là một tổ tiết kiệm", bằng nhiều hình thức tiết kiệm như gửi tiền ngân hàng, để lọ tiết kiệm, tiết kiệm cho gia đình khó khăn vay... đã mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Chính vì thế khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc phát hành mua công trái xây dựng Tổ quốc, các cấp Hội đã kịp thời huy động 186.121 hội viên tham gia mua với số tiền 11.457.000 đồng, 28.950 kg thóc và 8 con trâu... Tiêu biểu như chị Vi, xã Liên Sơn (Tân Yên) mua công trái 3.000 đồng và 300 kg thóc: chị Vui xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) vợ thương binh nặng mua công trái bằng 2 chỉ vàng. Chi hội phụ nữ ở các xã Hoà Sơn (Hiệp Hoà), Trí Yên (Yên Dũng), Hợp Đức (Tân Yên) mua công trái với số tiền 1.000 đồng. Đặc biệt 8 hội viên ở xã Phong Minh (Lục Ngạn) đã mua công trái bằng 8 con trâu. Mặc dù đời sống nhân dân còn khó khăn, nhưng với tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phụ nữ cùng nhân dân trong tỉnh đã hoàn thành 111,5% kế hoạch tổng mức huy động công trái năm 1984, là tỉnh hoàn thành sớm thứ hai trong toàn quốc.

Phát huy thế mạnh của tỉnh về tiềm năng đất đai, nghề truyền thống và sự khéo léo chăm chỉ của đôi bàn tay phụ nữ, đồng thời nhận thức sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng về xuất khẩu, Hội phụ nữ cùng với ngành ngoại thương và các ngành khác trong tỉnh vận động chị em đẩy mạnh phong trào trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, vừa để xuất khẩu, vừa để tự túc vải mặc và cải thiện đời sống gia đình. Phong trào đã thu hút 5.060 chị em nuôi tằm, 1.029 chị em ươm tơ. Năm 1983 đã bán cho nhà nước 11 tấn tơ góp phần hoàn thành 110% kế hoạch tơ xuất khẩu.

Từ khi có Chỉ thị 100 của Ban bí thư, chăn nuôi gia đình đã được đẩy mạnh. Năm 1983, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 511.346 con, là năm có số đầu lợn cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đã xuất khẩu được 350 tấn, làm nghĩa vụ với Nhà nước 6.126 tấn lợn và 375.000 con gà, vịt. Các cấp Hội còn động viên chị em tham gia trồng cây nông sản xuất khẩu. Năm 1980, giá trị xuất khẩu đạt 162 triệu đồng, vượt 10,8% kế hoạch, trong đó lạc vỏ 6.300 tấn, chuối 2.200 tấn, vải thiều 105 tấn, vừng đen 25 tấn. Điển hình về làm tốt công tác xuất khẩu có huyện Việt Yên, năm 1983 xuất khẩu tăng 10% kế hoạch, trong đó lạc vỏ 676 tấn, lạc nhân 150 tấn, tơ tằm 4 tấn; huyện Lạng Giang xuất khẩu 636 tấn lạc, 110 tấn ớt khô, 6 tấn sinh địa, 16 tấn gừng, 150 tấn dứa, 110 tấn lợn, vượt kế hoạch cao nhất tỉnh. Những thành tích trên đây có sự đóng góp rất lớn của các cấp Hội và chị em phụ nữ.

Thực hiện chỉ thị số 01 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Phụ nữ cả nước tích cực tham gia xây dựng phòng sản, phòng nhi và nhà hộ sinh xã, phường”, nhằm khắc phục khó khăn, thiếu thốn về mặt vật chất trong phòng sản, phòng nhi, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất về những sai sót xảy ra trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Thực hiện chỉ thị của Trung ương hội, Hội phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương, vận động chị em tham gia đóng góp. Đối với hội viên nông nghiệp đóng góp một ngày công trị giá bằng 1 kg thóc; hội viên là cán bộ công nhân viên Nhà nước đóng góp ít nhất là 10 đồng. Được sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, cuộc vận động đã thu được kết quả cao. Toàn tỉnh có 239/352 chi hội triển khai cuộc vận động đến hội viên, số tiền đóng góp được 1.288.000 đồng. Riêng khối cán bộ công nhân viên chức đã góp được 30.000 đồng. Phụ nữ huyện Tân Yên có 370 tổ gồm 10.189 hội viên góp được 243.462 đồng, đạt 135,2 % kế hoạch; phụ nữ thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang) góp được 30.000 đồng; 1.079 chị em Nhà máy phân đạm góp được 10.870 đồng… Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động là Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, hợp tác xã dệt thảm Quyết Thắng, Nhà máy Phân đạm là những đơn vị có số tiền đóng góp cao.

Kế thừa và phát huy truyền thống trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tự hào là nơi xuất xứ của phong trào đỡ đầu con liệt sĩ và chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, các cấp Hội phụ nữ luôn thực hiện tốt các chủ trương chính sách về công tác hậu phương quân đội, chăm sóc đỡ đầu bố mẹ, con liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Hàng năm các Tổ Hội mẹ đều được củng cố và đi vào sinh hoạt có nền nếp. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/1984) có 2.986 tổ với 85.705 mẹ chiến sĩ tham gia thảo luận chính sách hậu phương quân đội và luật nghĩa vụ quân sự mới. Trong 5 năm (1979- 1984), công tác vận động tuyển quân luôn hoàn thành kế hoạch. Các mẹ vừa động viên tiễn đưa con, cháu lên đường vừa vận động quyên góp quà tặng cho anh em tân binh. Trong 5 năm các mẹ đã tặng 36.450 chiếc khăn mặt; 3.550 chiếc bút, 4.850 quyển sổ, 780 bàn chải đánh răng, 242.620 bánh xà phòng và kem đánh răng; giúp đỡ những gia đình tân binh có khó khăn 117.250 đồng, 22.430 kg gạo và 200.000 ngày công giúp các gia đình neo đơn.

Hưởng ứng phong trào “Hướng về biên giới”, “Hướng về chiến sĩ tiền phương”, do Ban thư ký Trung ương Hội phát động (10-1984), các cấp hội đã làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ các đơn vị bộ đội, thể hiện “Quân dân một ý chí”, “Quân dân như cá với nước”. Từ năm 1979 đến 1984, các mẹ đã vá 3.500 bộ quần áo cho bộ đội qua làng; vận động nhân dân ủng hộ 385.878 chiếc bánh chưng; 286.437 kg gạo nếp, 24.885 kg thực phẩm; 328.635 kg lạc, đỗ, vừng, 242.414 kg khoai sắn, 300.000 kg rau xanh, hàng ngàn chai tương… Khi bộ đội hành quân qua làng, các mẹ nhường nhà, giường chiếu, nấu cơm cho bộ đội, sàng sẩy hàng chục tấn gạo, đổi gạo ngon lấy sắn, mì, ăn độn thay cho bộ đội. Những việc làm của các mẹ đã tạo niềm phấn khởi, tiếp sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Hình ảnh các mẹ Hà Bắc luôn được các anh ghi nhớ; từ mặt trận hàng trăm lá thư gửi về hỏi thăm các mẹ, đây chính là niềm động viên để các mẹ thực hiện tốt hơn công tác hậu phương quân đội. Bên cạnh việc làm tốt công tác động viên sức người, sức của cho tiền tuyến, các mẹ còn làm tốt công tác nhận đỡ đầu, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, gia đình bộ đội khó khăn. Năm 1984, toàn tỉnh có 6.217 bà mẹ nhận đỡ đầu 5.345 cháu, con liệt sĩ, 1972 bố, mẹ liệt sĩ thiếu người thân nương tựa. Các cấp Hội đã quyên góp may 2.093 bộ quần áo, mua 8.861 cuốn sách tặng các cháu nhân ngày khai giảng năm học mới. Các huyện làm tốt phong trào này là các huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Thế, thị xã Bắc Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam… Xã An Lập (Sơn Động) có 786 bà mẹ thuộc 5 dân tộc đã quyên góp gửi tặng các chiến sĩ biên giới 630 kg gạo nếp, 3.600 kg rau xanh, 350 phên nứa, 150 cây tre. Các mẹ ở xã An Hà (Lạng Giang) sàng xảy 7.605 kg gạo, ủng hộ 105 cây tre,  400 kg rau và hàng trăm chai tương. Mẹ Nguyễn Thị Dụt xã Ninh Sơn (Việt Yên) đã lần lượt tiễn đưa bảy người con lên đường nhập ngũ, trong đó có ba người hy sinh nhưng mẹ vẫn nhận đỡ đầu ba anh. Các mẹ ở xã Tư Mại (Yên Dũng) nhận đỡ đầu 61 cháu con liệt sĩ, 19 bố, mẹ liệt sĩ, đã may tặng 115 bộ quần áo và mua 255 quyển vở tặng các cháu.

Qua phong trào “Hội mẹ chiến sĩ”, các mẹ, các chị em phụ nữ  trong tỉnh đã để lại cho các chiến sĩ niềm xúc động, mến phục và tự hào. Từ những việc làm tốt đó đã trở thành niềm cảm xúc cho các văn nghệ sĩ sáng tác ra những bài thơ, câu hát, thước phim. Những hình ảnh ghi lại qua bộ phim Quê hương và bà mẹ do Xưởng phim Tài liệu quân đội thể hiện tại xã Thọ Xương, thị xã Bắc Giang đã làm cho các bà mẹ chiến sĩ sống mãi với thời gian.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội có Kế hoạch số 07 ngày 12-3-1985, hướng dẫn tổ chức “Ngày hội những phụ nữ tài năng”. Thực hiện kế hoạch của Trung ương Hội, Ban Thường vụ phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở tổ chức bình chọn những gương điển hình từ cơ sở. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh hội, đã có 296 trong tổng số 352 cơ sở tổ chức Hội nghị phụ nữ lao động tài năng, có 39.750 cán bộ, hội viên được bình xét từ tổ phụ nữ, 7.772 chị được bình xét tài năng từ các đơn vị thuộc khu vực Nhà nước. Nhằm đánh giá những đóng góp trí tuệ, tài năng, sức lực của chị em trên mọi lĩnh vực hoạt động, đồng thời động viên chị em phát huy hơn nữa những tài năng sẵn có, tự tin vào khả năng, sáng tạo của mình, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu “Phụ nữ tài năng” lần thứ nhất. Hội nghị gồm 200 đại biểu các bà, các mẹ, các chị tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ sở trong tỉnh, tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Nên xã Ngọc Vân (Tân Yên) có hai con đi bộ đội, bà là người thâm canh giỏi, vượt khoán 80 kg thóc/sào, mạnh dạn đưa cây đỗ tương hè trồng ở chân ruộng mới gặt lúa, bà đã bán cho Nhà nước hàng tấn đỗ, là người mua công trái cao (60.000 đồng). Bà Mã Sử Thành (70 tuổi) dân tộc Nùng xã An Lạc (Sơn Động) là người nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa giỏi. Lụa của bà được tham gia triển lãm toàn quốc vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, được xếp vào loại nhất. Chị Hà Thị Tĩnh, công nhân xí nghiệp may Kế, phát huy sáng kiến, lợi cho nhà nước 100.000 đồng, được tổng Công đoàn cấp bằng lao động sáng tạo. Ngoài ra còn rất nhiều phụ nữ tài năng trong ngành y tế, giáo dục vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi quản lý như các bác sĩ Lương Thị Tám (Yên Thế), Nguyễn Thị Quy (bệnh viện tỉnh), Nguyễn Thị Cảnh (Yên Dũng) và các cô giáo tài năng Nguyễn Thị Nga- Yên Lư (Yên Dũng), Phạm Thị Phúc (Lan Mẫu- Lục Nam), Nguyễn Thị Hợp (trường Ngô Sĩ Liên, Thị xã Bắc Giang) đã hết lòng vì học sinh thân yêu. Các chị giữ cương vị cán bộ quản lý như Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Bảo Đài (Lục Nam), Trần Thị Nghĩa, vợ liệt sĩ, đội trưởng sản xuất xã Liên Sơn (Tân Yên) và các chị là lãnh đạo các ban ngành của tỉnh như chị Đỗ Thị Phu, Nguyễn Thị Phú, Phạm Thị Hải Chuyền…là những phụ nữ có năng lực, có uy tín, nhiệt tình, gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Bất cứ ở lĩnh vực nào, chị em phụ nữ trong tỉnh đều phát huy truyền thống, mang hết khả năng, nhiệt huyết để cống hiến cho cách mạng. Những cống hiến to lớn của các tầng lớp  phụ nữ trong tỉnh đã khẳng định phụ nữ là một lực lượng hùng hậu của sự nghiệp cách mạng không thể thiếu được.

Trước tình hình số cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo giảm sút, tỷ lệ nữ đảng viên giảm, đội ngũ cán bộ nữ phát triển chậm, không tương xứng với lực lượng lao động nữ, ảnh hưởng đến quyền làm chủ của đông đảo phụ nữ, Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 44 ngày 7-6-1984 “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ”, Chỉ thị 53 “Về tăng cường công tác vận động quần chúng của Đảng”, Quyết định 176 a của Hội đồng Bộ trưởng “Về phát huy vai trò năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”                                                                                                                             Tỉnh ủy Hà Bắc đã có Nghị quyết 17 “Về công tác cán bộ nữ”, Ủy ban nhân dân tỉnh có Chỉ thị 03 về thực hiện Quyết định 176a của Hội đồng bộ trưởng. Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ học tập, quán triệt Chỉ thị 44 của Ban bí thư Trung ương Đảng. Đây chính là những động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ  toàn tỉnh phấn khởi vươn lên giành những thành tựu mới. Hội Phụ nữ đã tổ chức học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ sâu rộng đến 7.500 cán bộ hội và 136.200 hội viên. Các huyện Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, thị xã Bắc Giang, Lục Nam đã triển khai học tập tới 100% cơ sở hội. Sau khi quán triệt tinh thần các chỉ thị, nghị quyết, những tư tưởng ngại phấn đấu, an phận…được chị em thảo luận, phê phán, từ đó nhiều chị đã có ý thức học tập vươn lên, số đảng viên nữ ở nông thôn yên tâm không còn xin ra khỏi đảng. Các cấp Hội phụ nữ đã bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những chị em ưu tú có năng lực, nhiệt tình cách mạng. Năm 1985, có 149 chị được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong 10 năm (1976- 1986), với bao khó khăn thử thách dồn dập nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, phong trào phụ nữ Hà Bắc vẫn vững bước đi lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

 

CHƯƠNG V

PHỤ NỮ BẮC GIANG TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

(1986- 1997).

I. Phong trào phụ nữ trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1986- 1992).

Sau 10 năm thống nhất đất nước (1975- 1986), nhân dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giành được những thắng lợi to lớn trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi khẳng định thành tựu nói trên, Đảng ta cũng chỉ ra những khó khăn gay gắt về kinh tế- xã hội, chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục.

Đến năm 1985, nền kinh tế nước ta vẫn nằm trong trạng thái mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu, giữa thu và chi, giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Sản xuất tăng chậm, giá cả tăng nhanh, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển…

Có tình trạng trên đây là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song với ý thức trách nhiệm cao cả của đội tiên phong lãnh đạo cách mạng, Đảng đã nghiêm khắc kiểm điểm và chỉ ra những thiếu sót sai lầm như: chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội đã đánh giá đúng tình hình, tổng kết được những kinh nghiệm quý báu, xác định những nhiệm vụ, mục tiêu, chính sách và biện pháp để ổn định tình hình, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên

Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng và phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh (10-1986) đề ra, ngày 8-3-1987, Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Hà Bắc lần thứ VI được tiến hành. Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác Hội, phong trào phụ nữ những năm tiếp theo, với mục tiêu: Ra sức giáo dục động viên phụ nữ các dân tộc đẩy mạnh phong trào “Người phụ nữ  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới.

 Đại hội bầu Ban Chấp hành tỉnh Hội gồm 32 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thị Tâm được bầu làm Hội trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Giang làm Hội phó.

Ngày 19 và 20-5-1987, Đại hội Đại biểu phụ nữ Việt Nam lần thứ VI được tiến hành. Đại hội đề ra nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là: giáo dục, động viên phụ nữ tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đại diện cho quyền bình đẳng, làm chủ tập thể của phụ nữ  tham gia quản lý và kiểm tra công việc của Nhà nước, tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp tới phụ nữ và trẻ em.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ VI và Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ VI, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội bám sát nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào do Trung ương Hội phát động.

1. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta có nhiều chuyển biến với những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng đầy khó khăn gay gắt. Sự khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cùng với những khó khăn trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ. Trước tình hình trên, Tỉnh hội phụ nữ đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho chị em cán bộ, hội viên phụ nữ, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tỉnh hội đã mở 377 lớp bồi dưỡng cho 17.306 báo cáo viên và cho các đợt sinh hoạt chính trị, mở 366 lớp bồi dưỡng kiến thức về nuôi dạy con thực hiện tiêu chuẩn người phụ nữ mới cho 17.172 chị em.

Trong nông nghiệp, phụ nữ khắp các địa phương sôi nổi phong trào “Xây dựng vùng lúa cao sản”, đây là phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ 3-11-1983, kéo dài trong nhiều năm, nay vẫn được duy trì thực hiện. Tháng 4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về “Đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp” với nội dung cơ bản lấy hộ xã viên làm đơn vị kinh tế tự chủ, khoán gọn đến người lao động. Chị em phụ nữ nông dân tỉnh ta chiếm 70% tổng số lao động ở khu vực sản xuất nông nghiệp, đã nhanh nhạy với cơ chế mới phù hợp lợi ích người lao động.

Trên lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: công tác xuất nhập khẩu đã trở thành một vấn đề chiến lược về kinh tế, riêng đối với tỉnh ta nó thực sự trở thành vấn đề thiết yếu. Có xuất khẩu mới có nhập khẩu được hàng hóa để trang trải cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội với nhận thức: muốn ăn no phải trồng màu, muống làm giàu phải xuất khẩu. Phong trào được gắn liền với tiêu chuẩn người phụ nữ mới. Tỉnh hội kết hợp với Sở Nông Nghiệp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho hàng nghìn chị em trồng cây xuất khẩu. Hàng vạn chị em tận dụng đất đai trồng các loại cây nông sản có giá trị xuất khẩu như lạc, đậu tương, ớt, tỏi, vừng, chuối .v.v. toàn tỉnh có 152 chi hội làm công tác xuất khẩu giỏi, 3.092 gia đình trồng cây xuất khẩu tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Nền (Việt Ngọc – Tân Yên ), chị Lê Thị Tâm (Phương Sơn – Lục Nam)… Trong phong trào này, phụ nữ đã góp phần đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 1985: lạc xuất 5.680 tấn, tỏi củ: 4.500 tấn; ớt: 1.200 tấn; đậu tương: 900 tấn; rau xanh: 9.890 tấn; tơ tằm: 5,7 tấn. Năm 1986: giá trị xuất khẩu đạt 39 triệu đồng.

Song song với phong trào trồng cây xuất khẩu, phong trào chăn nuôi xuất khẩu do Hội phát động đã được đông đảo chị em hưởng ứng. Sau một thời gian thực hiện, Hội đã bình xét 5.630 hội viên chăn nuôi giỏi, tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Mùi (thị trấn Chũ – Lục Ngạn), chị Nguyễn Thị Tình (Tân Mỹ - Yên Dũng), chị Nguyễn Thị Liên (Quế Nham – Tân Yên) đã bán cho Nhà nước từ 2-4 tạ lợn hơi.

Do được đổi mới về cơ chế quản lý, xóa bỏ bao cấp, đầu tư cho sản xuất, thực hiện 5 thành phần kinh tế của Nhà nước, cùng với việc thực hiện các phong trào của Hội đã làm cho đời sống của phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc ít người có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều chị đã nhanh nhạy trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, toàn tỉnh có 20% hội viên biết làm giàu. Chính vì vậy, chị em tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới. Năm 1985, có 13.740 chị em được công nhận đủ tiêu chuẩn “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Lực lượng nữ công nhân viên chức chiếm 48% tổng số công nhân viên chức khu vực Nhà nước. Cán bộ nữ ở một số ngành chiếm tỷ lệ từ 63-69% như: y tế, giáo dục, thương nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp. Trong quá trình tổ chức lại sản xuất, do trình độ tay nghề thấp nên phụ nữ chiếm số đông trong số lao động dôi thừa. Mặc dù phải vật lộn với khó khăn, nhưng chị em thuộc các đơn vị kinh tế dần thích ứng với cơ chế mới. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được phát triển rộng khắp các ngành. Với sự cố gắng lớn lao của đội ngũ cán bộ nữ, ngành giáo dục có 371 chị đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”; 121 cô nuôi dạy trẻ giỏi; ngành y tế có 44 chị đạt danh hiệu “Người thầy thuốc giỏi”; ngành thương nghiệp có 205 chị đạt danh hiệu “Người mậu dịch viên giỏi”; ngành tiểu thủ công nghiệp có 328 chị có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho Nhà nước hàng triệu đồng (trong đó có hai chị được Tổng Công đoàn cấp bằng Lao động sáng tạo), 108 chị đạt kiện tướng thợ giỏi, 381 chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đặc biệt có hai chị đạt liên tục từ 10-15 năm liền, 28 tổ lao động xã hội chủ nghĩa (chiếm 100%). Những thành tích của nữ công nhân viên chức đạt được thực sự đánh dấu bước chuyển biến về chất của lực lượng lao động nữ, mở ra triển vọng tốt đẹp nhằm phát huy ngày càng cao vị trí bình đẳng của phụ nữ trên mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội.

Các chị làm nghề buôn bán dịch vụ trong phong trào “Người phụ nữ mới” đã thể hiện năng động và tháo vát, coi trọng chữ “tín” trong buôn bán, kinh doanh, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, chính sách của Nhà nước. Phụ nữ các tôn giáo vừa sản xuất vừa hoạt động xã hội tham gia các tổ chức nhân đạo, từ thiện. Trên mặt trận an ninh, quốc phòng, phụ nữ các lực lượng vũ trang đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã khẳng định bước tiến bộ của phong trào phụ nữ của tỉnh. Phong trào đã góp phần động viên phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, công tác, tích cực thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị của địa phương. Sự đóng góp của phụ nữ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn được biểu hiện qua nhiều phong trào như phong trào đỡ đầu con liệt sỹ, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ không có người thân nương tựa. Toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 5.345 con liệt sĩ và 2.087 bố mẹ liệt sĩ, tiêu biểu là mẹ Nguyễn Thị Ứng (Quế Nham – Tân Yên), mẹ Nguyễn Thị Ruộng (Lãng Sơn – Yên Dũng); mẹ Nguyễn Thị Thất (Thái Sơn – Hiệp Hòa), mẹ Nguyễn Thị Tôn (Dĩnh Kế - Thị xã Bắc Giang), mẹ Nguyễn Thị Thể (An Hà – Lạng Giang)… Với tình cảm và trách nhiệm của các mẹ nhận đỡ đầu, lúc đầu nhiều cháu chưa ngoan, chưa học giỏi, nhưng với tình thương và trách nhiệm của các mẹ, các chị các cháu đã ngoan ngoãn và chịu khó học tập. Đối với bố mẹ liệt sĩ không còn hiu quạnh, cô đơn khi ốm đau, mệt mỏi, bởi được chăm sóc ân cần chu đáo. Làm tốt công tác hậu phương, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh luôn hướng về chiến sĩ tiền phương, đã vận động ủng hộ hàng vạn chiếc bánh chưng, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và các hàng hóa giá hàng chục triệu đồng. Phong trào “Áo ấm chiến sĩ tiền phương”, các cấp hội đã đan hàng nghìn chiếc áo len tặng các chiến sĩ biên giới.

Trong phong trào vận động gửi tiền tiết kiệm và mua công trái xây dựng Tổ quốc đã được đông đảo chị em các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng, góp phần vào việc thức hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch mà Nhà nước giao cho tỉnh. Năm 1985, tỉnh ta đứng thứ hai; năm 1988, đứng thứ nhất toàn quốc về hoàn thành chỉ tiêu mua công trái. Tiêu biểu là Chi hội phụ nữ Tân Mộc (Lục Ngạn) có số dư tiết kiệm là 6,2 triệu đồng; Chi hội phụ nữ Thái Đào (Lạng Giang) có số dư tiết kiệm là 5,8 triệu đồng…

Phong trào chăm sóc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe phụ nữ và trẻ em luôn được các cấp hội duy trì và thực hiện có hiệu quả. Cuộc vận động “Xây dựng phòng sản, phòng nhi” thu được 1.656.583 đồng; phong trào “Trồng một cây, nuôi một con” cho nhà trẻ đã củng cố và duy trì 2.374 nhà trẻ, 27.072 cháu chiếm 27% số cháu trong đội tuổi vào nhà trẻ. Phong trào vận động sử dụng các biện pháp tránh thai, nhiều chị tự giác đi đặt vòng, góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số từ 2,71% (1983) xuống còn 1,89% (1986); 70 xã phường có tỷ lệ phát triển dưới 1,5%, trong đó có 9 xã ở 4 huyện miền núi. Công tác bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em luôn được các cấp hội quan tâm. Hội phụ nữ các cấp đã tham gia vào các tổ hòa giải và phát huy tác dụng tốt. Toàn tỉnh có 2.201 tổ hòa giải gồm 9.722 chị tham gia. Năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình sửa  đổi và bổ sung một số điều phù hợp với cách nhìn mới về quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Tỉnh hội đã chủ động đề xuất với ngành tư pháp tổ chức lớp học Luật hôn nhân và gia đình cho cán bộ các huyện, thị.

Trong quá trình thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, đã tạo điều kiện để các cấp hội tập hợp, động viên, củng cố tổ chức hội và rèn luyện cán bộ trưởng thành. Số hội viên phụ nữ năm 1987 có 501.716 chị (so với năm 1985 tăng 10.072 chị). Đến năm 1988, cả tỉnh có 351 chi hội phụ nữ (trong đó có 136 chi hội có phong trào khá, 130 chi hội trung bình, 85 chi hội yếu). Trong thời gian này, các cấp Hội đã thực hiện củng cố 728 tổ phụ nữ từ yếu lên trung bình, 291 tổ từ trung bình lên khá, 861 tổ nữ công hoạt động có nền nếp. Thành quả lớn nhất trong phong trào “Người phụ nữ mới” là thúc đẩy chị em phấn đấu trưởng thành về phẩm chất và năng lực. Nhiều chị đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Nữ Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa 1985- 1989: 35%

Nữ Hội đồng nhân dân xã: 1985- 1989: 23,3%

Nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 1987- 1992: 1 đồng chí

Nữ phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện: 2 đồng chí

Nữ trưởng ngành: 2 đồng chí

Nữ phó ngành: 10 đồng chí

Công tác phát triển đảng viên nữ luôn được các cấp Hội, các ngành chú ý: năm 1987, tổng số đảng viên nữ được kết nạp trong toàn tỉnh là 1.246 chị.

Với  những thành tích đạt được, năm 1986 phong trào phụ nữ trong toàn tỉnh được vinh dự Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ năm 1982 đến năm 1987, phong trào phụ nữ trong tỉnh được Trung ương hội tặng bằng khen cho 106 đơn vị tỉnh, huyện, xã; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 57 đơn vị và 49 cá nhân.

Năm 1988, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, toàn tỉnh bầu được 18 vạn chị đạt danh hiệu, trong đó có 320 chị đạt được thành tích 10 năm liền, Trung ương Hội tặng bằng khen; 1014 chị được tỉnh hội khen.

2.Thực hiện hai cuộc vận động: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”“Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta rất coi trọng công tác vận động phụ nữ. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng ghi rõ: phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng có đặc điểm cần được chú ý. Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng cần làm cho đường lối vận động phụ nữ của Đảng được thấu suốt trong cả hệ thống chuyên chính vô sản, được cụ thể hóa thành chính sách, luật pháp. Các cơ quan Nhà nước, với sự phối hợp của các đoàn thể cần có biện pháp thiết thực tạo thêm việc làm, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, thực hiện đúng Luật hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với chức năng làm mẹ xây dựng gia đình hạnh phúc. Phong trào “Người phụ nữ mới” bước vào thời kỳ đổi mới vẫn phát huy tác dụng rất tích cực. Song thực tế, bước vào nền kinh tế thị trường, phụ nữ Việt Nam gặp khó khăn gay gắt về việc làm, đời sống quá khó khăn, trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học ngày càng tăng. Xuất phát từ thực tế đó, ngày 8-3-1989, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động hai cuộc vận động: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”“Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”. Cuộc vận động nhằm đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết của đông đảo phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Để triển khai hai cuộc vận động đạt kết quả, Tỉnh hội tổ chức hội thảo chuyên đề về hai cuộc vận động với 38 đại biểu là kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên kinh tế, các đại biểu ban ngành liên quan đến việc thực hiện hai cuộc vận động. Tỉnh hội chỉ đạo điểm cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” tại xã Minh Đức (Việt Yên); cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” tại xã Ngọc Lý (Tân Yên).

Xã Minh Đức (Việt Yên) là xã có nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 1988, toàn xã có 2.020 hộ, trong đó có 170 hộ kinh tế khá, 1.040 hộ đủ ăn, 698 hộ thiếu ăn từ một đến ba tháng trong một năm, 112 hộ thiếu ăn từ bốn tháng trở lên trong một năm. Tỉnh hội đã tổ chức gặp mặt những chị làm kinh tế gia đình giỏi và những chị chưa biết cách làm kinh tế để tạo điều kiện cho chị em cùng trao đổi và học tập lẫn nhau, đồng thời phát động sâu rộng phong trào phụ nữ  giúp nhau làm kinh tế gia đình trong toàn xã. Đến cuối năm 1989, kết quả cho thấy: từ 112 hộ thiếu ăn bốn tháng trong một năm chỉ còn 41 hộ.

Xã Ngọc Lý (Tân Yên) là xã có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, chị em phụ nữ nhận thức về nuôi dạy con còn hạn chế. Do vậy, Tỉnh hội mở 7 lớp học “Làm mẹ” cho 774/1.028 bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ.

Từ hai điểm chỉ đạo, tỉnh Hội nhân rộng ra toàn tỉnh, triển khai 100% xã, phường, thị trấn và các đơn vị nữ công, tới 92% cán bộ hội, 80,7% hội viên phụ nữ. Ở các huyện, thị đều thành lập ban chỉ đạo hai cuộc vận động. Với cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, các cấp Hội đã hướng dẫn phụ nữ đi vào sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng khu vực. Đối với hội viên đường phố, thị trấn, thị xã, Hội vận động chị em phát triển các loại hình kinh tế đa dạng như: may mặc, thêu ren, khôi phục và phát huy nghề truyền thống, làm bún, bánh… Với phụ nữ nông dân, hội phát huy phong trào tương trợ giúp nhau giống vốn, tiếp thu khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây trồng, đầu tư cho sản xuất, trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như na dai, vải thiều… Cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt” được tiến hành song song, nhằm nối tiếp chương trình “Làm mẹ” được triển khai từ năm 1983. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 22.833 em bỏ học ở cấp phổ thông cơ sở, 356 em bỏ học ở cấp phổ thông trung học. Trước tình hình đó Tỉnh hội đã phối hợp với ngành giáo dục bàn biện pháp hạn chế học sinh bỏ học.

Bước sang những năm đầu của thập kỷ 90, với chính sách mở cửa, nước ta đã bắt đầu thu hút được sự đầu tư của nước ngoài. Năm 1990, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tỉnh hội phụ nữ Hà Bắc được nhận vốn quay vòng của Hội phụ nữ xã hội dân chủ Thuỵ Điển và tổ chức phát triển phụ nữ quốc tế Úc cho phụ nữ nghèo vay để phát triển kinh tế gia đình. Tỉnh hội chọn Hội phụ nữ Lạng Giang là điểm chỉ đạo vay vốn của tổ chức quốc tế.

Cùng với hỗ trợ vay vốn của tổ chức quốc tế cho phụ nữ nghèo, năm 1990, Tỉnh hội đứng ra làm thủ tục bảo lãnh với ngân hàng bảo đảm cho các cấp hội được tín chấp với ngân hàng vay vốn cho chị em phát triển kinh tế gia đình. Để chị em có kiến thức làm kinh tế khi đã có vốn, năm 1991, Tỉnh hội phụ nữ đã xuất bản 4000 cuốn sách: Phụ nữ Hà Bắc với kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, phân phát về cơ sở. Cuốn sách thực sự trở thành cẩm nang cho chị em phụ nữ có thêm những kiến thức khoa học kỹ thuật về làm kinh tế gia đình.

Để đẩy mạnh cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt”, năm 1990, Tỉnh hội phát động chiến dịch truyền thông cuốn sách: “Những điều cần cho sự sống”. Sách đề cập đến những kiến thức cơ bản nhất về nuôi dạy con do tổ chức quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc biên soạn. Nhiều hoạt động hỗ trợ có tác dụng tích cực cho việc truyền thông cuốn sách được phát động như: Phát động phụ nữ tham gia cuộc thi tìm hiểu: “Những điều cần cho sự sống trong gia đình bạn” của báo phụ nữ Việt Nam. Toàn tỉnh có hàng nghìn bài tham dự cuộc thi của các chị. Đồng thời các cháu thiếu nhi trong tỉnh tích cực tham gia cuộc thi “Chúng em tìm hiểu những điều cần cho sự sống” trên báo Thiếu niên. Song song với việc mở cuộc thi là chiến dịch truyền thông trên Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Cuốn sách đã giúp chị em phụ nữ nhận thức được những việc làm cụ thể, nâng cao dinh dưỡng cho con và gia đình, có kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con và sinh đẻ có kế hoạch. Ngoài ra, Tỉnh hội còn tái bản một vạn cuốn Nuôi dạy con theo khoa học của Nhà xuất bản Phụ nữ, làm tài liệu học tập cho các bà mẹ. Sau truyền thông, Tỉnh hội phụ nữ tổ chức khảo sát 3 xã Cao Thượng (Tân Yên), Đa Mai (thị xã Bắc Giang), Thường Thắng (Hiệp Hòa) cho thấy: khi chưa được học lớp “Làm mẹ” có 70% bà mẹ có thai không đi khám theo định kỳ, chưa biết cho con bú sữa non, chưa biết sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trong gia đình. Sau được học, được truyền thông, 100% bà mẹ hiểu 10 điều trong cuốn sách Những điều cần cho sự sống. Số phụ nữ có thai tự nguyện đi tiêm AT từ 27% lên 80%, trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 60% xuống còn 48%.

Ngày 24-12-1994, Tỉnh hội tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện hai cuộc vận động. Trong điều kiện sản xuất hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường, nét nổi bật trong cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” đã thúc đẩy mỗi chị em đều phải tự giác nâng cao trình độ nhận thức để áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tạo cho chị em tính năng động sáng tạo trong việc vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình mình, biết hạch toán chi tiêu có kế hoạch, sắp xếp việc làm cho các thành viên trong gia đình, đầu tư sản xuất có hiệu quả. Để tạo việc làm cho chị em, từ năm 1990 đến năm 1994, Hội phụ nữ tỉnh đến cơ sở tổ chức 53 lớp dạy nghề cắt may, thêu ren cho 1.320 chị em. Nhiều chị sau lớp học trở thành thợ may giỏi. Hội phụ nữ Lạng Giang và Yên Thế tổ chức lớp học nuôi tằm ươm tơ, có 142 chị có thu nhập từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng một tháng. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường, chị em phụ nữ vẫn phát huy được tinh thần “Tương thân tương ái”, “Tình làng nghĩa xóm”, “Lá lành đùm lá rách” theo đạo lý của dân tộc Việt Nam. Trong 5 năm, chị em giúp nhau vật tư, phân bón, con giống, thóc, ngô, khoai, tiền, vàng… trị giá 6,2 tỷ đồng. Tiêu biểu là chị Lào Thị Liệu (xã Tuấn Đạo- Sơn Động), vụ mùa năm 1994 dùng tiền của gia đình đứng ra thuê máy bơm tưới nước cho 20 sào mạ sắp bị khô héo vì nắng hạn cho 12 gia đình hội viên nghèo.

 Cùng với việc tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất của hội viên, các cấp Hội đã tín chấp với ngân hàng vay 18 tỷ 356 triệu đồng cho 48.504 lượt chị em vay. Ngoài ra, các cấp Hội còn quản lý 202.810.000 đồng vốn của Hội phụ nữ xã hội dân chủ Thụy Điển và tổ chức phát triển phụ nữ quốc tế Úc cho 4.252 lượt chị em vay để phát triển sản xuất. Trong cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi như: chị Khám (Ngọc Thiện- Tân Yên) hàng năm thu lãi từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng từ VAC; chị Thanh- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Giáo Liêm (Sơn Động), hàng năm thu lãi từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng từ chăn nuôi… Cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” đã góp phần làm giảm số hộ nghèo của tỉnh hàng năm từ 5 đến 6%, số hộ có kinh tế khá ngày càng tăng. Hội phụ nữ xã Tam Dị (Lục Nam) có nhiều hoạt động thiết thực trong việc vận động phụ nữ tích cực sản xuất, góp phần làm giảm số hộ thiếu ăn năm 1994 từ 427 hộ xuống còn 150 hộ.

Từ năm 1990 đến năm 1994, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh còn triển khai sâu rộng cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dĩnh dưỡng và bỏ học”. Cuộc vận động này triển khai song song với cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”. Hai cuộc vận động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, với mục tiêu cao nhất là chăm lo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Tỉnh hội tổ chức 2.162 lớp học “Làm mẹ” cho 182.987 chị em, truyền thông 1.649 cuộc cho 423.164 chị học và làm theo cuốn sách Những điều cần cho sự sống. Các cấp Hội thường xuyên kết hợp với ngành y tế thực hiện có hiệu quả các chương trình chăm sóc sức khỏe như: chương trình dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (95% cộng tác viên chương trình là phụ nữ), chương trình tiêm chủng cho trẻ em (Hội vận động các bà mẹ cho con đi tiêm chủng thường xuyên đạt trên 90%). Các cấp Hội phối hợp với các ngành giáo dục, ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em tổ chức 125 cuộc thi “Bé khỏe, bé ngoan” ở ba cấp: tỉnh, huyện, xã; vận động 2.773 em bỏ học trở lại trường. Thực hiện công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, vận động chị em phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch, các cấp hội xây dựng 664 tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3, thu hút 9.303 chị trong độ tuổi sinh đẻ vào sinh hoạt. Vận động 170.000 hội viên phụ nữ xây dựng “Quỹ vì trẻ thơ” và góp trên 100 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cho phòng sản, phòng nhi. Các cấp hội còn mua sách vở, quần áo cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trị giá 18.970.000 đồng.

Hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”“Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, thực sự đáp ứng nguyện vọng của chị em và đem lại quyền lợi thiết thực cho họ, tạo thành phong trào sôi nổi rộng khắp, góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội (20-10-1993), Tỉnh hội tổ chức Hội nghị Đại biểu phụ nữ lao động tài năng lần thứ 2. Tại Hội nghị, 25 chị em được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Cùng với bước trưởng thành của phong trào phụ nữ tỉnh, năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tỉnh hội đã xây dựng và hoàn chỉnh phòng truyền thống phụ nữ Hà Bắc; xuất bản 2000 cuốn sách Lịch sử phong trào phụ nữ Hà Bắc, hai vạn cuốn Phụ nữ Hà Bắc với Bác Hồ. Song song với sự phát triển của phong trào, đội ngũ cán bộ nữ từng bước trưởng thành. Từ khi có Quyết định số 163/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 19-10-1988 quy định về trách nhiệm của các cấp  chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia quản lý nhà nước, các cấp Hội đã phát huy tác dụng, tích cực quyền đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Ngày 20-4-1989, Ủy ban nhân dân tỉnh có Chỉ thị số 03/CT-UB về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước. Hội phụ nữ các cấp tỉnh, huyện được mời tham dự các cuộc họp thảo luận nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân và được tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ trẻ em. Tỉnh hội đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chế độ cho phụ nữ đi học ngắn hạn, dài hạn được phụ cấp thêm 20% mức lương (cao hơn nam giới 10%). Thực hiện Quyết định số 163/HĐBT, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện cho Hội phụ nữ hoạt động. Sau 2 năm thực hiện Quyết định 163, đã có 183 xã, phường, thị trấn được tạo điều kiện có phòng làm việc riêng của phụ nữ, 307 cơ sở  được tạo điều kiện tổ chức các hoạt động gây quỹ hội, 128 xã, phường miễn công lao động xã cho các cán bộ chấp hành phụ nữ, 1.646 phụ nữ đơn thân được cấp đất (Việt Yên: 272 chị, Tân Yên: 102 chị) … Những việc làm trên đã tạo được lòng tin cho chị em phụ nữ gắn bó với tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Trong thực tế, một bộ phận chị em phụ nữ còn thiếu hiểu biết về quản lý nhà nước, về chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước. Cán bộ Hội trình độ năng lực còn hạn chế, do vậy việc thực hiện Quyết định 163/HĐBT chưa thật triệt để. Ngày 22-12-1990, Hội phụ nữ, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết hai năm thực hiện Quyết định 163/HĐBT, rút ra những bài học trong quá trình chỉ đạo thực hiện, đề ra phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo.

II. Thực hiện 5 chương trình trọng tâm của Hội (1992- 1997)

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng (6-1991) và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh (11-1991), trong hai ngày 2, 3 tháng 3-1992, tại thị xã Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Bắc họp Đại hội Đại biểu lần thứ VII. Đại hội xác định mục tiêu của phong trào phụ nữ nhiệm kỳ 1992-1997 là: đoàn kết, đổi mới, vì sự bình đẳng phát triển và hạnh phúc của phụ nữ. Đại hội bầu 29 đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Tâm được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Lê Thị Toàn làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Trong hai ngày 19, 20-5-1992, Đại hội đại biểu lần thứ VII Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam họp tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã xác định mục tiêu của phong trào phụ nữ Việt Nam là: đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, sức sáng tạo và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ để thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiến bộ, lao động có hiệu quả để ổn định đời sống, biết làm giàu hợp pháp, xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, bình đẳng, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con tốt, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh để phát huy vai trò đại diện, chăm lo cho phụ nữ trong công cuộc đổi mới. Đại hội đề ra 5 chương trình trọng tâm của Hội là:

1: Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và năng lực cho phụ nữ.

2: Hỗ trợ các hoạt động tạo thêm việc làm; tăng thu nhập cho phụ nữ.

3: Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, bền vững, tiến bộ.

4: Đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ, tập hợp quần chúng và xây dựng quỹ Hội.

5: Tổ chức nghiên cứu và vận động quần chúng tham gia xây dựng, giám sát, kiểm tra chính sách, pháp luật, cơ chế mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ.

Từ sau Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VII, Trung ương Hội quyết định thay đổi cách gọi chức danh lãnh đạo hội phụ nữ là Chủ tịch Hội phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ.

1.     Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho phụ nữ

Mục tiêu của chương trình là: giúp phụ nữ có những kiến thức cần thiết để nâng cao trình độ, năng lực, giữ gìn phẩm chất, đạo đức truyền thống và văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia mọi hoạt động xã hội và tổ chức cuộc sống gia đình, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng.

Một yêu cầu đặt ra đối với phong trào phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là giáo dục phụ nữ tích cực chủ động học tập nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc đổi mới. Tỉnh hội tập trung chỉ đạo nhiều đợt, bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng như: tổ chức hội nghị tọa đàm, hội thảo mít tinh, tham quan, mở các lớp tập huấn, truyền thông về các nội dung hoạt động của hội. Từ năm 1992 đến năm 1997, các cấp Hội đã tổ chức 2.125 cuộc tuyên truyền về chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của hội, các chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em cho 210.310 chị em. Để chị em hiểu và thực hiện có hiệu quả các chương trình như: Chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội, chương trình hành động của phụ nữ thế giới và chương trình hành động của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000, công tác chăm lo sức khỏe bà mẹ trẻ em, kiến thức về dân số- kế hoạch hóa gia đình, kiến thức về nuôi dạy con… Các cấp Hội đã tổ chức 7.777 cuộc tuyên truyền cho 557.616 cán bộ, hội viên. Những cuộc tuyên truyền của hội thường được tổ chức gắn với chào mừng các ngày lễ kỷ niệm của đất nước và của Hội hàng năm như: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2, ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngày Quốc tế lao động 1-5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, ngày Quốc khánh 2-9, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10… nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ. Song song với các cuộc tuyên truyền là phát các tờ rơi, treo áp phích, khẩu hiệu để củng cố kiến thức cho chị em.

Trong công tác tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức cho phụ nữ, các cấp hội còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động lồng ghép, phối hợp với Ủy ban dân số, ngành y tế, ngành giáo dục, Sở nông nghiệp, Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em… tổ chức 669 “Hội thi cán bộ hội giỏi”; “Hội thi bé khỏe, bé đẹp” với    17.552 người tham gia. Ngoài ra, tỉnh hội còn phát động các cuộc thi tìm hiểu về cuốn sách Những điều cần cho sự sống, tìm hiểu về công tác dân số kế  hoạch hóa gia đình, thi tìm hiểu về Đảng; thi tìm hiểu về căn bệnh HIV- AIDS, thi tìm hiểu về Bộ luật dân sự… với 16.860 bài tham gia. Một trong những phương tiện tuyên truyền  được các cấp hội quan tâm là phương tiện thông tin đại chúng. Ở tỉnh, tỉnh Hội thường xuyên kết hợp với Báo, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh viết bài tuyên truyền phong trào của hội, các cá nhân điển hình tiên tiến. Năm 1994, tỉnh Hội xây dựng chuyên mục của phụ nữ trên Báo. Hội phụ nữ tỉnh còn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa nội dung cuốn sách Những điều cần cho sự sống vào bản tin sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Ở các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, thôn xóm, bản làng, Hội phụ nữ cùng đài truyền thanh phát các nội dung hoạt động của Hội theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng.

Tháng 5-1995, được sự đầu tư của tổ chức Dân chủ xã hội Thụy Điển, Tỉnh hội nhận được bốn thư viện nhỏ cho bốn xã: Tiến Thắng (Yên Thế), Cao Thượng (Tân Yên), Song Mai (thị xã Bắc Giang), Nham Sơn (Yên Dũng) với hơn 500 đầu sách các loại. Những thư viện nhỏ của phụ nữ đã thu hút đông đảo bạn đọc đến thư viện. Cuối năm 1995, phụ nữ phường Mỹ Độ (thị xã Bắc Giang) đứng ra thành lập thư viện nhỏ của phụ nữ phường. Như vậy, cả tỉnh có 5 thư viện nhỏ của phụ nữ đi vào hoạt động có nền nếp, góp phần nâng cao dân trí nói chung và phụ nữ nói riêng.

Công tác xóa mù chữ luôn được các cấp Hội coi trọng. 5 năm từ 1992-1997, các cấp Hội đã vận động được 8.694 người, 5121 trẻ em tham gia học. Trong đó phụ nữ chiếm 65%.

Năm 1995, diễn ra một sự kiện trọng đại đối với phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng là Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 4 đến 15-9-1995 với chủ đề: Bình đẳng, phát triển và hòa bình. Đây là Hội nghị lớn và có ý nghĩa trọng đại đối với phụ nữ toàn cầu, với sự tham gia của hơn ba vạn đại biểu nam, nữ trên khắp thế giới. Hội nghị đã thảo luận những vấn đề liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ, khi thế giới đang tiến tới năm 2000 và bước vào thế kỷ XXI. Đồng chí Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là đại biểu đi dự hội nghị. Sau hội nghị Bắc Kinh, các cấp Hội tổ chức 241 cuộc tuyên truyền cho 22.001 cán bộ, hội viên về kết quả của hội nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ trong tỉnh.

Thông qua chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho phụ nữ, chị em phụ nữ trong tỉnh đã có chuyển biến về nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn.

2. Chương trình hỗ trợ các hoạt động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.

Mục tiêu của chương trình là: giúp đỡ các tổ chức và cá nhân phụ nữ có thêm cơ hội, việc làm, tạo và mở rộng việc làm. Đẩy mạnh các hoạt động tăng thu nhập và đảm bảo nâng cao đời sống góp phần giảm bớt đói nghèo, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Chương trình hỗ trợ các hoạt động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ là kế tiếp và cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, nhưng đổi mới về nội dung và phương pháp hoạt động. Các hoạt động của chương trình hai được phát triển với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và cụ thể hơn. Ngoài phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, ủng hộ nhau về vật chất trong lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp  nhau không lấy lãi trong cuộc sống và sản xuất, chị em còn giúp nhau cả về kiến thức, kinh nghiệm làm kinh tế gia đình để cùng nhau xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt họat động tạo vốn để sản xuất ngày càng phát triển đa dạng hơn. Năm 1991, cả tỉnh có một đến hai xã được Hội phụ nữ mạnh dạn đứng ra tín chấp với Ngân hàng vay vốn cho chị em sản xuất, thì từ khi thực hiện chương trình hai, Tỉnh hội đã đẩy mạnh hoạt động vay vốn của Ngân hàng. Đến 1997 có 95% số xã, phường, thị trấn trong Tỉnh hội phụ nữ đứng ra tín chấp vay vốn Ngân hàng cho chị em, với 19.837,7 triệu đồng cho 29.597 lượt chị vay, trong đó có 17.734 chị em nghèo vay để phát triển kinh tế gia đình.

Tỉnh hội phụ nữ kết hợp với Ngân hàng Nông nghiệp mở hội nghị tọa đàm với Chủ tịch phụ nữ các huyện, thị  xã, khối nữ công để bàn về cách thức cho vay vốn, tín chấp với Ngân hàng vay vốn cho hội viên. Sau khi thống nhất, Hội phụ nữ chỉ đạo điểm xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa). Sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Hội phụ nữ tỉnh còn tranh thủ khai thác các vốn quỹ quốc gia, quỹ quốc tế với tổng số tiền là 633.450.000 đồng cho 4.277 lượt phụ nữ nghèo vay vốn, 3,4 tỷ đồng hỗ trợ cho hội viên nghèo vay với lãi xuất ưu đãi

Nhằm huy động và khai thác nguồn vốn tại chỗ, từ năm 1992 đến 1997 Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội phát triển hình thức xây dựng các tổ phụ nữ tiết kiệm. Toàn tỉnh có 254 “Tổ phụ nữ tiết kiệm” với số quỹ là 1.525,563 triệu đồng cho 5.080 hội viên nghèo vay. Mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm” thực sự  phù hợp với điều kiện của chị em phụ nữ, bản thân nó tự tạo nguồn vốn bền vững và là sự khởi đầu cần thiết của hoạt động tín dụng sau này. Chị em sinh hoạt ở những tổ này được hướng dẫn cách tính toán làm ăn có lãi, đồng thời các nội dung hoạt động của Hội được lồng ghép trong buổi sinh hoạt của tổ có hiệu quả.

Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, văn hoá. Bên cạnh đó còn một bộ phận phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong đời sống, thiếu việc làm, thu nhập thấp, lao động vất vả. Từ thực tế đó, đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười đã tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 4.000 USD làm quỹ vốn cho phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế. Ngày 8-3-1996, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết định phát động phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” trong cả nước. Từ đó phong trào được phát động thường xuyên hàng năm vào ngày 8-3. Với ý nghĩa: nâng cao hiểu biết của toàn xã hội nói chung và của phụ nữ nói riêng về ý thức tiết kiệm, thực hiện mục tiêu “Vì bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ”, ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn trong việc nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong sự phát triển của đất nước. Ngày 4-5-1996, Tỉnh hội tổ chức lễ phát động “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đã thu được hơn 14 triệu đồng cho phụ nữ nghèo ở hai huyện Việt Yên và thị xã Bắc Giang vay. Đến năm 1997, sau hai năm phát động toàn tỉnh có 712,742 triệu đồng cho 4.721 phụ nữ nghèo vay. “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đáp ứng đông đảo nguyện vọng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ.

Thực hiện các hoạt động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, ban nữ công Liên đoàn lao động tỉnh phát động ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo trong khối nữ công nhân viên chức, với số vốn là 2.813 triệu đồng cho chị em phụ nữ có khó khăn vay, góp phần xoá đói, giảm nghèo trong nữ công nhân viên chức.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ vốn, tạo thêm việc làm, Hội phụ nữ các cấp đã hướng dẫn chị em phát triển sản xuất đúng hướng, khai thác và sử dụng triệt để nguồn tài nguyên đất đai để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 2.130 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, cách quản lý đồng vốn cho 95.000 cán bộ hội viên phụ nữ, mở 27 lớp dạy nghề cắt may, thêu ren, đan len, khâu nón giúp chị em có việc làm, thu nhập ổn định.

Do thực hiện có hiệu quả chương trình hai, các cấp Hội phụ nữ đã từng bước giải quyết những yêu cầu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Tình trạng vay nặng lãi trong nông thôn giảm hẳn. Tình trạng bán lúa non trong những ngày giáp hạt được hạn chế. Chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình, đồng thời chị em hội viên phụ nữ có điều kiện nâng cao kiến thức quản lý tín dụng, góp phần thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo của Đảng đề ra, xây dựng quê hương giàu đẹp.

3. Chương trình chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, thực hiện sinh đẻ có kết hoạch, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, bền vững và tiến bộ.

Mục tiêu của chương trình là: giúp phụ nữ biết tổ chức đời sống gia đình, biết chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và con cái, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số hàng năm xuống còn 0,6%. Xây dựng gia đình bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Chương trình này thể hiện quan điểm đường lối vận động phụ nữ của Đảng là gắn liền sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp cách mạng. Chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng gia đình hạn phúc được coi là một trong những vấn đề quan trọng về chiến lược con người của Đảng và Nhà nước. Chương trình ba là sự kế tiếp, phát triển ở mức cao cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”. Các cấp Hội xác định đây là việc làm thường xuyên, là nhiệm vụ  quan trọng trong việc phát triển trí lực và thể lực của phụ nữ, vì nòi giống của dân tộc. Tỉnh hội phụ nữ chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành y tế, giáo dục, uỷ ban  dân số kế hoạch hoá gia đình, uỷ ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em cùng phối hợp hành động. Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động thông qua hình thức cam kết, ký hợp đồng trách nhiệm, phối hợp hành động thông qua các hoạt động lồng ghép nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện.

Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình là một chủ trương lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 1993, Tỉnh hội phụ nữ được nhận dự án VIE/93/P09 của tổ chức UNFPA truyền thông nhóm 25 phụ nữ  và nhóm 10 cặp vợ chồng về sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Tỉnh hội chỉ đạo 6 xã điểm của huyện Tân Yên. Sau truyền thông, 97% phụ nữ và cặp vợ chồng tự nguyện chấp nhận các biện pháp tránh thai. Sau một năm tuyền thông, không những 100% đối tượng trong dự án mà 100% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Ở 6 xã điểm, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 1994 so với năm 1992 đều giảm, xã có tỷ lệ phát triển tự nhiên dân số cao nhất là 1,16%, thấp nhất là 0,29%. Từ chỉ đạo điểm, Tỉnh hội nhân rộng ra 7 huyện, thị, 40 xã, phường, thị trấn. Sau truyền thông, có 100% đối tượng thực hiện, đạt 100,17% mục tiêu của dự án đề ra.

Ngày 19-11-1993, Hội phụ nữ tỉnh mở Hội nghị liên hoan tuyên truyền viên giỏi lần thứ nhất về dân số kế hoạch hoá gia đình, gồm 160 tuyên truyền viên cơ sở.

Cùng với thực hiện dự án VIE/93/P09, tỉnh hội còn kết hợp với Uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh thực hiện tốt dự án VIE/93/P08 về truyền thông dân số

Tháng 11-1994, Tỉnh hội phụ nữ tổ chức liên hoan tuyên truyền viên xuất sắc về dân số- kế hoạch hoá gia đình lần thứ hai. Tiết mục của Hội phụ nữ Lục Nam được bình xét, chọn đi dự liên hoan tuyên truyền giỏi ở Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Năm 1993, Tỉnh hội phụ nữ kết hợp với Uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh chỉ đạo điểm xã Quang Minh (Hiệp Hoà) tổ chức câu lạc bộ phụ nữ về dân số kế hoạch hoá gia đình. Sau một năm chỉ đạo điểm, Tỉnh hội mở hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm. Từ năm 1996, mô hình câu lạc bộ phụ nữ dân số kế hoạch hoá gia đình được mở rộng trong toàn tỉnh. Trong khi thực hiện chủ trương của tỉnh hội, tuỳ theo tình hình, đặc điểm của từng địa phương, chị em chọn lựa tên gọi cho phù hợp: “Tổ phụ nữ không có người sinh con thứ ba”, “Câu lạc bộ phụ nữ có từ một đến hai con”, “Câu lạc bộ những người không sinh con thứ ba”. Những câu lạc bộ này đã tập hợp được đông đảo chị em tham gia sinh hoạt.

Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình gắn liền với việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chính vì vậy, phong trào xây dựng “Tổ phụ nữ không có người sinh con thứ ba” được đẩy mạnh. Đến năm 1996, toàn tỉnh xây dựng được 1.239 “Tổ phụ nữ không có người sinh con thứ ba” và 68 câu lạc bộ “Phụ nữ có từ một đến hai con” đi vào hoạt động có nền nếp và có tác dụng thiết thực. Đối với khối nữ công nhân viên chức, số người không sinh con thứ ba đạt tỷ lệ 98%, đặc biệt có một số gia đình chị em chỉ sinh 1 con. Những phong trào trên đã góp phần làm giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,11% (1992) xuống còn 1,5% (1996).

Trong công tác chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội còn quan tâm tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh phụ khoa cho chị em phụ nữ. Từ năm 1992 đến 1997 có 196.916 lượt chị em được khám, chữa bệnh phụ khoa. Đối với các cháu nhỏ từ 6 tuổi trở xuống, Hội tích cực vận động các bà mẹ cho con đi tiêm chủng phòng 6 bệnh: lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi, bại liệt. Năm 1996, tỷ lệ các cháu được tiêm chủng đạt 97%, tăng 1,4% so với năm 1992. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong phạm vi toàn tỉnh từ 60% (1992) xuống 42 % (1995).

Trong 5 năm, đã có 75 xã được hỗ trợ chương trình dinh dưỡng quốc gia. Ở những xã này, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 50,7 % (năm 1992) xuống 29,5 % (Năm 1996). Ngoài ra các cấp Hội còn tích cực vận động các cháu học sinh bỏ học trở lại trường. Trong 5 năm (1992-1997), Hội đã vận động 2.287 em học sinh, giúp trẻ em khó khăn, tàn tật với số tiền là 24.724.000 đồng, giúp các cháu học sinh nghèo vượt khó là 20.561.000 đồng; tặng các cháu nhà trẻ mẫu giáo trang thiết bị cần thiết trị giá 8.510.000 đồng, mua quà cho các cháu nhân dịp Trung thu; tết thiếu nhi là 210.914.000 đồng.

Thực hiện Quyết định số 44-82 ngày 8-12-1989 của Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy năm 1994 là năm Quốc tế gia đình (IYE) với chủ đề: “Gia đình là nguồn lực và các trách nhiệm trong thế giới đang thay đổi”, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 198/TTg ngày 28-4-1994 về tổ chức chỉ đạo năm Quốc tế gia đình. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai kế hoạch thực hiện tới các cấp hội, gắn với việc thực hiện nghị quyết 04/BTC với nội dung “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Tỉnh hội chỉ đạo các cấp Hội tổ chức 540 cuộc tuyên truyền về năm Quốc tế gia đình cho 50.109 cán bộ, hội viên.

Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, Tỉnh hội phụ nữ còn chỉ đạo các cấp Hội tích cực bảo vệ môi trường. Năm 1994, Tỉnh hội chỉ đạo thực hiện chương trình truyền thông vận động phụ nữ xây dựng, sử dụng các công trình vệ sinh nước sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, triển khai sâu rộng Chỉ thị 200/TTg ngày 29-4-1994 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đến 1996, các cấp Hội đã vận động 5.824 hộ gia đình có nước sạch dùng trong sinh hoạt, xây dựng 3.124 hố xí hợp vệ sinh, 597 bếp ít khói.

Đối với công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội xây dựng kế hoạch phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục chị em phụ nữ gần gũi, quan tâm và vận động chồng, con mình không mắc vào các tệ nạn xã hội. Thực hiện chỉ thị 52 của Ban bí thư về lãnh đạo phòng chống AIDS, Chỉ thị 33 của Trung ương Đảng về phòng chống tệ nạn xã hội, Chỉ thị 11 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về mở cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ người lầm lỗi trên địa bàn dân cư, các cấp Hội tổ chức 585 cuộc tuyên truyền cho 60.000 cán bộ, hội viên. Trong 5 năm (1992-1997), Hội nhận đỡ đầu 341 đối tượng lầm lỗi, trong đó có 26 đối tượng nghiện hút, 17 đối tượng gái mại dâm. Sau một thời gian tuyên truyền, giáo dục, 251 đối tượng được Hội phụ nữ cảm hoá đã có tiến bộ trở về với đời sống bình thường. Tiêu biểu là chị Hiển, thị trấn Lục Nam nhận cảm hoá 2 đối tượng nghiện hút, chị đã cho mỗi đối tượng vay 300.000 đồng tạo vốn làm ăn. Cả 2 đối tượng đã cai nghiện và có đời sống ổn định. Hội phụ nữ thôn An Phú (Song Mai, thị xã Bắc Giang) nhận cảm hoá một đối tượng nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, gia đình túng bấn, Hội ủng hộ 150.000 đồng, vận động đi cai và đã thành công.

Ngày 12-12-1995, Tỉnh hội tổ chức liên hoan tuyên truyền viên xuất sắc về phòng chống nhiễm HIV/AIDS. Nhiều tiết mục văn nghệ của các huyện thị đã được trình diễn trong liên hoan.

 Thực hiện chương trình ba, các cấp Hội phụ nữ  trong tỉnh có nhiều hoạt động kết hợp với các ngành chức năng vừa thiết thực, vừa cụ thể. Mỗi hoạt động mang một sắc thái riêng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ quyền lợi, bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em.

4. Chương trình đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ, tập hợp quần chúng và xây dựng quỹ hội

Mục tiêu của chương trình là: hoàn thành chương trình bồi dưỡng cho tất cả cán bộ chủ chốt của các cấp Hội, đặc biệt coi trọng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở với yêu cầu am hiểu công tác vận động phụ nữ trong cơ chế mới, có kiến thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội, các chính sách, luật pháp mới liên quan đến phụ nữ và có nhiệt tình tự nguyện công tác hội, có phẩm chất đạo đức tốt để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của hội. Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, chất lượng, tổ chức cơ sở hội vững mạnh, nhằm tập hợp đông đảo phụ nữ thực hiện tốt các nhiệm vụ. Tích cực xây dựng quỹ hội, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn cho đội ngũ cán bộ hội và tăng thêm kinh phí hoạt động cho phong trào.

Đứng trước yêu cầu mới của đất nước, các cấp Hội đã xác định việc đổi mới công tác tổ chức và cán bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng có tính chất quyết định sự phát triển của phong trào phụ nữ. Để thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ, Tỉnh hội đã kiện toàn bộ máy từ tỉnh tới cơ sở, với phương châm gọn nhẹ, bảo đảm chất lượng. Ở Tỉnh hội, xoá bỏ phòng, ban. Mỗi huyện , thị Hội có từ 4- 5 cán bộ phụ nữ chuyên trách. Bộ máy hoạt động theo quy chế và phân công trách nhiệm cho từng cán bộ cụ thể, đồng thời thường xuyên nâng cao trình độ cho cán bộ phụ nữ. Số cán bộ Tỉnh hội có trình độ đại học năm 1991là 13,3%, năm 1996 là 36%. Số cán bộ Huyện hội, Thị hội có trình độ đại học năm 1990 là 2,6%, năm 1996 là 30%. Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở hầu hết có trình độ văn hoá cấp II và cấp III

Trong quá trình sắp sếp lại bộ máy, Tỉnh hội chú trọng công tác củng cố xây dựng tổ chức cơ sở hội, tập hợp hội viên xây dựng quỹ Hội. Tỉnh hội chỉ đạo các cấp Hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các loại hình tập hợp hội viên. Tỉnh hội chú trọng tập hợp hội viên theo lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích vào sinh hoạt ở các loại tổ phụ nữ theo chuyên đề như: tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm, tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3, tổ phụ nữ tín chấp vay vốn ngân hàng, tổ phụ nữ tình thương, tổ phụ nữ đoàn kết, tổ phụ nữ đồng tâm,... với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Các cấp Hội đã chủ động xây dựng quỹ hội bằng các hình thức như: lao động làm các công trình thuỷ lợi, giao thông và hội viên tự nguyện đóng góp. Năm 1996 số cơ sở hội có quỹ hoạt động là 98%, với số tiền là 1.194,861 triệu đồng, so với năm 1994 tăng 227,538 triệu đồng. Xã có quỹ cao nhất là 40 triệu đồng, xã có quỹ thấp nhất là 500.000 đồng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được các cấp hội quan tâm và từng bước nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 12-7-1993 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04/NQ – TW “Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới” khẳng định vai trò vị trí của người phụ nữ Việt Nam. Sau Nghị quyết số 04/NQ – TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 28/CT-TW ngày 19-9-1993 “Về thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị: Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Ngày 16-5-1994, Ban Bí thư ra tiếp Chỉ thị số 37/CT-TW “Về một số vấn đề công tác cán bộ phụ nữ trong tình hình mới”. Chỉ thị thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, trong đó công tác cán bộ luôn luôn là một trong những khâu then chốt. Hội phụ nữ các cấp tích cực tham mưu đề xuất với cấp uỷ đảng, chính quyền và các ngành tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức: tập trung, tại chức, dài hạn, ngắn hạn, theo học các lớp đại học từ xa. So với nhiệm kỳ trước đội ngũ cán bộ Hội có trình độ đại học, cao đẳng tăng lên. Số cán bộ hội chuyên trách thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội, số cán bộ chủ chốt cơ sở được bồi dưỡng tại tỉnh là 360 chị, số cán bộ là Uỷ viên Ban Thường vụ cơ sở được bồi dưỡng tại huyện là 780 chị, 5.895 lượt Uỷ viên Ban chấp hành cơ sở được bồi dưỡng tại cơ sở. Song số cán bộ nữ tham gia ở cương vị lãnh đạo và Hội đồng nhân dân so với những năm đầu thực hiện chỉ thị 44/CT/TW ngày 7-6-1984 thì tỷ lệ nữ Hội đồng nhân dân các cấp đều giảm: nhiệm kỳ 1989-1994 so với nhiệm kỳ 1986-1989 , Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giảm 7%, Hội đồng nhân dân cấp xã giảm 8,7%. Đa số cán bộ nữ chỉ được đề bạt đến cấp phó. Rất ít được đề bạt cấp trưởng, cán bộ nữ thường làm trưởng ở những đơn vị không có hoặc rất ít nam như nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ trẻ em... Nguyên nhân là do chưa có quy hoạch hoàn chỉnh về công tác cán bộ nữ, số lượng cán bộ nữ được đào tạo bồi dưỡng chưa nhiều; các cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quan tâm tạo điều kiện, chưa mạnh dạn bố trí sắp xếp cán bộ nữ. Mặt khác có một số cán bộ nữ ý thức vươn lên còn hạn chế, còn an phận, tự ti và mặc cảm.

Ngày 17-6-1994, Tỉnh uỷ mở Hội nghị bàn chuyên đề về xây dựng quy hoạch cán bộ nữ. Năm 1995, cấp tỉnh đề bạt thêm 4 đồng chí làm Phó Giám đốc sở, ban, bệnh viện tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Trung tâm xúc tiến việc làm có cán bộ nữ làm Giám đốc.

Ngày 22-7-1995, Tỉnh hội tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 8b/TW (khoá VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” và sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 37 của Ban Bí thư, đề ra phương hướng thực hiện những năm tiếp theo.

5. Chương trình tổ chức nghiên cứu và vận động quần chúng tham gia xây dựng giám sát, kiểm tra chính sách, luật pháp, cơ chế mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ

Mục tiêu của chương trình là: tổ chức nghiên cứu, vận động quần chúng phụ nữ xây dựng, giám sát, kiểm tra để đề xuất với Đảng, Nhà nước có những biện pháp, chính sách nhằm thể chế hoá một cách có hệ thống những điều về phụ nữ đã được quy định trong Hiến pháp, trong Công ước quốc tế, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII. Từng bước thực hiện bình đẳng nam nữ trong cơ chế quản lý mới, đồng thời nâng cao vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp cho phụ nữ.

Trong bối cảnh Nhà nước đang tiến hành cải cách hành chính, thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, Tỉnh hội phụ nữ đã đặc biệt coi trọng việc tham gia xây dựng  những điều luật, những chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Đã có 450 ý kiến tham gia vào Luật hôn nhân và Gia đình, 945 ý kiến tham gia vào Luật Dân sự, 425 ý kiến tham gia vào Luật lao động, 1500 ý kiến tham gia vào các văn bản, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Công tác kiểm tra, giám sát trong 5 năm (1992-1997) có chuyển biến. Các cấp Hội phụ nữ tham mưu với các cấp uỷ. chính quyền địa phương sơ kết hai năm thực hiện các Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị. Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quyết định 163 của Hội đồng Bộ trưởng. Tỉnh hội đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh về trợ cấp chế độ cho cán bộ nữ đi học tập trung, dài hạn  được hưởng 150.000 đồng/tháng (hơn nam giới 50.000 đồng), 4.000đồng/ngày học tập trung ngắn hạn (hơn nam giới 1.000 đồng). Tỉnh hội đề xuất với Sở Tài chính – Vật giá có công văn hướng dẫn xuống cơ sở thực hiện Nghị định 46 của Chính phủ ngày 23-6-1993: Đối với xã loại 1, cấp trưởng phụ cấp: 80.000 đồng/tháng, cấp phó phụ cấp 40.000 đồng/tháng; xã loại 2: cấp trưởng phụ cấp 75.000 đồng/tháng, cấp phó phụ cấp 25.000 đồng/tháng. Các cấp Hội đề xuất với Uỷ ban nhân dân cùng cấp, cấp đất cho 2.206 chị em phụ nữ đơn thân, trong đó có 45 chị là nữ công nhân, viên chức. 80% số xã duy trì làm việc định kỳ với Uỷ ban nhân dân; 65% số cơ sở Hội phụ nữ có phòng làm việc riêng.

Các ban nữ công theo hệ thống Liên đoàn lao động tỉnh cùng phối hợp với các đơn vị sản xuất, các xí nghiệp, các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ tiến hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các quyết định về tổ chức sắp xếp lại sản xuất, bộ máy trong các cơ quan xí nghiệp, những vấn đề liên quan đến lao động nữ. Kiểm tra, giải quyết các kiến nghị của công nhân viên chức về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, sử dụng lao động nữ trong các nghề nặng nhọc, độc hại; kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với bà mẹ, trẻ em.

Song song với việc thực hiện 5 chương trình của Hội, các cấp Hội phụ nữ còn thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội. Đây là việc làm thường xuyên thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Các cấp Hội luôn đi đầu phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc các gia đình có công với đất nước. Từ năm 1992 đến 1997, các cấp Hội đã vận động hội viên giúp đỡ các gia đình đối tượng chính sách 14.898 ngày công, xây dựng 125 vườn quả tình nghĩa; cùng các ngành xây dựng 142 ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ. Hội phụ nữ các cấp tặng 339 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền là 70.900.000 đồng. Hội phụ nữ nhận đỡ đầu 85 bố mẹ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, 8 vợ liệt sĩ, 26 con liệt sĩ.

Thực hiện Nghị định số 176/NĐ/CP ngày 20-10-1994, tỉnh Hà Bắc có 413 mẹ Việt Nam anh hùng (riêng Bắc Giang có 238 mẹ). Năm 1995, Tỉnh hội đã phát động phụ nữ toàn tỉnh góp quỹ “Chăn ấm tặng mẹ” được 7.722.000 đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ trị giá 150.334.500 đồng. Tỉnh hội nhận đỡ đầu và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng Thân Thị Đúng xã Hương Mai, Việt Yên từ năm 1996.

Đối với công tác tuyển quân, các cấp Hội làm nòng cốt trong việc vận động thanh niên, hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu gọi thanh niên nhập ngũ.

Công tác giải quyết đơn thư là công việc thiết thực trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình. Trong những năm 1992- 1997, Tỉnh hội và các Huyện hội nhận 581 đơn thư về hôn nhân và gia đình, Hội đã kiến nghị với viện kiểm sát, toà án nhân dân cùng cấp giải quyết thành công 526 đơn thư; đem lại lợi ích chính cho phụ nữ. Ở cấp cơ sở, tổ hoà giải của phụ nữ thực sự là nơi tư vấn tin cậy cho chị em. Các tổ hoà giải của phụ nữ đã giải quyết 3325 vụ việc mâu thuẫn gia đình, vợ chồng, làng xóm...

Trong 5 năm (1992- 1997) cùng với sự phát triển của đất nước, phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội theo 5 chương trình trọng tâm đã có những bước phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới cùng nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn thử thách hoàn thành cơ bản các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra. Năm 1996 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng hai cho phong trào phụ nữ tỉnh, hai Huân chương Lao động hạng ba cho phong trào phụ nữ huyện Tân Yên và Việt Yên, một huân chương Lao động hạng ba cho đồng chí Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Trung ương Hội tặng 528 Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, 9 Bằng khen cho các chị Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh hội, 3 cờ cho phong trào phụ nữ tỉnh, 1 huyện và 1 xã; 77 bằng khen cho huyện và xã. Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng một cờ, 20 bằng khen cho phong trào phụ nữ tỉnh. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn lao động Tỉnh tặng cờ cho 3 tập thể, 77 bằng khen cho 48 tập thể và 29 cá nhân.

Bên cạnh những thành tích đạt được trong việc thực hiện 5 chương trình trọng tâm của Hội, phong trào phụ nữ trong tỉnh vẫn còn hạn chế như: Phong trào phụ nữ phát triển chưa đều giữa các vùng trong tỉnh. Ở vùng cao, vùng sâu, tỷ lệ thu hút hội viên vào sinh hoạt hội còn thấp, sinh hoạt chưa đều. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động ở một số cơ sở còn hạn chế. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội và cán bộ nữ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác kiểm tra, giám sát các chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở một số lĩnh vực còn hạn chế.

CHƯƠNG VI:

PHỤ NỮ BẮC GIANG TRONG THỜI KỲ TÁI LẬP TỈNH, THỰC HIỆN CÔNG CUỘC CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

(1997- 2010)

I. Phụ nữ Bắc Giang thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 1997-2001)

Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Giang bước vào hoạt động theo đơn vị tỉnh mới gồm 9 huyện và 1 thị xã Bắc Giang. Ngày 9/8/1997, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi đã có Quyết định số 68/UBQĐ công nhận tỉnh Bắc Giang là tỉnh miền núi. Toàn tỉnh có 7/10 huyện, thị là huyện miền núi, huyện Sơn Động là huyện vùng cao.

Tỉnh hội phụ nữ Bắc Giang được tái lập và chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 1/1/1997, gồm 9 Huyện hội và 1 Thị hội, đó là: Hội Phụ nữ huyện Sơn Động, Hội Phụ nữ huyện Lục Ngạn, Hội Phụ nữ huyện Lục Nam, Hội Phụ nữ huyện Yên Thế, Hội Phụ nữ huyện Tân Yên, Hội Phụ nữ huyện Hiệp Hoà, Hội Phụ nữ huyện Việt Yên, Hội Phụ nữ huyện Lạng Giang, Hội Phụ nữ huyện Yên Dũng và Hội Phụ nữ thị xã Bắc Giang, gồm có 220 cơ sở hội phụ nữ xã, phường, thị trấn; 3.520 tổ phụ nữ, 248.017 hội viên chiếm tỷ lệ 57,8% trên tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.

Ngay sau khi tái lập tỉnh, Tỉnh hội phụ nữ Bắc Giang chỉ đạo các cấp Hội sắp xếp, kiện toàn tổ chức để đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khi chia tách tỉnh, cán bộ của cơ quan Tỉnh hội có 9 đồng chí, đến tháng 2/1997 có 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thị Tâm được chỉ định làm Chủ tịch, đồng chí Dương Thị Lợi được chỉ định làm Phó Chủ tịch lâm thời Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang. Số uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh hội lâm thời có 7 đồng chí, Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời có 21 đồng chí.

Từ ngày 5-7/11/1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã diễn ra. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của nhiệm kỳ tới “Phát huy truyền thống đoàn kết và cách mạng, tranh thủ thời cơ và thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trước mắt là công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn…”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong hai ngày 21-22/3/1997, Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Bắc Giang lần thứ IV(1) được tổ chức tại Hội trường Nhà khách Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang. Đại hội đã đề ra mục tiêu: Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy tiềm năng sáng tạo, phẩm chất tốt đẹp nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao kiến thức mọi mặt của phụ nữ, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.  Xây dựng người phụ nữ có sức khoẻ, có kiến thức, năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng, biết quan tâm đến lợi ích của xã hội và cộng đồng,có lòng nhân hậu, thuỷ chung, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng tổ chức hội và đội ngũ cán bộ ngày càng vững mạnh để phát huy đầy đủ vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của phụ nữ. Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 21 đồng chí. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ khoá mới đã họp phiên thứ nhất bầu ra Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Dương Thị Lợi được bầu giữ chức Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thị Bắc và Hoàng Thị Nguyễn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đại hội bầu 10 đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc.

Ngày 19 và 20/5/1997, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII họp tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu: Đoàn kết đổi mới vì bình đẳng phát triển và hoà bình, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn cách mạng mới phù hợp với nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, đồng thời căn cứ vào chức năng và khả năng hoạt động thực tế của các cấp Hội, 5 chương trình trọng tâm của Hội nhiệm kỳ 1992-1997 tiếp tục được thực hiện nhưng ở mức cao hơn, là sự kế thừa và phát triển trong điều kiện và hoàn cảnh thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời phát động phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc", tiếp tục thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”.

Sau 8 năm thực hiện chương trình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” (1989- 1997) số phụ nữ nghèo đã giảm, đời sống phụ nữ từng bước được ổn định. Bước sang giai đoạn 1997-2001, phong trào đặt ra yêu cầu cao hơn so với những năm trước, không dừng lại ở giúp nhau làm kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống mà là giúp nhau phát triển kinh tế gia đình để làm giàu, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do đó, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII vẫn quyết định nội dung hoạt động của phong trào phụ nữ thực hiện trên cơ sở 5 chương trình trọng tâm như Đại hội lần thứ VII, song đòi hỏi phải sâu hơn, rộng hơn. Đại hội đã quyết định bổ sung nội dung vào các chương trình như sau:

Chương trình 1: Giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ.

Chương trình 2: Vận động phụ nữ nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập.

Chương trình 3: Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc.

Chương trình 4: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Chương trình 5: Nghiên cứu và kiểm tra giám sát.

 (1). Sau gọi là Đại hội XI.

 

Nét nổi bật trong chương trình giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ ở nhiệm kỳ này là: tuyên truyền đi vào chất lượng và cụ thể. Tuyên truyền đi liền với có tài liệu để học tập, củng cố kiến thức, sau đó đẩy mạnh các hình thức tổ chức hội thi theo chuyên đề. Từ 1997 đến 2000, các cấp Hội đã tổ chức 114.765 cuộc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội cho 320.554 lượt cán bộ, hội viên. Tổ chức 392 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội, kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000 cho 59.400 chị. Công tác giáo dục truyền thống và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới được các cấp Hội quan tâm, chỉ đạo nhằm phát huy lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Các cấp Hội đã tổ chức 16.800 cuộc nói chuyện cho 950.207 lượt cán bộ, hội viên tham dự.

Ngày 8/3/1998, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra lời kêu gọi và phát động phụ nữ cả nước thực hành tiết kiệm, tích cực học tập, nuôi dạy con tốt. Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động hai phong trào:

1. Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước.

2. Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Với việc đổi mới nội dung công tác tuyên truyền nên kiến thức, trình độ, năng lực của cán bộ, hội viên được nâng lên rõ rệt. Số hội viên được nghe tuyên truyền về các lĩnh vực đạt 60% đối với miền núi thấp và trung du; 40% đối với cơ sở hội vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện chương trình vận động phụ nữ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập, Tỉnh hội đã xây dựng chỉ tiêu tích cực khai thác các nguồn vốn, quản lý nguồn vốn, thành lập các nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm; hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống với mục tiêu phấn đấu giảm 5% số hội viên nghèo, đói mỗi năm. Kết quả đã có 50-60% phụ nữ nghèo, đơn thân được vay vốn. Phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được duy trì và phát triển, với số quỹ năm 1999 là 866,297 triệu đồng cho 4.678 chị em phụ nữ nghèo vay, tăng so với năm 1997 là 166,297 triệu đồng. Để tăng nguồn vốn, các cấp Hội tích cực khai thác các nguồn vốn từ các dự án quốc gia, quốc tế. Số dự án được thực thi tăng cả về số lượng và chất lượng. Dự án với đối tác chính năm 1999 là 3 dự án, thực hiện ở 18 xã; ngoài ra có 12 dự án Hội phụ nữ kết hợp với các ngành và dự án của quốc gia hỗ trợ với số tiền là 9.418,643 triệu đồng cho 13.016 chị vay làm kinh tế gia đình.

Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Trong 3 năm, từ 1997 đến 2000 có 110.691 lượt chị em hoàn cảnh kinh tế khó khăn được vay vốn trị giá trên 13 tỷ đồng; giúp không hoàn lại cho 27.322 lượt chị em gặp khó khăn hoạn nạn trị giá 695,401 triệu đồng... Hoạt động vay vốn ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Tháng 10/1997, Tỉnh hội tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động vay vốn nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn, quản lý tốt nguồn vốn. Từ năm 1997 đến 2000, tính trung bình hàng năm, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng vay 43.193.916 triệu đồng cho 34.658 lượt hội viên vay. Hội phụ nữ được ngân hàng đánh giá là khách hàng tin cậy nhất. Các cấp Hội phụ nữ đã chú ý đẩy mạnh nhiều hình thức huy động các nguồn vốn giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế như: “Tín chấp” vay vốn ngân hàng, xây dựng quỹ “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, huy động các dự án quốc tế. Các năm có thường xuyên từ 95.000 đến 150.000 chị em được vay vốn thông qua tổ chức Hội phụ nữ, trong đó có 70 % là phụ nữ nghèo, với số tiền gần 100 tỷ đồng.

Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, Tỉnh hội chỉ đạo thành lập nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm và phụ nữ tiết kiệm thông qua các nguồn vốn, Tỉnh hội được Tỉnh uỷ phân công giúp đỡ phong trào xoá đói giảm nghèo thuộc xã Đồng Hưu (Yên Thế). Đây là điểm chỉ đạo xây dựng các tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm. Đến đầu năm 2000, toàn tỉnh xây dựng 2.204 tổ phụ nữ tiết kiệm và 346 tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm. Bằng việc tích cực khai thác các nguồn vốn, Hội phụ nữ đã thực sự đưa đồng vốn đến với phụ nữ nghèo. Cùng với việc tạo cho phụ nữ nghèo có nguồn vốn sản xuất, các cấp Hội kết hợp với Công ty giống cây trồng, Công ty bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý vốn. Tổ chức 1.054 lớp cho 67.000 chị học, in 2.670 cuốn  tài liệu kỹ thuật VAC phân phát về cơ sở. Từ những đồng vốn và việc làm tích cực của Hội phụ nữ trong công tác xoá đói, giảm nghèo, nhiều hội viên phụ nữ thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhiều chị có thu nhập cao từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Phong trào xoá đói, giảm nghèo đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như chị Trần Thị Ngát (Bích Sơn- Việt Yên), chị Vũ Thị Thi (xã Vũ Xá, Lục Nam), chị Trần Thị Tuyết (xã An Châu, Sơn Động); phụ nữ xã Bích Sơn, huyện Việt Yên; phụ nữ xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế; phụ nữ Thị trấn An Châu, huyện Sơn Động; phụ nữ xã Tân Tiến, huyện Yên Dũng; phụ nữ xã Lam Cốt, huyện Tân Yên; Phụ nữ xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang; phụ nữ xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hoà...

Thông qua các hoạt động vận động phụ nữ nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ, từ khi tái lập tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh đã giải quyết việc làm cho nhiều chị em, thực hiện có hiệu quả vào chương trình xoá đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, góp phần giảm số hộ nghèo của tỉnh hằng năm là 5%. Ngày 13-9-1999, Tỉnh hội tổ chức Hội nghị phụ nữ điển hình tham gia xoá đói giảm nghèo có 120 đại biểu về dự. Với những thành tích mà phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã đạt được, tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Giang, 2 tập thể và 3 cá nhân về công tác xoá đói giảm nghèo; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân; Tỉnh hội tặng Bằng khen cho 19 tập thể và 17 cá nhân.

Trong công tác chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, Tỉnh hội chỉ đạo các cấp Hội chủ động kết hợp với các ngành chức năng thực hiện chủ trương trên. Ngành y tế thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ em, 80% số chị mắc bệnh phụ khoa được khám chữa bệnh, 85% phụ nữ có thai được tiêm AT, 100% số trẻ em trong độ tuổi 0-6 tuổi đi tiêm chủng hằng tháng đối với vùng trung du và miền núi, 90% đối với vùng miền núi cao. Trong công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, Hội tăng cường xây dựng các mô hình hoạt động lồng ghép giữa dân số kế hoạch hoá với chăm sóc sức khoẻ qua các câu lạc bộ phụ nữ không có người sinh con thứ ba, câu lạc bộ dân số - kế hoạch hoá gia đình. Số câu lạc bộ năm 1999 tăng hơn năm 1998 là 272, số tổ phụ nữ không có người sinh con thứ ba tăng 167. Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Nước sạch - vệ sinh môi trường được phát động hằng năm từ ngày 29/4 đến 30/5, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng, vận động phụ nữ dọn vệ sinh từ trong gia đình ra ngoài ngõ xóm, nơi công cộng. Tại thị xã Bắc Giang, thành lập 9 câu lạc bộ sức khoẻ- vệ sinh môi trường. Phụ nữ thị xã Bắc Giang là đơn vị tiểu biểu trong phong trào với khẩu hiệu “Phụ nữ thị xã Bắc Giang không vứt rác và phế thải ra đường và nơi công cộng”, 243 đoạn đường do Hội phụ nữ tự quản luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, góp phần xây dựng thị xã Bắc Giang trở thành trung tâm văn hoá “xanh-sạch-đẹp”. Hội phụ nữ đã tổ chức 1.999 cuộc tuyên truyền cho 138.601 lượt cán bộ, hội viên về phòng chống các tệ nạn xã hội và HIV/AIDS. Năm 1997, Tỉnh hội chỉ đạo thành lập 10 câu lạc bộ phòng chống các tệ nạn xã hội ở trung tâm thị xã, các thị trấn. Đến tháng 6/2000, toàn tỉnh thành lập thêm 13 câu lạc bộ, nâng tổng số lên 23 câu lạc bộ phòng chống các tệ nạn xã hội. Hội phụ nữ thị xã Bắc Giang thành lập hai tổ tư vấn phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại phường Lê Lợi. Hội phụ nữ huyện Yên Thế chỉ đạo thành lập “Tổ phụ nữ bốn không” (không có người sinh con thứ ba, không có người vi phạm pháp luật, không có người mắc các tệ nạn xã hội, không có gia đình đói nghèo). Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực tham gia phòng chống tội phạm, cảm hoá giúp đỡ người lầm lỗi, lập danh sách 236 đối tượng nghiện hút cần giúp đỡ, phân công 145 chị gần gũi cảm hoá, vận động được 132 đối tượng đi cai nghiện tập trung.

Các cấp Hội vận động quuyên góp được 127 triệu đồng tặng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, vận động 517 cháu bỏ học trở lại trường.

Thông qua các hình thức cam kết trách nhiệm với các ngành liên quan chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, những năm qua, sức khoẻ phụ nữ và trẻ em đã được nâng lên, thực hiện công tác dân số kế hoạch hoá gia đình có hiệu quả rõ rệt, góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 1,62% năm 1997 xuống 1,23% năm 2000. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 48% năm 1997 giảm xuống còn 38,5% năm 2000.

Từ sau ngày tái lập tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Tỉnh hội chỉ đạo các cấp Hội đi vào củng cố và kiện toàn. Về bộ máy: Tỉnh hội có 15 cán bộ (1998), 4 ban: Văn phòng, Tổ chức, Tuyên huấn, Gia đình đời sống. Số cán bộ hội cấp tỉnh, huyện có trình độ từ cao đẳng trở lên là 55,9%. Số cán bộ hội chủ chốt cấp xã có trình độ văn hoá cấp I là 1,74%, cấp II là 70,3 %, cấp III là 27,94%.

Đội ngũ cán bộ nữ công nhân viên chức chiếm 61,8% tổng số cán bộ công nhân viên chức toàn tỉnh. Số chị em có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm 46,75%. Số cán bộ nữ tham gia các cấp uỷ đảng, chính quyền ngày càng tăng: Số nữ tham gia cấp uỷ đảng nhiệm kỳ 1996-2000 so với nhiệm kỳ 1991-1995, cấp tỉnh tăng 2,8%; cấp huyện tăng 1,5%. Số nữ tham gia Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1999-2004 so với nhiệm kỳ 1994-1999, cấp tỉnh tăng 3,6%; cấp huyện tăng 4,46%; cấp xã tăng 1,46%. Cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước ngày một tăng. Một đồng chí nữ chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, nữ trưởng ngành có 2 đồng chí, nữ phó ngành có 5 đồng chí, nữ giám đốc có 1 đồng chí, nữ phó giám đốc có 5 đồng chí. Số cán bộ nữ ở các cơ quan tỉnh, huyện giữ chức trưởng phòng có 37 đồng chí, phó phòng có 46 đồng chí. Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng hoàn thành tốt mọi việc được giao. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá X (1997-2002) có 2 đồng chí nữ tham gia là đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và đồng chí Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Quá trình đổi mới tổ chức cũng là quá trình đổi mới các hình thức tập hợp hội viên, đa dạng hoá các loại hình tập hợp hội viên, thành lập các tổ phụ nữ theo đơn vị dân cư, theo ngành nghề, lứa tuổi, sở thích... được các tầng lớp phụ nữ đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Nhiệm kỳ 1992-1997, Tỉnh hội chỉ đạo đa dạng hoá hình thức tập hợp hội viên thì nhiệm kỳ 1997-2002, Tỉnh hội chỉ đạo phát triển và nâng cao hơn nội dung hoạt động của các mô hình tập hợp hội viên. Tháng 6/1999, Tỉnh hội tổng kết các mô hình tập hợp hội viên. Toàn tỉnh có 7.642 tổ phụ nữ sinh hoạt theo các mô hình gồm 189.153 chị em tham gia. Chia thành 4 loại:

- Giúp nhau về vốn gồm các tổ: phụ nữ tín dụng tiết kiệm, phụ nữ tiết kiệm, phụ nữ vay vốn ngân hàng...

- Câu lạc bộ phụ nữ gồm: Câu lạc bộ dân số kế hoạch hoá gia đình, câu lạc bộ phụ nữ với môi trường, câu lạc bộ phòng chống các tệ nạn xã hội...

- Tổ phụ nữ tình thương gồm: tổ đoàn kết, tổ tình thương, tổ trung hậu, tổ đồng tâm...

- Tổ phụ nữ nghề nghiệp gồm: tổ làm vườn, tổ chăn nuôi, tổ dịch vụ, tổ khoa học kỹ thuật...

Nội dung sinh hoạt của bốn loại hình trên, Tỉnh hội có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích của chị em. Do vậy, chị em rất hồ hởi, nhiệt tình tham gia sinh hoạt và đóng quỹ Hội. 100% cơ sở có quỹ với tổng số quỹ là 4.716,977 triệu đồng.

Hoạt động nghiên cứu và kiểm tra giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được nâng cao hơn, tập trung vào các vấn đề: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội; nghiên cứu các đối tượng phụ nữ dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường; vai trò phụ nữ đối với gia đình và xã hội; nghiên cứu, đề xuất chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nữ của các cấp, các ngành theo tinh thần Nghị quyết 04/NQ/TW của Bộ chính trị và Chỉ thị số 37/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngày 7/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 645/TTg về việc thành lập tổ chức “Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các bộ, ngành và địa phương”. Năm 1997, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Bắc Giang được thành lập gồm 12 thành viên, đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Đến tháng 5/2000 có 8 huyện, thị và 2 ngành thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện Quyết định 163/HĐBT, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở có quy chế làm việc định kỳ với Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Các cấp uỷ, chính quyền đều quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động. Hội phụ nữ huyện Yên Thế và 34 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện quyết định 163/HĐBT. Các văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến quyền lợi phụ nữ và trẻ em luôn được các cấp Hội nghiên cứu. Hội phụ nữ huyện Việt Yên tổ chức lấy 400 ý kiến của hội viên về công tác xây dựng Đảng, công tác chấp hành luật pháp ở 10 xã; Hội phụ nữ Yên Thế lấy ý kiến 300 hội viên ở 3 xã về chuyển đổi diện tích đất canh tác cho liền vùng, liền khoảnh. Ban nữ công Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra thực hiện Bộ luật Lao động ở 19 doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ. Tỉnh hội tổ chức 4 lớp tập huấn về phân tích và lập kế hoạch dưới góc độ giới cho 62 đồng chí lãnh đạo nữ và 29 đồng chí lãnh đạo các ngành từ tỉnh đến xã.

Ngoài thực hiện có hiệu quả 5 chương trình trọng tâm, các cấp Hội còn thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tổ chức Hội phụ nữ đối với các gia đình có công với nước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thương bình liệt sĩ (27/7/1997), Tỉnh hội phụ nữ tổ chức hội nghị gặp mặt các mẹ, vợ liệt sĩ, vợ thương binh nặng tiêu biểu của tỉnh. 74 đại biểu đại diện cho hàng nghìn mẹ, vợ liệt sĩ, vợ thương binh về dự hội nghị. Các cấp Hội đã chăm sóc, đỡ đầu 490 bố, mẹ, vợ liệt sĩ, con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, thăm viếng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ. Công tác tuyển quân, động viên tân binh lên đường nhập ngũ, các hoạt động kết nghĩa với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn... luôn được các cấp Hội coi trọng và thực hiện tốt. Các cấp Hội đã giúp gia đình đối tượng chính sách với số tiền là 330,378 triệu đồng và 21.248 công; tặng bộ đội, dân quân và tân binh 170,673 triệu đồng; tặng 437 sổ tiết kiệm tình nghĩa và bổ sung thêm vào 195 sổ với tổng giá trị là 90,846 triệu đồng, cùng với các ngành tặng 278 vườn cây tình nghĩa, 17 nhà tình nghĩa và sửa chữa 29 nhà. Hưởng ứng các cuộc vận động như mua công trái xây dựng Tổ quốc, ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ quỹ vì trẻ thơ,  ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt... các cấp Hội đều tích cực tham gia và có số tiền ủng hộ cao.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, thực hiện 5 chương trình do Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII và VIII đề ra, các cấp Hội phụ nữ Bắc Giang đã có bước phát triển trên nhiều mặt, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ở thời kỳ này, vị trí của người phụ nữ Bắc Giang từng bước được khẳng định trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Với bản chất chịu thương, chịu khó, dịu hiền, nhân ái, năng động, phụ nữ Bắc Giang không ngừng vươn lên làm chủ bản thân, gia đình và xã hội, tích cực, chủ động trong việc nâng cao trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Những thành tựu trong việc thực hiện 5 chương trình trọng tâm của phụ nữ Bắc Giang đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Năm 2000 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 55 năm ngày Quốc khánh 2/9, 70 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã liên tục phát động các đợt thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn. Ngày 6/9/2000, Đại hội thi đua của phụ nữ tỉnh đã được tổ chức để tổng kết phong trào thi đua 10 năm trong thời kỳ đổi mới (1989-2000). 120 đại biểu tiên tiến đại diện cho tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực công tác trong toàn tỉnh đã về dự Đại hội. Phong trào phụ nữ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua, 18 cá nhân và 9 tập thể được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, 95 tập thể và cá nhân được Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen. Đây là Đại hội thi đua lần đầu tiên ở cấp tỉnh, đánh dấu một bước trưởng thành của phong trào phụ nữ.

II. Phụ nữ Bắc Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2001- 2006)

Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 4 năm tái lập tỉnh, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Giang ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tõ ngµy 19 ®Õn ngµy 22/ 12/ 2000, §¹i héi ®¹i biÓu lÇn thø XV §¶ng bé tØnh B¾c Giang nhiÖm kú 2001- 2005 khai m¹c. §¹i héi ®Ò ra ph­¬ng ph­íng, nhiÖm vô, môc tiªu chñ yÕu cña nhiÖm kú 2001- 2005 lµ: “TÝch cùc huy ®éng c¸c nguån lùc, khai th¸c cã hiÖu qu¶ tiÒm n¨ng, lîi thÕ cña ®Þa ph­¬ng ®Ó ®Èy m¹nh tèc ®é ph¸t triÓn kinh tÕ vµ chuyÓn dÞch c¬ cÊu kinh tÕ theo h­íng c«ng nghiÖp ho¸, hiÖn ®¹i ho¸, trong ®ã chó träng ph¸t triÓn n«ng nghiÖp, n«ng th«n theo h­íng s¶n xuÊt hµng ho¸, ®ång thêi víi ph¸t triÓn c«ng nghiÖp- tiÓu thñ c«ng nghiÖp, dÞch vô, n©ng cao søc c¹nh tranh trong s¶n xuÊt kinh doanh. X©y dùng c¸c c¬ chÕ, chÝnh s¸ch khuyÕn khÝch c¸c thµnh phÇn kinh tÕ trªn ®Þa bµn ph¸t triÓn, øng dông nhanh vµ cã hiÖu qu¶ c¸c thµnh tùu, tiÕn bé vÒ khoa häc kü thuËt c«ng nghÖ míi vµo s¶n xuÊt vµ ®êi sèng. T¨ng c­êng ®Çu t­ c¬ së vËt chÊt, kÕt cÊu h¹ tÇng kinh tÕ- x· héi ë ®« thÞ còng nh­ c¸c vïng n«ng th«n, miÒn nói cña tØnh. TËp trung chØ ®¹o ph¸t triÓn sù nghiÖp gi¸o dôc- ®µo t¹o; quan t©m ch¨m lo sù nghiÖp v¨n ho¸, x· héi, ch¨m sãc søc khoÎ, gi¶i quyÕt viÖc lµm, xo¸ ®ãi, gi¶m nghÌo, n©ng cao ®êi sèng vËt chÊt, tinh thÇn cho nh©n d©n, nhÊt lµ víi vïng s©u, vïng cao, vïng cã nhiÒu khã kh¨n”.

Thùc hiÖn NghÞ quyÕt §¹i héi, TØnh uû ®· l·nh ®¹o vµ chØ ®¹o c¸c ngµnh, c¸c cÊp x©y dùng vµ tæ chøc thùc hiÖn 6 ch­¬ng tr×nh ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi träng t©m cña tØnh giai ®o¹n 2001- 2005 theo NghÞ quyÕt sè 36- NQ/TU cña Ban ChÊp hµnh §¶ng bé tØnh (Kho¸ XV) ®ã lµ:

-         Ch­¬ng tr×nh ph¸t triÓn n«ng nghiÖp theo h­íng s¶n xuÊt hµng ho¸.

-         Ch­¬ng tr×nh ph¸t triÓn c«ng nghiÖp, tiểu thñ c«ng nghiÖp.

-         Ch­¬ng tr×nh ph¸t triÓn c¬ së h¹ tÇng.

-         Ch­¬ng tr×nh n©ng cao chÊt l­îng gi¸o dôc- ®µo t¹o.

-         Ch­¬ng tr×nh ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi miÒn nói g¾n víi xo¸ ®ãi gi¶m nghÌo.

-         Ch­¬ng tr×nh c¶i c¸ch hµnh chÝnh, x©y dùng vµ n©ng cao hiÖu lùc cña bé m¸y qu¶n lý nhµ n­íc tõ tØnh ®Õn c¬ së.

          Trong hai ngày 13- 14/11/2001, Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Bắc Giang lần thứ XII (nhiệm kỳ 2001- 2006) đã diễn ra tại Hội trường Nhà khách Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang. Đại hội đề ra mục tiêu: “Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy tiềm năng sức sáng tạo, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tích cực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng người phụ nữ mới yêu nước, có tri thức, năng động sáng tạo, có lòng nhân hậu. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Phát triển đội ngũ cán bộ nữ trên các lĩnh vực. Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phấn đấu vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ.” Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 đồng chí, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Dương Thị Lợi được bầu giữ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch là đồng chí Hoàng Thị Nguyễn và đồng chí Nguyễn Thị Bắc. Đại hội bầu 12 đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX.

          Từ ngày 22- 23/2/2002, Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, bình đẳng, năng động, sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đại hội quyết định tiếp tục phát động và đẩy nhanh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và đề ra 6 chương trình hoạt động trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2002-2007.

          1. Giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ.

2. Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

3. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

4. Xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh.

5. Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng nam - nữ.

6. Hoạt động đối ngoại nhân dân.

Điểm mới của nhiệm kỳ này, từ hai phong trào thi đua thực hiện trong nhiệm kỳ trước được rút gọn thành một phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, đồng thời bổ sung một chương trình hoạt động trọng tâm “Hoạt động đối ngoại nhân dân” nhằm động viên sự tham gia đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện phong trào thi đua và 6 chương trình trọng tâm trong các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đạt kết quả thể hiện trên các lĩnh vực.

1. Phụ nữ thực hiện phong trào thi đua và các chương trình trọng tâm công tác Hội.

Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai học tập các tiêu chuẩn của phong trào thi đua đến hội viên phụ nữ, tổ chức đăng ký thực hiện các tiêu chuẩn của phong trào, chỉ đạo đưa vào chỉ tiêu đăng ký thi đua hàng năm, lồng ghép thực hiện phong trào thi đua với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức được 19.642 cuộc tuyên truyền nội dung của phong trào thi đua cho 1.473.199 lượt cán bộ hội viên phụ nữ, trong đó có 1.109.652 lượt hội viên đăng ký thực hiện. Qua bình xét có 785.291 lượt hội viên đạt tiêu chuẩn  “Phụ nữ tích cực học tập”; 77.309 lượt hội viên đạt tiêu chuẩn “lao động sáng tạo”; 797.774 lượt hội viên đạt tiêu chuẩn “xây dựng gia đình hạnh phúc”. Năm 2006, tổng kết phong trào thi đua (giai đoạn 2001-2006), toàn tỉnh có 133.212 hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua 5 năm liền, trong đó có 722 hội viên được đề nghị Trung ương công nhận, 4.501 hội viên được cấp tỉnh công nhận, 106.045 hội viên được cấp huyện và cơ sở công nhận.

Qua 5 năm thực hiện, phong trào thi đua đã thực sự đi vào cuộc sống của các tầng lớp phụ nữ, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, vai trò của người phụ nữ, khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự tiến bộ, phát triển của bản thân, gia đình, cộng đồng.

Phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, đời sống, việc làm

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước và tổ chức thực hiện chương trình 2 - hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Hội viên phụ nữ đã tích cực học tập, nghiên cứu, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi; đóng góp vai trò quan trọng trong đổi mới nông nghiệp, nông thôn. Các cấp Hội phụ nữ luôn quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng thông qua việc mở rộng khai thác các nguồn vốn giúp phụ nữ, vận động phụ nữ tích cực hưởng ứng chủ trương của tỉnh về “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn”; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, hộ gia đình có thu nhập 50 triệu đồng/năm, duy trì và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho phụ nữ, tăng cường hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ. Các cấp Hội đã tổ chức được 7.679 cuộc tuyên truyền, vận động 836.127 lượt gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cách làm ăn, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu đã đạt được nhiều kết quả. Với phương châm phát huy nội lực từ chính tổ chức Hội để hỗ trợ phụ nữ nghèo, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào phụ nữ giúp nhau trong sản xuất, đời sống, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, xây dựng quỹ: “Ngày tiết kiệm vì người nghèo”, xây dựng quỹ hội tạo điều kiện cho nhiều gia đình hội viên vay. Hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, xây dựng điểm xoá đói giảm nghèo được chỉ đạo triển khai rộng khắp trong các cấp Hội với nhiều hình thức như: Phân công hội viên khá giúp hội viên nghèo về giống vốn, kinh nghiệm, ngày công, đã phát huy được tinh thần tương thân tương ái và sức mạnh nội lực từ chính tổ chức Hội. Mỗi năm có hàng chục ngàn phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ về giống, vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Từ 2001 đến năm 2006, các cấp Hội đã giúp cho 7.119 gia đình hội viên thoát nghèo. 100% cơ sở Hội đều xây dựng điểm chỉ đạo về xoá đói giảm nghèo.

Công tác hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, nguồn vốn đa dạng hơn, số vốn do Hội quản lý ngày càng lớn, mức vay tăng lên đáp ứng nhu cầu sản xuất của hội viên. Ngày 9/4/2002, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký kết Nghị quyết liên tịch số 421/NQLT với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang về “Tổ chức thực hiện cho vay vốn đối với phụ nữ”. Ngày 11/11/2003, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký kết văn bản liên tịch số 01/VBLT với Ngân hàng Chính sách xã hội về “Tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP”. Trên cơ sở đó các cấp Hội đã thực hiện tốt dịch vụ uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khai thác và quản lý có hiệu quả các chương trình, dự án, đến tháng 6/2006, các cấp Hội quản lý 349,6 tỷ đồng cho 58.280 lượt hội viên vay. Các nguồn vốn cho vay được lồng ghép theo mô hình tổ, nhóm phụ nữ vay vốn tiết kiệm, vay vốn gắn với tiết kiệm, hoàn trả dần. Hội viên vay vốn từ tổ chức Hội được tham dự các hoạt động tập huấn, trao đổi, tham quan mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các nguồn vốn vay cơ bản được sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ hoàn trả cao. Từ những kết quả trên, tổ chức Hội luôn là địa chỉ tin cậy trong hoạt động tín dụng.

          Nhiều cơ sở Hội đã tranh thủ huy động được hàng tỷ đồng giúp đỡ phụ nữ nghèo có vốn sản xuất kinh doanh. Điển hình là Hội phụ nữ xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam thường xuyên huy động được trên 3 tỷ đồng giúp phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 51% năm 2001 xuống còn 15% năm 2005, tăng hộ làm kinh tế giỏi từ dưới 40% năm 2001 lên 46% năm 2005. Hàng trăm hộ nghèo được Hội giúp đỡ đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi như: Chị Giáp Thị Thiện - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Việt Tiến, huyện Việt Yên đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp kinh doanh xăng dầu và dạy nghề tạo việc làm cho hàng trăm lao động, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chị Hoàng Thị Minh - hội viên phụ nữ thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng đi đầu trong áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thường xuyên tạo việc làm cho từ 10 đến 20 lao động. Chị Vũ Thị Mai, thôn Hồ Chính, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, năm 2004, gia đình thuộc diện hộ nghèo, được tổ chức Hội hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 20 triệu đồng từ hội viên trong chi Hội, chị đã đầu tư mua máy xay xát, máy cày, trồng dưa, ớt, cà chua, năm 2006, gia đình chị đã thoát nghèo và cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. Nhiều điển hình làm kinh tế giỏi trong nông nghiệp được nhân rộng như phong trào trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế trang trại của phụ nữ huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang... đã đưa Bắc Giang trở thành một tỉnh có diện tích cây vải thiều lớn nhất cả nước. Phong trào nuôi lợn hướng nạc, nuôi con đặc sản, phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm ở Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, thành phố Bắc Giang đã góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 26 triệu đồng/ha/năm (tăng 7,3 triệu đồng/ha/năm so với năm 2000). Cơ quan Tỉnh hội phụ nữ đã nhận đỡ đầu xã Đồng Vương, huyện Yên Thế là xã đặc biệt khó khăn. Từ năm 2002 đến năm 2005, Tỉnh hội đã chỉ đạo đầu tư 118 triệu đồng tiền vốn cho 118 gia đình vay phát triển kinh tế, phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho phụ nữ, hỗ trợ thành lập 1 thư viện nhỏ trị giá 10 triệu đồng, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, tặng quà để tăng tình cảm gắn bó với đơn vị đỡ đầu.

          Song song với việc hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển sản xuất, các cấp Hội thường xuyên chủ động phối hợp với các ngành chức năng như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm thú y, Ngân hàng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý sử dụng vốn, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, các diễn đàn, hội thi, hội thảo... Thông qua đó giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao về kiến thức và kỹ năng quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

          Hưởng ứng chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, xây dựng nhà Đoàn kết toàn dân do Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực đi đầu trong việc tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tham gia đóng góp ủng hộ 632,53 triệu đồng xây sửa 312 nhà Đoàn kết toàn dân, góp phần cùng với các cấp, các ngành cải thiện nhà ở cho trên 5.000 hộ nghèo. Riêng năm 2005, hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động, các cấp Hội đã phát động cán bộ, hội viên quyên góp ủng hộ được 295,77 triệu đồng để xây dựng và sửa 22 nhà tạm, nhà tranh tre dột nát cho phụ nữ nghèo. Các cấp Hội còn làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện như tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ cho hàng chục ngàn gia đình chính sách, phụ nữ nghèo, gia đình nạn nhân chất độc da cam nhân dịp lễ tết, dịp 27/7 trị giá hàng chục triệu đồng mỗi năm; giúp trên 80 ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vận động 252 cháu học sinh bỏ học trở lại trường, xây dựng quỹ khuyến học, quỹ vì trẻ thơ, quỹ bảo trợ trẻ em, tặng quà cho các cháu học sinh, trẻ em...

 Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm được quan tâm chỉ đạo. Ngày 18/5/2004, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm 8/3 thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được thành lập theo Quyết định số 39/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Giám đốc Trung tâm là đồng chí Phó Chủ tịch Hội kiêm nhiệm, cán bộ và kế toán Trung tâm là cán bộ của cơ quan kiêm nhiệm. Phương châm hoạt động là hướng tổ chức dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề của tỉnh với việc tăng cường dạy nghề lưu động tại cơ sở, tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm, kết hợp đào tạo nghề với đào tạo kỹ năng quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, mở các lớp khởi sự doanh nghiệp giúp cho các hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Các cấp Hội đã tổ chức được 152 lớp dạy nghề may công nghiệp, thêu, móc sợi, làm cầu lông… cho 8.763 người, giới thiệu việc làm cho 11.401 lao động, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, từng bước cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước.

Lao động nữ trong các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã nỗ lực vươn lên tạo ra sản phẩm ngày càng đa dạng phong phú, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn của tỉnh. Với tỷ lệ trên 50% lực lượng lao động, phụ nữ trong các ngành dịch vụ thương mại - du lịch, tài chính, ngân hàng đã không ngừng thi đua học tập, lao động sáng tạo, cải tiến dịch vụ với chất lượng ngày càng cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ nông thôn được tiếp cận và thụ hưởng các hoạt động dịch vụ, giảm bớt gánh nặng nội trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong kinh tế thị trường đã xuất hiện nhiều nữ chủ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đã chứng tỏ vị thế của phụ nữ trong thời kỳ mới. Chị em đã năng động, sáng tạo, bám sát thị trường, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, nắm bắt thông tin, tiếp thu công nghệ mới, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động. Để hỗ trợ doanh nghiệp nữ phát triển, từ năm 2002 đến hết năm 2006, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức được hơn 20 lớp tập huấn về nội dung chính sách giải quyết và phát triển doanh nghiệp nữ, chính sách pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, giới và kinh doanh cho 1.105 lượt doanh nghiệp nữ; hỗ trợ hàng trăm cuốn sách học hỏi kinh doanh và biên soạn tài liệu phục vụ học viên tham gia lớp tập huấn doanh nghiệp nữ; tổ chức các cuộc tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh tại tỉnh và tỉnh bạn cho hàng chục doanh nghiệp nữ. Năm 2003, Tỉnh hội đã chỉ đạo thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp nữ đầu tiên ở huyện Lục Nam có 30 chị tham gia. Đến hết năm 2006, toàn tỉnh đã xây dựng được 19 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ có 402 chị tham gia. Các câu lạc bộ đã duy trì sinh hoạt thường xuyên và tổ chức được một số hoạt động như tập huấn, giao lưu, tham quan, nâng cao kiến thức cho các thành viên trong câu lạc bộ.

Những hoạt động của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, đời sống, việc làm đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo của tỉnh và chủ trương phát triển kinh tế của Đảng trong thời kỳ đổi mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 18,34% năm 2001 xuống còn 6,95% năm 2004 (theo chuẩn cũ) và 30,6% năm 2005 xuống còn 25,04% năm 2006 (theo chuẩn mới). Tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng nhiều.

          Phụ nữ trong lĩnh vực văn hoá, xã hội và khoa học:

Trong lĩnh vực văn hoá, xã hội và khoa học, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tham gia khắc phục những hiện tượng văn hóa xã hội tiêu cực, những tệ nạn xã hội diễn ra trên địa bàn, phấn đấu dưới nhiều hình thức học tập nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất, công tác trong đó chú trọng thực hiện các chương trình: giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng nam - nữ.

Với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú thiết thực, các cấp Hội đã bồi dưỡng cho hàng vạn phụ nữ về những giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Yêu nước, có tri thức, có sức khoẻ, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng”; nâng cao hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hội đã quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức; tổ chức hoạt động lồng ghép, nâng cao nhận thức cho phụ nữ nhân các ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc như: tổ chức toạ đàm, gặp mặt Cán bộ Hội, phụ nữ “Ba đảm đang, ngày ấy – bây giờ”, giao lưu văn hoá văn nghệ, biểu dương điển hình tiên tiến, học tập gương liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc, tổ chức, vận động cán bộ hội viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước và về Hội; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, đóng góp tôn tạo Đền thờ Hai Bà Trưng, xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng… đã có tác dụng to lớn, gây ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp phụ nữ. Hội đã chuyển 74.000 cuốn tài liệu sinh hoạt các loại đến 100% cơ sở Hội; tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức cho trên 15 triệu lượt phụ nữ, nhiều cơ sở tổ chức đã thu hút trên 85% cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia như xã Hồng Giang (Lục Ngạn), Xương Lâm (Lạng Giang), Hợp Thịnh (Hiệp Hoà), phường Lê Lợi (thành phố Bắc Giang), thị trấn An Châu (Sơn Động), thị trấn Cao Thượng (Tân Yên)… Ngày 18/3/2005, Tỉnh hội đã tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào “Ba đảm đang” và điển hình trong thời kỳ đổi mới 2000-2005, Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, có 150 đại biểu dự, trao Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” cho 32 đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ; biểu dương 100 đại biểu là cá nhân điển hình, cán bộ Hội xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Các hoạt động của Hội mang ý nghĩa chính trị xã hội, nhân văn sâu sắc, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong công tác giáo dục, phụ nữ trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” và thực hiện Luật giáo dục, các bà mẹ đã khắc phục khó khăn đưa con đến trường. Hầu hết trẻ em gái đến tuổi đi học đều được đến trường, học sinh nữ đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi chiếm tỷ lệ cao (Năm học 2003, 2004 có 24 học sinh nữ đạt giải quốc gia, chiếm 60% số học sinh đạt giải; học sinh nữ giỏi cấp tỉnh ở các trường Trung học phổ thông chiếm 74%; Trung học cơ sở chiếm 78,3%). Lao động nữ trong ngành Giáo dục- Đào tạo chiếm 76,7%. Nữ cán bộ trong ngành Giáo dục đã thực hiện tốt phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tỷ lệ nữ giáo viên đạt chuẩn chiếm 76,3%, trên chuẩn đạt 12,6%, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh, đạt phổ cập đúng độ tuổi vào năm 2003 và đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở sớm trước mục tiêu 2 năm. Trình độ đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh ngày càng được nâng lên, đến tháng 11/2005 có 75/210 cán bộ nữ có trình độ trên đại học so với tổng số người có trình độ trên đại học, chiếm 35,7%, có 2 nữ tiến sỹ, 10 nhà giáo ưu tú. So với tổng số cán bộ có cùng trình độ, số cán bộ nữ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chiếm 25,1%, cán bộ nữ có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chiếm 51,8%. Phụ nữ đã cùng các thành viên trong gia đình thực hiện xây dựng gia đình 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đóng góp cho tỉnh nguồn nhân lực có sức khoẻ, có đức, có tài. Nhiều bà mẹ dù đời sống khó khăn nhưng vẫn tần tảo, chắt chiu nuôi con ăn học thành tài. Vai trò của phụ nữ trong xây dựng tổ ấm gia đình đã góp phần không nhỏ vào thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

 Trong lĩnh vực khoa học công nghệ so với các năm trước, lực lượng nữ đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ có trình độ đại học và sau đại học ngày càng tăng. Nhiều chị có đề tài, sáng kiến khoa học được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống đạt hiệu quả cao. Trong hoạt động bảo vệ môi trường, chị em phụ nữ tham gia nhiều chương trình như khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, IPM, trồng rau sạch, phong trào “Sạch làng tốt ruộng” góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng diện tích đất lâm nghiệp có rừng toàn tỉnh lên 123.429 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,5%.

Công tác chăm sóc sức khoẻ phụ nữ- trẻ em được các cấp Hội quan tâm tổ chức thực hiện. Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống HIV/AIDS, thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản thường xuyên được tuyên truyền sâu rộng. Hội phối hợp với ngành y tế tổ chức khám chữa bệnh cho phụ nữ, thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản tới các xã đặc biệt khó khăn; phòng tránh, chữa trị các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Năm 2001, thực hiện chương trình “Phòng tránh và chữa trị các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản”, Tỉnh hội phụ nữ đã chỉ đạo triển khai, tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên các cấp; tổ chức 561 buổi truyền thông tại tổ, nhóm phụ nữ cho 18.691 cán bộ, hội viên phụ nữ; tư vấn 2.688 cặp vợ chồng, 9.614 hộ gia đình cách phòng tránh, chữa trị các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản; tổ chức khám, cấp thuốc điều trị cho 1.526 cặp vợ chồng, 65 nam giới và 2.938 chị có chồng đi làm ăn xa. Cán bộ nữ ngành y chiếm 57,1% tổng số cán bộ công nhân viên chức và lao động. Chị em luôn khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện y đức, góp phần đưa tỷ lệ 100% trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh có bác sỹ về làm việc; giảm tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng từ 38,3% năm 2000 xuống còn 28,1% năm 2005; hạ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 1,27% năm 2000 xuống còn 1,1% năm 2005; tỷ lệ phụ nữ có thai được đi khám đủ 3 lần trước khi sinh tăng 16,47 %; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 0,5‰.

     Các cấp Hội phối hợp với Sở Văn hoá, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với việc thực hiện xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm cuộc Hội thảo về vai trò của ông bà, cha, mẹ trong gia đình, biểu dương điển hình tiên tiến nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm, toạ đàm xây dựng gia đình hạnh phúc, hội thi Bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, xây dựng các mô hình câu lạc bộ Dân số - kế hoạch hoá gia đình, câu lạc bộ 4 không, 5 không, 6 không, phòng chống tệ nạn xã hội, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật… Các câu lạc bộ được phát triển mạnh ở hầu hết các huyện, thành phố bước đầu có tác dụng tích cực trong việc tư vấn, hỗ trợ chị em phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Việc bình xét gia đình cán bộ, hội viên đạt 4 chuẩn mực được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và lồng ghép với các tiêu chuẩn xây dựng đình văn hoá, do đó số lượng gia đình đạt 4 chuẩn mực năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2005, có 211.512 gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” (so với năm 2002 tăng 100.679 gia đình).

     Trước thực trạng vấn đề bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em là vấn đề xã hội bức xúc không chỉ ở địa phương mà còn mang tính toàn cầu. Địa bàn Bắc Giang chưa có một tổ chức, cá nhân nghiên cứu đề cập đến vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ trì Đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em tỉnh Bắc Giang” do đồng chí Nguyễn Thị Bắc - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện từ tháng 6 năm 2005 đến tháng 12 năm 2006. Sau quá trình nỗ lực thực hiện, đề tài đã được đánh giá và nghiệm thu trước Hội đồng khoa học cấp tỉnh đạt loại xuất sắc. Kết quả của đề tài là luận cứ khoa học cho các giải pháp của tỉnh nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ- trẻ em.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ về “Tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”, “Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm” và “Chương trình hành động phòng chống ma túy giai đoạn 2001-2005”, đồng thời phát huy tiềm năng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngày 8/5/2002 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an đã ký Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”. Ngày 4/9/2002, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành công văn số 236-CV/TU chỉ đạo Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT. Ngày 20/9/2002, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Công an tỉnh đã ký kết Kế hoạch liên ngành số 95-KH/HLHPN-CAT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01/2002/NQLT, chọn thị xã Bắc Giang làm điểm chỉ đạo thực hiện và phân công cán bộ tham gia Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội các cấp. Từ mô hình điểm, nhiều mô hình đã được xây dựng như câu lạc bộ “Phụ nữ không có chồng con, người thân nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật”, câu lạc bộ “Phụ nữ vận động chồng con, người thân không nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật”, 2 loại hình câu lạc bộ này đã phát huy tác dụng tốt ở nhiều địa phương điển hình là xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hoà; xã Dĩnh Kế, thị xã Bắc Giang. Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Bắc Giang đã có sáng kiến phát động phong trào “Phụ nữ thị xã Bắc Giang với công tác phòng, chống ma tuý từ trong gia đình” và phong trào “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người nghiện” để phân công chị em giúp đỡ cảm hoá đối tượng lầm lỡ. Hàng năm, Hội phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn, chiến dịch truyền thông tới các nhóm đối tượng và nhất là các đối tượng có nguy cơ cao tại các xã trọng điểm có nhiều người nghiện. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đưa nhiều tin bài, phóng sự về hoạt động phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đặc biệt năm 2005, Hội phụ nữ tỉnh đã phối hợp cùng Công an tỉnh xây dựng phóng sự dự thi “Giã từ bóng tối” về phòng chống ma tuý. Phóng sự đã đạt Huy chương Bạc tại liên hoan phim do Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Một số nơi tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các hoạt động giáo dục, cảm hoá giúp đỡ và cai nghiện thành công được dư luận đồng tình ủng hộ. Trong các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội luôn được hội viên phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh tích cực tham gia, góp phần giữ gìn an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội đã chỉ đạo thực hiện, phát hiện, tố giác hàng trăm tụ điểm hoạt động cờ bạc, trộm cắp, ma tuý, mại dâm báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Cuối năm 2006, có 641.801 gia đình cán bộ, hội viên ký cam kết không có chồng, con, người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.

Bắc Giang là một trong 14 tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước có tình trạng phụ nữ và trẻ bị buôn bán. Năm 2001, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các ngành Công an, Văn hóa thông tin, Tư pháp, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân khảo sát đến 100% cơ sở Hội về tình hình phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Kết quả khảo sát là luận cứ để Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và cơ sở; chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em bằng nhiều hình thức. Thực hiện Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ 2004-2010, giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện Tiểu đề án 1 về “Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em”, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và là thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình 130, thực hiện Đề án 01 do Ban chỉ đạo tỉnh giao, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các cấp hội tổ chức hoạt động tại cơ sở; đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng trong tổ chức các hoạt động đem lại nhiều kết quả đáng kể góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ-trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh.

     Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh quan tâm chỉ đạo. Năm 2003, Tỉnh hội đã ký kết Chương trình phối hợp số 1159/2003/CTPH-TP-PN ngày 04/11/2003 với Sở Tư pháp về phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Trên cơ sở chương trình phối hợp, chỉ đạo mỗi huyện chọn một xã điểm về phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng điểm câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”. Các cấp Hội toàn tỉnh đã tham gia hòa giải thành công 2.233 vụ mâu thuẫn tại cơ sở; nhận và phối hợp giải quyết 594 đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của hội viên; phối hợp tổ chức … cuộc thi viết tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống mại dâm, an toàn toàn giao thông, hôn nhân gia đình, pháp lệnh dân số… thu hút 226.333 người tham gia viết bài. 

     Phát huy truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, các tầng lớp phụ nữ đã tham gia tích cực, có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhân đạo từ thiện”. Cùng với các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, phụ nữ Bắc Giang đã quyên góp ủng hộ hàng tỷ đồng làm nhà tình nghĩa, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam, gia đình đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao đã từng bước phát triển rộng rãi, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Ngày 4/12/2001, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký kết với Sở Thể dục Thể thao Kế hoạch số 95/KH-LN về hoạt động thể dục thể thao trong các cấp Hội giai đoạn 2001-2010. Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động phong trào rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ “Mỗi phụ nữ chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để rèn luyện nâng cao sức khoẻ, vẻ đẹp của người phụ nữ”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Thể dục Thể thao tổ chức Giải Cầu lông truyền thống phụ nữ 8/3 hàng năm, Giải Bóng đá nữ 2 năm một lần. Nhiều chị em đã tích cực học tập, rèn luyện và giành được thứ hạng cao tại các giải văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao lớn do tỉnh và Trung ương tổ chức, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tiêu biểu, năm 2005, đoàn vận động viên nữ của tỉnh tham gia Giải Cầu lông toàn quốc do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã đạt Giải nhì toàn đoàn với 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.

Phụ nữ trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền:

     Các cấp Hội đã tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền thông qua việc nắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, đồng thời tổ chức cho hội viên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, sửa đổi bổ sung một số điều Hiến pháp 1992, tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp. Năm 2002, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với Ban Dân vận, tham mưu với cấp uỷ cùng cấp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8b (Khoá VI) về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân gắn với việc tổng kết Nghị quyết 04- NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới” đồng thời vận động phụ nữ tích cực tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI đạt tỷ lệ 92% phụ nữ tham gia bỏ phiếu bầu cử.

     Năm 2004, thực hiện Kế hoạch bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp (nhiệm kỳ 2004-2009 và kéo dài đến năm 2011), Đảng đoàn Tỉnh hội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đến 100% cơ sở Hội, tổ chức gia lựa chọn, giới thiệu những phụ nữ tiêu biểu đại diện cho giới nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp và  truyên truyền vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia bỏ phiếu góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử với kết quả đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 29,7%; cấp huyện đạt 26,8%; cấp xã đạt 19,9%.

Số cán bộ nữ giữ các chức danh trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có 16 đồng chí (tăng 8 đồng chí so với năm 2001). Nhiều ngành có cán bộ nữ chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên có nữ tham gia ban lãnh đạo là: Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn... Năm 2005 so với năm 2001, cấp huyện có 3 đồng chí cán bộ nữ giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (tăng 3 đồng chí); Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện có 3 đồng chí (tăng 2 đồng chí); thường trực Hội đồng nhân dân huyện có 1 đồng chí (tăng 1 đồng chí); Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã có 15 đồng chí (tăng 12 đồng chí); Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có 2 đồng chí (tăng 1 đồng chí); Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có 8 đồng chí (tăng 6 đồng chí).

     Thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP ngày 07/3/2003 của Chính phủ “Về việc quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước” với chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội phụ nữ các cấp đã tích cực tham gia trong các Hội đồng tư vấn, các Ban chỉ đạo, đóng góp ý kiến vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…. Sơ kết 2 năm tổ chức thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP đã có 2.860 lượt ý kiến của các cấp Hội tham gia được giải quyết, tiếp thu. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung vào các văn bản luật, chủ trương chính sách, chương trình hành động, chiến lược quốc gia nhất là các văn bản có liên quan đến phụ nữ và trẻ em như: Luật Đất đai, Luật Dân sự , Luật Hình sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược phát triển dân số đến 2020… được 1.997 lượt ý kiến.

     Tỉnh Hội phụ nữ tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ động làm việc với Thường trực các Huyện uỷ, Thành uỷ về nhân sự tham gia cấp uỷ và tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở 100% huyện, thị, 16 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 224/229 xã, phường, thị trấn. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010. Những việc làm đó đã có tác động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác cán bộ nữ, góp phần tăng tỷ lệ nữ cấp uỷ của cả 3 cấp, làm cơ sở tạo nguồn cán bộ nữ cho việc xây dựng quy hoạch cán bộ của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Tuy nhiên nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, đảng viên về vai trò của phụ nữ trong tham gia quản lý nhà nước còn hạn chế. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ, đảng viên nhận thức về bình đẳng giới chưa sâu sắc, nhìn nhận, đánh giá phụ nữ còn cầu toàn, khắt khe, chưa tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên. Một số cán bộ nữ, cán bộ Hội chưa chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị về thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ; trình độ, năng lực của một số cán bộ Hội còn hạn chế, ngại học tập, còn có tư tưởng an phận.

     Tháng 9/2002, Tỉnh ủy phát động cuộc vận động “3 xây, 3 chống” với nội dung: Xây dựng tính tiền phong, gương mẫu trong học tập, lao động và công tác; xây dựng lối sống giản dị, trong sạch, quần chúng; xây dựng tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; chống tham nhũng; chống lãng phí; chống quan liêu. Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động bằng việc không ngừng phấn đấu và rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng để trở thành đảng viên. Tỷ lệ đảng viên nữ, cán bộ nữ ngày càng tăng. Đến tháng 6/2006, số nữ đảng viên của toàn tỉnh có 11.438/57.015 đồng chí chiếm 20,4% tổng số đảng viên toàn tỉnh, tăng 6,55% so với năm 2000. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, tham gia Hội đồng nhân dân 3 cấp có những tiến bộ vượt bậc. Cấp uỷ tỉnh tăng 5,8%; cấp huyện tăng 2,63%; cấp xã tăng 2,72%. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng 3,1%, huyện tăng 3,07%, xã tăng 1,85%. Trước những biến động của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, hầu hết đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh vẫn giữ được lối sống lành mạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trên cương vị công tác được đảm nhiệm, các chị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ trong quản lý điều hành, có khả năng thuyết phục, vận động, sâu sát cơ sở và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc tham gia, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng là việc thực hiện chương trình 5- một trong các chương trình trọng tâm của các cấp Hội.

          Phụ nữ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại

          Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” và các hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia lực lượng dân quân tự vệ, các tổ liên gia tự quản, diễn tập phòng chống bão lụt, thực hành diễn tập khu vực phòng thủ ở địa phương. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang luôn giữ vững truyền thống cao đẹp “Trung với nước, hiếu với dân”, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước. Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH ngày 9 tháng 11 năm 1999 về việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng vũ trang với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang, các cấp Hội đã thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh như: Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường biên giới hải đảo”; Nghị quyết số 150/NQ-ĐUQS của Đảng ủy quân sự về “Quân đội tham gia lao động sản xuất làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt, tham gia phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn chiến lược”.

Các cấp Hội đã phối hợp với lực lượng vũ trang, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn như: Quân đoàn 2, Trung đoàn 203, Lữ đoàn 164, Trung đoàn 36... tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa xây dựng mối đoàn kết quân dân, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội... Các cấp Hội còn tổ chức nhiều hoạt động phối hợp như tổ chức gặp mặt, toạ đàm, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, giúp đỡ đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ luyện tập. Điển hình các đơn vị làm tốt công tác phối hợp như: Hội phụ nữ huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam.

Hoạt động đối ngoại nhân dân là chương trình mới trong nhiệm kỳ này nhưng đã được các cấp Hội phụ nữ nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ đối ngoại, chủ động nghiên cứu tìm hiểu khai thác các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức tiếp đón và làm việc với tổ chức nước ngoài chu đáo, đúng quy định thể thức của nhà nước. Từ 2002-2005, Hội đã có 73 cuộc làm việc với các đoàn khách quốc tế, giữ được mối quan hệ thân thiện, tạo điều kiện và cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác tốt.

2. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội

     Ngày 7/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2005/NĐ-CP “Về việc thành lập Thành phố Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang”, Thị hội phụ nữ Bắc Giang đã chuyển thành Thành hội phụ nữ Bắc Giang. Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc của Hội phụ nữ tỉnh không ngừng được xây dựng và phát triển. Năm 2001, trụ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chuyển từ số 48, đường Ngô Gia Tự đến số 72, đường Hùng Vương, thành phố Bắc Giang. Ở giai đoạn này, đội ngũ cán bộ cấp tỉnh có 15 cán bộ trong biên chế, trong đó có 13 nữ, 2 nam (1 kế toán, 1 nhân viên lái xe) và 2 nhân viên hợp đồng bảo vệ. Cán bộ chuyên trách cấp huyện: mỗi huyện có từ 4-5 cán bộ, tổng số là 44 cán bộ; có 3 đơn vị trực thuộc là Ban Nữ công Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Công tác nữ Công an tỉnh vµ Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cán bộ, công chức, nhân viên Tỉnh hội, Đảng đoàn Tỉnh hội Phụ nữ đã đề ra chủ trương chỉ đạo “Kỷ cương, nề nếp, chất lượng, hiệu quả”, “hướng về cơ sở”. Các cấp Hội phụ nữ đã lựa chọn được nhiều nội dung hoạt động mới, với cách thức giải quyết mới, làm cho hoạt động của Hội ngày càng thiết thực như: Hoạt động giao ban định kỳ hàng tháng được duy trì từ tỉnh đến cơ sở giúp cho việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn nảy sinh trong quá trình công tác. Hoạt động của các cấp Hội được xây dựng có kế hoạch, chọn điểm để chỉ đạo, rút kinh nghiệm. Các chương trình, dự án, các lớp tập huấn, hoạt động tư vấn được tổ chức đến chi, tổ phụ nữ, tạo điều kiện cho hội viên có cơ hội tham gia và tiếp cận kiến thức mới. Việc phân công cán bộ phụ trách phong trào, quy định chế độ đi cơ sở đối với cán bộ chuyên trách giúp cho việc đánh giá, xếp loại phong trào được chính xác, khách quan; đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất biện pháp chỉ đạo phù hợp. Việc sơ, tổng kết các phong trào thi đua, các mô hình hoạt động được chú trọng, đã khích lệ, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân đóng góp nhiều hơn cho phong trào và thu hút ngày càng đông đảo phụ nữ đến tổ chức Hội.

     Tháng 7/2004, đồng chí Dương Thị Lợi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chuyển công tác sang Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Bắc- Phó Chủ tịch được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Tháng 10/2005, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khoá XII đã bầu bổ sung đồng chí Lâm Thị Hương Thành - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khoá XII nhiệm kỳ 2001- 2006.

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, rà soát xây dựng bộ máy đảm bảo chất lượng, củng cố kiện toàn cơ sở yếu, kịp thời bổ sung cán bộ khi thiếu, quan tâm kết nạp hội viên mới, quan tâm xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm xây dựng quỹ hội và giáo dục bồi dưỡng giới thiệu hội viên ưu tú cho Đảng để Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Hàng năm, Hội phụ nữ từ tỉnh tới huyện phối hợp với Trường chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp. So với nhiệm kỳ trước, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Hội ngày càng tăng: Cán bộ cấp tỉnh có trình độ đại học tăng 10%, cao cấp và cử nhân chính trị tăng 3,34%; cán bộ nữ cấp huyện, thành phố có trình độ đại học tăng 26,45%, cao cấp và cử nhân chính trị tăng 3,82%; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các cơ sở có trình độ trung cấp tăng 5,4%, trình độ trung cấp lý luận chính trị tăng 33,54%; 95% cán bộ chủ chốt cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Hội. Từ năm 2002 đến 2005, đã củng cố kiện toàn 365 chi - tổ, 128 cơ sở, tuyển 8 cán bộ tỉnh - huyện; kết nạp mới 24.044 hội viên; cử và tạo điều kiện cho 290 chị đi học các lớp chính trị và chuyên môn; giới thiệu để Đảng cử đi học cảm tình 2.134 chị, 2.599 chị được kết nạp Đảng, tỷ lệ nữ đảng viên ngày càng tăng từ 13,51% (năm 2000) lên 20,4% (năm 2006).

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng nhiều mô hình thu hút tập hợp hội viên. Đến 6/2006, đã có 15.811 mô hình phụ nữ sinh hoạt theo chuyên đề thu hút được 343.513 hội viên tham gia (đạt 70%).

Công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp và chấp hành Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, Hội tổ chức các đoàn kiểm tra theo cụm, kiểm tra chéo, tập trung vào các chỉ tiêu thi đua. Từ đó hoạt động của Hội ngày càng đi vào nền nếp góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội đã đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Thực hiện Nghị quyết Đại hội về cơ bản các chỉ tiêu đề ra từng năm đã đạt. Có một số chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành như: Số hội viên được thụ hưởng các hoạt động tuyên truyền giáo dục bồi dưỡng kiến thức do Hội tổ chức hoặc phối hợp tổ chức; số hộ nghèo đói do phụ nữ làm chủ hộ được Hội phụ nữ giúp đỡ để xoá đói giảm nghèo; cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cán bộ quản lý các chương trình dự án của Hội phụ nữ chưa qua đào tạo được đào tạo có kiến thức, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; số cơ sở Hội khá và xuất sắc hiện có trên 96%, không còn cơ sở yếu. 100% cán bộ Hội chủ chốt cấp tỉnh - huyện có trình độ lý luận trung cấp, trong đó 12/25 đồng chí có trình độ lý luận cao cấp hoặc cử nhân, 18/25 đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học chuyên môn; 70% trở lên phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội.

Nhiệm kỳ 2001-2006, phong trào phụ nữ tỉnh liên tục được Trung ương Hội đánh giá là phong trào loại 1 và được tặng Cờ thi đua xuất sắc; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng 19 Cờ thi đua xuất sắc, 304 Bằng khen cho tập thể và cá nhân; có 725 đồng chí lãnh đạo, Đảng, chính quyền và cán bộ Hội phụ nữ các cấp được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” và Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”. Những phần thưởng cao quý đó đã khẳng định những cống hiến to lớn của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh trong công cuộc đổi mới.

  III. Phụ nữ Bắc Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2006- 2011)

Tõ ngµy 1 ®Õn ngµy 4/ 12/ 2005, t¹i thµnh phè B¾c Giang, §¶ng bé tØnh ®· tiÕn hµnh §¹i héi ®¹i biÓu lÇn thø XVI. §¹i héi ®· ®Ò ra ph­¬ng h­íng, môc tiªu, nhiÖm vô, gi¶i ph¸p chñ yÕu trong giai ®o¹n 2006- 2010, ph­¬ng h­íng chung lµ: “TËp trung cao ph¸t triÓn c«ng nghiÖp, tiÓu thñ c«ng nghiÖp, ngµnh nghÒ n«ng th«n; ®Èy m¹nh s¶n xuÊt n«ng nghiÖp hµng ho¸, ph¸t triÓn kinh tÕ n«ng th«n, x©y dùng n«ng th«n míi; chñ ®éng héi nhËp kinh tÕ quèc tÕ, n©ng cao chÊt l­îng hµng ho¸, dÞch vô, më réng thÞ tr­êng; t¨ng c­êng kÕt cÊu h¹ tÇng kinh tÕ- x· héi, ph¸t triÓn ®« thÞ, b¶o vÖ vµ sö dông cã hiÖu qu¶ c¸c nguån tµi nguyªn. Chó träng ph¸t triÓn nguån nh©n lùc, øng dông m¹nh mÏ khoa häc vµ kü thuËt vµo s¶n xuÊt vµ ®êi sèng. Quan t©m x©y dùng vµ ph¸t triÓn v¨n ho¸; ®Èy m¹nh gi¶i quyÕt viÖc lµm, xo¸ ®ãi, gi¶m nghÌo, n©ng cao ®êi sèng vËt chÊt, tinh thÇn cho nh©n d©n, nhÊt lµ ®èi víi vïng s©u, vïng cao, vïng cã nhiÒu khã kh¨n”.

Tõ ngày 01- 03/11/2006, §¹i héi Đại biÓu phô n÷ tØnh B¾c Giang lÇn thø XIII ®­îc tæ chøc t¹i Nhµ kh¸ch UBND tØnh B¾c Giang sè 45, ®­êng Hïng V­¬ng, thµnh phè B¾c Giang víi chñ ®Ò “Phô n÷ B¾c Giang ®oµn kÕt, ®æi míi, n¨ng ®éng, s¸ng t¹o v× môc tiªu b×nh ®¼ng, ph¸t triÓn, gãp phÇn x©y dùng quª h­¬ng giÇu m¹nh, v¨n minh”. Đại hội đề ra mục tiêu "Đoàn kết động viên các tầng lớp phụ nữ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, xây dựng người phụ nữ Bắc Giang yêu nước, sáng tạo, trung hậu, đảm đang; thực hiện bình đẳng giới; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh" và 12 chỉ tiêu thi đua của nhiệm kỳ. §¹i héi bÇu Ban ChÊp hµnh Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh kho¸ XIII gåm 27 ®ång chÝ, Ban Th­êng vô gåm 9 ®ång chÝ. C¬ cÊu Ban Chấp hành gåm l·nh ®¹o, c¸c tr­ëng, phã ban chuyªn m«n c¬ quan Th­êng trùc Héi LHPN tØnh, Chñ tÞch Héi LHPN 10 huyÖn, thµnh phè; ®¹i diÖn mét sè ban, ngµnh, ®oµn thÓ tØnh nh­: Ban Tuyªn gi¸o, Së Gi¸o dôc vµ §µo t¹o, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Ng©n hµng ChÝnh s¸ch x· héi, §oµn thanh niªn vµ đại diện giíi doanh nghiÖp n÷.  §ång chÝ NguyÔn ThÞ B¾c ®­îc bÇu gi÷ chøc Chñ tÞch, ®ång chÝ Hoµng ThÞ NguyÔn vµ ®ång chÝ L©m ThÞ H­¬ng Thµnh gi÷ chøc Phã Chñ tÞch Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh. Đoàn đại biểu phụ nữ tỉnh Bắc Giang tham dự §¹i héi §¹i biÓu phô n÷ toµn quèc lÇn thø X gồm 16 đồng chí, trong đó có 1 đại biểu đương nhiên, 14 đại biểu được bầu tại Đại hội, 1 đại biểu được §oµn Chñ tÞch Trung ­¬ng Héi Liªn hiÖp Phô n÷ ViÖt Nam kho¸ IX chØ ®Þnh là chÞ L©m ThÞ KÐo – ng­êi d©n téc Ng¸i, héi viªn phô n÷ th«n Tr¹i C¸, x· T©n Quang, huyÖn Lôc Ng¹n.

Trong 4 ngµy (từ ngày 01- 04/10/2007), §¹i héi §¹i biÓu Phô n÷ Toµn quèc lÇn thø X (nhiÖm kú 2007 - 2012) häp t¹i Trung t©m Héi nghÞ Quèc gia Mü §×nh, thñ ®« Hµ Néi víi chñ ®Ò “Phô n÷ ViÖt Nam ®oµn kÕt, s¸ng t¹o, b×nh ®¼ng, ph¸t triÓn, gãp phÇn ®Èy m¹nh c«ng cuéc ®æi míi ®Êt n­íc”. §¹i héi ®Ò ra môc tiªu “§oµn kÕt, vËn ®éng c¸c tÇng líp phô n÷ tÝch cùc häc tËp, lao ®éng s¸ng t¹o, x©y dùng gia ®×nh h¹nh phóc, chñ ®éng tham gia ph¸t triÓn kinh tÕ – x· héi vµ héi nhËp quèc tÕ; n©ng cao tr×nh ®é vÒ mäi mÆt, c¶i thiÖn ®êi sèng vËt chÊt, v¨n ho¸, tinh thÇn cña phô n÷. X©y dùng ng­êi phô n÷ ViÖt Nam cã søc khoÎ, tri thøc, kü n¨ng nghÒ nghiÖp, n¨ng ®éng, s¸ng t¹o, cã lèi sèng v¨n ho¸, cã lßng nh©n hËu. X©y dùng ph¸t triÓn tæ chøc Héi v÷ng m¹nh, ph¸t huy ®Çy ®ñ vai trß nßng cèt trong c«ng t¸c vËn ®éng phô n÷ vµ b¶o vÖ quyÒn, lîi Ých hîp ph¸p, chÝnh ®¸ng cña phô n÷. PhÊn ®Êu ®Ó gãp phÇn thùc hiÖn môc tiªu ®Õn n¨m 2020, n­íc ta lµ mét trong c¸c quèc gia cã thµnh tùu b×nh ®¼ng giíi tiÕn bé nhÊt khu vùc”. Trªn c¬ së kÕ thõa vµ ph¸t triÓn 6 ch­¬ng tr×nh träng t©m cña nhiÖm kú 2002-2007, §¹i héi quyÕt ®Þnh n©ng tÇm quy m« 6 ch­¬ng tr×nh träng t©m lªn thµnh 6 nhiÖm vô träng t©m cho phï hîp víi yªu cÇu ®ßi hái cña thêi kú ®Èy m¹nh c«ng nghiÖp ho¸, hiÖn ®¹i ho¸ ®Êt n­íc; ®ång thêi ®­a néi dung tham gia x©y dùng, ph¶n biÖn x· héi vµ gi¸m s¸t viÖc thùc hiÖn luËt ph¸p chÝnh s¸ch vÒ b×nh ®¼ng giíi thµnh mét nhiÖm vô träng t©m nh»m thùc hiÖn tèt chøc n¨ng ®¹i diÖn, b¶o vÖ quyÒn vµ lîi Ých hîp ph¸p, chÝnh ®¸ng cña phô n÷. 6 nhiÖm vô träng t©m cña nhiÖm kú 2007-2012 lµ:

NhiÖm vô 1: N©ng cao nhËn thøc, tr×nh ®é, n¨ng lùc cña phô n÷ ®¸p øng yªu cÇu t×nh h×nh míi; x©y dùng ng­êi phô n÷ ViÖt Nam cã søc khoÎ, tri thøc, kü n¨ng nghÒ nghiÖp, n¨ng ®éng, s¸ng t¹o, cã lèi sèng v¨n ho¸, cã lßng nh©n hËu.

NhiÖm vô 2: Tham gia x©y dùng, ph¶n biÖn x· héi vµ gi¸m s¸t viÖc thùc hiÖn luËt ph¸p, chÝnh s¸ch vÒ b×nh ®¼ng giíi.

NhiÖm vô 3: Hç trî phô n÷ ph¸t triÓn kinh tÕ, t¹o viÖc lµm, t¨ng thu nhËp.

NhiÖm vô 4: Hç trî phô n÷ x©y dùng gia ®×nh no Êm, b×nh ®¼ng, tiÕn bé, h¹nh phóc.

NhiÖm vô 5: X©y dùng, ph¸t triÓn tæ chøc Héi v÷ng m¹nh.

NhiÖm vô 6: Më réng quan hÖ vµ hîp t¸c quèc tÕ v× b×nh ®¼ng, ph¸t triÓn vµ hoµ b×nh.

§¹i héi tiÕp tôc ph¸t ®éng phong trµo thi ®ua "Phô n÷ tÝch cùc häc tËp, lao ®éng, s¸ng t¹o, x©y dùng gia ®×nh h¹nh phóc" g¾n víi thùc hiÖn Cuéc vËn ®éng “Häc tËp vµ lµm theo tÊm g­¬ng ®¹o ®øc Hå ChÝ Minh”.

1. Tiếp tục đẩy mạnh phong trµo thi ®ua “Phô n÷ tÝch cùc häc tËp, lao ®éng s¸ng t¹o, x©y dùng gia ®×nh h¹nh phóc”

Sau tæng kÕt, ®¸nh gi¸ 5 n¨m thùc hiÖn phong trµo thi ®ua (tõ 2002-2007), §¹i héi §¹i biÓu phô n÷ toµn quèc lÇn thø X kh¼ng ®Þnh: Phong trµo ®¹t ®­îc nhiÒu kÕt qu¶; thùc sù ®i vµo cuéc sèng cña c¸c tÇng líp phô n÷; cã t¸c ®éng, hiÖu qu¶ râ rÖt ®èi víi b¶n th©n mçi ng­êi phô n÷, gia ®×nh vµ céng ®ång; ®­îc c¸c cÊp uû, chÝnh quyÒn ®¸nh gi¸ cao. Do ®ã, néi dung cña phong trµo thi ®ua tiÕp tôc phï hîp trong giai ®o¹n míi. §iÓm míi cña phong trµo thi ®ua ë nhiÖm kú nµy lµ ®­îc thùc hiÖn g¾n víi Cuéc vËn ®éng “Häc tËp vµ lµm theo tÊm g­¬ng ®¹o ®øc Hå ChÝ Minh”, phong trµo “Toµn d©n ®oµn kÕt x©y dùng ®êi sèng v¨n ho¸”; héi viªn, phô n÷ ®¨ng ký thùc hiÖn phong trµo thi ®ua ngay ®Çu nhiÖm kú, c¸c n¨m tiÕp theo chØ ®¨ng ký bæ sung. Phong trµo thi ®ua ®­îc ph¸t ®éng th­êng xuyªn, réng r·i trong c¸c tÇng líp héi viªn, phô n÷; n¨m 2007 toµn tØnh cã 249.741/280.607 héi viªn ®¨ng ký ®¹t 89%, trong 3 n¨m tõ 2008 - 2010 cã 46.645 héi viªn, 41.757 phô n÷ ®¨ng ký bæ sung, n©ng tæng sè ®Õn 2010 cã 282.634 héi viªn, 40.898 phô n÷ ®¨ng ký thùc hiÖn phong trµo thi ®ua; hµng n¨m b×nh xÐt cã 85-90% héi viªn, 70-75% phô n÷ ®¹t 3 tiªu chuÈn cña phong trµo so víi sè ®¨ng ký.

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn đảng, toàn dân, toàn quân; Kế hoạch số 36/KH-ĐCT của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Kế hoạch số 12-KH/TU của Tỉnh uỷ Bắc Giang, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh thµnh lËp Ban ChØ ®¹o, x©y dùng kÕ ho¹ch, ch­¬ng tr×nh hµnh ®éng thùc hiÖn cuéc vËn ®éng vµ tæ chøc ph¸t ®éng, triÓn khai thùc hiÖn s©u réng ®Õn c¸c tÇng líp c¸n bé, héi viªn, phô n÷ trong tØnh. Ngµy 05/9/2007, Ban ChØ ®¹o cuéc vËn ®éng ®· ban hµnh 5 chuÈn mùc ®¹o ®øc, lèi sèng cña c¸n bé, héi viªn phô n÷ tØnh B¾c Giang häc tËp vµ lµm theo tÊm g­¬ng ®¹o ®øc Hå ChÝ Minh và triển khai học tập đến toàn thể hội viên phụ nữ. Nội dung 5 chuẩn mực là:

1.  X©y dùng tinh thÇn yªu quª h­¬ng, ®Êt n­íc, cã lßng tù hµo d©n téc, x©y dùng ng­êi phô n÷ B¾c Giang: Cã søc khoÎ, cã tri thøc, cã kü n¨ng nghÒ nghiÖp, n¨ng ®éng, s¸ng t¹o, cã lèi sèng v¨n ho¸, cã lßng nh©n hËu.

Chèng nãi tr¸i, lµm tr¸i quan ®iÓm, ®­êng lèi cña §¶ng, chÝnh s¸ch, ph¸p luËt cña Nhµ n­íc.

2.  X©y dùng ý thøc tæ chøc kû luËt, tinh thÇn tr¸ch nhiÖm cao trong c«ng viÖc, d¸m nghÜ, d¸m lµm, s©u s¸t c¬ së, gÇn gòi víi héi viªn phô n÷.

Chèng bÖnh thµnh tÝch, lêi nãi kh«ng ®i ®«i víi viÖc lµm.

3.  X©y dùng tinh thÇn ®oµn kÕt, yªu th­¬ng, hîp t¸c, quan t©m ®Õn mäi ng­êi.

Chèng t­ t­ëng bÌ ph¸i, côc bé, mÊt ®oµn kÕt, kiªu c¨ng tù m·n, tù ti, mÆc c¶m.

4.  X©y dùng tinh thÇn tiÕt kiÖm, trung thùc, th¼ng th¾n, tÝch cùc häc tËp n©ng cao tr×nh ®é vÒ mäi mÆt.

Chèng bÖnh l·ng phÝ, tham «, ph« tr­¬ng, l­êi biÕng.

5.  X©y dùng nÕp sèng v¨n minh, gia ®×nh v¨n ho¸, gia ®×nh 4 chuÈn mùc “No Êm, b×nh ®¼ng, tiÕn bé, h¹nh phóc”.

Chèng t­ t­ëng l¹c hËu, mª tÝn, dÞ ®oan, b¹o lùc gia ®×nh vµ c¸c tÖ n¹n x· héi.

N¨m 2008, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh triÓn khai, tæ chøc Héi thi “Phô n÷ B¾c Giang kÓ chuyÖn vÒ tÊm g­¬ng ®¹o ®øc Hå ChÝ Minh” 2 cÊp tØnh vµ huyÖn, khuyÕn khÝch cÊp x· tæ chøc Héi thi. Toµn tØnh tæ chøc 123 héi thi thu hót 1.414 l­ît thÝ sinh tham gia; phèi hîp víi §µi Ph¸t thanh TruyÒn h×nh tØnh tæ chøc to¹ ®µm trªn sãng ph¸t thanh truyÒn h×nh tØnh víi chñ ®Ò “B¸c Hå trong tr¸i tim phô n÷ B¾c Giang”. §©y lµ ®ît sinh ho¹t chÝnh trÞ cã ý nghÜa gi¸o dôc ®¹o ®øc c¸ch m¹ng s©u s¾c ®èi víi c¸c tÇng líp phô n÷ trong tØnh. Thùc hiÖn viÖc “lµm theo” tÊm g­¬ng ®¹o ®øc Hå ChÝ Minh, cơ quan Thường trực Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ®· đi đầu trong việc thực hiện việc “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác như: 100% cán bộ, đảng viên cơ quan thực hành tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, mỗi người đăng ký tiết kiệm ít nhất 2.000 đồng/ngày, tiết kiệm tháng…để xây dựng mô hình “Nuôi lợn tiết kiệm”, cuối năm tổng kết mô hình và vận động 100% cán bộ trích tiền tiết kiệm ủng hộ xây dựng quỹ mái ấm tình thương giúp phụ nữ nghèo; đồng thời chØ ®¹o c¸c cơ sở Hội x©y dùng nhiÒu m« h×nh “làm theo” như: trång rau s¹ch vµ bá èng tiÕt kiÖm, nu«i lîn tiÕt kiÖm, èng tiÒn tiÕt kiÖm, hò g¹o tiÕt kiÖm... TÝnh ®Õn th¸ng 6/2010, Héi phô n÷ 9 huyÖn vµ thµnh phè B¾c Giang ®· x©y dùng ®­îc 4.647 èng tiÒn, quü tiÕt kiÖm, hò g¹o tiÕt kiÖm, v­ên rau s¹ch tiÕt kiÖm, lîn tiÕt kiÖm víi tæng sè tiÒn tiÕt kiÖm lµ 1,973 tû ®ång, gióp 1.979 chÞ vay 994,4 triÖu ®ång, ñng hé quü M¸i Êm t×nh th­¬ng 6,204 triÖu ®ång, quü Ngµy tiÕt kiÖm v× phô n÷ nghÌo 26,073 triÖu ®ång; ñng hé c¸c lo¹i quü, tÆng quµ, gióp söa nhµ 73,667 triÖu ®ång... vµ nhiÒu viÖc lµm thiÕt thùc kh¸c, tiªu biÓu lµ Héi Liªn hiÖp Phô n÷ huyÖn Yªn ThÕ, Yªn Dòng vµ thµnh phè B¾c Giang... T¹i Héi nghÞ s¬ kÕt 2 n¨m thùc hiÖn cuéc vËn ®éng, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ®­îc Ban chØ ®¹o cuéc vËn ®éng tØnh tÆng B»ng khen.

Ngày 18/5/2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tổng kết phong trào thi đua yêu nước và biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2005- 2010. Tại Hội nghị, đã có 45 tập thể và 75 cá nhân điển hình trong phong trào thi đua và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, với tinh thần tự lực, tự cường, trí thông minh sáng tạo, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phương pháp phù hợp, các phong trào thi đua của Hội đã thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ và quần chúng nhân dân tham gia góp phần to lớn vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội toàn tỉnh.

Trªn lÜnh vùc ph¸t triÓn kinh tÕ, xo¸ ®ãi gi¶m nghÌo

Hç trî phô n÷ ph¸t triÓn kinh tÕ, t¹o viÖc lµm, t¨ng thu nhËp, gióp phô n÷ nghÌo cã ®Þa chØ, gãp phÇn thùc hiÖn cã hiÖu qu¶ mục tiêu ph¸t triÓn kinh tÕ x· héi cña tØnh giai ®o¹n 2005-2010 do Đại Hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, c¸c cÊp Héi phô n÷ b»ng nhiÒu biÖn ph¸p ®Èy m¹nh, më réng khai th¸c c¸c nguån vèn th«ng qua tÝn chÊp, nhËn uû th¸c víi Ng©n hµng N«ng nghiÖp vµ Ph¸t triÓn n«ng th«n, Ng©n hµng ChÝnh s¸ch x· héi, tranh thñ khai th¸c c¸c ch­¬ng tr×nh, dù ¸n trong vµ ngoµi n­íc; huy ®éng vèn trong tæ chøc Héi… ®Ó hç trî héi viªn vay vèn ph¸t triÓn kinh tÕ. Sè vèn, sè héi viªn ®­îc vay th«ng qua tæ chøc Héi ngµy cµng t¨ng. NhiÒu ch­¬ng tr×nh cho vay ­u ®·i ®­îc triÓn khai thùc hiÖn t¹i thêi kú nµy nh­ ch­¬ng tr×nh cho vay hé nghÌo, cho vay vèn häc sinh sinh viªn th«ng qua hé gia ®×nh, n­íc s¹ch vÖ sinh m«i tr­êng, xuÊt khÈu lao ®éng, hç trî ®ång bµo d©n téc thiÓu sè vïng ®Æc biÖt khã khăn… Năm 2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ  tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Văn bản liên tịch số 01/VBLT/NHCSXH-HPN giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ với Ngân hàng Chính sách xã hội về việc tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tổng kết 10 năm hoạt động vay vốn giúp phụ nữ nghèo. Qua tổng kết đã rút ra được những ưu điểm cần tiếp tục phát huy, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong hoạt động vay vốn của các cấp Hội, từ đó đề ra biện pháp quản lý chỉ đạo thực hiện các nguồn vốn có hiệu quả. §Õn 30/6/2010, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tín chấp, uỷ thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội 1.365,585 tỷ đồng cho 97.591 chị vay phát triển kinh tế; quản lý 4.457 triệu đồng tiền vốn từ các chương trình, dự án cho 1.416 hội viên vay, trong đó hội viên phụ nữ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chiếm trên 95%.

Song song víi viÖc hç trî vèn cho phô n÷ ph¸t triÓn kinh tÕ, c¸c cÊp Héi phô n÷ th­êng xuyªn chñ ®éng phèi hîp víi c¸c ngµnh chøc n¨ng nh­ Së N«ng nghiÖp vµ Ph¸t triÓn n«ng th«n, Trung t©m KhuyÕn n«ng - KhuyÕn l©m, Chi côc B¶o vÖ thùc vËt, Tr¹m thó y, Ng©n hµng tæ chøc c¸c líp tËp huÊn chuyÓn giao khoa häc kü thuËt, qu¶n lý sö dông vèn, tæ chøc tham quan häc tËp kinh nghiÖm c¸c m« h×nh s¶n xuÊt, kinh doanh giái, c¸c diÔn ®µn, héi thi, héi th¶o... Th«ng qua ®ã gióp c¸n bé, héi viªn phô n÷ n©ng cao kiÕn thøc vµ kü n¨ng vÒ qu¶n lý, sö dông vèn ®óng môc ®Ých, cã hiÖu qu¶, øng dông c¸c tiÕn bé khoa häc kü thuËt vµo s¶n xuÊt, chuyÓn dÞch c¬ cÊu c©y trång, vËt nu«i hîp lý mang l¹i hiÖu qu¶ kinh tÕ cao, nh­ gia ®×nh chÞ Phïng ThÞ Hoa, th«n C«ng B»ng, x· T©n Trung, huyÖn T©n Yªn; gia ®×nh chÞ NguyÔn ThÞ Cóc, th«n Ngäc LiÔn, x· Ch©u Minh, huyÖn HiÖp Hoµ...

Phong trµo phô n÷ gióp nhau trong s¶n xuÊt - ®êi sèng, lóc khã kh¨n ho¹n n¹n, gióp phô n÷ nghÌo cã ®Þa chØ ®Ó tho¸t nghÌo tiÕp tôc ®­îc duy tr× cã hiÖu qu¶. B»ng nhiÒu h×nh thøc gióp ®ì vÒ gièng, vèn, kinh nghiÖm lµm ¨n, khoa häc kü thuËt, ngµy c«ng lao ®éng... C¸c cÊp Héi phô n÷ ®· vËn ®éng 177.059 l­ît chÞ kinh tÕ kh¸ gióp 132.984 chÞ kinh tÕ khã kh¨n trÞ gi¸ 1.119,77 tû ®ång; gióp ®ì 33.195 hé nghÌo do phô n÷ lµm chñ hé, trong ®ã ®· cã 4.722 hé tho¸t nghÌo, ®iÓn h×nh nh­: Héi Liªn hiÖp Phô n÷ x· X­¬ng L©m, huyÖn L¹ng Giang; chi héi phô n÷ th«n §ång M¬, x· Tam HiÖp, huyÖn Yªn ThÕ; chÞ Khæng ThÞ Nh·, héi viªn phô n÷ th«n H­¬ng, thÞ trÊn T©n D©n, huyÖn Yªn Dòng; chÞ NguyÔn ThÞ H¶o, chi héi tr­ëng chi héi phô n÷ th«n L÷ V©n, x· Phóc S¬n, huyÖn T©n Yªn ... N¨m 2007, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ®­îc ph©n c«ng gióp ®ì x· ®Æc biÖt khã kh¨n LÖ ViÔn, huyện S¬n §éng (lµ mét trong 62 huyÖn nghÌo nhÊt n­íc). Trong 4 năm (2007-2010), Tỉnh hội đã chỉ đạo đầu tư 90 triệu đồng cho 45 hộ gia đình phụ nữ vay phát triển kinh tế; tặng 15 bộ đồ chơi cho lớp mẫu giáo trị giá 420.000đ; 8 xuất quà cho 8 hộ nghèo trị giá 800.000đ; quyên góp tặng 746 chiếc quần, áo cho chị em phụ nữ nghèo trong xã; tặng 35 xuất quà cho 35 gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ có người thân bị nhiễm chất độc da cam trị giá 5.000.000 đồng; sau cơn bão số 6 (năm 2008), Tỉnh hội vận động quyên góp tặng 5 xuất quà cho 5 gia đình phụ nữ bị thiệt hại nặng trị giá 1.750.000 đồng; tặng 01 gia đình có người bị lũ cuốn trôi 200.000 đồng; tặng 25 chiếc áo cho 25 em học sinh trị giá 750.000 đồng; phối hợp 12 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ; 02 lớp dạy nghề Mây tre đan cho 63 nữ thanh niên dân tộc; xây dựng mô hình “Phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu” cho 34 hội viên, phụ nữ nghèo trong xã; trang bị hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động Hội.  

Thùc hiÖn Cuéc vËn ®éng x©y dùng "M¸i Êm t×nh th­¬ng" cho phô n÷ nghÌo, phô n÷ cã hoµn c¶nh ®Æc biÖt khã kh¨n do §oµn chñ tÞch Trung ­¬ng Héi Liªn hiÖp Phô n÷ ViÖt Nam ph¸t ®éng, ngµy 15/8/2008, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ®· tæ chøc lÔ ph¸t ®éng vµ triÓn khai réng kh¾p ®Õn c¸c tÇng líp phô n÷, víi møc ñng hé Ýt nhÊt 1.000®/héi viªn/n¨m vµ vËn ®éng c¸c doanh nghiÖp, nhµ h¶o t©m trong vµ ngoµi tØnh ñng hé x©y dùng quü. Sau h¬n hai n¨m thùc hiÖn ®· vËn ®éng 1,305 tỷ ®ång quü, x©y dùng 62 nhµ cho 62 gia ®×nh héi viªn phô n÷ nghÌo, cã hoµn c¶nh ®Æc biÖt khã kh¨n (møc hç trî 15 triÖu ®ång/nhµ). Riªng n¨m 2008, c¸c cÊp Héi phô n÷ trong tØnh ®· quyªn gãp vµ vËn ®éng c¸c doanh nghiÖp ñng hé x©y 19 ng«i nhµ "M¸i Êm t×nh th­¬ng" trÞ gi¸ 285 triÖu ®ång cho 19 gia ®×nh héi viªn phô n÷ bÞ ®æ nhµ sau c¬n b·o sè 6 t¹i 3 huyÖn S¬n §éng, Lôc Ng¹n vµ Lôc Nam.

TiÕp tôc thùc hiÖn chñ tr­¬ng cña tØnh vÒ "Ph¸t triÓn c«ng nghiÖp, tiÓu thñ c«ng nghiÖp vµ ngµnh nghÒ n«ng th«n", "Dån ®iÒn ®æi thöa", x©y dùng c¸nh ®ång cã thu nhËp cao, c¸c cÊp Héi ®· tÝch cùc ®i ®Çu trong viÖc tuyªn truyÒn, vËn ®éng gia ®×nh c¸n bé, héi viªn phô n÷ nghiªn cøu thÞ tr­êng, ¸p dông tiÕn bé khoa häc - kü thuËt, ®­a c©y, con gièng míi vµo s¶n xuÊt, kinh doanh theo h­íng liªn kÕt vµ quy m« lín, mang l¹i hiÖu qu¶ kinh tÕ cao; chuyÓn ®æi môc ®Ých sö dông ®Êt, gi¶i phãng mÆt b»ng, x©y dùng c¸c khu c«ng nghiÖp. VËn ®éng 34.135 chÞ thùc hiÖn chuyÓn ®æi c¬ cÊu c©y trång, vËt nu«i, ®­a gièng lóa míi vµo s¶n xuÊt; 1.772 chÞ tham gia x©y dùng c¸nh ®ång, hé gia ®×nh cã thu nhËp cao... Th«ng qua c¸c ho¹t ®éng ®ã ®· xuÊt hiÖn nhiÒu m« h×nh s¶n xuÊt ®iÓn h×nh nh­: m« h×nh trång rau s¹ch, trång hoa, lµm mú, lµm bón ë thµnh phè B¾c Giang; m« h×nh m©y tre ®an xuÊt khÈu, nu«i trång thuû s¶n, lîn th­¬ng phÈm ë huyÖn ViÖt Yªn; m« h×nh trång lóa th¬m xuÊt khÈu, trång nÊm, bÝ xanh ë huyÖn Yªn Dòng; m« h×nh trång l¹c, khoai t©y, d­a bao tö, d­a ®á... ë c¸c huyÖn T©n Yªn, HiÖp Hoµ; m« h×nh trång døa, gÊc xuÊt khÈu... ë L¹ng Giang; m« h×nh trång v¶i thiÒu, hång, nh·n, na dai ë huyÖn Lôc Ng¹n, Lôc Nam; m« h×nh nu«i gµ ®åi ë Yªn ThÕ; m« h×nh trång b¹ch ®µn, keo, chµm... ë huyÖn S¬n §éng.

Ho¹t ®éng d¹y nghÒ vµ giíi thiÖu viÖc lµm cho phô n÷ tiÕp tôc ®­îc ®Èy m¹nh. Héi phô n÷ c¸c cÊp ®· phèi hîp tæ chøc d¹y nghÒ cho trªn 40 ngµn phô n÷, giíi thiÖu viÖc lµm cho 49.986 chÞ, phèi hîp tæ chøc 17.083 líp tËp huÊn kiÕn thøc khoa häc - kü thuËt, kü n¨ng qu¶n lý, khëi sù doanh nghiÖp, qu¶n lý vèn... cho 777.924 l­ît chÞ.

Trong lÜnh vùc c«ng nghiÖp, tiÓu thñ c«ng nghiÖp, lao ®éng n÷ chiÕm ®a sè trong c¸c nhµ m¸y, doanh nghiÖp, lµng nghÒ, chÞ em ®· nç lùc v­¬n lªn kh¾c phôc mäi khã kh¨n võa lo toan cuéc sèng gia ®×nh, võa tÝch cùc häc tËp n©ng cao tr×nh ®é mäi mÆt, ®Æc biÖt lµ tr×nh ®é tay nghÒ, chuyªn m«n, nghiÖp vô, ®¸p øng yªu cÇu cña nÒn kinh tÕ thÞ tr­êng.

C¸c ngµnh dÞch vô, th­¬ng m¹i, du lÞch, tµi chÝnh, ng©n hµng, b­u chÝnh viÔn th«ng... víi trªn 50% lao ®éng n÷, chÞ em ®· kh«ng ngõng thi ®ua häc tËp, lao ®éng s¸ng t¹o ®Ó tõng b­íc ®¸p øng yªu cÇu ph¸t triÓn nÒn kinh tÕ tri thøc trong xu thÕ héi nhËp, phÊn ®Êu c¶i tiÕn c¸c dÞch vô víi chÊt l­îng ngµy cµng cao, gãp phÇn c¶i thiÖn ®êi sèng nh©n d©n nãi chung, gi¶m bít g¸nh nÆng néi trî cho phô n÷ nãi riªng vµ ®em l¹i nguån thu nhËp quan träng cho sù ph¸t triÓn kinh tÕ cña tØnh, tiªu biÓu nh­ chÞ Ng« ThÞ XuyÕn - Gi¸m ®èc Ng©n hµng N«ng nghiÖp vµ Ph¸t triÓn N«ng th«n tØnh ®­îc nhËn Gi¶i th­ëng B«ng hång vµng do Trung ương Héi Liªn hiÖp Phô n÷ ViÖt Nam tæ chøc n¨m 2010.

Trong nÒn kinh tÕ thÞ tr­êng víi nhiÒu thµnh phÇn kinh tÕ cïng tån t¹i, xuÊt hiÖn nhiÒu n÷ chñ doanh nghiÖp n¨ng ®éng s¸ng t¹o, b¸m s¸t thÞ tr­êng, nhanh nh¹y n¾m b¾t vµ xö lý th«ng tin, kÞp thêi ®æi míi thiÕt bÞ vµ m¹nh d¹n tiÕp thu c«ng nghÖ míi, s¶n xuÊt s¶n phÈm cã chÊt l­îng, uy tÝn trªn thÞ tr­êng, chÞ em ®· gãp phÇn t¨ng nhanh s¶n phÈm c«ng nghiÖp hµng tiªu dïng, xuÊt khÈu, gi¶i quyÕt viÖc lµm cho hµng ngh×n lao ®éng. N¨m 2008, lÇn ®Çu tiªn Héi Liªn hiÖp phô n÷ tØnh më Héi nghÞ biÓu d­¬ng N÷ doanh nh©n tiªu biÓu toµn tØnh, cã 30 n÷ doanh nh©n ®­îc tÆng B»ng khen.

Nh÷ng ho¹t ®éng cña Héi ®· gãp phÇn thóc ®Èy nÒn kinh tÕ cña tØnh ngµy cµng ph¸t triÓn, tû lÖ hé nghÌo trªn ®Þa bµn tØnh gi¶m tõ 30,67% n¨m 2005 xuèng cßn 13,7% n¨m 2009. Tû lÖ hé kh¸ vµ giÇu ngµy cµng t¨ng.

Trªn lÜnh vùc v¨n ho¸, x· héi

Héi phô n÷ c¸c cÊp ®· chó träng ®Èy m¹nh c¸c ho¹t ®éng hç trî phô n÷ n©ng cao nhËn thøc vÒ mäi mÆt b»ng nhiÒu h×nh thøc: Tæ chøc c¸c líp tËp huÊn, tæ chøc c¸c héi thi kÕt hîp víi cung cÊp nhiÒu tµi liÖu theo chuyªn ®Ò, phèi hîp víi c¸c c¬ quan th«ng tin ®¹i chóng t¨ng sè l­îng vµ n©ng cao chÊt l­îng c¸c tin bµi, ch­¬ng tr×nh tuyªn truyÒn vÒ phô n÷... gÇn 10 triÖu l­ît phô n÷ ®· ®­îc phæ biÕn, tuyªn truyÒn n©ng cao nhËn thøc vÒ chñ tr­¬ng, chÝnh s¸ch, ph¸p luËt cña §¶ng, Nhµ n­íc vµ NghÞ quyÕt cña Héi; tæ chøc 48.587 cuéc giao l­u v¨n ho¸ v¨n nghÖ, thÓ dôc thÓ thao thu hót 2.330.438 l­ît chÞ tham gia; ph¸t hµnh 64.291 cuèn tµi liÖu sinh ho¹t héi viªn quý, 9.000 cuèn tËp san V× sù tiÕn bé cña phô n÷, chuyÓn 26.115 cuèn Th«ng tin phô n÷ cña Trung ­¬ng Héi, 162.557 cuèn s¸ch, tê r¬i ®Õn c¸c c¬ së Héi lµm tµi liÖu tuyªn truyÒn. C¸c cÊp Héi cßn x©y dùng quü khuyÕn häc, gióp ®ì trÎ em nghÌo v­ît khã, vËn ®éng trÎ em bá häc trë l¹i tr­êng, phèi hîp víi ngµnh gi¸o dôc tæ chøc thùc hiÖn Cuéc vËn ®éng x©y dùng “Tr­êng häc th©n thiÖn, häc sinh tÝch cùc”, ch­¬ng tr×nh “TiÕp b­íc cho em tíi tr­êng” ®¹t hiÖu qu¶.

C«ng t¸c ch¨m sãc søc khoÎ phô n÷ trÎ em, phßng chèng c¸c tÖ n¹n x· héi vµ x©y dùng gia ®×nh "No Êm, b×nh ®¼ng, tiÕn bé, h¹nh phóc" ®­îc c¸c cÊp Héi quan t©m chØ ®¹o chÆt chÏ, lång ghÐp víi viÖc thùc hiÖn phong trµo thi ®ua cña Héi, phong trµo "Toµn d©n ®oµn kÕt x©y dùng ®êi sèng v¨n ho¸" vµ c¸c phong trµo thi ®ua yªu n­íc kh¸c cña ®Þa ph­¬ng. C¸c cÊp Héi ®· tæ chøc hµng tr¨m cuéc héi th¶o “¤ng bµ, cha mÑ mÉu mùc, con ch¸u th¶o hiÒn”; gÆp mÆt biÓu d­¬ng nh÷ng ®iÓn h×nh tiªn tiÕn nh©n ngµy Gia ®×nh ViÖt Nam (28/6) hµng n¨m; tiÕp tôc vËn ®éng gia ®×nh phô n÷ ký cam kÕt thùc hiÖn NghÞ quyÕt liªn tÞch sè 01/NQLT víi C«ng an vÒ "Qu¶n lý, gi¸o dôc con em trong gia ®×nh kh«ng ph¹m téi vµ tÖ n¹n x· héi"; ký kÕt ch­¬ng tr×nh phèi hîp ho¹t ®éng víi §oµn Thanh niªn, Héi Ng­êi cao tuæi tØnh ®Ó tæ chøc c¸c ho¹t ®éng thu hót ®«ng ®¶o phô n÷ tham gia sinh ho¹t Héi. Năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới”, triển khai đến các cấp Hội phụ nữ trong  tỉnh, kết quả có 144.901 bài dự thi.

Phô n÷ ho¹t ®éng trong lÜnh vùc y tÕ, gi¸o dôc, v¨n ho¸ chiÕm tû lÖ cao, ®· cã nh÷ng ®ãng gãp quan träng vµo viÖc ph¸t triÓn v¨n ho¸ - x· héi cña tØnh, nhiÒu phô n÷ tËn t©m víi nghÒ nghiÖp, ®em hÕt tµi n¨ng, trÝ tuÖ cña m×nh phôc vô nh©n d©n. §· cã 31 chÞ ®­îc Nhµ n­íc phong tÆng danh hiÖu Nhµ gi¸o, ThÇy thuèc, NghÖ sÜ ­u tó, 7.967 l­ît chÞ ®¹t danh hiÖu chiÕn sÜ thi ®ua c¬ së, 543 chÞ ®¹t danh hiÖu ChiÕn sÜ thi ®ua cÊp tØnh, 7 chÞ ®¹t danh hiÖu ChiÕn sÜ thi ®ua toµn quèc.

Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao đã từng bước phát triển rộng rãi, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Đến năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp tổ chức Giải Cầu lông truyền thống phụ nữ 8/3 lần thứ XIII, Giải vô địch bóng đá nữ toàn tỉnh lần thứ VI. Phong trào thể dục thể thao ngày càng được quan tâm, hàng năm số vận động viên nữ được đào tạo đều tăng; tỷ lệ nữ chiếm 2/3 trong tổng số vận động viên năng khiếu của tỉnh. Tính đến tháng 6/2010 đã đào tạo 76 vận động viên là nữ trong tổng số 152 vận động viên được đào tạo, trong đó có trên 40 nữ vận động viên trẻ tiêu biểu đạt giải cao trong các giải khu vực, toàn quốc, quốc tế… Hàng năm tham gia thi đấu giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, vận động viên nữ tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Năm 2010, em Nguyễn Thị Trang (huyện Lạng Giang) là vận động viên nữ đầu tiên của Việt Nam đạt Huy chương Đồng môn Cầu lông tại Giải trẻ Olympic thế giới.

 Ho¹t ®éng nh©n ®¹o, tõ thiÖn, ®Òn ¬n ®¸p nghÜa ®­îc c¸c cÊp Héi quan t©m chØ ®¹o thùc hiÖn vµ ®­îc c¸c tÇng líp phô n÷ nhiÖt t×nh h­ëng øng. C¸c cÊp Héi phô n÷ trong tØnh ®· nhËn ch¨m sãc, phông d­ìng 32 MÑ ViÖt Nam anh hïng; nhËn ®ì ®Çu 846 mÑ, vî, con liÖt sÜ; nhËn c¶m ho¸ gióp ®ì, gi¸o dôc 1.621 ®èi t­îng vi ph¹m ph¸p luËt vµ m¾c tÖ n¹n x· héi, th¨m hái c¸c ®èi t­îng trÞ gi¸ 22,43 triÖu ®ång. Tæ chøc tÆng quµ trÎ em nghÌo, tµn tËt, häc giái trÞ gi¸ 2,1 tû ®ång; ñng hé nhµ trÎ, mÉu gi¸o, tr­êng häc trÞ gi¸ 347,686 triÖu ®ång; x©y dùng c¸c lo¹i quü v× trÎ em, quü khuyÕn häc ®­îc 2,5 tû ®ång; vËn ®éng 287 ch¸u bá häc trë l¹i tr­êng. Tæ chøc th¨m vµ tÆng quµ 24.628 l­ît gia ®×nh chÝnh s¸ch trÞ gi¸ 1,2 tû ®ång vµ 11.923 ngµy c«ng lao ®éng; x©y dùng quü ®Òn ¬n ®¸p nghÜa 409,408 triÖu ®ång; vËn ®éng ñng hé x©y dùng nhµ t×nh nghÜa, nhµ ®oµn kÕt toµn d©n trÞ gi¸ 2,657 tû ®ång; tÆng quµ bé ®éi, t©n binh lªn ®­êng lµm nghÜa vô qu©n sù trÞ gi¸ 442,988 triÖu ®ång. Vµo dÞp TÕt Nguyªn ®¸n, c¸c cÊp Héi phô n÷ ®· trÝch quü, vËn ®éng ñng hé, th¨m hái, tÆng quµ 21.099 l­ît gia ®×nh phô n÷ nghÌo, phô n÷ tµn tËt... trÞ gi¸ 1,617 tû ®ång. Nh©n kû niÖm 60 n¨m Ngµy Th­¬ng binh LiÖt sÜ (27/7/1947-27/7/2007) Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh tæ chøc Héi nghÞ gÆp mÆt vµ biÓu d­¬ng c¸c ®iÓn h×nh phô n÷ gia ®×nh chÝnh s¸ch tiªu biÓu v­ît khã, x©y dùng gia ®×nh h¹nh phóc cã 63 ®¹i biÓu lµ mÑ, vî liÖt sÜ, vî th­¬ng binh nÆng, vî bé ®éi tiªu biÓu tham dù.

Với vai trò, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ - trẻ em, các cấp Hội luôn quan tâm nắm tư tưởng, dư luận và tích cực tham gia ý kiến đóng góp vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ trương chính sách, chương trình hành động, chiến lược quốc gia nhất là các văn bản có liên quan đến phụ nữ - trẻ em; xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản luật, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, dự thảo Luật Phòng chống mua bán người, các chính sách hỗ trợ lãi suất, giải phóng mặt bằng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng Đề án nông thôn mới… Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên làm tốt công tác phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Đề án 03 của Tỉnh ủy, các chính sách an sinh xã hội… nhằm nắm bắt và phản ánh kịp thời với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục.

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ phụ cấp cho cán bộ trưởng các đoàn thể thôn, bản, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở hoạt động tốt. Tại kỳ họp thứ 9 HĐND khoá XVI (tháng 1/2007) đã thông qua chế độ trợ cấp cho chi hội trưởng các đoàn thể tại thôn, bản, trong đó có chi hội phụ nữ, møc phô cÊp từ 30.000 ®ång -  40.000 ®ång/th¸ng (Theo phân loại thôn bản). ĐÕn kỳ họp thứ 16 (tháng 12/2009) tăng lên mức từ 70.000 ®ång -  80.000 ®ång/th¸ng. 

Nh÷ng ho¹t ®éng trªn cña c¸c cÊp Héi thùc hiÖn tèt chøc n¨ng ®¹i diÖn, b¶o  vÖ quyÒn vµ lîi Ých hîp ph¸p, chÝnh ®¸ng cña phô n÷, gãp phÇn kh¬i dËy, ph¸t huy nh÷ng gi¸ trÞ v¨n ho¸, ®¹o lý tèt ®Ñp cña d©n téc vµ h¹n chÕ sù gia t¨ng c¸c tÖ n¹n x· héi, ®ãng gãp tÝch cùc vµo viÖc thùc hiÖn môc tiªu ph¸t triÓn trong lÜnh vùc v¨n ho¸ - x· héi cña tØnh thêi gian qua.

Trªn lÜnh vùc khoa häc - c«ng nghÖ vµ m«i tr­êng

Lực lượng nữ công nhân, viên chức lao động toàn tỉnh đã có 656 đề tài, công trình được đưa vào thực hiện đã làm lợi hàng tỷ đồng cho Nhà nước; có 4.208 sáng kiến cải tiến được áp dụng nâng cao hiệu quả trong công tác, lao động, sản xuất. Tiêu biểu như chị Đỗ Thị Hoàn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc chủ trì và tham gia 1 đề tài khoa học, 11 sáng kiến, giải pháp hợp lý hoá sản xuất làm lợi gần 400 triệu đồng, năm 2007 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo...

NhiÒu chÞ ®· cã ®Ò tµi, s¸ng kiÕn khoa häc gãp phÇn lµm thay ®æi c«ng nghÖ s¶n xuÊt, ch¨m sãc søc khoÎ, b¶o vÖ m«i tr­êng, n©ng cao chÊt l­îng gi¸o dôc ®µo t¹o... ®ãng gãp tÝch cùc vµo sù ph¸t triÓn cña ®Êt n­íc. §iÓn h×nh: ChÞ Lª ThÞ Oanh - HiÖu tr­ëng tr­êng MÇm non thÞ trÊn CÇu Gå, huyÖn Yªn ThÕ cã nhiÒu s¸ng kiÕn c¶i tiÕn thiÕt bÞ ®å dïng d¹y häc, ®¹t 2 gi¶i NhÊt cÊp tØnh cuéc thi "S¸ng t¹o kü thuËt" n¨m 2005 vµ 2006, ®­îc phong tÆng Nhµ gi¸o ­u tó n¨m 2008; chÞ Hoµng ThÞ T­¬i - Tr­ëng tr¹m Y tÕ x· TuÊn §¹o, huyÖn S¬n §éng ®· cã nhiÒu nç lùc trong c«ng t¸c chuyªn m«n, ®­îc b×nh chän lµ c¸n bé y tÕ c¬ së tiªu biÓu xuÊt s¾c, ®­îc Ban biªn tËp B¸o Tuæi trÎ vµ Bé Y tÕ b×nh chän ®¹t gi¶i th­ëng “Häc bæng §Æng Thuú Tr©m” dµnh cho y, b¸c sÜ ngµnh y tÕ cña 6 tØnh phÝa B¾c.

Hưởng ứng Cuéc vËn ®éng "Phô n÷ c¶ n­íc thùc hiÖn vÖ sinh an toµn thùc phÈm v× søc khoÎ gia ®×nh vµ céng ®ång" – n¨m 2008; xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” – năm 2009, đến 7/2010 nâng lên thành Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” với nội dung “5 không”: không vi phạm pháp luật, không có tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và trẻ bỏ học; “3 sạch”: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng điểm triển khai và nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến tháng 6/2010, toàn tỉnh đã xây dựng được 379 câu lạc bộ Vệ sinh môi trường, câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” với 14.276 thành viên tham gia, 14 tập thể và 5 cá nhân được nhận Giải thưởng môi trường. Nh÷ng viÖc lµm cô thÓ, thiÕt thùc cña Héi phô n÷ gãp phÇn quan träng b¶o vÖ m«i tr­êng vµ søc khoÎ cho céng ®ång.

Trªn lÜnh vùc quèc phßng, an ninh, ®èi ngo¹i

Cïng víi cÊp uû, chÝnh quyÒn, MÆt trËn Tæ quèc vµ c¸c ®oµn thÓ nh©n d©n trong tØnh, c¸c cÊp Héi phô n÷ th­êng xuyªn tuyªn truyÒn, vËn ®éng c¸n bé, héi viªn phô n÷ tÝch cùc tham gia thùc hiÖn c«ng t¸c b¶o vÖ chÝnh trÞ néi bé, b¶o vÖ bÝ mËt Nhµ n­íc, bÝ mËt qu©n sù, ®Êu tranh phßng chèng ©m m­u "DiÔn biÕn hoµ b×nh" vµ c¸c ho¹t ®éng chèng ph¸ c¸ch m¹ng cña c¸c thÕ lùc thï ®Þch; thùc hiÖn tèt c«ng t¸c hËu ph­¬ng qu©n ®éi, ®éng viªn chång, con, ng­êi th©n thùc hiÖn tèt LuËt NghÜa vô qu©n sù vµ c¸c ho¹t ®éng "§Òn ¬n ®¸p nghÜa".

ChÞ em trong lùc l­îng vò trang lu«n gi÷ v÷ng truyÒn thèng cao ®Ñp "Trung víi n­íc, hiÕu víi d©n", tÝch cùc thi ®ua thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ Quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Phụ nữ Công an tỉnh Bắc Giang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỷ cương, sáng tạo, vì an ninh tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc”, kh¾c phôc khã kh¨n, hoµn thµnh tèt nhiÖm vô, gãp phÇn gi÷ v÷ng an ninh chÝnh trÞ, trËt tù an toµn x· héi, cñng cè quèc phßng, an ninh, b¶o vÖ v÷ng ch¾c ®éc lËp, chñ quyÒn cña ®Êt n­íc.

§Ó x©y dùng mèi ®oµn kÕt qu©n d©n ngµy cµng g¾n bã, cïng tham gia thùc hiÖn c¸c nhiÖm vô ph¸t triÓn kinh tÕ x· héi, ®¶m b¶o an ninh quèc phßng vµ trËt tù an toµn x· héi, hµng n¨m c¸c cÊp Héi phô n÷ trong tØnh ®· tæ chøc nhiÒu ho¹t ®éng mang ý nghÜa s©u s¾c nh­: Phèi hîp víi C«ng an, qu©n sù ®Þa ph­¬ng, c¸c ®¬n vÞ bé ®éi ®ãng qu©n trªn ®Þa bµn tæ chøc c¸c ho¹t ®éng kÕt nghÜa, giao l­u v¨n ho¸ v¨n nghÖ - thÓ dôc thÓ thao, tham gia ph¸t triÓn kinh tÕ, xo¸ ®ãi gi¶m nghÌo, lµm ®­êng giao th«ng n«ng th«n, phßng chèng lôt b·o, phßng chèng c¸c tÖ n¹n x· héi, ch¨m sãc søc khoÎ nh©n d©n, gióp ®ì ®¬n vÞ qu©n ®éi, lùc l­îng dù bÞ ®éng viªn, d©n qu©n tù vÖ luyÖn tËp... Tiªu biÓu: Héi Liªn hiÖp Phô n÷ huyÖn Lôc Ng¹n ñng hé, tÆng quµ c¸c ®¬n vÞ bé ®éi 105 triÖu ®ång; ñng hé, gióp ®ì d©n qu©n tù vÖ, qu©n dù bÞ ®éng viªn luyÖn tËp tæng trÞ gi¸ 46,12 triÖu ®ång; Héi Liªn hiÖp Phô n÷ huyÖn S¬n §éng vËn ®éng c¸n bé, héi viªn phô n÷ quyªn gãp, ñng hé lùc l­îng vò trang cña tØnh diÔn tËp qu©n sù n¨m 2007 trªn 10 tÊn rau, cñ qu¶ c¸c lo¹i; Héi Liªn hiÖp Phô n÷ x· §«ng H­ng (Lôc Nam) th¨m vµ tÆng quµ ®¬n vÞ bé ®éi 6,3 triÖu ®ång, tæ chøc 45 cuéc giao l­u v¨n ho¸ v¨n nghÖ, thÓ dôc thÓ thao, to¹ ®µm, héi thi cã 450 l­ît ng­êi dù; kh¸m ch÷a bÖnh cho 176 l­ît ng­êi, cÊp thuèc miÔn phÝ trÞ gi¸ 16 triÖu ®ång; tham gia lµm ®­êng giao th«ng, vÖ sinh m«i tr­êng ®­îc 36 buæi víi 1.410 l­ît ng­êi tham gia. Nh÷ng viÖc lµm cña c¸c cÊp Héi phô n÷ ®· gãp phÇn t« th¾m thªm t×nh qu©n d©n, ph¸t huy truyÒn thèng tèt ®Ñp cña d©n téc.

Để hội viên phụ nữ và nhân dân hiểu và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, tích cực tham gia các hoạt động đoàn kết quốc tế vì hoà bình và nhân đạo, đấu tranh bảo vệ công lý cho nạn  nhân chất độc da cam, đấu tranh bảo vệ an ninh biên giới; bảo vệ nhân phẩm, quyền lợi chính đáng của phụ nữ trong giao dịch kinh tế và hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em… Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 1.097 cuộc tuyên truyền cho 70.586 lượt chị tham gia; tiếp 22 đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc, đảm bảo đúng quy định. Tiếp tục tranh thủ khai thác các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ để tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thực hiện bình đẳng giới như: mở rộng chương trình "Phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Bắc Giang thông qua chiến dịch truyền thông và tái hoà nhập cộng đồng" ở huyện Tân Yên, Hiệp Hoà; chương trình "Giảm khoảng cách, tăng cường hoạt động mạng lưới và nhận thức nhằm bảo vệ quyền lợi và sự tham gia vào các hoạt động xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số" ở huyện Sơn Động, Lục Ngạn; khai thác mới 2 nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phúc Âm - Mỹ triển khai tại huyện Hiệp Hoà và nguồn vốn do công ty BAT Việt Nam, tổ chức SIDA - Hà Lan tại 2 huyện Yên Thế, Hiệp Hoà với số vốn 556 triệu đồng… Các hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần xây dựng nhiều mô hình mới, tập hợp thu hút hội viên phụ nữ tham gia, nâng cao năng lực cán bộ và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

2. X©y dùng vµ ph¸t triÓn tæ chøc Héi v÷ng m¹nh

Thực hiện Đề án 03-ĐA/TU ngày 7/12/2006 của Tỉnh uỷ Bắc Giang về nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, víi ph­¬ng ch©m "H­íng vÒ c¬ së", ­u tiªn vµ ®Çu t­ cho c¬ së nhÊt lµ c¬ së vïng cao, vïng khã kh¨n, c¸c cÊp Héi ®· cã nhiÒu biÖn ph¸p cô thÓ, phï hîp ®Ó tæ chøc c¸c ho¹t ®éng: TØnh héi vµ c¸c huyÖn, thµnh héi tæ chøc giao ban ®Þnh kú hµng th¸ng gióp cho viÖc n¾m b¾t kÞp thêi t©m t­, nguyÖn väng cña phô n÷ còng nh­ gi¶i quyÕt ®­îc nh÷ng v­íng m¾c khã kh¨n trong triÓn khai thùc hiÖn c¸c ho¹t ®éng; tõng ho¹t ®éng ®Òu x©y dùng kÕ ho¹ch, chän ®iÓm chØ ®¹o rót kinh nghiÖm nh©n ra diÖn; c¸c ch­¬ng tr×nh dù ¸n, c¸c líp tËp huÊn, c¸c ho¹t ®éng t­ vÊn... ®Òu ®­îc tæ chøc t¹i c¬ së ®Õn chi, tæ phô n÷, gióp héi viªn phô n÷ cã c¬ héi tham gia vµ tiÕp cËn c¸c kiÕn thøc míi.

N¨m 2007, TØnh héi chØ ®¹o c¸c cÊp Héi tæ chøc kh¶o s¸t, tæng kÕt ®¸nh gi¸ t×nh h×nh héi viªn phô n÷ vµ c¸c m« h×nh tËp hîp héi viªn, qua ®ã rót kinh nghiÖm trong chØ ®¹o thùc hiÖn, ®Ò ra biÖn ph¸p tiÕp tôc ®æi míi néi dung, ph­¬ng thøc ho¹t ®éng cña Héi; tæ chøc ph¸t thÎ héi viªn vµ chØ ®¹o ®iÓm thu héi phÝ cao h¬n quy ®Þnh (§iÒu lÖ Héi quy ®Þnh 500 ®ång/th¸ng/ng­êi). §Õn th¸ng 6/2010 cã 262.943 héi viªn ®­îc nhËn thÎ.

Tæ chøc bé m¸y cña Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ®­îc kiÖn toµn phï hîp víi tình hình thùc tÕ. Ngµy 1/1/2010 ®ång chÝ §ç ThÞ LÖ – Ch¸nh V¨n phßng ®­îc bÇu gi÷ chøc Phã Chñ tÞch; ngµy 1/3/2010 ®ång chÝ Hoµng ThÞ NguyÔn - Phã Chñ tÞch nghØ chÕ ®é h­u trÝ, ngµy 1/4/2010 ®ång chÝ NguyÔn ThÞ B¾c - Chñ tÞch nghØ chÕ ®é h­u trÝ, ®ång chÝ L©m ThÞ H­¬ng Thµnh – TØnh uû viªn, Phã Chñ tÞch Th­êng trùc ®­îc bÇu gi÷ chøc Chñ tÞch Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh. Ngµy 1/4/2009, Ban Th­êng vô Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ra quyÕt ®Þnh thµnh lËp Ban LuËt ph¸p chÝnh s¸ch. Ngµy 29/4/2009 Trung t©m t­ vÊn ph¸p luËt ®­îc thµnh lËp. §Õn th¸ng 9/2010, C¬ quan Héi Liªn hiÖp phô n÷ tØnh gåm V¨n phßng, 4 ban chuyªn m«n (Tuyªn gi¸o, Gia ®×nh - X· héi, LuËt ph¸p - ChÝnh s¸ch, Tæ chøc c¸n bé) vµ 02 trung t©m (Trung t©m D¹y nghÒ vµ Giíi thiÖu viÖc lµm 8/3, Trung t©m T­ vÊn ph¸p luËt), tæng sè cã 19 c¸n bé trong biªn chÕ vµ 4 c¸n bé hîp ®ång. C¬ së vËt chÊt, trang thiÕt bÞ lµm viÖc t­¬ng ®èi ®Çy ®ñ nh­: m¸y vi tÝnh, nèi m¹ng néi bé, m¹ng Internet tíi 10 huyÖn, thµnh Héi.

§éi ngò c¸n bé Héi chuyªn tr¸ch cÊp huyÖn ®­îc n©ng lªn c¶ vÒ sè l­îng vµ chÊt l­îng, ®Õn th¸ng 6/2010, cã 47 c¸n bé, 89% ®¹t tr×nh ®é ®¹i häc, 10 ®ång chÝ cã tr×nh ®é cao cÊp, 22 ®ång chÝ cã tr×nh ®é trung cÊp vÒ lý luËn chÝnh trÞ

Cïng víi qu¸ tr×nh kiÖn toµn bé m¸y, c¸c cÊp Héi ®· chó träng n©ng cao chÊt l­îng ®éi ngò c¸n bé Héi th«ng qua viÖc n©ng cao chÊt l­îng tuyÓn chän, bæ sung c¸n bé trªn c¬ së tiªu chuÈn chøc danh, ®Èy m¹nh c«ng t¸c ®µo t¹o, båi d­ìng n©ng cao nhËn thøc chÝnh trÞ vµ tr×nh ®é n¨ng lùc cña c¸n bé. Hµng n¨m, 100% c¸n bé Héi tõ tæ tr­ëng, tæ phã tæ phô n÷ trë lªn ®­îc tham dù c¸c líp båi d­ìng nghiÖp vô c«ng t¸c Héi. Tõ n¨m 2006 - 2010, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh phèi hîp víi Tr­êng ChÝnh trÞ tØnh, Tr­êng C¸n bé Phô n÷ Trung ­¬ng tæ chøc 2 líp trung cÊp lý luËn chÝnh trÞ - Trung cÊp c«ng t¸c x· héi chuyªn ngµnh phô n÷ cho 159 Chñ tÞch, Phã chñ tÞch Héi Liªn hiÖp Phô n÷ cÊp x· vµ c¸n bé dù nguån chøc danh Chñ tÞch; 2 líp cã 139 c¸n bé Héi chñ chèt c¬ së ®­îc båi d­ìng nghiÖp vô c«ng t¸c phô n÷ (3 th¸ng) theo §Ò ¸n “§µo t¹o, båi d­ìng ®éi ngò c¸n bé chñ chèt Héi Liªn hiÖp Phô n÷ cÊp huyÖn, thµnh phè vµ x·, ph­êng, thÞ trÊn” giai ®o¹n 2009-2012. Nh»m n©ng cao kiÕn thøc, kü n¨ng nghiÖp vô cho ®éi ngò c¸n bé Héi chñ chèt c¬ së, n¨m 2009 Ban Th­êng vô Héi Liªn hiÖp phô n÷ tØnh chØ ®¹o tæ chøc Héi thi “Chñ tÞch Héi Liªn hiÖp phô n÷ c¬ së giái” tõ huyÖn ®Õn tØnh, cã 223 thÝ sinh lµ Chñ tÞch Héi Liªn hiÖp Phô n÷ c¬ së vµ 2 ®¬n vÞ c«ng an, qu©n sù tham gia dù thi.

Thùc hiÖn NghÞ quyÕt sè 11-NQ/TW ngµy 27/4/2007 cña Bé ChÝnh trÞ (kho¸ X) vÒ "C«ng t¸c phô n÷ thêi kú ®Èy m¹nh c«ng nghiÖp ho¸, hiÖn ®¹i ho¸ ®Êt n­íc", n¨m 2009, §¶ng ®oµn TØnh héi tham m­u víi Ban Th­êng vô TØnh uû x©y dùng §Ò ¸n “N©ng cao chÊt l­îng vµ ph¸t triÓn ®éi ngò c¸n bé n÷ l·nh ®¹o qu¶n lý thuéc diÖn Ban Th­êng vô TØnh uû qu¶n lý giai ®o¹n 2010-2020”. Hµng n¨m tiÕn hµnh rµ so¸t, bæ sung c¸n bé n÷ cã ®ñ n¨ng lùc, tr×nh ®é, trÎ tuæi, ng­êi d©n téc thiÓu sè vµo danh s¸ch quy ho¹ch. N¨m 2008, cã 23 c¸n bé n÷ thuéc diÖn Ban Th­êng vô TØnh uû qu¶n lý (lµ l·nh ®¹o Tr­ëng, Phã c¸c së, ban, ngµnh, ®oµn thÓ cÊp tØnh; c¸c ®ång chÝ uû viªn Ban Th­êng vô huyÖn, thµnh uû), chiÕm 8,5% so víi tæng sè c¸n bé thuéc diÖn Ban Th­êng vô TØnh uû qu¶n lý . Sè c¸n bé n÷ tr­ëng, phã phßng vµ t­¬ng ®­¬ng thuéc c¸c c¬ quan ®¶ng, chÝnh quyÒn, ®oµn thÓ ë tØnh chiÕm 17,3%, cÊp huyÖn chiÕm 14,9% so víi tæng sè c¸n bé cïng chøc vô. N÷ ®¹i biÓu Quèc héi khãa XII cña tØnh cã 2/8 ®ång chÝ, chiÕm 25%; tû lÖ c¸n bé n÷ tham gia cÊp uû nhiÖm kú 2010-2015 cÊp x· chiÕm 13,97%, t¨ng 1,37%, cÊp huyÖn chiÕm 12,53 t¨ng 0,5% so víi nhiÖm kú 2005-2010. Hµng n¨m, sè c¸n bé n÷ ®­îc kÕt n¹p §¶ng ngµy cµng t¨ng. §Õn 12/2009 tæng sè ®¶ng viªn n÷ cã 12.906/59.748 ®¶ng viªn, chiÕm 21,6%.

Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tõ tØnh ®Õn c¬ së tiÕp tôc tham gia vµo c¸c ban chØ ®¹o, héi ®ång nh­: Héi thÈm nh©n d©n, Héi ®ång nghÜa vô qu©n sù, Héi ®ång thi ®ua khen th­ëng, Héi ®ång gi¸o dôc, Héi ®ång qu¶n trÞ Ng©n hµng ChÝnh s¸ch x· héi, Héi KhuyÕn häc, Ban chØ ®¹o thùc hiÖn Quy chÕ d©n chñ ë c¬ së, Ban chØ ®¹o phong trµo toµn d©n ®oµn kÕt x©y dùng ®êi sèng v¨n ho¸, Ban chØ ®¹o ch¨m sãc søc khoÎ nh©n d©n, Ban chØ ®¹o phßng chèng c¸c tÖ n¹n x· héi, Ban chØ ®¹o gi¶i phãng mÆt b»ng...

Thực hiện công tác kiểm tra của Hội, hàng năm các cấp Hội có kế hoạch và tổ chức kiểm tra theo cụm, kiểm tra chéo, kiểm tra thường xuyên với phương châm tự kiểm tra là chính. Từ đó giúp cho hoạt động của Hội đi vào nền nếp, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, số cơ sở xuất sắc và vững mạnh hàng năm đạt trên 96%, không còn cơ sở Hội yếu kém.

Cïng víi sù ph¸t triÓn chung cña ®Êt n­íc, phong trµo phô n÷ vµ ho¹t ®éng Héi tiÕp tôc cã nh÷ng b­íc ph¸t triÓn míi c¶ vÒ bÒ réng vµ chiÒu s©u, nh÷ng môc tiªu cña §¹i héi §¹i biÓu phô n÷ tØnh lÇn thø XIII ®Ò ra c¬ b¶n ®· ®¹t ®­îc. NhiÒu ho¹t ®éng mang l¹i hiÖu qu¶ thiÕt thùc cho héi viªn phô n÷, ®ãng gãp kh«ng nhá vµo viÖc thùc hiÖn c¸c môc tiªu kinh tÕ - x· héi cña tØnh. Phong trµo phô n÷ tØnh liªn tôc ®­îc Trung ­¬ng Héi Liªn hiÖp phô n÷ ViÖt Nam xÕp lo¹i xuÊt s¾c vµ tÆng Cê thi ®ua; ®­îc TØnh uû, Uû ban nh©n d©n tØnh, c¸c bé, ngµnh liªn quan tÆng th­ëng nhiÒu Cê thi ®ua, B»ng khen. N¨m 2009, Héi Liªn hiÖp Phô n÷ tØnh ®­îc Chñ tÞch n­íc tÆng th­ëng Hu©n ch­¬ng §éc lËp h¹ng Nh×.

 

 

                                   

                                                            *

                                                    *                   *

         

          Hơn t¸m m­¬i n¨m tr­íc, tõ trong ®ªm tr­êng n« lÖ, phô n÷ c¸c d©n téc B¾c Giang ®· theo §¶ng lµm c¸ch m¹ng. N¨m 1927, khi ¸nh s¸ng c¸ch m¹ng theo ®­êng lèi chñ nghÜa M¸c - Lªnin räi chiÕu tíi ®Êt B¾c Giang, mét sè phô n÷ ®· tiÕp thu vµ tuyªn truyÒn réng r·i trong c¸c tÇng líp nh©n d©n t¹o lªn mét phong trµo c¸ch m¹ng rÇm ré trong tØnh. Tõ nh÷ng c¬ së c¸ch m¹ng thêi kú tiÒn khëi nghÜa, nh÷ng phô n÷ ­u tó ®· xuÊt hiÖn, gi¸c ngé c¸ch m¹ng cho quÇn chóng phô n÷, tËp hîp chÞ em ®øng lªn cïng nh©n d©n c¶ n­íc lµm cuéc c¸ch m¹ng th¸ng T¸m thµnh c«ng, tiÕn hµnh cuéc kh¸ng chiÕn chèng thùc d©n Ph¸p th¾ng lîi, ®¸nh b¹i ®Õ quèc Mü vµ bÌ lò tay sai, giµnh ®éc lËp, thèng nhÊt ®Êt n­íc.

          Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, phô n÷ B¾c Giang lu«n cã nh÷ng phong trµo g¾n liÒn víi sù ph¸t triÓn cña c¸ch m¹ng. ë mçi thêi kú, tuú theo t×nh h×nh, nhiÖm vô, Héi ®Ò ra nh÷ng phong trµo phï hîp ®Ó thu hót, tËp hîp lùc l­îng. Trong kh¸ng chiÕn chèng Ph¸p lµ phong trµo "Hò g¹o nu«i qu©n","Mïa ®«ng binh sü"; trong kh¸ng chiÕn chèng Mü lµ phong trµo “5 tèt”, "Ba ®¶m ®ang" vµ phong trµo “L¸ lµnh ®ïm l¸ r¸ch”; tõ sau ngµy ®Êt n­íc thèng nhÊt lµ phong trµo "Ng­êi phô n÷ míi x©y dùng vµ b¶o vÖ Tæ quèc"; nh÷ng n¨m gÇn ®©y lµ phong trµo'' Phô n÷ tÝch cùc häc tËp, lao ®éng s¸ng t¹o, x©y dùng gia ®×nh h¹nh phóc".

          Nh÷ng ®ãng gãp cña phong trµo phô n÷ B¾c Giang ®· ®­îc §¶ng vµ Nhµ n­íc ghi nhËn b»ng nhiÒu phÇn th­ëng cao quý dµnh cho c¸c tËp thÓ, c¸ nh©n:  2 chÞ ®­îc phong tÆng danh hiÖu Anh hïng, ®ã lµ chÞ Cao Kú V©n, Anh hïng lùc l­îng vò trang nh©n d©n vµ chÞ NguyÔn ThÞ Song, Anh hïng Lao ®éng; 238 bµ mÑ ®­îc phong tÆng MÑ ViÖt Nam anh hïng; nhiÒu tËp thÓ, c¸ nh©n ®· ®­îc trao tÆng Hu©n ch­¬ng, Huy ch­¬ng, B»ng khen c¸c lo¹i.

          Thµnh tùu cña phong trµo phô n÷ tØnh B¾c Giang ®¹t ®­îc trong hơn 80 n¨m qua, ®iÒu kh¼ng ®Þnh tr­íc tiªn lµ cã §¶ng vµ B¸c Hå lu«n lu«n ch¨m lo ®Õn sù nghiÖp gi¶i phãng phô n÷ vµ ph¸t huy vai trß, vÞ trÝ phô n÷ trong x· héi; lµ kÕt qu¶ cña qu¸ tr×nh phÊn ®Êu v­¬n lªn v­ît qua khã kh¨n, thö th¸ch, gian khæ, hy sinh cña ®«ng ®¶o chÞ em phô n÷; lµ vai trß cña Héi phô n÷ c¸c cÊp trong viÖc vËn ®éng, tËp hîp phô n÷ kÕt thµnh ®éi ngò chÆt chÏ, t¹o nªn søc m¹nh cïng nh©n d©n trong tØnh tiÕn hµnh th¾ng lîi sù nghiÖp x©y dùng vµ b¶o vÖ Tæ quèc.

          Nh×n l¹i chÆng ®­êng lÞch sö ®· qua, chóng ta thËt tù hµo vÒ nh÷ng ®ãng gãp cña phô n÷ B¾c Giang trong sù nghiÖp dùng n­íc, gi÷ n­íc vµ x©y dùng Chñ nghÜa x· héi. M¸u cña c¸c mÑ, c¸c chÞ cïng víi m¸u cña chång, con ®· t« th¾m trang sö vÎ vang cña d©n téc vµ quª h­¬ng.

          Trong giai ®o¹n c¸ch m¹ng hiÖn nay, d­íi sù l·nh ®¹o cña §¶ng bé tØnh, phô n÷ B¾c Giang tiÕp tôc ph¸t huy truyÒn thèng vÎ vang, ®oµn kÕt chÆt chÏ víi c¸c tÇng líp nh©n d©n, ®Èy m¹nh sù nghiÖp c«ng nghiÖp ho¸, hiÖn ®¹i ho¸ ®Êt n­íc, x©y dùng quª h­¬ng B¾c Giang ngµy cµng giÇu ®Ñp, d©n chñ, c«ng b»ng, v¨n minh.

PHỤ LỤC

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ ĐƯỢC ĐẢNG, NHÀ NƯỚC PHONG TẶNG:

 

I- CÁC NỮ ANH HÙNG

Anh hùng lao động:

Nguyễn Thị Song- xã Mai Trung- huyện Hiệp Hoà.

Anh hùng lực lương vũ trang:

Cao Kỳ Vân- xã Cao Thượng- huyện Tân Yên.

II. CÁC DANH HIỆU VÀ PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Năm 1986: Huân chương Lao động hạng Ba 1986

2. Năm 1996: Huân chương Lao động hạng Nhì

3. Năm 2000: Huân chương Lao động hạng Nhất

4. Năm 2004: Huân chương Độc lập hạng Ba

5. Năm 2009: Huân chương Độc lập hạng Nhì

III-CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

THÀNH PHỐ BẮC GIANG

Số TT

Họ và tên

Năm sinh

Ở xã, phường, thị trấn

Số liệt sĩ

 

2

3

4

5

1

Đỗ Thị Huệ

1900

Xã Thọ Xương

3 con

2

Trần Thị Tín

1907

Xã Song Mai

3 con

3

Nguyễn Thị Tuyết

1922

Xã Đa Mai

1 con độc nhất

4

Đỗ Thị Lẻo

1920

Xã Dĩnh Kế

1 con độc nhất

5

Nguyễn Thị Tám

 

Xã Song Mai

1 con độc nhất

6

Nguyễn Thị Tèo

 

Xã Song Mai

1 con độc nhất

7

Nguyễn Thị Giang

1913

Xã Đa Mai

1 con độc nhất

8

Đoàn Thị Nguyên

1916

Xã Đa Mai

1 con độc nhất

9

Nguyễn Thị Mùng

1906

Xã Dĩnh Kế

1 con độc nhất

10

Phùng Thị Yêm

1895

Xã Đa Mai

1 con độc nhất

11

Trần Thị Nghị

1908

Xã Đa Mai

1 con độc nhất

12

Nguyễn Thị Đến

 

Xã Song Mai

1 con độc nhất

13

Hoàng Thị Hàng

 

Xã Song Mai

1 con độc nhất

14

Nguyễn Thị Cớt

 

Xã Song Mai

1 con độc nhất

15

Nguyễn Thị Dung

1920

P.Trần Phú

1 con độc nhất

16

Cao Thị Hảo

1914

P.Trần Phú

1 con độc nhất

17

Đào Thị Sắc

1918

P.Ngô Quyền

1 con độc nhất

18

Nguyễn Thị Tuyết

1918

P.Lê Lợi

1 con độc nhất

19

Nguyễn Thị Dưỡng

1890

P.Trần Phú

1 con độc nhất

20

Tống Thị San

1913

P.Trần Phú

1 con độc nhất

21

Nguyễn Thị Chong

1920

P.Mỹ Độ

1 con độc nhất

22

Nguyễn Thị Muống

 

Xã Đa Mai

 

23

Nguyễn Thị Tần

 

Xã Xương Giang

 

HUYỆN VIỆT YÊN

 

 

2

3

4

5

24

Nguyễn Thị Tuân

1895

Xã Việt Tiến

3 con

25

Nguyễn Thị Dụt

1921

Xã Ninh Sơn

3 con

26

Nguyễn Thị Huê

1907

Xã Nghĩa Trung

3 con

27

Nguyễn Thị Dung

1899

Xã Việt Tiến

3 con

28

Nguyễn Thị Khiêm

1923

Xã Thượng Lan

1 con độc nhất

29

Thân Thị Vị

1916

Xã Hồng Thái

1 con độc nhất

30

Nguyễn Thị Ấm

1919

Xã Quang Châu

1 con độc nhất

31

Nguyễn Thị Đang

1901

Xã Ninh Sơn

1 con độc nhất

32

Thân Thị Cung

1910

Xã Hoàng Ninh

1 con độc nhất

33

Nguyễn Thị Mạo

1902

Xã Quang Châu

1 con độc nhất

34

Nguyễn Thị Muôn

1905

Xã Trung Sơn

1 con độc nhất

35

Dương Thị Bổn

1911

Xã Quảng Minh

1 con độc nhất

36

Hoàng Thị Khuyên

1909

Xã Quảng Minh

1 con độc nhất

37

Tạ Thị Tý

1898

Xã Quảng Minh

1 con độc nhất

38

Nguyễn Thị Mùi

1908

Xã Hương Mai

1 con độc nhất

39

Đỗ Thị Đúc

1905

Xã Hoàng Ninh

1 con độc nhất

40

Đỗ Thị Bi

1898

Xã Hoàng Ninh

1 con độc nhất

41

Nguyễn Thị Đào

1907

Xã Bích Sơn

1 con độc nhất

42

Nguyễn Thị Bỉ

1913

Xã Quang Châu

1 con độc nhất

43

Thân Thị Đúng

1925

Xã Hương Mai

1 con độc nhất

44

Đỗ Thị Hoan

 

Xã Quảng Minh

 

 

 

 

 

HUYỆN YÊN THẾ

1

2

3

4

5

45

Thân Thị Thơm

1916

Xã Đồng Kỳ

1 con độc nhất

46

Nguyễn Thị Nội

1913

Xã Đồng Lạc

1 con độc nhất

47

Phan Thị Mậu

1909

Xã Đồng Vương

1 con độc nhất

48

Nguyễn Thị Nga

1910

Xã Bố Hạ

1 con độc nhất

49

Nguyễn Thị Kiên

1908

Xã Đồng Kỳ

1 con độc nhất

50

Phạm Thị Cam

1906

Xã Tân Sỏi

1 con độc nhất

51

Nguyễn Thị Toàn

1893

Thị trấn Bố Hạ

1 con độc nhất

52

Vũ Thị Ri

1889

Xã Đồng Lạc

1 con độc nhất

53

Hoàng Thị Khánh

1906

Xã Tân Sỏi

1 con độc nhất

54

Đinh Thị Sơn

1934

Xã Tân Sỏi

1 con độc nhất

55

Trần Thị Hợi

1907

Xã Phồn Xương

1 con độc nhất

56

Nguyễn Thị Lanh

1907

Xã Hương Vỹ

1 con độc nhất

 

HUYỆN LỤC NGẠN

1

259

3

4

5

57

Nguyễn Thị Dịu

1908

Xã Kiên Thành

3 con

58

Nông Thị Nhông

1929

Xã Cấm Sơn

2 con

59

Nguyễn Thị Tý

1920

Xã Phượng Sơn

1 con độc nhất

60

Trần Thị Tần

1913

Xã Phượng Sơn

1 con độc nhất

61

Nguyễn Thị Sáo

1907

Thị trấn Chũ

1 con độc nhất

62

Nguyễn Thị Tuyết

1920

Xã Đèo Gia

1 con độc nhất

 

 

 

 

HUYỆN LỤC NAM

1

2

3

4

5

63

Nguyễn Thị Thi

1912

Xã Đan Hội

4 con

64

Nguyễn Thị Chích

1916

Xã Tiên Hưng

Chồng và 2 con

65

Nguyễn Thị Thiệp

1908

Xã Đan Hội

3 con

66

Nguyễn Thị Nhỡ

1920

Xã Nghĩa Phương

2 con

67

Nguyễn Thị Ty

1919

Xã Khám Lạng

1 con độc nhất

68

Bùi Thị Vấn

1925

Xã Thanh Lâm

1 con độc nhất

69

Nguyễn Thị Khuyên

1913

Xã Lan Mẫu

1 con độc nhất

70

Nguyễn Thị Phán

1925

Xã Lan Mẫu

1 con độc nhất

71

Lều Thị Trá

1927

Xã Lan Mẫu

1 con độc nhất

72

Vũ Thị Nứt

1923

Xã Nghĩa Phương

1 con độc nhất

73

Dương Thị Tươi

1910

Xã Yên Sơn

1 con độc nhất

74

Dương Thị Chậu

1903

Xã Phương Sơn

1 con độc nhất

75

Trương Thị Vui

1929

Xã Phương Sơn

1 con độc nhất

76

Dương Thị Sáu

1910

Xã Vũ Xá

1 con độc nhất

77

Nguyễn Thị Tín

1913

Xã Bình Sơn

1 con độc nhất

78

Đào Thị Ảnh

1916

Xã Vô Tranh

1 con độc nhất

79

Nguyễn Thị Quế

1904

Xã Lan Mẫu

1 con độc nhất

80

Nguyễn Thị Sửu

1920

Thị trấn Lục Nam

1 con độc nhất

81

Nguyễn Thị Nhờn

1908

Thị trấn Lục Nam

1 con độc nhất

82

Nguyễn Thị Đăng

1915

Xã Trường Sơn

1 con độc nhất

83

Phạm Thị Cái

1917

Xã Nghĩa Phương

1 con độc nhất

84

Nguyễn Thị Tư

1907

Xã Bảo Đài

1 con độc nhất

85

Vi Thị Ninh

1903

Xã Lục Sơn

1 con độc nhất

86

Vũ Thị Hạ

1884

Xã Huyền Sơn

1 con độc nhất

87

Đào Thị Kỳ

1911

Xã Huyền Sơn

1 con độc nhất

88

Nguyễn Thị Tòng

1911

Xã Huyền Sơn

1 con độc nhất

 

HUYỆN TÂN YÊN

1

2

3

4

5

89

Bùi Thị Nhữ

1925

Xã Quang Tiến

3 con

90

Hoàng Thị Nhàn

1923

Xã Quang Tiến

3 con

91

Bùi Thị Mắn

1919

Xã Ngọc Châu

3 con

92

Lưu Thị Chúc

1920

Xã Ngọc Vân

3 con

93

Nguyễn Thị Tý

1919

Xã Ngọc Châu

3 con

94

Phạm Thị Đoan

1904

Xã Hợp Đức

3 con

95

Dương Thị Bảng

1901

Xã Ngọc Châu

3 con

96

Nguyễn Thị Chuyên

1911

Xã Tân Trung

3 con

97

Lê Thị Khoản

1904

Xã Hợp Đức

3 con

98

Nguyễn Thị Ốc

1900

Xã Ngọc Thiện

3 con

99

Nguyễn Thị Tình

1893

Xã Hợp Đức

3 con

100

Lê Thị Tứ

1924

Xã Ngọc Thiện

2 con

101

Lương Thị Loan

1924

Xã An Dương

2 con

102

Nguyễn Thị Chín

1912

Xã Nhã Nam

2 con

103

Hoàng Thị Minh

1917

Xã Ngọc Lý

2 con

104

Nguyễn Thị Niệm

1912

Xã Quế Nham

1 con độc nhất

105

Nguyễn Thị Vân

1928

Xã Tân Trung

1 con độc nhất

106

Nguyễn Thị Đặng

1913

Xã Phúc Sơn

1 con độc nhất

107

Trần Thị Dầu

1908

Xã Ngọc Thiện

1 con độc nhất

108

Nguyễn Thị Đình

1923

Xã Ngọc Châu

1 con độc nhất

109

Nguyễn Thị Khuyên

1918

Xã Ngọc Đức

1 con độc nhất

110

Nguyễn Thị Thiện

1901

Xã Quế Nham

1 con độc nhất

111

Hoàng Thị Bảy

1902

Xã Ngọc Châu

1 con độc nhất

112

Lê Thị Phi

1911

Xã Ngọc Châu

1 con độc nhất

113

Nguyễn Thị Hoàn

1908

Xã Việt Ngọc

1 con độc nhất

114

Phạm Thị Tuyến

1910

Xã Phúc Sơn

1 con độc nhất

115

Nguyễn Thị Ba

1909

Xã Liên Sơn

1 con độc nhất

116

Vũ Thị Vy

1906

Xã Ngọc Lý

1 con độc nhất

117

Giáp Thị Kiền

1916

Xã Cao Xá

1 con độc nhất

118

Nguyễn Thị Vĩnh

1920

Xã Ngọc Thiện

1 con độc nhất

119

Đỗ Thị Xin

1905

Xã Ngọc Lý

1 con độc nhất

120

Trần Thị Hồi

1904

Xã Hợp Đức

1 con độc nhất

121

Trần Thị Trắc

1915

Xã Hợp Đức

1 con độc nhất

122

Giáp Thị Độ

1921

Xã Việt Lập

1 con độc nhất

123

Đỗ Thị Đùn

1908

Xã Việt Lập

1 con độc nhất

124

Đinh Thị Vốn

1925

Xã Việt Lập

1 con độc nhất

125

Nguyễn Thị Phấn

1919

Xã Việt Lập

1 con độc nhất

126

Nguyễn Thị Thanh

1894

Xã Ngọc Thiện

1 con độc nhất

127

Nguyễn Thị Tính

1906

Xã Cao Thượng

1 con độc nhất

128

Vũ Thị Nhã

 

Xã Song Vân

 

129

Nguyễn Thị Gái

 

Xã Ngọc Châu

 

 

HUYỆN YÊN DŨNG

1

2

3

4

5

130

Nguyễn Thị Muồng

1906

Xã Tân Liễu

Chồng và 2 con

131

Nguyễn Thị Nhận

1907

Xã Hương Gián

3 con

132

Bùi Thị Lát

1917

Xã Lăng Sơn

3 con

133

Chu Thị Thụ

1900

Xã Hương Gián

3 con

134

Nguyễn Thị Sen

1904

xã Tân An

2 con

135

Lê Thị Vượng

1914

Xã Tiến Dũng

1 con độc nhất

136

Lương Thị Chủ

1914

Xã Đồng Phúc

1 con độc nhất

137

Trần Thị Hưởng

1920

Xã Tân Mỹ

1 con độc nhất

138

Thân Thị Lượt

1921

Xã Tiền Phong

1 con độc nhất

139

Nguyễn Thị Dễ

1921

Xã Song Khê

1 con độc nhất

140

Nguyễn Thị Thơi

1924

Xã Hương Gián

1 con độc nhất

141

Hà Thị Bé

1918

xã Tân An

1 con độc nhất

142

Hoàng Thị Thanh

1922

Xã Tư Mại

1 con độc nhất

143

Phạm Thị Tôn

1920

Xã Tư Mại

1 con độc nhất

144

Vũ Thị Đỉnh

1924

Xã Đồng Phúc

1 con độc nhất

145

Nguyễn Thị Thật

1906

Xã Đồng Phúc

1 con độc nhất

146

Thân Thị Như

1915

Xã Nội Hoàng

1 con độc nhất

147

Nguyễn Thị Cải

1905

Xã Tiền Phong

1 con độc nhất

148

Vũ Thị Tân

1907

Xã Đức Giang

1 con độc nhất

149

Thân Thị Ngãi

1911

Xã Nội Hoàng

1 con độc nhất

150

Hà Thị Đồn

1907

Xã Tân An

1 con độc nhất

151

Đào Thị Sơ

1916

Xã Tân Mỹ

1 con độc nhất

152

Lưu Thị Ba

1911

Xã Cảnh Thuỵ

1 con độc nhất

153

Thân Thị Gần

1921

Xã Tiền Phong

1 con độc nhất

154

Nguyễn Thị Thìn

1901

Xã Yên Lư

1 con độc nhất

155

Trần Thị Cảnh

1913

Xã Lão Hộ

1 con độc nhất

156

Dương Thị Nghị

1908

Xã Nội Hoàng

1 con độc nhất

157

Trần Thị Hỉ

1901

Xã Nội Hoàng

1 con độc nhất

158

Nguyễn Thị Si

1903

Xã Đồng Phúc

1 con độc nhất

159

Dương Thị Nga

 

Xã Tiền Phong

1 con độc nhất

160

Nguyễn Thị Quýnh

1910

Xã Tiền Phong

1 con độc nhất

161

Đào Thị Y

 

Xã Quỳnh Sơn

1 con độc nhất

162

Đào Thị Tráng

1920

Xã Quỳnh Sơn

1 con độc nhất

163

Nguyễn Thị Điệt

1904

Xã Quỳnh Sơn

1 con độc nhất

164

Hoàng Thị Cần

1917

Xã Tân Mỹ

1 con độc nhất

165

Trần Thị Bé

1911

Xã Tân Mỹ

1 con độc nhất

166

Nguyễn Thị Sách

1912

Xã Yên Lư

1 con độc nhất

167

Doãn Thị Như

1920

Xã Tiền Phong

1 con độc nhất

168

Hoàng Thị Nhún

1906

Xã Xuân Phú

1 con độc nhất

169

Nguyễn Thị Huyền

1911

Xã Tư Mại

1 con độc nhất

170

Lê Thị Chập

1904

Xã Tân Mỹ

1 con độc nhất

171

Cao Thị Huần

1901

Xã Đồng Phúc

1 con độc nhất

172

Nguyễn Thị Thuần

1911

Xã Đồng Phúc

1 con độc nhất

173

Hoàng Thị Quyết

1900

Xã Lão Hộ

1 con độc nhất

174

Vũ Thị Đoàn

1906

Xã Cảnh Thuỵ

1 con độc nhất

175

Lưu Thị Tần

1898

Xã Cảnh Thuỵ

1 con độc nhất

176

Nguyễn Thị Tý

1904

Thị trấn Neo

1 con độc nhất

177

Lê Thị Gái

 

Xã Quỳnh Sơn

 

178

Nguyễn Thị Tam

 

Xã Tân Tiến

 

179

Nguyễn Thị Thơ

 

Xã Xuân Phú

 

180

Phan Thị Sộc

 

Xã Xuân Phú

 

181

Thân Thị Vuông

 

Xã Tân Liễu

 

182

Nguyễn Thị Chương

 

X ã Tân Liễu

 

183

Phạm Thị Tê

 

Xã Hương Gián

 

184

Nguyễn Thị Thẻ

 

Xã Đồng Phúc

 

185

Lưu Thị Cấp

 

Xã Cảnh Thuỵ

 

186

Nguyễn Thị Cỏn

 

Xã Cảnh Thuỵ

 

187

Lưu Thị Phan

 

Xã Tư Mại

 

188

Đàm Thị Lan

 

Xã Tư  Mại

 

                  

HUYỆN LẠNG GIANG

1

2

3

4

5

189

Hoàng Thị Xe

1922

Xã Tiên Lục

3 con

190

Bùi Thị Tòng

1914

Xã Mỹ Hà

3 con

191

Ngô Thị Đào

1907

Xã Dương Đức

3 con

192

Giáp Thị Tằm

1904

Xã Đại Lâm

3 con

193

Ngô Thị Đoán

1911

Xã Dương Đức

3 con

194

Phạm Thị Lọc

1908

Xã Dĩnh Trì

3 con

195

Phùng Thị Nhuận

1901

Xã An Hà

3 con

196

Ninh Thị Loan

1912

Xã Đào Mỹ

2 con

197

Lã Thị Chuyền

1910

Xã Dĩnh Trì

2 con

198

Nguyễn Thị Tý

1909

Xã Đào Mỹ

1 con độc nhất

199

Ngô Thị Sâm

1923

Xã Dương Đức

1 con độc nhất

200

Nguyễn Thị Kính

1920

Xã Dĩnh Trì

1 con độc nhất

201

Nguyễn Thị Ngoạt

1912

Xã Nghĩa Hoà

1 con độc nhất

202

Nguyễn Thị Hảo

1914

Xã Tiên Lục

1 con độc nhất

203

Nguyễn Thị Miên

1912

Xã Yên Mỹ

1 con độc nhất

204

Hoàng Thị Hề

1901

Xã An Hà

1 con độc nhất

205

Ngô Thị Bơ

1908

Xã Tân Dĩnh

1 con độc nhất

206

Trần Thị Ứng

1920

Xã Phi Mô

1 con độc nhất

207

Vũ Thị Tỉnh

1917

Xã Phi Mô

1 con độc nhất

208

Đỗ Thị Kế

1922

Xã Phi Mô

1 con độc nhất

209

Đào Thị Nụ

1913

Xã Thái Đào

1 con độc nhất

210

Hoàng Thị Thược

1925

Xã Xương Lâm

1 con độc nhất

211

Đoàn Thị Chuốt

1913

Xã Phi Mô

1 con độc nhất

212

Đào Thị Tý

1917

Xã Phi Mô

1 con độc nhất

213

Trần Thị Nhiên

1910

Xã Đào Mỹ

1 con độc nhất

214

Thân Thị Lã

 

Xã Mỹ Hà

 

215

Đồng Thị Mão

 

Xã Nghĩa Hưng

 

216

Nguyễn Thị Chạc

 

Xã Mỹ Thái

 

217

Đặng Thị Chanh

 

Xã Hương Lạc

 

218

Nguyễn Thị Lụa

 

Xã An Hà

 

219

Phạm Thị Hiên

 

Xã Tân Hưng

 

220

Nguyễn Thị Suy

 

Xã Yên Mỹ

 

221

Phạm Thị Hoà

 

Xã Mỹ Hà

 

 

HUYỆN HIỆP HOÀ

1

2

3

4

5

222

Ngô Thị Thử

1926

Xã Hoàng Vân

3 con

223

Hoàng Thị Huấn

1924

Xã Hùng Sơn

3 con

224

Nguyễn Thị Sửu

1921

Xã Đức Thắng

3 con

225

Nguyễn Thị Lịch

1923

Xã Mai Đình

3 con

226

Nguyễn Thị Hồ

1914

Xã Hương Lâm

3 con

227

Nguyễn Thị Cô

1895

Xã Thường Thắng

3 con

228

Nguyễn Thị Lời

1902

Xã Lương Phong

3 con

229

Ngô Thị Tiêu

1913

Xã Bắc Lý

3 con

230

Nguyễn Thị Tý

1923

Thị trấn Thắng

1 con độc nhất

231

Trương Thị Tín

1918

Xã Bắc Lý

1 con độc nhất

232

Nguyễn Thị Giao

1916

Xã Hương Lâm

1 con độc nhất

233

Nguyễn Thị Tam

1922

Xã Thái Sơn

1 con độc nhất

234

Nguyễn Thị Quây

1923

Thị trấn Thắng

1 con độc nhất

235

Đào Thị Mưu

1904

Xã Ngọc Sơn

1 con độc nhất

236

Chu Thị Sáu

1915

Xã Ngọc Sơn

1 con độc nhất

237

Nguyễn Thị Tín

1909

Xã Hoàng Lương

1 con độc nhất

238

Chu Thị Diễn

1916

Xã Mai Đình

1 con độc nhất

239

Âu Thị Bẻo

1909

Xã Mai Đình

1 con độc nhất

240

Chu Thị Tịch

1892

Xã Mai Đình

1 con độc nhất

241

Nguyễn Thị Xuân

1925

Xã Đức Thắng

1 con độc nhất

242

Nguyễn Thị Nhi

1918

Xã Đức Thắng

1 con độc nhất

243

Nguyễn Thị Tran

1910

Xã Bắc Lý

1 con độc nhất

244

Hoàng Thị Thanh

1924

Xã Lương Phong

1 con độc nhất

245

Nguyễn Thị Phụng

1926

Xã Lương Phong

1 con độc nhất

246

Dương Thị Đây

1914

Xã Hoà Sơn

1 con độc nhất

247

Nguyễn Thị Điêm

1914

Xã Hoà Sơn

1 con độc nhất

248

Dương Thị Cống

1901

Xã Hoà Sơn

1 con độc nhất

249

Vũ Thị Ân

1901

Xã Hoà Sơn

1 con độc nhất

250

Hồ Thị Lớn

1913

Xã Hợp Thịnh

1 con độc nhất

251

Hoàng Thị Dậu

1925

Xã Hoàng Thanh

1 con độc nhất

252

Nguyễn Thị Nụ

1910

Xã Hoàng Thanh

1 con độc nhất

253

Vũ Thị Thời

1909

Xã Hương Lâm

1 con độc nhất

254

Tạ Thị Cần

1920

Xã Hương Lâm

1 con độc nhất

255

Đặng Thị Lượng

1907

Xã Đoan Bái

1 con độc nhất

256

Tạ Thị Tần

 

Xã Đồng Tân

 

257

Nguyễn Thị È

 

Xã Hợp Thịnh

 

258

Nguyễn Thị Đầy

 

Xã Thường Thắng

 

259

Nguyễn Thị Hiếng

 

Xã Thái Sơn

 

260

Dương Thị Hân

 

Xã Ngọc Sơn

 

261

Tạ Thị Thắng

 

Xã Xuân Cẩm

 

262

Nguyễn Thị Bài

 

Xã Xuân Cẩm

 

263

Ngô Thị Toán

 

Xã Bắc Lý

 

264

Tạ Thị Đường

 

Xã Hương Lâm

 

 

 

HUYỆN SƠN ĐỘNG

1

2

3

4

5

265

Nông Thị Ẩm

 

Xã An Châu

1 con độc nhất

266

Nguyễn Thị Cát

1911

Xã An Châu

1 con độc nhất

267

Đinh Thị Cún

 

Xã An Lập

1 con độc nhất

268

Nguyễn Thị Cống

 

Xã Vĩnh Khương

1 con độc nhất

269

Hoàng Thị Xuân

 

Xã Vĩnh Khương

1 con độc nhất

270

Vũ Thị Gái

 

Xã An Châu

1 con độc nhất

271

Vũ Thị Kim

 

Xã Tuấn Đạo

1 con độc nhất

 



[1] . Vè

[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.188

[3] Vương Kiều Ân quê gốc ở thị xã Phủ Lạng Thương.

[4] . Một đồn điền của Táctaranh, đại địa chủ người Pháp.

[5] . Lúc này Phổ Yên, Phú Bình dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Bắc Giang.

[6] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.36

[7] . Đó là các ông: Ninh Văn Phan, Nguyễn Mạnh Khuông (tức Khách), Trần Kim Xuyến, Nguyễn Dương Hồng.

[8] . Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khoá I gồm 22 đại biểu.

[9] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.480.

[10] . Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 6, Sư đoàn 308 có thành tích đánh thắng địch trong trận Lũng Vài (đường số 4) nên được đặt tên là Lũng Vài.

 

Ngụy Thị Tuyến Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

 

User Online: 12,505
Total visited in day: 2,026
Total visited in Week: 4,719
Total visited in month: 2,025
Total visited in year: 608,655
Total visited: 1,579,727